Thứ Hai, 28 tháng 11, 2016

Học sinh cá biệt khiến cô giáo phiền lòng, nhưng khi tìm hiểu về em, cô thực chấn động…

Ngày khai giảng đầu tiên, cô giáo Thompson đứng trước mặt các học sinh lớp 5 của mình và nhìn cả lớp một lượt. Cô trìu mến nói rằng cô sẽ yêu thương mỗi em nhiều như nhau. Nhưng dường như điều này là không thể…

Ngồi hàng ghế đầu tiên có một bé trai tên là Teddy Stoddard. Cô phát hiện rằng Teddy luôn tách biệt mình khỏi các bạn trong lớp. Cậu bé lúc nào cũng ăn mặc nhếch nhác, quần áo lấm lem bụi bẩn, người cũng không sạch sẽ, hơn nữa lại thường xuyên bị các bạn học chế giễu. Kết quả học tập của Teddy khá tệ, vì vậy mà Thompson luôn phải dùng bút đỏ gạch chéo lên bài thi của cậu.

Không lâu sau, nhà trường yêu cầu các giáo viên thẩm định thông tin về từng học sinh trong những năm học trước. Lý lịch của Teddy có lẽ là “tai tiếng” nhất lớp, bởi vậy cô Thompson đã xếp tập hồ sơ vào vị trí cuối cùng. Thế nhưng sau đó cô đã vô cùng kinh ngạc trước những gì mình phát hiện.

Thầy chủ nhiệm lớp 1 của Teddy viết: “Teddy là một đứa bé thông minh, luôn tươi cười vui vẻ. Bài tập ghi rất sạch sẽ, rất có lễ phép, cậu bé mang đến niềm vui cho mọi người xung quanh”.

Thầy giáo lớp 2 viết: “Teddy là một học sinh ưu tú, luôn được bạn bè yêu mến, nhưng cậu bé lại buồn rầu bởi căn bệnh ung thư của mẹ đã đến giai đoạn cuối, cuộc sống gia đình cũng vô cùng khó khăn”.

Thầy giáo lớp 3 viết: “Mẹ qua đời là một bi kịch rất lớn đối với Teddy. Cậu bé muốn cố gắng nhưng cha lại không có ý thức trách nhiệm, nếu không áp dụng biện pháp nào đó thì gia đình sẽ gây ra nhiều ảnh hưởng bất lợi đối với Teddy”.

Thầy giáo lớp 4 viết: “Tính tình của Teddy rất quái gở, không có hứng thú với học tập. Cậu bé không có người bạn nào, hay ngủ gật trên lớp”.

Đọc đến đây, nước mắt Thompson tuôn trào, dường như những dòng chữ cũng nhòe đi trong nước mắt.

Đến lễ Giáng Sinh năm đó, khi các em học sinh tặng quà cho cô Thompson, cô lại càng hổ thẹn hơn nữa. Quà của các em đều được bọc trong giấy lụa sặc sỡ, bên trên còn có dải ruy băng thắt nơ xinh xắn, duy chỉ có Teddy là không phải vậy.

Món quà của cậu bé bọc trong loại giấy rất dày và thô ráp, có lẽ đó là giấy tận dụng từ chiếc túi tạp hóa. Cô Thompson phải rất khó khăn mới mở được món quà. Đó là một chiếc vòng tay bằng đá thủy tinh đã mất một viên và một lọ nước hoa chỉ còn 1/4 lọ. Cô vội ngăn lại tiếng cười chế giễu của cả lớp, đồng thời khen vòng tay rất đẹp, cô đeo vòng trên tay, sau đó còn thoa một ít nước hoa lên cổ tay.

Sau buổi học hôm đó, Teddy Stoddard đã nấn ná ở lại cuối cùng để nói với cô: “Cô Thompson, mùi hương trên người cô hôm nay giống mẹ con trước kia lắm! Con thấy nhớ mẹ con, cô à…”. Sau khi các học sinh ra về hết, cô đã khóc hàng giờ liền.

Cũng từ ngày đó trở đi, thay vì chỉ chăm chú nghiên cứu cách dạy đọc, viết văn, làm phép toán, cô Thompson còn tìm cách gắn kết các học sinh trong lớp, để các em biết thông cảm và yêu thương nhau nhiều hơn. Cô cũng thường ở lại hàng giờ để kèm cặp Teddy theo kịp các bạn cùng lớp. Nhờ sự ân cần dạy bảo của cô, đầu óc cậu bé đã trở nên linh hoạt… Cô càng khích lệ, phản ứng của cậu bé lại càng nhanh nhẹn.

Đến cuối năm, Teddy đã trở thành cậu bé thông minh nhất lớp, cho dù cô đã từng nói sẽ yêu thương các học sinh đều như nhau, nhưng không biết từ lúc nào Teddy đã trở thành “con cưng” của cô. Một năm sau, Thompson phát hiện một mảnh giấy ở khe cửa nhà mình. Dòng chữ trên đó là của Teddy, cậu bé viết rằng, cô là cô giáo tuyệt vời nhất mà cả đời cậu bé gặp được. 6 năm sau, cô lại nhận được một lá thư khác của Teddy. Cậu bé giờ đã tốt nghiệp trung học, thành tích xếp hạng đứng thứ 3 trong lớp, và cô vẫn là cô giáo tuyệt vời nhất mà cậu bé từng gặp.

Nhiều năm sau, Thompson nhận được một phong thư, lần này Teddy kể rằng sau khi tốt nghiệp đại học, cậu vẫn ở lại trường để đào tạo chuyên sâu. Cậu còn nói cô Thompson vẫn là cô giáo tuyệt vời nhất mà cả đời cậu gặp được. Cuối thư là chữ ký Tiến sĩ y khoa Teddy F. Stoddard.

Mùa xuân năm đó, Teddy lại gởi một phong thư kể rằng mình sắp kết hôn, không biết cô Thompson có thể tham dự lễ cưới của cậu không? Và cô sẽ ngồi ở chiếc ghế dành cho mẹ của cậu.

Đương nhiên cô đã đi dự. Cô còn đeo chiếc vòng tay thủy tinh, dùng loại nước hoa mẹ Teddy đã từng dùng. Khi cô trò gặp lại nhau, tiến sĩ Teddy Stoddard nhẹ nhàng nói với cô giáo Thompson: “Cảm ơn cô Thompson nhiều, cảm ơn cô đã cho con biết rằng mình còn có giá trị”.

Đôi mắt ngấn lệ, cô thì thầm nói:

“Teddy, con đã lầm rồi, là con đã dạy ta, mãi đến khi gặp con ta mới biết làm cô giáo là như thế nào”.

Hy vọng câu chuyện trên đây sẽ truyền cảm hứng đến tất cả những người làm nghề giáo. Trong câu chuyện này, chúng ta đã thấy được một phương thức giáo dục vô cùng hữu hiệu, đó là dùng trái tim để yêu thương và giúp đỡ các em. Đồng thời chúng ta cũng nhìn thấy trách nhiệm của một người giáo viên thật sự đóng vai trò quan trọng như thế nào trong sự phát triển ở trẻ. Khi dùng tình yêu thương và hành động thực tế để giúp đỡ các em, đó chính là sự khích lệ lớn nhất khiến các em có động lực hơn trong học tập và có nền tảng vững chắc trong sự phát triển sau này.

Bạch Mỹ tổng hợp

Xem thêm:



from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2gqUl3v
via máy cửa nhôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét