Có câu chuyện vui. À mà không biết là vui hay buồn. Rầm hay lễ gì đó nhà luộc gà cúng. Cúng xong đem bỏ cả con chứ không dám ăn.
Đầu mùa khô năm năm 2003, trời oi nóng hệt như cảnh nắng mà Nguyễn Ngọc Tư từng miêu tả. Phía trước nhà, những cánh đồng vừa gặt còn trơ gốc rạ. Dưới nắng trưa từng luồn hơi đất bốc lên, ngoằn ngoèo như những vệt nước sôi làm nhòe nhoẹt tầm mắt xa, rơm nổ lốp đốp mà sao nghe vắng lặng. Lúc đó tôi vừa lên chín. Tuổi thơ tôi gắng chặt với cánh đồng này, đến nỗi đã hơn chục năm trôi qua tôi vẫn còn nhớ như in tất cả về nó: bắt cá, bắt cua, đào dế, thả diều, nướng cốm... chuyện vui kể làm sao hết. Nhưng, chuyện buồn cũng mênh mông.
Năm đó, em trai tôi mất. Mẹ tôi tìm thấy nó ở cái ao bên hong nhà, cập mé bờ ruộng. Cả gia đình như chết điếng. Nhà có hai anh em mà tôi vô tâm với nó, nhiều khi hùa theo mấy đứa trong xóm ăn hiếp nó, làm nó đau, nó khóc, chửi nó, xô nó té mà nó vẫn thương. Mới 4 tuổi đầu mà nó ngoan và lễ phép hơn tôi nhiều, ai cũng thương cũng mến. Nó thiệt đẹp trai, người ta khen nhìn giống hệt Lam Trường, còn tôi như bị bỏ ra rìa, vừa lầm lì vừa xấu tính, phá phách. Lúc nó đi cả xóm tiếc xót, bên nội bên ngoại buồn não ruột. Rồi cả mấy năm về sau, nhắc tới nó ba mẹ cũng hãy còn nhớ, hồi rưng rung nước mắt. Tới lúc biết thương nó thì trể tràng. Tội, còn quá nhỏ không thờ ở nhà được phải gửi Chùa, có mình ên trong đó, mỗi năm vô thăm chỉ một lần. Còn cái thân thì nằm lại dưới khoảng đất phía xa trên cánh đồng, nơi mà mùa khô, hơi đất lên nhìn không thấy rõ.
Lúc nó mất là lần đầu tiên mà ba tôi yếu đuối, lần đầu tiên tôi thấy mẹ và bà khóc, cũng là lần đầu tiên ba nỡ tát tôi: "Sao mày không biết giữ em???" Tôi giận ba, uất ức trong lòng, nội dỗ dành rồi dắt về với nội.
Nhà còn lại có một đứa, bao nhiêu tình thương tôi hưởng trọn. Mẹ cưng chiều tôi hơn.
Năm sau, chú Út và ba tôi hùng nhau nuôi gà. Một trại gà mấy ngàn con (không nhớ cụ thể, chỉ nhớ là nhìn đâu cũng thấy gà, đến nỗi mỗi lần giận mẹ tôi lấy cây vờn liệt vài con) được xây cất rộng rãi, đúng qui trình chăn nuôi thời đó hẳn hoi. Xuất chuồng đợt đầu, đợt hai lời nhiều nên mừng húm. Lần sau đầu tư thêm để mở rộng chuồng trại. Năm này mẹ tôi lại sắp có em bé, ba tôi mừng gấp đôi. Vậy là lo chăm chỉ làm ăn, niềm vui như hiện rõ trên gương mặt của từng thành viên trong gia đình, nỗi buồn cũ tạm lắng.
Mà, lời thì có lời, nhưng cũng khổ cái khoảng chăm sóc, mùi hôi thối, chưa kể ruồi dòi bọ từ phân bò ra lễnh nghễnh ngoài đất. Ăn uống cơm canh luôn phải coi chừng che đậy. Dùng miếng dán ruồi cũng vô tác dụng, hại ngược lại. Con chó mực ăn phải bã ruồi chết lăn lóc ngoài đồng ngó tội nghiệp.
Nhưng tất cả có được bao lâu đâu. Cuối 2003 đến 2005 dịch cúm H5N1 lan rộng, những hộ chăn nuôi như gia đình tôi linh cảm được điều gì xấu lắm. Chuyện gì đến cũng phải đến. Ba bảo mẹ và tôi về ngoại ở ít hôm. Đó thực sự là khoảng thời gian khủng hoảng nhất và tồi tệ nhất mà gia đình tôi phải trải qua. Xong xuôi mọi chuyện ở nhà ba vào rước mẹ con tôi về, chiều còn nhậu với ông ngoại và mấy cậu, đến tối ba mẹ cải nhau. Thằng bé như tôi chỉ biết ngồi khóc. Ba mẹ nhắc lại chuyện thằng em, rồi hai người cũng nghẹn không nên lời. Mẹ không chịu về, ba thì say, vẫn quyết cõng tôi đi. Đoạn đường từ nhà ngoại về đến nhà tôi gần một tiếng, đá sỏi còn nhấp nhô, tối đen như mực, chân ba liu xiu không vững, chắc ba mỏi dữ, tôi nửa tỉnh nữa thiếp đi trên lưng ba.
Sáng hôm sau khi tôi thức dậy tôi đã nằm trên giường của mình, ba còn ngủ. Đi ra ngoài sân, bên hong, sau vườn, lông gà còn rớt đầy mà thoáng không thấy một con, yên lặng mà sao nghe trĩu lòng. Cả ngày nhìn mặt ba buồn rầu tôi cũng lủi thủi không nói không rằng với ai, không thèm đi chơi với mấy đứa con nít trong xóm. Nghe người ta kể chôn gà cũng ở cánh đồng trước mặt. Gà thì nằm dưới lớp đất dày nhưng tôi vẫn nhìn thấy được, rất rõ cái chổ mà công sức của ba, của mẹ, của chú tôi bị vùi lấp. Ba và chút Út xót gà lời qua tiếng lại, đâm mâu thuẫn. Cũng trong cái mùa khô cháy da cháy thịt.
Có câu chuyện vui. À mà không biết là vui hay buồn. Rầm hay lễ gì đó nhà luộc gà cúng. Cúng xong đem bỏ cả con chứ không dám ăn.
Mấy tháng trôi qua, rồi đâu cũng lại vào đấy. Tạm gác chuyện buồn, ba lên Sài Gòn làm, ở trên đó đồng lương thong thả hơn có thể lo cho mẹ tôi sắp sinh em.
Cứ mỗi cuối tuần tôi mang ghế ra trước cửa, lật ngã ngang đặng ngồi trên vành ghế. Ngó phía xa cánh đồng có một con lộ lớn, từ con lộ có một bờ đất đấp dài nối tới liền nhà tôi. Ba hay về theo đường đó. Ba mua bánh bò, bánh tiêu, bánh bao, hoặc đôi khi là thịt quay, đồ chơi cho tôi. Nhà chưa có điện thoại toàn nghe ké hàng xóm nên ba ít gọi về, chờ lâu không thấy thì biết phải tuần sau mới gặp. Nhà đương vách lá, ngồi chờ miết nhá nhem tối, mấy con dơi chộn rộn làm sột soạt trong vách rớt xuống vài tàn rụng lẫn cả phân, bất cẩn có con còn bị rơi té phành cánh ra bay kêu chút chít. Mẹ bảo vào nhà coi chừng muỗi mới chịu kéo ghế vô.
Đêm mà mẹ sắp sinh, mẹ trở mình kêu tôi dậy. Đẻ đây là đứa thứ ba nên không còn đau nặng, mẹ nói lát nội sẽ xuống ngủ với tôi, giờ mẹ đi kêu xe ôm chở mẹ vô bệnh viện. Mẹ tự đi.Tôi ở nhà như vậy, nhà gần trường, đi học về thì ghé nội ăn cơm. Ba tôi cùng bà ngoại ở bệnh viện nuôi mẹ. Hôm ba dẫn tôi vào thăm em, tôi háo hức lắm. Mà nhìn thằng em tôi thấy ngộ quá chừng, hỏi mẹ "Ủa sao nó nhăn như con khỉ vậy mẹ?"
Giờ nó mười tuổi rồi, bằng tôi lúc vào thăm nó. Nó thì không may mắn như tôi, tuổi thơ của nó gắng với khu chợ, gắng với máy tính. Cánh đồng này xa xôi với bọn trẻ con thời nó.
Thứ Ba, 5 tháng 1, 2016
Cánh đồng
18:54
No comments
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
0 nhận xét:
Đăng nhận xét