Chủ Nhật, 29 tháng 1, 2017

Ngày xuân, ngắm cành mai Mãn Giác

Mãn Giác Thiền sư (1052 – 1096) là một vị cao tăng sống ở thời nhà Lý. Chuyện rằng, trước khi viên tịch, ông đã đọc cho các đệ tử nghe bài kệ (kinh kệ), nguyên tác bằng chữ Hán, phiên âm như sau:

Xuân khứ bách hoa lạc,

Xuân đáo bách hoa khai.

Sự trục nhãn tiền quá,

Lão tùng đầu thượng lai.

Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận,

Đình tiền tạc dạ nhất chi mai.

Bản dịch của Ngô Tất Tố cho bài kệ này là:

Xuân ruổi trăm hoa rụng

Xuân tới, trăm hoa cười

Trước mắt việc đi mãi

Trên đầu già đến rồi

Đừng bảo xuân tàn hoa rụng hết

Đêm qua, sân trước một nhành mai

ngay xuan ngam canh mai man giac 1

Trước khi tìm hiểu bài kệ của Mãn Giác, xin phép được nhắc đến một giai thoại khá nổi tiếng trong lịch sử văn học Trung Hoa xưa về Vương An Thạch và Tô Thức, kể rằng:

Có lần, Tô đọc thơ của Vương, thấy có hai câu: “Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm”. Đông Pha chê là vô lý: “Trăng sáng sao lại hót ở đầu núi, chó vàng sao lại nằm trong lòng hoa được?” Họ Tô lấy bút sửa chữ “khiếu” ra chữ “chiếu”, sửa chữ “tâm” thành chữ “âm”, thành ra: “Minh nguyệt sơn đầu chiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa âm”, tạm dịch là: Trăng sáng soi đầu núi/Chó vàng nằm dưới hoa.

Sau đó, Tô Đông Pha bị đổi tới một nơi ở phía nam. Ở đó, Đông Pha thấy một loài chim tên là Minh Nguyệt, và một loài sâu tên là Hoàng Khuyển. Lúc đó, Đông Pha nhớ lại hai câu thơ của Vương An Thạch, có nghĩa là: “Con chim Minh Nguyệt hót ở đầu núi/ Con sâu Hoàng Khuyển nằm giữa đóa hoa”. Tô Đông Pha giật mình mới biết kiến thức trong thiên hạ còn rất mênh mông. Những thăng trầm biến cải của cuộc đời họ Vương đã  làm giàu cho văn chương của ông rất nhiều.

Tìm hiểu bài KỆ (tạm thời ta quy ước là bài Thơ) của Mãn Giác, khi nói về ba chữ NHẤT CHI MAI cuối tác phẩm, cũng không ít những cách hiểu, cách cảm khác nhau. Theo Vũ Quyên thì “biết Mai, cũng lắm công phu”. Dân gian còn lưu lại những: Hoàng Mai, Nhị độ Mai, Mai Tứ Qúy… Và còn có một loài Mai có tên “NHẤT CHI MAI”. Nó có gốc từ Ấn Độ. Lá xanh quanh năm, mọc thành bụi hay có thể uốn thành cây, hoa màu đỏ, nhụy vàng và có 5 cánh như hoa Mai, hoa Đào.

Người ta kể về mối tình rất kỳ lạ giữa Hồ Quý Ly với Công chúa Nhất Chi Mai. Lúc hàn vi, Hồ thường theo người cha nuôi họ Lê đi buôn đường biển. Một lần thuyền chở hàng ghé vào bờ, Quý Ly thấy trên bãi biển có ai vạch lên cát câu thơ. Quý Ly nhẩm thuộc lòng lấy câu thơ đó. Đến khi Quý Ly đã làm quan, một hôm hộ giá vua Trần đi chơi, nửa chừng ghé vào tránh nắng ở điện Thanh Thử, thấy trước điện rất nhiều cây quế, vua liền ra câu đối: “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế”. Các quan cùng đi lúng túng chưa kịp đối thì Quý Ly nhớ lại câu thơ trên bãi biến năm xưa, bèn đọc luôn: “Quảng Hàn cung lý Nhất Chi Mai”.

Cả hai câu ghép lại thành hai vế đối nhau rất chỉnh. Nghĩa là:

“Thanh Thử điện kia ngàn gốc quế

Quảng Hàn cung nọ một cành mai.”

Vua Trần rất kinh ngạc hỏi Quý Ly: “Nhà ngươi làm sao biết được trong cung cấm của  ta có công chúa tên Nhất Chi Mai và tòa lầu của công chúa là cung Quảng Hàn do chính ta đặt tên?” Quý Ly tâu lại việc trước. Vua cho là chuyện lạ, duyên trời đã định, bèn gả công chúa Nhất Chi Mai cho Quý Ly. Nhất Chi Mai sinh được 2 con trai thông minh, có tài là Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương. Những nhân vật này rất nổi tiếng dưới triều nhà Hồ.

Trở lại hai câu thơ cuối của Thiền sư Mãn Giác. Cụm từ “NHẤT CHI MAI” có nghĩa là MỘT CÀNH MAI. Nhưng, nếu nó là tên một loài hoa Mai thì câu thơ có thể diễn Nôm là:

“Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết,

Đêm qua, trước sân vẫn còn có một loài Nhất Chi Mai“

ngay xuan ngam canh mai man giac 2

Tôi nhớ, cách đây trên 10 năm, “Kiến thức ngày nay” có tổ chức bình bài thơ này trong phạm vi cả nước. Rất nhiều bài được đăng. Và tác phẩm được giải kết thúc bằng những câu văn rất mượt mà. Đáng tiếc là tác giả đã không biết bông hoa Mai của Mãn Giác; cứ liên tưởng một cách rất tự nhiên về bông Mai Vàng ngày Tết của người miền Nam nước ta. Nên nhớ cách đây nghìn năm cương giới nước ta chưa có phần đất Đàng Trong. Mãn Giác thời ấy chưa hề biết đến loài hoa Mai mà hôm nay chúng ta dùng đón Tết. Có lẽ để tránh cách hiểu này cụ Hoàng Xuân Hãn, quê Đức Thọ, Hà Tĩnh đã dịch:

“Xuân qua trăm hoa rụng,

Xuân lại nở trăm hoa.

Trước mắt sự đời thoảng,

Trên đầu hiện tuổi già.

Chớ bảo xuân tàn hoa rụng hết;

Ngoài sân đêm trước một cành MƠ.”

Hầu hết các bản dịch đều dùng chữ Mai trong nguyên bản Trong chữ Hán là  梅 (mai) nhưng người Việt mình hay gọi là cây mơ. Cây mơ ở Trung Quốc có nhiều, là loại cây ăn quả có hoa đẹp màu trắng, có khi hơi ửng hồng hoặc đỏ.  Mơ có nhiều ở các tỉnh phía Bắc nước ta. Đặc biệt là ở vùng rừng núi Việt Bắc hoặc ở động Hương Tích. Ngày xuân, chúng ta chắc còn nhớ bài thơ CÔ HÁI MƠ của Nguyễn Bính. Hồng Đức quốc âm thi tập của Lê Thánh Tông có bài thơ “Hoa mai”: “…Hoa bạc phau phau xâm khí tuyết/ Chồi xanh êu ếu lạt hơi may”

Sắc hoa “bạc phau phau” còn ngấm cái lạnh giá mùa Đông ở đây là sắc trắng đặc trưng của hoa mơ. Như vậy “mai” trong câu thơ “Đình tiền tạc dạ nhất chi mai” dịch là “Ngoài sân đêm trước một cành mơ” là đúng. Hiển nhiên, trong trường hợp này ta không thể hiểu NHẤT CHI MAI là một loài hoa Mai không phổ biến, không có tác dụng gợi hàm nghĩa văn chương để nói một triết lý chứng Ngộ uyên thâm của người tu hành.

Một  điều cần bàn nữa là tên của tác phẩm. Đây là bài Kệ được đọc cho chúng đệ tử ghi chép trước lúc Mãn Giác viên tịch. Mãi đến 7 thế kỷ sau vào thời Trịnh – Nguyễn phân tranh, Lê Quý Đôn mới đặt tên cho nó là CÁO TẬT THỊ CHÚNG nghĩa là “Có bệnh bảo mọi người”. Riêng cái chữ “bệnh” là không phù hợp với tư tưởng của nhà Phật rồi. “Người tu luyện không có bệnh” là một định lý. Đưa điều này ra để tranh luận thì sẽ quá phức tạp.

ngay xuan ngam canh mai man giac 3

Dân gian nói: “Đói ăn rau, đau uống thuốc” là không sai. Tầng thứ của người Thường là ở trong hệ thống Pháp lý của người Thường. Họ phải Sinh, Lão, Bệnh,Tử; phải luân hồi; phải tuân thủ luật nhân quả…

Còn tầng thứ người tu luyện lại là hệ quy chiếu đối ngược. Họ khác người Thường, vượt khỏi cảnh giới của người Thường thì nhắc tới chữ Bệnh là đưa họ trở về với Thường nhân. Với người tu luyện, họ nhìn được chân tướng của sự vật, của sinh mệnh trong tam giới này nên họ không hề chấp trước và bi quan với lẽ sinh tử kiếp người!

Tôi nhớ những lần Pháp nạn của Phật giáo. Người ta dẫn tới trước mặt vị vua đầy thành kiến và hận thù hai hòa thượng rất an nhiên, hòa ái. Vua gầm lên nói rằng tu Phật là để giải thoát cuộc đời ô trọc. Vậy bây giờ vua lấy đi mạng sống của hai người, liệu có được không? Hai nhà sư im lặng mỉm cười trước lưỡi dao đao phủ. Họ chết mà tâm không động một mảy may sợ hãi. Thường nhân chúng ta khó lòng hiểu được chân lý bên trong.

ngay xuan ngam canh mai man giac 4

Bây giờ chúng ta hãy nói qua về bài thơ (kệ) 6 dòng của Mãn Giác. Hai câu đầu:

“Xuân ĐI, trăm hoa RỤNG,

Xuân ĐẾN, trăm hoa KHAI.

Chỉ là thông báo tường thuật sự việc một cách  thuần túy. Hầu như ai cũng trực giác cảm nhận cái quy luật rất thực tế, rất phổ biến của loài hoa cỏ. Sau này, Hồ Xuân Hương cũng nhìn cái quy luật ấy nhưng không có cái khách quan, điềm đạm của nhà sư: “NGÁN NỖI xuân đi, xuân LẠI lại”. Vì vậy mà cảm thán thở dài: “Mảnh TÌNH san sẻ tí con con”. Những từ cảm thán, những từ láy đã làm cho tâm sự họ Hồ thường nhân hơn, phù hợp với cảnh giới bể dâu vốn là bể khổ của kiếp nhân sinh,kiếp luân hồi. Cái chữ Tình quái ác của thế nhân cũng luôn là lò thiêu rừng rực tâm người, khiến thế nhân điên đảo.

Nhân tiện, hãy đọc thêm bài thơ “Chôn Hoa” của nàng Lâm Đại Ngọc chôn hoa và thương cho kiếp người dồi dập bởi chữ Tình đầy tục lụy trong Hồng Lâu Mộng. Nếu đọc kỹ  giai phẩm này, ta thấy tác giả cũng nói hoa muộn, hoa tàn nhưng để mà tủi thân, than thân khi chữ Tình cứ làm mê muội con người.

Hai câu của Mãn Giác nhìn xuân rất điềm tĩnh. Cái hay của nó là cách nhìn rất ngược với logic của thường nhân. Hoa nở, hoa tàn; bèo mây hợp rồi tan; con người gặp gỡ để rồi li biệt… đã  mặc định rồi. Mãn Giác cho ta cái nhìn bắt đầu từ “Xuân đi” tiếp nối lại là “Xuân đến”. Quá trình ấy “trăm hoa” vẫn cứ “trăm hoa” không bớt đi một bông nào. Cả một mùa hoa, cả một mùa xuân, tất cả những sự vật hiện tượng hiện hữu Sắc Tướng, Sắc Thân ở thời điểm này, ở không gian này bỗng dưng biến mất. Cái HỮU thành cái VÔ. Tất cả đều đã ra đi.

ngay xuan ngam canh mai man giac 5

Chữ KHỨ trong câu thơ là rời không gian, dịch chuyển sang một không gian khác. Trong con mắt Thường Nhân, KHỨ có thể là tàn lui, là cái chết, là sự mất đi.Thế nhưng, với những người tu luyện đã ngộ Đạo, đã Giác đến viên Mãn thì họ không nhìn như thế. Vật chất, tinh thần; sự sống, cái chết, âm và dương, tương và khắc chẳng qua là một quy luật thường hằng. Chẳng hạn, một người bạn của ta đi lên Tây Tạng học Tạng Mật và sẽ ở trên đó mai danh ẩn tích mãi mãi. Người ấy ĐI (KHỨ) nhưng không chết. Người ở lại dù sao cũng cảm thấy yên lòng. Nhưng nếu có một đám ma người ấy thì nỗi đau thê thiết là có thật.

Thực ra, khi ta chứng ngộ con người có linh hồn, có nguyên thần thì cái chết chỉ hủy hoại nhục thân chứ không thể hủy hoại bản lai của sinh mệnh. Ta coi cái Chết và sự sống chỉ là hai quá trình hai biểu hiện của một sinh mệnh không bị hủy diệt thì ta thấy sợ hãi cái chết chính là một chấp trước lớn nhất của chữ Mê mà con người luôn chạnh lòng, không dám đối diện.

Hoa Mai rụng là biểu hiện của Sắc tướng mà ta chứng kiến bằng thị giác. Nhưng cành mai, thân mai, rễ mai ấy vẫn đang còn sống. Cái căn gốc, cái nhựa sống bên trong của mai đâu có mất. Chỉ cần những điều kiện của Xuân, chỉ cần có những yếu tố Duyên lành của Xuân thì mai đến kỳ là mai lại nở. Vì không ở trong cảnh giới tu luyện nên Xuân Hương, Xuân Diệu luôn đối kháng giữa Xuân của đất trời và Xuân của kiếp người. Thực ra, cả hai cái xuân ấy đều đối ứng và không mất đi.

Tôi rất thích hai chữ lặp âm KH. Đó là KHỨ và KHAI. Đi nghĩa là đóng cánh cửa có sắc tướng để cho cõi Mê tưởng rằng đó là mất, là chết. Thực ra, đi là để trở về mở toang cánh cửa KHAI MÔN cái chữ Không cho thế gian lại ồ lên kinh ngạc khiến kẻ lạc quan thì vui; kẻ bi quan thì chuẩn bị chôn hoa mà đẫm lệ với Tình. Hai câu tiếp theo:

Việc đời theo nhau ruổi qua trước mắt,

Tuổi già hiện đến từ trên mái đầu.

ngay xuan ngam canh mai man giac 6

Cũng là hai câu trần thuật rất khách quan. Sống trong thế giới con người thì hàng ngày va chạm với thất tình lục dục là tất yếu. Cuộc thế một trăm năm nhưng ngày nào không có những cuộc bể dâu, không có “biến cải vũng nên đồi”?

Trước lúc lâm chung, mọi sự đời vui buồn lớn nhỏ được Mãn Giác đồng hóa thành các vòng quay đều đặn. Không có sóng nhỏ hoặc ba đào, không có những ân oán, yêu thương hận thù… Tất cả cứ tự nhiên như nhiên vốn là quy luật đã có an bài. Nhìn những sự kiện trôi qua để mà xóa nhòa nó chứ không phải chấp vào nó là một phản ứng rất tự nhiên của người đang Mãn Giác cùng với Pháp. Chắc chúng ta còn nhớ khi sắp mất, người cha Trần Liễu đã cầm tay Trần Quốc Tuấn với di chúc là lời nguyền cần phải báo thù. Và Hưng Đạo Vương đã chối từ cách báo hiếu đẫm máu ấy.

Được/mất, đi/ở đối với người giác ngộ khác với cách của người thường. Khi không coi trọng các sự kiện thì hiển nhiên người tu luyện cũng sẽ sống tùy duyên với vô vi. Thời gian trôi chảy. Nhìn mái đầu của mình lấm chấm hoa râm hay bạc phau mây trắng thì có thể cảm nhận được được điều ấy. Tỉnh táo nhận biết tất cả nhưng không chấp nó là bản lĩnh của người tu luyện. Sự việc ra đi (Sự trục) thì cái già cũng theo đó mà lại.

“Sự” có thể là công Đức tích góp từng ngày, cũng có thể là “thập ác bất xá” chiêu mời Nghiệp lực đến từng ngày. Đến một lúc nào đó cá nhân ấy sẽ ra đi mang theo hai chủng ấy mà trở lại. Chắc hẳn Mãn Giác rất thỏa mãn khi thấy cái già theo Sự và cái Lai chỉ là những mùa hoa do tích Đức mà có. Cái già hôm nay về với Không Môn nhưng Đức ấy sẽ trở lại. Xuân đến, trăm hoa lại nở! Đứng trước cái chết mà rất lạc quan! Dù sao bốn câu đầu cũng nghiêng về trần thuật. Các động từ dày đặc, không có một tính từ nào để bình phẩm, khen chê.

Hai câu cuối mới là bài giảng rất thâm sâu cho chúng tăng, cho chúng sinh trước lúc Sư viên tịch:

Đừng cho rằng xuân tàn thì hoa rụng hết,

Đêm qua, một cành mai đã nở trước sân.

Có  một hiện tượng có vẻ đặc biệt, bất chấp quy luật tự nhiên. Rõ ràng, hàng ngàn năm nay, hoa nở khi xuân tới và hoa sẽ rụng hết khi xuân tàn. Nhưng có một loài hoa bất khuất không như thế. Đó là bông hoa mai. Nó không phải nở đúng vào thời khắc rất nhạy cảm của đêm giao thừa như hoa Đào. Nó bị vùi dập trong tuyết lạnh của mùa Đông tháng giá. Nhưng nó lại là loài hoa báo tin xuân trước tất cả mọi loài hoa. Có lẽ vì đặc điểm này mà mai được gắn cho nhiều phẩm chất đáng quý của người quân tử, người Tỉnh Giác, người đánh thức. Mai gần với hình tượng của những Đấng Giác Giả độ nhân.

ngay xuan ngam canh mai man giac 7

Phải đến cuối Đông thì những bông hoa gan lì nhất với thời tiết mới hết nở. Trong cái giao thời Đông và Xuân ấy, hoa mai trên tuyết đã nở. Thật diệu kỳ, thật thần thoại.

Sự ra đi của một bậc Viên Mãn, của một Giác Giả lại chính là cách thức mà ông phổ độ chúng sinh và truyền Pháp có ý nghĩa nhất. Phải chăng Mãn Giác đang nghĩ tới thầy mình là Thích Ca Mâu Ni và cũng đang nghĩ về một đời tu hành của chính mình đi về Viên Mãn?

“Đêm qua” là thời gian, “sân trước” là không gian. Trên cái khung của mới mẻ này xuất hiện một cành mai thật huyền diệu. Nó như minh chứng cho cái tưởng như đã là Không thành cái hữu, cái Sắc. Cành mai nói cho người ta cái đã đi đang trở lại. Đúng hơn đi và lại; sinh và tử chỉ là con người trong mê của chúng ta dùng từ ngữ giả tướng để gọi tên. Vật chất bất diệt. Nguyên Thần bất diệt. Chúng có khi thị hiện có khi không. Chỉ thế mà thôi.

Hiển nhiên để hiểu cái điều này đối với những ai tu luyện Phật Gia thì nó trực quan cụ thể. Ai đứng ngoài, đọc những dòng này có thể hoang mang và thấy rối rắm. Mãn Giác đã dùng một hình tượng trực giác thay cho vạn lời nói. Thực ra, những tác phẩm về loài hoa Mai có rất nhiều. Nếu có điều kiện đọc chúng, ta sẽ liên tưởng được nhiều điều ý vị. Có lẽ nổi tiếng nhất sáng tác cả trăm bài về Mai là Lục Du, nhà thơ thời Nam Tống. Theo tôi hay nhất là bài Từ “Bốc Toán Tử – Mai”, qua bản dịch của Cao Tự Thanh:

Ngoài dịch trạm bên cầu,

Lặng lẽ hoa không chủ.

Như nến gần tàn đã tự sầu,

Lại khổ mưa cùng gió.

Không có ý giành xuân,

Ganh ghét tùy hoa cỏ.

Rơi rụng ngày sau hóa đất bùn,

Chỉ biết thơm như cũ.

Có lẽ Mãn Giác không thể không biết đến bài thơ “Tảo Mai” của  nhà sư Tề Kỷ (864-937), qua bản dịch sau:

MAI NỞ SỚM

Vạn cây băng giá chết

Một cội ấm mọc ra

Đầu xóm trong tuyết đặc

Một cành đêm nở hoa.

Gió xa đem hương ẩn

Chim ngắm hoa trắng ngà

Năm tới như đúng tiết

Mừng Xuân sáng ánh tà.

ngay xuan ngam canh mai man giac 8

Người ta cũng cho rằng, một nhành mai ở đây còn là biểu tượng của sự Ngộ đạo. Đó là sự khai Ngộ trước lúc về Viên Mãn. Trong kinh Phật có kể một lần trước chúng tăng đông đảo, Phật giảng Pháp bằng cách cầm một cành hoa. Mọi người nhớn nhác. Chỉ có Ca Diếp là nhìn Phật với gương mặt bừng sáng với nụ cười tươi. Phật cho rằng Ca Diếp đã ngộ những gi Phật muốn truyền tải.

Để kết thúc bài thơ ngàn năm luôn mới mẻ này, ta đọc một câu chuyện về lẽ sinh tử của vị sư Nhật Bản xưa.

Ninakawa đang hấp hối trên giường bệnh. Sự sống đang mất dần. Thầy của Sư là Sư Ikkyu đến thăm và hỏi: “Ta biết ngươi đang chịu đựng cơn đau ghê gớm. Ta giúp được gì cho ngươi?”. “Con đến không đem theo vật gì, ra đi cũng không mang theo gì, ngài giúp được gì cho con?”. “Nếu thực sự ngươi nghĩ ‘Có Đến, Có Đi’ thì ta sẽ chỉ cho ngươi con đường ‘Không Đến, Không Đi'”. Những lời nói đó đã đưa Ninakawa vào cõi  Không vô cùng vô tận với nụ cười giải thoát trên môi.

Sống và Chết là một đề tài trăn trở của nhân loại từ vạn cổ. Với người thường, đây không phải là điều hứng thú dù để bình luận. Thấy sự vô nghĩa kiếp người nên có những kẻ cho rằng sống được phút nào thì hưởng thụ cuộc sống phút ấy “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt”…

Với người tu luyện, họ tin Nguyên Thần bất tử thì Chết không phải là một đề tài phải lẫn tránh hay xua đuổi, mà là cái chìa khóa để mở cánh cửa đưa vào những gì được xem là bí ẩn của cuộc đời. Chính nhờ hiểu biết cái Chết mà ta hiểu được Sự Sống; bởi vì hiểu theo một chiều hướng, Chết là một phần trong tiến trình Sống. Theo một lối hiểu khác, Sống và Chết là hai giai đoạn tận cùng của một tiến trình, hai đầu của một luồng trôi chảy, và nếu hiểu biết được đầu này thì cũng hiểu biết được đầu kia. Do đó, khi hiểu được ý nghĩa và mục tiêu của sự Chết, ta cũng hiểu được ý nghĩa và mục tiêu của kiếp nhân sinh.Quan niệm này đã được nói rõ trong bài thơ ĐỐN TỈNH của Tuệ Trung Thượng sĩ, qua bản dịch của Huệ Chi:

“Biết rằng “không”, “có” chẳng cách xa,

“Sống”, “chết” nguyên từ đợt sóng ra.

Trăng rọi tối nay: trăng tối trước,

Hoa cười năm mới: hoa năm qua.

Ba sinh: gió thổi, đuốc loè tắt,

Chín cõi: cối vần, kiến nhẩn nha.”

ngay xuan ngam canh mai man giac 9

Vì chúng ta đa số mọi người là xa lạ với con đường tu luyện cho nên nghe những lời bình luận về nó cứ mơ hồ. Nhiều người thâm nhập vào hệ thống lý thuyết của nhà Phật do ông này ông nọ viết chứ không tìm về bản gốc của Đức Phật. Họ nói lại những lời của người khác không phải của Phật. Do đó có sai lệch và nhiều lúc mâu thuẫn.

Giật mình, nhớ bài thơ “Tọa Kính Đình sơn” của Lý Bạch. Giữa hai lựa chọn của thường nhân là tranh nhau như bầy sẻ tìm danh lợi, bồng bềnh như đám mây hưởng Nhàn thì lựa chọn của Lý Bạch lại là ngồi tọa bất động như núi Kinh Đình.

Thế nhân kia sống trong Mê như trăm loài hoa hết tử lại sinh. Họ đâu mất đi trong vòng luân hồi lục dục? Nhưng để thoát nó phải là một cành mai tươi mới ở một thời, không khác; một tầng thứ cảnh giới khác.

Cái mà giới tu luyện ngày xưa đã nói là “không trong ngũ hành, ra ngoài tam giới”. Cành mai biểu tượng của Mãn Giác  không bị khống chế của thời gian(Tạc dạ) thì hiển nhiên nó phải ở một không gian khác. Nó có cảnh giới khác. Mãn Giác đã ra ngoài cái thân tứ đại vốn chết đi cũng hủy hoại cùng cây cỏ. Thực vậy, muôn chúng sinh không mất, mà họ phải thuận theo quy luật  luân hồi. Họ chuyển sinh trong tam giới khổ đau. Riêng  ông, thật sự đã Mãn Giác chứng ngộ. Sư đã đề xuất con đường tu luyện xuất tam giới với sự kiên cường dũng mãnh. Cành mai của Mãn Giác sẽ bất tử vĩnh viễn trong mùa xuân tĩnh tại.

Chợt nhớ, thời  tại thế, nhiều người đã  hỏi Phật Thích Ca Mâu Ni: “Ngài là ai? Ngài có phải là một vị Thần hay không?”. Phật nói: “Không phải!”. “Ngài là một vị sứ giả của trời sao?”. Phật lại đáp: “Không phải!”. Người khác hỏi: “Vậy ngài là một vị thánh nhân?”

Phật  đáp: “Không phải”. “Vậy  thực chất, ngài là ai?”. Phật trang trọng nói từng tiếng một: “Ta là giác giả”.

Trong tiếng Phạn, Giác Giả là từ “Buddha”. Người Việt Nam gọi là Bụt. Ta có thể thấy Ông này hầu hết  trong các chuyện cổ tích. Người Hán dịch là Phật Đà, sau chỉ dùng một chữ “Phật”.

Chữ gốc “budh” có nghĩa là “tỉnh” (tỉnh ngộ, giác ngộ, hết bị mê) và “biết” (sự hiểu biết, tri thức). Bởi vậy chữ “Buddha” có nghĩa là người đã giác ngộ, người đã thức tỉnh. Như vậy, Phật là sinh mệnh cao tầng. Thông qua tu luyện mà Huệ Ngộ. Mãn Giác đang nói với chúng ta một chân lý mới mẻ.

ngay xuan ngam canh mai man giac 10

Muốn không có xuân đến xuân đi, muốn không có hoa rụng, hoa nở; muốn không thao thức với tuổi già và các sự việc thế gian… Chỉ có thể làm giác giả, làm cành mai tĩnh tại nở vĩnh viễn trong một thế giới đơn nguyên không có thời gian như trần thế. Đó là giải thoát. Đó là Giác Giả, một người Giác ngộ đến với thế giới Viên Mãn.

Đức Phật đã từng cầm cành hoa ẩn ngữ để cho ai đủ duyên lành Ngộ Pháp. Mãn Giác cũng cho xuất hiện một cành mai trong bài Kệ của mình nói với mọi người lần cuối để vào Không Môn. Tầng thứ hiển nhiên khác nhau. Nhưng có sự tương đồng. Phải vậy chăng mà mỗi người đến với bài thơ đều có thể tâm đắc một cách riêng cho mình?

La Vinh

Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.

Xem thêm:



from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2k5iWNC
via máy cửa nhôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét