Ai yêu mến “Tam Quốc diễn nghĩa” đều nhớ mặt, nhớ tên những danh tướng nổi tiếng của quân Thục Hán như nhóm “ngũ hổ tướng”, hay của bên Đông Ngô như Chu Du, Lục Tốn, Lã Mông… thế nhưng lại ít biết đến các danh tướng nhà Tào Nguỵ. Nước Ngụy cũng có một đại tướng quân uy danh hiển hách, về tài trí không thua kém gì những anh hùng Ngô, Thục. Người chúng tôi muốn nói đến hôm nay là đệ nhất danh tướng Trương Liêu.
Thời Tam Quốc có 4 trận chiến nổi tiếng, quyết định thế cục thiên hạ là các trận: Hổ Lao Quan, Quan Độ, Xích Bích và Di Lăng. Quân số đông đảo của cả hai bên đều trên 70 vạn người và có khi sự chênh lệch về lực lượng giữa hai bê có thể lên đến 10 lần, tính chất vô cùng ác liệt.
Những trận đánh với quy mô lớn, đã thể hiện sự khốc liệt của chiến tranh và sự thông minh của tài trí con người.Thế nhưng, đó chưa phải là sự chênh lệch lớn nhất. Có một trận đánh chỉ có quy mô trung bình nhưng sự chênh lệch quân đội hai bên lên tới 125 lần và phần thắng lại thuộc về bên ít quan hơn. Đó là trận đánh có sự chênh lệch cực lớn, giữa một bên chỉ có 800 quân với một bên có tới 100.000 quân.
Trương Liêu chính là người dẫn đầu cuộc tập kích nổi tiếng ở bến Tiêu Diêu ấy. Đó là trận đánh đã làm tinh thần của quân Đông Ngô giảm sút nghiêm trọng, đồng thời tạo nên tên tuổi cho Trương Liêu.
Đệ nhất danh tướng nhà Tào Nguỵ
Trương Liêu (169 – 222), tự Văn Viễn, là một trong những tướng quân nổi tiếng nhất thời Tam Quốc. Theo chính sử Trung Quốc, xét theo phương diện mưu lược, thiện chiến trên sa trường, Trương Liêu chính là “đệ nhất nhân” trong của nhà Tào Ngụy. Trong “Tam Quốc Chí”, Trần Thọ xếp Trương Liêu vào nhóm “ngũ tử lương tướng” của Tào Ngụy, bên cạnh Nhạc Tiến, Vu Cấm, Trương Cáp và Từ Hoảng. “Tào Ngụy nhiều danh tướng, song người đứng đầu không ai khác ngoài Trương Liêu”.
Trương Liêu – Một trong ‘ngũ tử tướng’ nhà Tào Nguỵ.Dưới trướng Tào Tháo, Liêu được làm Trung lang tướng, phong tước Quan Nội Hầu. Sau này, chiến công của Trương Liêu ngày càng hiển hách, nên được phong làm Bì tướng quân (phó tướng). Trương Liêu cùng Tào Tháo nam chinh bắc chiến, tham gia thảo phạt Viên Thiệu, bình định Hà Bắc, chiếm Kinh Châu… liên tiếp lập nhiều đại công, trở thành trụ cột của nhà Tào Ngụy. Tào Tháo diệt được Viên Thiệu xong, lại dẫn Trương Liêu theo tới Lê Dương chinh phạt liên quân Viên Đàm – Viên Thượng. Kết thúc thắng lợi, Liêu được thăng làm Trung Kiên tướng quân.
Sau đó, Trương Liêu tiếp tục tấn công Âm An, theo Tào Tháo đánh Nghiệp Thành, hạ Triệu Quốc, Thường Sơn. Năm 205, Ngụy tiêu diệt thành công Viên Đàm. Khi Trương Liêu trở về Nghiệp Thành, Tào Tháo đích thân nghênh đón và ngồi chung xe với Liêu. Trương Liêu được phong làm Đãng Khấu tướng quân. Tiếp đó, Liêu soái binh tấn công Kinh Châu, đánh bại Lưu Bị, bình định các huyện Giang Hạ, được sắc phong Đô Đình Hầu.
Tào Tháo rất vui vì quanh mình có rất nhiều hổ tướng.Trận chiến bến Tiêu Diêu – Cuộc so tài kinh điển với Tôn Quyền
Trận đánh kinh điển trong cuộc đời binh nghiệp của Trương Liêu là trận chiến Hợp Phì với Tôn Quyền. Năm 208, sau khi đại bại ở Xích Bích, Tào Tháo phái Trương Liêu, Lý Điển, Nhạc Tiến dẫn quân về đóng ở Hợp Phì. Tháng 8 năm 215, Tôn Quyền đích thân thống lĩnh 100.000 quân bao vây Hợp Phì, hòng tiêu diệt 7000 quân Tào Ngụy.
Lúc này, Tào Tháo đang dẫn binh đi chinh phạt miền Tây nên không thể điều quân cứu Hợp Phì. Tình thế của Trương Liêu cùng ba quân vô cùng nguy hiểm, không khác nào trứng treo đầu gậy. Ngoài ra vào lúc đó nội bộ quân Tào Ngụy lại còn rất bất hòa, các tướng lĩnh không ưa gì nhau, thậm chí còn có thù hằn cá nhân (giữa Trương Liêu và Lý Điển).
Vì biết trước việc quân Đông Ngô sẽ đánh Hợp Phì, nên trước lúc dẫn quân đi Tào Tháo có để lại một chiếc tráp, nói với họ rằng khi quân Đông Ngô đánh tới thì mới mở ra coi. Trong tráp là quân lệnh: “Khi quân địch tới, Trương Liêu và Lý Điển ra nghênh chiến, Nhạc Tiến ở lại giữ thành, Tiết Đễ không được tham chiến”.
Tào Tháo trước khi đi đã để lại một chiếc tráp, chỉ khi quân tình nguy cấp các tướng mới được mở ra, bên trong có kế giữ thành.Nhạc Tiến, Lý Điển tỏ ra hoài nghi về tính khả thi của mệnh lệnh này, cảm thấy rất hoang mang bối rối không biết làm thế nào. Chỉ có Trương Liêu nói: “Nếu ngồi đợi viện binh của Tào công đến nơi, thì quân ta đã bị quân Đông Ngô tiêu diệt rồi. Hiện tại, kế sách chỉ có một, đó là chủ động tấn công trong lúc quân Ngô chưa kịp ổn định. Làm vậy có thể tiêu hao sĩ khí Đông Ngô, làm yên lòng quân ta, vậy thì mới thủ được thành”.
Lý Điển vốn dĩ có hiềm khích riêng với Trương Liêu, ngay sau khi nghe Trương Liêu nói đã khẳng khái đứng dậy nói: “Vì đại sự của quốc gia, ta sẽ chấp nhận mưu kế của ông, ta làm sao có thể vì ân oán riêng tư mà xem nhẹ việc chung được, ta sẽ cùng ông xuất chiến”. Ngay trong đêm đó, Trương Liêu chọn 800 binh sĩ tinh nhuệ, giết trâu mở tiệc để khao thưởng binh sĩ.
Sáng sớm ngày hôm sau dẫn quân đi nghênh chiến 10 vạn đại quân Đông Ngô. “Trương Liêu mặc giáp tiên phong, dũng mãnh vô cùng; lao vào đánh chớp nhoáng, trong chốc lát đã giết 2 tướng, và mấy chục quân lính của Đông Ngô”. Trương Liêu hùng hổ vỗ ngực hô to: “Trương Liêu ở đây!”
Trương Liêu, cầm quân đánh thẳng vào giữa trung tâm quân Ngô, dũng cảm vô song.Việc bị tập kích bất ngờ khiến quân Ngô chấn động. Tôn Quyền trong tức thời không xử lý thế nào, chỉ biết dồn quân về một gò đất nhỏ để thủ. Trương Liêu hô to thách thức Tôn Quyền có gan thì xuống quyết nhất tử chiến. Tôn Quyền thì vẫn chưa định thần lại được nên lặng yên không phản ứng.
Sau khi quan sát thấy đội quân của Trương Liêu chỉ có khoảng vài trăm người, Tôn Quyền mới lệnh cho quân lính bao vây quân của Trương Liêu. Trương Liêu thấy vậy liền tả xung hữu đột phá được vòng vây thoát ra ngoài nhưng khi quay lại thấy quân sĩ của mình bị kẹt không ra được. Trương Liêu dũng mãnh quay trở lại tiền tuyến giải cứu binh sĩ.
Quân đội của Tôn Quyền do chưa định thần lại nên tuy đông nhưng không ai dám cản đường. Cuối cùng Trương Liêu rút quân về thành Hợp Phì an toàn. Trận chiến đầu tiên đã thắng lợi, làm cho tinh thần các tướng sĩ và quân lính rất phấn khởi. Quân Ngụy ổn định chỉnh đốn lại quân ngũ để sẵn sàng thủ thành. Lúc này các tướng lĩnh ai cũng bội phục Trương Liêu, toàn quân trở nên đoàn kết, bừng bừng khí thế và tin tưởng sẽ thủ thành thành công.
Bên phía quân Ngô sau khi bị tập kích bất ngờ, Tôn Quyền quyết tập hợp toàn quân tiến vào bao vây thành Hợp Phì. Nhưng do Hợp Phì xây dựng rất kiên cố, tường thành vừa cao vừa chắc chắn, có rất nhiều cột gỗ, cột đá và các thiết bị phòng ngự.
Quân Tôn Quyền rầm rộ kéo đến tấn công, nhưng các tướng giữ thành nhà Tào Nguỵ cũng vô cùng kiên cố, không dễ mà công thành được.Các tướng của quân Ngô tấn công mấy chục ngày cũng không phá được thành, đúng lúc đó quân Ngô lại bị bệnh dịch, kéo dài lâu thì sợ quân chủ lực của Tào Tháo kéo về, nên Tôn Quyền đành phải lui binh. Vì số lượng quân lớn nên Tôn Quyền lệnh chia quân thành từng tốp, từng tốp từ từ rút về, mà Tôn Quyền cùng một số tướng lĩnh lại đi trong tốp cuối.
Khi Tôn Quyền rút quân, Trương Liêu đứng trên cổng thành quan sát thấy rõ, liền cùng với các tướng Nhạc Tiến, Lý Điển lên kế hoạch tập kích. Khi tốp quân của Tôn Quyền rút lui về đến Tiêu Diêu, Trương Liêu sai người phá cầu Tiêu Diêu và dẫn kỵ binh tập kích từ hai hướng đánh kẹp. Quân Đông Ngô khốn đốn vì bị đánh bất ngờ, Cam Ninh cùng Lữ Mông vất vả chống đỡ với Liêu. Lăng Thống đột phá vòng vây mở đường cho Tôn Quyền chạy thoát.
Tôn Quyền bị đánh bất ngờ, nhất thời chưa thể định thần ngay được, chống đỡ hết sức vất vả.Nào ngờ cầu Tiêu Diêu đã bị phá, nhiều ngựa chạy trước đã lao cả xuống sông, Tôn Quyền không thể chạy tiếp được. Lúc này các tướng bên Đông Ngô cố gắng kiềm chế Trương Liêu, và nói với Tôn Quyền rằng hãy lui ngựa lại lấy đà phi nước đại thì có thể may mắn sang được sông. Quyền không còn cách nào khác liều làm thử, nào ngờ ngựa phi được sang bên kia cầu, may mắn thoát chết.
Video: Trận chiến Hợp Phì, nơi Trương Liêu làm quân Ngô khiếp sợ
Trận này Trương Liêu chỉ có ít quân mà đánh cho quân Đông Ngô khốn đốn, làm kinh động nước Ngô. Thất bại cay đắng ở Hợp Phì khiến Tôn Quyền “ôm hận cả đời”. Tào Tháo đánh chiếm Hán Trung xong, vô cùng khâm phục sự dũng cảm của Trương Liêu nên thăng cho ông lên làm Chinh đông đại tướng quân.
Trận chiến này được lịch sử Trung Quốc gọi là “Trương Liêu uy chấn bến Tiêu Diêu”, là chiến dịch kinh điển mà phần thắng thuộc về phe thiểu số. Trong “Tam Quốc diễn nghĩa”, trận chiến này được miêu tả rất kỹ lưỡng trong hồi 67: “Bình Hán Trung, Tào Tháo thành công. Bến Tiêu Diêu, Trương Liêu khét tiếng”. La Quán Trung nhắc đến một chi tiết rất ấn tượng: “Trẻ con nước Ngô nghe nhắc tên Trương Liêu ban đêm không dám khóc“.
Ánh Trăng
Hữu Bằng hiệu đính
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2f8Y0l6
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét