Cô gái trẻ xinh đẹp Matsuri Takahashi đã trầm mình từ ký túc xá công ty vào cuối tháng 12 năm 2015. Gần một năm sau, các quan chức Tokyo xác nhận cô tự tử vì quá căng thẳng trong công việc.
Cô không phải là một trường hợp hiếm gặp tại Nhật Bản, quốc gia đang đối mặt với một vấn nạn mà họ gọi là karoshi – nghĩa là tử vong vì làm việc quá sức.
“Cô Takashi tự tử do bị trầm cảm nghiêm trọng trước tình trạng làm việc quá tải và bị quấy rối”, ông Hiroshi Kawahito, một luật sư đại diện cho vụ việc của cô, nói với CNNMoney. Các cơ quan chức năng cho biết, cô Takashi đã phải làm việc ngoài giờ khoảng 105 tiếng trong tháng mà cô quyết định tự sát.
Chính quyền Nhật Bản mới kết luận cô Matsuri Takahashi tự tử vì làm việc quá sức (Ảnh: Asahi)
Một nghiên cứu gần đây của chính phủ Nhật Bản cho thấy cứ 5 người lao động thì có một người có nguy cơ làm việc đến chết.
Khái niệm karoshi lần đầu tiên được sử dụng vào những năm 1970 trong thời kỳ Nhật Bản phát triển thần tốc về kinh tế sau Thế chiến thứ II.
“Các bác sĩ bắt đầu thấy một số nhân viên có vẻ khỏe mạnh nhưng đột ngột tử vong”, ông Scott Bắc, giáo sư xã hội học tại Đại học Osaka cho biết. Ông nói thêm: “Họ vận dụng những kiến thức của họ về các bệnh tim mạch cùng với tình huống mà họ quan sát được, sau đó suy luận rằng tình trạng làm việc quá sức đã giết chết những người này.”
Người Nhật tranh thủ chợp mắt trên tàu điện trước khi đến công sở (Ảnh: Flickr)
Từ những năm 1980, các luật sư lao động và các nhóm công dân đã vận động chính quyền thay đổi pháp luật để công nhận karoshi là một vấn nạn xã hội nghiêm trọng, theo CNN. Sau nhiều năm cố gắng, họ đã đạt được một văn bản luật vào năm 2014 trong đó kêu gọi các doanh nghiệp cải thiện môi trường làm việc. Tuy nhiên, quy định này không ép buộc các doanh nghiệp phải có hành động cụ thể nào, theo nhận định của các chuyên gia.
“Giới doanh nghiệp Nhật Bản đã phủ nhận karoshi vì họ coi việc nhân viên làm ngoài giờ là chuyện bình thường”, ông Jeff Kingston, giám đốc nghiên cứu châu Á tại Đại học Temple ở Tokyo cho biết.
Mới đây, chính quyền Nhật Bản cũng xác nhận rằng karoshi là nguyên nhân dẫn đến cái chết của một nhân viên tập sự người Philippines 27 tuổi vào năm 2014.
Vụ việc gây sốc của cô Takahashi và trường hợp của nam thanh niên Philippines đã đưa đến một sự chuyển biến rõ rệt về thái độ của các doanh nghiệp và chính quyền, theo luật sư Kawahito, Tổng thư ký Hội luật sư Quốc gia bảo vệ các nạn nhân Karoshi.
Công ty Dentsu, nơi mà cô Takahashi làm việc, tuyên bố sẽ giảm giờ làm thêm tối đa xuống còn 65 giờ mỗi tháng.
Thủ tướng Shinzo Abe đã chỉ đạo kế hoạch sửa đổi luật lao động để hạn chế thời gian làm việc ngoài giờ với người lao động. Một phát ngôn viên của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho biết chính phủ sẽ công bố kiến nghị của mình vào tháng 3 năm 2017.
Cha mẹ cô Takahashi, nạn nhân của vấn nạn karoshi, tham dự một buổi họp báo vào tháng 10 năm 2016 (Ảnh: Asahi)
Luật sư Kawahito, người đại diện cho các vụ karoshi từ cuối những năm 1980, cho biết ông hy vọng Quốc hội sẽ sớm ban hành luật về vấn đề này.
“Công chúng đang gây áp lực nhiều hơn đối với chính phủ Nhật Bản và các doanh nghiệp để giải quyết vấn nạn karoshi”, ông nói.
Liên đoàn doanh nghiệp Nhật Bản (được gọi là Keindanren) đã kêu gọi các công ty ngừng ép nhân viên làm việc quá tải.
Tuy nhiên, lời kêu gọi của họ không đủ làm hài lòng một số quan sát viên.
Ông Kingston cho rằng: “Họ hành động quá muộn khi kêu gọi các (doanh nghiệp) thành viên ngừng làm một điều mà ai cũng biết trong nhiều thập kỷ. Một phụ nữ trẻ đã phải tự tử và một loạt các diễn biến pháp lý cuối cùng mới thúc đẩy được Keidanren làm điều mà lẽ ra nó phải làm từ lâu rồi.”
Mai Lan
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2gwPY6X
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét