Miệng khô khốc, môi nứt nẻ, cảm giác lưỡi thô ráp là những triệu chứng phổ biến của khô miệng. Theo kênh thông tin Betterhealth, có đến 10% dân số bị các triệu chứng khô miệng. Tuy không phải bệnh lý nghiêm trọng, nhưng khô miệng có thể ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng, làm thay đổi vị giác và gây khó chịu trong sinh hoạt hằng ngày.
Bạn có biết nước bọt rất quan trọng đối với cơ thể? Nó là thể dịch “đa-zi-năng” trong miệng bạn, có tác dụng làm nhuyễn dính thức ăn, trung hòa độ pH, hay hạn chế sự phát triển của vi khuẩn.
Thiếu nước bọt gây khô miệng, lưỡi thô ráp, cả cổ họng cũng trở nên khô khốc, khó nuốt. Khi bị khô miệng, bạn nên đi khám nha sĩ, tuy nhiên bạn có thể tham khảo một số nguyên nhân và các cách chữa khô miệng đơn giản mà hiệu quả dưới đây.
▐ Nguyên nhân gây khô miệng?
#1: Phản ứng phụ của thuốc
Rất có thể hiện tượng khô miệng là phản ứng phụ của loại dược phẩm mà bạn đang sử dụng. Có đến gần 400 loại thuốc có thể gây phản ứng phụ này, thậm chí một số loại rất phổ biến như thuốc chống trầm cảm, thuốc giảm đau, thuốc cao huyết áp, thuốc trị bệnh Parkinson hoặc thuốc giãn cơ….
#2: Điều trị ung thư
Các biện pháp điều trị ung thư như hóa trị và xạ trị có thể làm rối loạn tiết nước bọt, từ đó dẫn đến trạng thái khô miệng.
Tuy nhiên, tùy thuộc vào liều lượng và mức độ tổn thương mà tuyến nước bọt có thể hoạt động trở lại bình thường sau đợt điều trị.
#3: Tổn thương dây thần kinh
Theo tạp chí Medicinenet, hiện tượng tổn thương dây thần kinh khu vực đầu và cổ có thể dẫn tới khô miệng. Một số dây thần kinh ở khu vực này đóng vai trò truyền tải thông tin giữa não bộ và tuyến nước bọt, nếu chúng bị thương tổn thì não bộ không thể điều khiển việc sản xuất nước bọt một cách bình thường.
#4: Mất nước
Đôi khi khô miệng chỉ đơn giản là triệu chứng của việc cơ thể đang bị thiếu nước do lao động nặng, ra nhiều mồ hôi hoặc do ngồi lâu trong phòng điều hòa. Vậy nên, cách giải quyết trong trường hợp này rất đơn giản là hãy cung cấp đủ nước cho cơ thể.
#5: Hút thuốc
Hút tẩu, xì gà, thuốc lá hoặc thuốc lào có thể gây ra nhiều phản ứng khó chịu, một trong số đó là bị khô miệng.
Nếu bạn thường xuyên có cảm giác miệng khô khốc, khó chịu, thì bạn nên xem đó là động lực để giảm hoặc cai thuốc đi.
#6 Là triệu chứng của bệnh lý nào đó
Khô miệng cũng là dấu hiệu cảnh báo về tình trạng sức khỏe của bạn. Theo WedMD, đây là triệu chứng của khá nhiều bệnh như Alzheimer, HIV, xơ nang hoặc viêm khớp dạng thấp.
▐ Vậy xử lý khô miệng thế nào?
#1: Uống nhiều nước
Một cách siêu đơn giản để cung cấp thêm độ ẩm cho miệng là uống đủ nước mỗi ngày. Hãy uống nước đều đặn và chia làm từng ngụm nhỏ, cố gắng đừng để cơ thể rơi vào trạng thái mất nước.
#2: Nhai kẹo cao su không đường
Nhai kẹo cao su không đường giúp kích thích tuyến nước bọt sản sinh nước bọt nhiều hơn. Ngoài ra, theo các nhà nghiên cứu, nhai một miếng kẹo cao su trong 10 phút có thể loại bỏ khoảng 100 triệu vi khuẩn trong miệng, vi khuẩn sẽ bám vào bã kẹo mà ra khỏi cơ thể!
#3: Dùng máy làm ẩm trong nhà
Bạn biết đấy, buổi đêm mà ngủ trong phòng điều hòa thì sáng hôm sau không chỉ miệng, da mà cả họng của bạn cũng có cảm giác khô, khó chịu. Vì vậy, đặt máy tạo ẩm trong phòng không chỉ giúp miệng bớt khô mà còn bảo vệ, giữ ẩm cho làn da của bạn.
#4: Giảm hoặc ngưng sử dụng thuốc lá và rượu bia
Như đã đề cập ở trên, hút thuốc có thể gây khô miệng và uống rượu cũng không khác là mấy. Nếu bạn đã từng “say xỉn” và tỉnh dậy vào sáng hôm sau, bạn sẽ thấy miệng khô trầm trọng, đó là vì các đồ uống chứa cồn cũng khiến bạn mất nước. Để bảo vệ cơ thể khỏi các phản ứng khó chịu, hãy xem xét việc dừng hoặc hạn chế các chất kích thích này.
#5: Tránh đồ ăn có tính axit cao hoặc caffein
Dùng quá nhiều chất caffein (có trong các loại cà phê hoặc nước ngọt) hay ăn nhiều đồ ăn có tính axit cao (dấm chẳng hạn) cũng có thể là “kẻ thầm lặng” gây cho bạn những khó chịu về răng miệng.
Nếu đang có những triệu chứng khô miệng, bạn nên điều chỉnh và hạn chế những loại thực phẩm này trong chế độ ăn.
#6: Chọn kem đánh răng
Chăm sóc răng miệng cũng là một bước quan trọng để chống khô miệng. Bạn nên chải răng đều đặn với kem đánh răng có chứa Flouride để ngừa sâu răng và bảo vệ men răng.
Theo little things
Mai Hạ
Xem thêm:
Chuyên mục Sức khỏe, thời báo Đại Kỷ Nguyên nỗ lực mang đến cho bạn đọc những thông tin chính xác và bổ ích nhất. Tuy nhiên khoa học về thân thể người thật rộng lớn và còn nhiều điều y học chưa nhận thức đến được, do đó, các bài viết tại đây chỉ mang tính chất tham khảo. Mọi việc chẩn đoán, điều trị bệnh hay các tình trạng sức khỏe và làm đẹp cần phải có ý kiến các chuyên gia y tế được cấp phép.
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2f86xIG
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét