Thường nghe nói đến một số sự tích thần kỳ liên quan đến “thần giao cách cảm” giữa các cặp sinh đôi, không chỉ các cặp sinh đôi cùng nhau chung sống, ảnh hưởng lẫn nhau, mà ngay đến các cặp sinh đôi từ nhỏ đã cách xa nhau, không cùng đất nước, lớn lên trong gia đình khác nhau, cũng đều sản sinh ra một số “kỳ tích” đã được định sẵn trong vô hình.
Không chỉ giống nhau về thói quen, sở thích, tình trạng sức khỏe, trình độ học vấn, kinh nghiệm làm việc v.v.. , ngay đến việc tìm bạn đời và con cái đều có thể xuất hiện rất nhiều sự trùng hợp khiến người khác kinh ngạc. Vậy thì vận mệnh của sinh đôi có giống nhau không?
Thời xưa có một cặp sinh đôi, rõ ràng là học thức ngang nhau, tham gia thi cử thì một người đỗ hạng cao, một người thì bị loại, từ đó một người phúc lộc đầy đủ, một người lại chết bất đắc kỳ tử, nguyên nhân gì tạo nên vận mệnh khác biệt quá lớn giữa hai người họ? Điểm chính yếu nằm ở đâu? Hãy đọc hai câu chuyện dưới đây để hiểu.
1. Giống nhau y hệt, cha mẹ khó phân biệt
Vào thời nhà Thanh, tại vùng đất Dự Chương có một hộ gia đình sinh được một cặp con trai sinh đôi, hai đứa bé đều rất đáng yêu, nhưng mặt mũi giống hệt nhau, ngay đến giọng nói, động tác, sở thích, cá tính… đều giống nhau, giọng nói nụ cười đều vô cùng mê người, được các trưởng bối trong gia tộc rất yêu mến.
2 em bé rất đáng yêu. (Ảnh minh hoạ)
Điều làm người ta hơi đau đầu là: hai đứa trẻ không có bất cứ đặc trưng gì có thể phân biệt được cả, ngay đến đứa bé nào là anh đứa nào là em, cha mẹ cũng khó phân biệt. Mãi cho đến khi hai đứa bé lớn dần, đến lúc có thể mở miệng nói chuyện, cha mẹ đặt tên cho chúng, mới lấy điều đó để phân biệt.
Nói ra thật thần kỳ, hai anh em này như thể là một người vậy, khi vào học ở trường tư thục, bất luận là đối với cách hiểu bài về nội dung thầy giáo dạy, cách thức suy nghĩ, hay là bút tích viết chữ và nội dung làm bài kiểm tra v.v.. hai đứa trẻ này đều thể hiện hoàn toàn giống nhau, nếu như không phải trả lời theo tên gọi, thầy giáo và bạn học cũng không thể biết ai là ai nữa.
2. Tư chất thông minh, vận mệnh cũng giống nhau
Hai anh em có tư chất thông minh sáng dạ, việc học biểu hiện rất ưu tú, vào tuổi 20 cùng lúc trở thành đệ tử (học sinh) của 1 vị tiến sĩ. Vào ngày thi cử, quan chủ khảo nhìn thấy tướng mạo, tư thế của hai người hoàn toàn giống nhau, vốn dĩ không cách nào phân biệt, nhất thời cũng choáng váng. Liền nghĩ ra một cách, dùng “tường” phân biệt hai người. Quan chủ khảo cười nói với hai người họ: “Tường giả tức là thứ tự, phủ tường là huynh trưởng, huyện tường là tiểu đệ”, dựa vào cách này để phân biệt hai người thành anh, em (chữ tường trong thời xưa tức là trường học, ở đây muốn nói dùng trường học làm thứ tự, phủ tường tức trường phủ, huyện tường tức là trường huyện, ứng theo thứ tự phủ trước huyện sau thì trường phủ là anh, trường huyện là em).
Sau khi trưởng thành hai người đều cưới vợ, cha mẹ lo lắng hai nàng dâu không phân biệt được chồng của mình, nên dạy hai nàng dâu mua quần áo dày mũ khác nhau cho chồng mình để dễ phân biệt. Cũng thật trùng hợp, một năm sau, vợ của hai người họ mang thai cùng lúc, lại sinh nở cùng lúc, song hỷ lâm môn. Láng giềng đều đến chúc mừng hỏi thăm, mọi người đều nói: “Hai anh em vận mệnh giống nhau, đúng là mọi chuyện đều giống nhau”.
Sự giống nhau đến lạ kỳ của cặp anh em này khiến ai nấy đều bất ngờ. (Ảnh minh hoạ: internet)
Năm 31 tuổi, hai anh em cùng lúc tham gia thi cập đệ ở huyện, cùng nhau đến tỉnh thành tham gia thi tỉnh. Chính vào trong thời gian tham gia thi tỉnh, chỗ ở của họ lại tình cờ là nhà hàng xóm với một thiếu phụ góa bụa có khuôn mặt xinh đẹp. Do vì hai anh em tướng mạo tuấn tú, lại có tài hoa văn chương, thiếu phụ dần dần sinh lòng luyến ái, không cam chịu cô đơn, bắt đầu lén lúc đi mê hoặc, trêu ghẹo người anh, người anh là con người chính trực, hiểu rõ giữa nam nữ nên giữ phân cách rõ ràng, không thể vượt quá quy tắc,cho nên đã nghiêm túc từ chối cô ta.
Người anh rất sợ thiếu phụ góa bụa xinh đẹp này không biết mình và người em trông giống hệt nhau, vẫn không chịu bỏ cuộc mà đến dụ dỗ em trai anh ta, liền đem chuyện thiếu phụ trêu ghẹo nói với người em, đặc biệt khuyến cáo người em phải biết nghĩ cho vợ con ở nhà, tuyệt đối không được bị mê hoặc, làm ra chuyện tổn hại âm đức, người em cung kính gật đầu đáp: “Vâng”, trong lòng lại có sự tính toán khác.
Thiếu phụ góa bụa không biết hai anh em là sinh đôi, tướng mạo cử chỉ giống hệt nhau, quả thật tưởng người em là người anh, lại một lần nữa làm cử chỉ trêu ghẹo quyến rũ, mà người em trong lòng bất chính, lại thuận nước đẩy bè, gian díu với nhau. Nào ngờ thiếu phụ lâu ngày nảy sinh tình cảm, đã đến bước không thể xa lìa, người em thề thốt với thiếu phụ rằng: “Nếu như ta thi đỗ khoa cử, nhất định chuẩn bị kiệu hoa lớn đến cưới nàng làm vợ ”
Đợi đến khi khoa cử có kết quả, hai anh em vốn dĩ có tài học không thể phân cao thấp, người anh đỗ cập đệ, người em lại không có tên trên bảng. Lúc này, người em sinh lòng đố kỵ, anh ta lại nói với thiếu phụ rằng: “Tuy là hôm nay ta thi cập đệ, nhưng vẫn phải tham dự xuân thí của năm sau thì mới được, đợi khi ta được kim bảng đề tên, mới vẻ vang đến cưới nàng, ta nhất định sẽ không bạc đãi nàng, sẽ cho nàng hưởng trọn vinh hoa phú quý cả đời”. Anh ta còn nói với thiếu phụ là mình thiếu lộ phí cần có để thi cử, thiếu phụ không chút nghi ngờ, liền lấy hết toàn bộ số tiền tích góp đưa cho người em, để làm chi phí thi cử.
Mùa xuân năm sau, người anh ngày đêm học tập chăm chỉ, tham gia khoa cử lại vinh quang đỗ đầu bảng, thiếu phụ vui mừng mong đợi, tưởng rằng ý trung nhân gian díu với mình liên tiếp thi đỗ, ngày ngày mong đợi tình lang đến cưới mình. Đâu ngờ ngày tháng cứ thế trôi qua, mà đợi mãi không có bất cứ một chút tin tức gì của đối phương, trái tim cô ta giống như ngọn lửa từ từ dập tắt, không còn hy vọng, buồn bã không vui, thân thể cũng u sầu thành bệnh, bất đắc dĩ tự mình viết một bức thư, nói rõ nổi khổ sở trong lòng mình, và chất vấn tình lang tại sao lại lừa dối tình cảm và tiền bạc của cô ta? Làm cô ta mất cả của lẫn người, không còn gì cả. Không lâu sau thiếu phụ buồn khổ mà chết.
Bị lừa dối sau ngần ấy năm, với bao nhiêu hi vọng, rồi vỡ nát… thiếu phụ đã quyết định quyên sinh. (Ảnh minh hoạ: internet)
Bức thư này cuối cùng rơi vào tay của người anh, người anh đọc thư vô cùng hoảng hốt, vội vàng đi tìm người em hỏi rõ chân tướng của sự việc, có thư tình làm chứng, người em cũng không thể biện giải, chỉ là, mặc cho người anh có trách mắng ra sao, hành vi tổn đức hạnh của người em cũng không thể bù đắp nữa.
Năm thứ hai, con trai của người em đột ngột qua đời mà không rõ nguyên nhân, đau buồn mất con, người em bi thương tột cùng, suốt ngày thương khóc không thôi, dẫn đến bị mù hai mắt, không lâu sau cũng vì quá thương tâm, sầu khổ mà chết. Ngược lại, người anh thì “phúc lộc viên mãn”, con cháu đầy đàn, cả đời thuận lợi.
Châu Yến biên dịch
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2jHQhzG
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét