Thứ Ba, 1 tháng 11, 2016

Cha mẹ bỏ rơi 2 con gái sinh đôi, tình cảnh trớ trêu nghẹn lòng khi các con khôn lớn

Tôi công tác tại một bệnh viện cấp huyện. Lúc ấy, kế hoạch sinh đẻ rất nghiêm ngặt, mỗi gia đình chỉ được phép có một hoặc hai con. Vào những năm đầu thập niên 90, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rất nặng nề. Chỉ khi con đầu là trai thì người ta mới thở phào nhẹ nhõm; còn nếu con đầu lòng là gái thì người ta sẽ nghĩ mọi biện pháp để sinh con thứ hai là trai. Nếu cả hai con đầu lòng đều là gái thì họ sẽ cho con nuôi, hoặc nộp tiền phạt để tiếp tục sinh con.

Ở khu vực nông thôn, hầu hết mọi người đều sinh nở vượt kế hoạch. Do đó, nhiều bi kịch đã xảy ra…

Vào một ngày cách đây hơn hai mươi năm, một phụ nữ mang thai được chuyển đến khoa sản nơi tôi công tác, theo sau cô là 2 bé gái. Đây là lần thứ ba cô sinh con, và đó là đa thai.

“Bác sĩ, vợ tôi sắp sinh rồi!”

Chúng tôi nhanh chóng chuẩn bị phòng hộ sinh. Cổ tử cung của người phụ nữ đã mở. Ngay cả khi sản phụ sinh nhiều con một lúc, chúng tôi cũng không muốn tiến hành mổ đẻ. Mẹ mang đa thai thì con thường nhỏ, cũng có thể sinh thường thuận lợi.

Những đứa trẻ khỏe mạnh được chào đời, trong đó có 2 gái và 1 trai. Đây là lần đầu tiên kể từ khi bước vào khoa sản tôi được chứng kiến một ca sinh ba. Lúc ấy, toàn bệnh viện đều biết.

Sau khi chúng tôi đưa 3 đứa bé ra, người nhà rất hạnh phúc thay nhau ôm lấy con. Nhưng ngay sau đó, hiện thực nghiệt ngã đã phá vỡ hạnh phúc của họ. Đây là một gia đình bình thường, phải nuôi 5 người con là hết sức khó khăn.

Cả gia đình suy nghĩ một hồi lâu trước khi đưa ra quyết định. Buổi sáng hôm ấy, chúng tôi bị đánh thức bởi tiếng khóc của trẻ con bên ngoài. Mở cửa ra, chúng tôi phát hiện 2 đứa trẻ đang khóc bên trong một chiếc hộp, cạnh đó là bức thư viết rằng: “Xin những người thảo tâm hãy nhận nuôi 2 con gái tội nghiệp của chúng tôi. Và đây là ngày tháng năm sinh của 2 con”.

Gia đình đó mang con trai đi, bỏ lại 2 đứa trẻ bơ vơ trong chiếc hộp các tông.

Nhiều người biết chuyện này đều tò mò đến xem mặt 2 bé gái. Nhưng nhận con nuôi rất phiền phức, trong khi hầu hết mọi người đều đã có con, họ không thể nhận thêm con nuôi được.

Khoa sản chúng tôi không có cách nào khác, vậy là một vài bác sĩ phải thay phiên nhau đưa các bé về nhà chăm sóc và cho ăn sữa bột.

Khoảng 1 tuần sau, một cặp vợ chồng tìm đến chúng tôi. Con trai 9 tuổi của họ đã không may qua đời khiến họ vô cùng đau khổ. Người em gái của chị vợ là y tá trong bệnh viện chúng tôi, cô ấy đã kể cho họ nghe câu chuyện về hai bé gái song sinh bị bỏ rơi, sau đó họ quyết định nhận nuôi 2 bé gái.

Vậy là hai đứa trẻ tội nghiệp lại được nâng niu trong vòng tay của cha mẹ. Vì dì của hai em làm y tá nên chúng vẫn thường xuyên đến vườn hoa của bệnh viện chơi đùa. Mọi người đều thấy các em sống hạnh phúc trong tình yêu thương của cha mẹ nên không nhắc tới chuyện cũ nữa. Về sau, cặp vợ chồng này sinh thêm một bé trai, nhưng họ vẫn yêu thương hai con gái như cũ. Ba đứa trẻ quấn quýt bên nhau, mặc dù kinh tế có phần khó khăn nhưng gia đình 5 miệng ăn vẫn sống vui vẻ hòa thuận.

Khi 2 bé gái lên lớp 5, cô em đột nhiên bắt đầu ho khan và thậm chí ho ra máu. Dì của em đưa em đến bệnh viện khám, phát hiện cô bé mắc bệnh lao phổi. Đây không phải là căn bệnh quá nghiêm trọng, nhưng lại là nguyên nhân khiến cuộc sống của hai em rẽ sang một trang mới. Lúc ấy, cha mẹ ruột của 2 em đột nhiên xuất hiện. Hai năm qua, họ kiếm được rất nhiều tiền, mua được xe hơi sang trọng và sống trong căn biệt thự xa hoa. Họ nghe nói con gái mắc bệnh nặng nên đã quay lại chữa trị cho con và tỏ vẻ trách móc cha mẹ nuôi đã để cho con gái mình mắc căn bệnh này.

Ở độ tuổi nhạy cảm này, các em lại có thêm một cặp cha mẹ nữa. Cha mẹ đẻ đưa con gái thứ hai lên thành phố chữa bệnh. Cha mẹ nuôi vì muốn con gái được điều trị tốt nên đã để họ đưa con đi. Mỗi ngày, con gái lớn đều hỏi tại sao lại có thêm cha mẹ, cha mẹ nuôi chỉ có thể nói cho em biết sự thật và cho em biết 2 chị em thật may mắn vì có hai cặp cha mẹ hết lòng yêu thương.

Sau khi chữa bệnh cho con gái út trở về, cha mẹ đẻ lại muốn dẫn 2 con gái theo, bởi vì họ có thể cho con một môi trường học tập tốt hơn. Cha mẹ nuôi không muốn, tuy các con không phải do mình sinh ra nhưng đã lớn lên trong vòng tay của họ. 10 năm qua, họ yêu thương con nuôi như chính giọt máu của mình. Cuối cùng, vì muốn tốt cho bọn trẻ nên cha mẹ nuôi đã đồng ý để họ mang con đi. Cha mẹ đẻ cho các con ăn ngon mặc đẹp mỗi ngày, cho các con sống trong một ngôi nhà rộng rãi. Hơn nữa, họ còn cho phép các con có thể về thăm cha mẹ nuôi bất cứ lúc nào.

Hai cô bé không biết làm sao, chỉ cảm thấy nhung nhớ cha mẹ nuôi của mình. Cha mẹ nuôi đến thăm và thấy con gái vẫn vui vẻ, không biết nói gì hơn, họ chỉ dám xin phép cha mẹ đẻ để các con được về thăm nhà.

Đến khi học cấp 2, hai cô bé càng trở nên cá tính và bướng bỉnh. Hơn nữa, từ nhỏ các em đã không sống với cha mẹ đẻ, tình cảm cũng không thể sâu đậm. Nhất là khi biết được thân thế, biết rằng cha mẹ đẻ đã từng bỏ rơi mình, còn cha mẹ nuôi lại đối xử với mình rất tốt, hai cô bé luôn nhớ tới cha mẹ nuôi và thường tranh thủ ngày nghỉ về thăm họ.

Bây giờ, hai cô gái đã tốt nghiệp đại học, huyện nhỏ năm ấy cũng được nâng cấp lên thành phố. Cô chị được phân đến bệnh viện chúng tôi làm bác sĩ khoa mắt, cô em trở thành giáo viên trung học.

Lúc cô chị đến thực tập ở bệnh viện tôi đã nhận ra ngay. Nhân duyên đưa đẩy, cô bé lại trở thành học trò được tôi hướng dẫn. Sau khi chính thức được nhận vào làm, cô chị thường đến tìm tôi tâm sự.

Cô nói rằng với cô, cha mẹ nuôi mới là đấng sinh thành. Cô bé cũng rất ít khi nhắc đến cha mẹ đẻ, thỉnh thoảng nhắc đến cũng chỉ gọi là “họ”. Cô giải thích, cũng giống như em gái mình, hai người rất ít khi đến nhà cha mẹ đẻ. “Con được cha mẹ nuôi lớn, con phải hiếu thuận mới được. Cha mẹ đẻ bắt đầu đối xử tốt với chúng con chỉ là để bù đắp. Sau đó con phát hiện cha mẹ đẻ không giống cha mẹ nuôi dù họ cũng yêu thương chúng con. Thực sự tốt với chúng con vẫn là cha mẹ nuôi.”

Cô cho biết cô có một chút trách móc cha mẹ đẻ, không phải vì họ đã từng bỏ rơi mình mà là họ đã quấy rầy cuộc sống của cô. Nếu như họ không đột nhiên xuất hiện thì hai chị em sẽ giống như tất cả mọi người có một cha một mẹ, thế là đủ rồi.

Tôi nói rằng, trong nội tâm họ đâu nỡ làm vậy, dù sao cũng là máu mủ ruột thịt của mình. Cô chỉ mỉm cười và xua tay, nói: “Cô giáo, cô không biết đó thôi, nếu thật sự là không nỡ thì lúc ấy họ đã không ném chúng con vào chiếc hộp rồi bỏ đi như thế. Cha mẹ cần kiệm cũng có thể nuôi lớn hai đứa trẻ. Chẳng phải điều kiện của cha mẹ nuôi con cũng không tốt, họ cũng nuôi lớn 3 chị em con khôn lớn đó sao? Vứt bỏ thì là vứt bỏ, vì lý do gì đi chăng nữa cũng là vứt bỏ.”

Khi cô chị kết hôn, cha mẹ nuôi ngồi trên sâu khấu với vẻ mặt tươi cười hạnh phúc. Tôi có ý nhìn xung quanh một lượt, nhưng cũng không thể tìm thấy cha mẹ đẻ ở đâu. Có một chút buồn man mác trong tôi. Có lẽ… có lẽ… nếu năm xưa họ cần kiệm chắt chiu nuôi thêm hai đứa trẻ, thì ngày hôm nay người ngồi trên hôn lễ kia đã là họ rồi…

Huy Hoàng biên dịch

Xem thêm:



from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2fD8lKq
via máy cửa nhôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét