Thứ Tư, 30 tháng 11, 2016

Ngày xưa…

Không hiểu sao tất cả những gì thuộc về “ngày xưa” tôi đều nhớ, và nhớ dai cho tới tận bây giờ.

Đó là những ngày đi học. Lúc đó ai cũng nghèo, nghèo đến cơ cực. Lũ trẻ chúng tôi ngồi trong lớp có đứa bụng còn réo ọc ạch vì đói. Ấy vậy mà đùa khỏe không ai bằng.

ngay xua 1

Năm tôi vào lớp một (ngày xưa gọi là lớp vỡ lòng), chúng tôi phải học nhờ trong đền làng. Lớp hai lại học ở đình làng. Lớp ba học ở điếm (lúc đi mẫu giáo tôi cũng học ở điếm). Chúng tôi toàn chân đất đến trường, mùa hè đi trên đường làng lát gạch cứ gọi là nóng bỏng chân. Tôi hay nhón chân đi thật nhanh, mắt nhìn sang vệ đường xem có đám cỏ nào không để bước sang cho mát.

Mùa đông tôi có một chiếc áo bông màu đỏ nhưng nó bạc phếch. Đó là chiếc áo của mẹ tôi mặc từ lúc còn bé như tôi lúc ấy. Chiếc áo chẳng còn bất cứ cái khuy nào mà chắc mẹ tôi cũng đầu tắt mặt tối suốt ngày, thành thử tôi cứ mặc thế mãi. Nhưng sáng ra bao giờ ông tôi cũng chuẩn bị sẵn một cái lạt rồi buộc ngang lưng cho tôi.

Tôi vẫn nhớ như in hình ảnh ông tôi ngồi trên giường, kéo chăn lên tới cổ rồi gọi tôi lại gần để buộc cái lạt quanh lưng áo. Thế là tôi yên tâm đi học. Ấy vậy mà bạn tôi có đứa còn khổ hơn thế. Và khổ nhất là mỗi khi mấy đứa đi qua con đường nhỏ trong xóm trông ra cánh đồng. Chỗ đó không có nhà. Gió ngoài đồng thổi qua ao, rét buốt (không hiểu vì lý do gì nhưng ngày xưa quả thực là rét hơn bây giờ rất nhiều). Đứa nào đứa ấy run lên, hai hàm răng va vào nhau lập cập.

Tôi nhớ những đứa bạn tóc dày quá lại không được chăm sóc, không gội đầu thường xuyên nên chấy bò trên đầu lổm ngổm. Ra chơi chúng tôi xúm lại bắt. Trời đất ơi! Cả một đàn chả biết bắt con nào…

ngay xua 2

Chúng tôi đi chơi đâu thì chơi nhưng gần trưa, vào mùa khoai tây, chả bảo nhau mà đều biết tự lo về cạo một rổ khoai để trộn lẫn cơm hoặc để luộc ăn đỡ cơm. Có thời gian cả xóm tôi ăn hạt bobo, cứng đến nỗi nhai được một bát là mỏi nhừ quai hàm. Lúc phải ăn ngô thì cả xóm cứ chiều chiều là mang ngô đã luộc cùng với vôi ra đãi bỏ vỏ ở cái bến ao của xóm rồi bồi lên, sáng mai dậy chín cứ thế là ăn.

Cái bến ao xóm tôi là nơi tập trung già, trẻ, lớn, bé vào mỗi sáng, trưa, chiều, tối. Thôi thì nào vo gạo, rửa rau, tắm táp, đùa nghịch, rỗi rãi nóng nực thì còn ngồi cho mát. Tôi lúc đó thường trốn khỏi nhà vào buổi trưa rồi sang bên bến ao chơi đủ thứ trò mà ngày nay trẻ con không còn chơi nữa.

ngay xua 3

Lũ bạn tôi muốn học sao thì học. Bố mẹ vất vả quá còn mong cho chúng bỏ học để đỡ đần… Chỉ có tôi luôn đươc ông động viên đi học.

Trở lại chuyện đi học. Lúc đó chưa có bút bi, chúng tôi đi học đều kèm theo một lọ mực để chấm ngòi bút vào mà viết (lên cấp hai thì có bút máy). Thỉnh thoảng có đứa nào đấy trong lớp mà hết mực thì phải xin bạn “cho tớ xin ngòi mực” rồi chấm đánh cộp một cái vào lọ mực của đứa ngồi cạnh. Có đứa đáo để cơ cầu không cho bạn xin còn bắt vay. Thế là mai mang mực đi nó lại chấm đủ số lần bạn chấm vào lọ mực của nó.

Năm lớp ba chúng tôi không học ở ngoài nữa mà được chuyển vào trường. Hai lớp ba học ở hai cái nhà lá ngay cổng trường. Phía trên mái lá là tán phượng già mà mỗi hè lại trổ hoa đỏ rực. Nhưng tôi nhớ hơn cả có lẽ là cảnh lớp học mà bức vách đã bửa ra từng mảng. Giữa hai lớp 3a, 3b lúc ấy có một bức vách chung nhưng lại thủng. Thế là chúng tôi cứ tự do chui từ bên lớp này sang lớp kia. Ra chơi bao giờ cũng có một đứa mang dây thừng theo để luồn qua bức vách rồi mỗi lớp một đầu dây… kéo co.

ngay xua 4

Phía ngoài cổng trường tôi có một cái giếng đất, tròn và thoai thoải, càng gần mép nước lòng giếng càng hẹp lại. Ra chơi là học sinh trong trường ùa ra. Lao xuống bậc giếng và bắt đầu nối đuôi nhau chạy vòng tròn quanh giếng. Trò chơi này có lẽ chỉ chỗ tôi mới có và tôi vốn nhút nhát chẳng bao giờ dám tham gia… nhưng lạ một điều là người lớn vẫn xuống gánh nước nhưng không ai bảo gì lũ trẻ và cũng chưa đứa nào bị ngã bao giờ, kể cả khi chạy sát mép nước và nghiêng hẳn về một bên…

Năm tháng trôi qua nhanh quá mà kỷ niệm vẫn còn tươi rói như mới hôm qua. Chúng tôi đã lớn lên trong những năm tháng gian lao nhọc nhằn nhưng bình yên… không tệ nạn xã hội, không nghiện ngập, không trò chơi điện tử… Chúng tôi ngủ sớm và đùa nghịch trong nắng, trong gió nên đói đấy mà không ít đứa vẫn cao lớn phổng phao…

ngay xua 5

Cuộc sống giờ đây đã thay đổi và khác xưa quá nhiều. Có được có mất nhưng thế hệ của những người như chúng tôi chẳng bao giờ quên được… một thời để hiểu, để nhớ và để sống tốt hơn.

Bùi Yến

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:



from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2gzwmzf
via máy cửa nhôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét