‘Tăng động’ là một chứng bệnh phổ biến ở trẻ nhỏ. Nhưng bạn có biết bệnh này cũng xuất hiện ở người lớn?
Tăng động (hay bệnh mất tập trung) không phải là chứng bệnh đột nhiên xuất hiện ở người trưởng thành, mà những người mắc bệnh này thường có những dấu hiệu của tăng động và giảm chú ý từ khi còn nhỏ. Song những triệu chứng đó của họ không được kịp thời nhận ra để có biện pháp chăm sóc và điều chỉnh thích hợp. Thời gian càng lâu, bệnh sẽ trở nên càng trầm trọng. Nếu bạn đang băn khoăn không biết mình có dấu hiệu của căn bệnh này không thì hãy tham khảo 6 biểu hiện dưới đây và chú ý đến thời gian, cường độ của chúng để đưa ra phán đoán chính xác, kịp thời nhất.
Triệu chứng 1: Hay quên và không có khả năng tập trung
Một đặc điểm chung của những người bị bệnh mất tập trung là liên tục bỏ quên hoặc làm mất đồ. Họ thường xuyên không nắm rõ về lịch diễn ra các sự kiện hoặc thời hạn hoàn thành công việc. Đặt nhầm lịch làm việc, bao gồm cả công việc quan trọng hay việc cá nhân cũng là một lỗi họ hay mắc phải. Mọi người có thể dần dần quên nhiều thứ qua thời gian, nhưng đối với những người mắc bệnh mất tập trung thì việc làm thất lạc, bỏ quên và nhầm lẫn đồ đạc là vấn đề “kinh niên”. Điều này gây nhiều khó khăn cho họ trong cuộc sống cá nhân, công việc và xã hội.
Triệu chứng 2: Khó khăn trong việc sắp xếp quản lý
Hầu hết những người bình thường đôi khi cũng cảm thấy khó khăn trong việc quản lý, theo dõi các nhiệm vụ, sự kiện xã hội, bài tập, công việc, cũng như các vật dụng cá nhân. Nhưng đối với người bị bệnh mất tập trung thì điều đó dường như không thể thực hiện được. Họ rất khó đi vào đúng trọng tâm công việc, sắp xếp lên kế hoạch và theo dõi quản lý mọi việc. Điều này được thể hiện ngay trong sự lộn xộn bừa bãi của ngôi nhà, xe ô tô hay trên bàn làm việc của họ. Ngoài ra, nếu họ không nhớ phải làm gì cho ngày tiếp theo thì đó cũng là việc bình thường. Đây cũng là khởi đầu của “chu kỳ luẩn quẩn” đặt sai vị trí đồ vật và quên những nhiệm vụ quan trọng của họ.
Triệu chứng 3: Bồn chồn và xao nhãng
Những người bị mắc bệnh mất tập trung, kể cả người lớn và trẻ em, đều khó có thể ngồi yên một chỗ. Đối với trẻ em, chúng thường có xu hướng tạo nên sự ồn ào, huyên náo. Nhưng đối với người lớn, họ thể hiện dấu hiệu này ở tính cách hay sốt ruột, phân tâm và lo lắng. Họ cũng không thể tập trung vào bất cứ điều gì đang diễn ra, thường hay suy nghĩ vẩn vơ. Hầu như mọi thứ đều có thể dễ dàng làm họ phân tâm. Nếu tình trạng này kéo dài, họ sẽ gặp các rắc rối ở trường, công sở hay cuộc sống vì không bắt kịp được tiến độ công việc.
Triệu chứng 4: Tính khí và tâm trạng thất thường
Những người mắc bệnh “tăng động” cũng gặp khó khăn trong việc kiểm soát cảm xúc, dẫn đến việc cảm xúc của họ bộc phát rất mạnh mẽ. Ví dụ như, một người bị bệnh mất tập trung có thể đột nhiên giận dữ hoặc bật khóc vì những vấn đề thế giới bên ngoài mặc dù những vấn đề đó không gây kích động gì lớn. Những người mắc bệnh này cũng thường có tính khí khó chịu, thiếu kiên nhẫn và dễ gây sự. Kết quả, họ rất khó xây dựng mối quan hệ tốt với bạn bè, gia đình và đồng nghiệp.
Triệu chứng 5: Hay lo âu
Bệnh hay lo lắng hay còn gọi là bệnh trầm cảm thường xuất hiện cùng với bệnh mất tập trung. Với người bị bệnh mất tập trung, họ thường cảm thấy bị kích động quá mức nên họ hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Họ cảm thấy không thể thư giãn hay thả lỏng, thậm chí ngay trong khung cảnh yên tĩnh như ở nhà. Điều này kéo theo một loạt các triệu chứng lo âu bao gồm lo lắng, căng thẳng và cảm giác bị choáng ngợp. Thực tế chứng minh bệnh lo âu nói chung cũng như các loại rối loạn lo âu khác thường xuất hiện phổ biến với những người bị bệnh mất tập trung hơn là với những người bình thường.
Triệu chứng 6: Mất ngủ
Bệnh mất tập trung thường đi kèm với chứng rối loạn giấc ngủ, đặc biệt là bệnh mất ngủ. Những người bị bệnh mất tập trung có thể gặp khó khăn để chìm vào giấc ngủ hoặc duy trì giấc ngủ, nhưng đồng thời họ cũng là những người ngủ mê mệt và khó thức dậy tỉnh táo vào buổi sáng. Việc thiếu ngủ vào buổi tối, sau đó là cảm giác uể oải vào buổi sáng thực sự có thể phá hủy cả ngày của bạn.
Những mẹo giúp kiểm soát bệnh mất tập trung
Nếu xác định được bản thân hoặc người xung quanh có những triệu chứng như trên, bạn có thể tới gặp các chuyên gia để trò chuyện và hiểu hơn về tình trạng của mình. Đồng thời, theo sát những chỉ dẫn dưới đây cũng giúp bạn kiểm soát được các vấn đề có thể xảy ra.
Tránh những thực phẩm không có nguồn gốc tự nhiên
Một chế độ ăn nhiều chất phụ gia thực phẩm, đường tinh chế và các chất làm ngọt nhân tạo được chứng minh là làm bệnh mất tập trung trầm trọng hơn. Nhưng những thực phẩm cơ bản như lúa mì, nấm men, đậu nành và sữa cũng có thể làm các triệu chứng bệnh biểu hiện rõ rệt. Người mắc bệnh này nên sử dụng những thực phẩm giàu chất đạm, sắt, vi khuẩn có lợi probiotics và vitamin B. Rau chân vịt, trứng, thịt gia cầm, cá đánh bắt tự nhiên, chuối, khoai tây, đậu đen, hạt dẻ và sữa từ nguồn chăn nuôi hữu cơ đều là những lựa chọn tốt.
Ăn sáng
Chúng ta nên ăn sáng, đặc biệt đối với người bị bệnh mất tập trung thì bữa ăn này rất quan trọng. Ăn sáng đầy đủ giúp cơ thể kiểm soát tốt lượng đường trong máu cùng với các hoóc-môn đồng thời còn giúp duy trì mức năng lượng bền bỉ cho cả một ngày dài. Bữa sáng đầy đủ dĩnh dưỡng cần phải có ít nhất 20g chất đạm, ví dụ bạn có thể bổ sung chất đạm bằng cách ăn trứng gà.
Thử chơi với quả bóng yoga
Tập luyện với bóng yoga có vẻ không thú vị, nhưng với một người dễ bị bồn chồn và phân tâm thì đó là một phương pháp tuyệt vời. Việc giữ thăng bằng trên một quả cầu to như vậy đòi hỏi cơ thể chỉ được chuyển động nhúc nhích từng chút một, điều này đáp ứng được yêu cầu “không được cựa quậy” của cơ thể, đồng thời cải thiện khả năng tập trung của người bệnh. Ngoài ra tập với bóng yoga còn mang một lợi ích khác là làm săn chắc cơ một cách nhẹ nhàng.
Tập thể dục
Tập thể dục rất tốt đối với bất cứ ai, nhưng riêng với người bị bệnh mất tập trung, nó còn giúp tăng hoóc-môn làm giảm các triệu chứng bệnh. Để đạt được kết quả tối ưu khi làm công việc cần sự tập trung, người bệnh nên tập thể dục ở cường độ vừa phải trong thời gian khoảng 30 phút (chú ý không nên tập bài thể dục quá nặng khiến cơ thể suy nhược).
Nếu bạn phát hiện ra bản thân mình hay người quen biết có xuất hiện các triệu chứng của bệnh mất tập trung không thì hãy vận dụng ngay các phương pháp trên để cuộc sống của mình trở về trạng thái bình thường, tốt đẹp nhất có thể nhé! Ngoài ra, bạn hãy chia sẻ thông tin này đến với bạn bè và người thân vì nó có thể rất hữu ích đối với họ.
Diệu Linh biên dịch
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2jClTXk
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét