“Tam Quốc tận quy ư Tư Mã Ý” – Tam Quốc cuối cùng thu vào tay Tư Mã Ý. Một sự kiện lịch sử biến thành một ngạn ngữ dân gian, ý nói trai cò tranh nhau ngư ông đắc lợi. Khổng Minh, Khương Duy xuất binh năm sáu lần hao người tốn của, 20 năm mà không thể lật đổ được nhà Tào Ngụy. Tư Mã Ý phí chẳng bao hơi sức, chỉ một buổi cũng đã cướp toàn bộ cơ nghiệp họ Tào trong tay. Đó là một quy luật lịch sử, là nguyên nhân tại sao lịch sử phải tiếp diễn như thế.
Khi vở diễn “Tam phân” đi vào hồi kết
Tào Tháo chết chừng một năm, con là Tào Phi liền cướp ngôi nhà Hán. Năm sau Lưu Bị tại Tây Xuyên tự xưng Hoàng Đế. Tôn Quyền trước sau vẫn xưng là Ngô Vương. Thiên hạ phân thành thế Tam Quốc. Nước Đông Ngô rộng không kém gì nước Ngụy nhưng so sánh về mặt văn hoá, kinh tế Ngô kém Ngụy xa, Tây Thục lại càng thua sút Ngô, Ngụy xa nữa.
So sánh sinh lực chênh lệch như vậy, thế mà Tam quốc kéo dài tới mấy chục năm trời vì mỗi nước đều có những vấn đề to tát riêng tại khu vực của mình phải giải quyết trước. Ngoài ra nước Ngô nhờ sông rộng bảo vệ, Thục nhờ đầy núi biển cả che đỡ trong khi Ngụy không giỏi thuỷ chiến để đánh Ngô mà đánh Thục không thể thắng ngay được, lại sợ đằng sau Ngô đánh úp.
Ngụy Đế ở ngôi cao 7 năm thì mất. Con là Tào Tuấn lên kế vị đặt hiệu là Ngụy Minh Đế. Ngụy Minh Đế hoang dâm xa xỉ, chính trị trong nước huỷ hoại. Tại Liêu Đông, Công Tôn Ngôn nổi dậy làm phản. Minh Đế nhờ Tư Mã Ý đi đánh dẹp. Nhờ trận giặc Liêu Đông, toàn bộ quân đội quy phụ Tư Mã Ý. Minh Đế làm vua 13 năm bệnh nặng qua đời, ngôi tôn để lại cho Tào Phương hãy còn nhỏ tuổi.
Cuộc chiến dành quyền lực tối cao trong quân đội
Sau khi đẩy lui được những cuộc tấn công của Gia Cát Lượng, Tư Mã Ý trở về triều đình với tư cách của một công thần. Vua Ngụy là Tào Duệ hết sức tin dùng ông, phong ông đến chức Phiêu kỵ đại tướng quân. Trước khi chết, Tào Duệ còn giao cho Tư Mã Ý (cùng với Tào Sảng) là phụ chính đại thần, giúp việc cho con nhỏ của mình là Tào Phương.
Khi ấy, quyền lực triều Ngụy do Tư Mã Ý và Tào Sảng cùng nắm giữ. Tuy nhiên, bằng những thủ đoạn chính trị, Tào Sảng dần loại bỏ hết thực quyền của Tư Mã Ý, thường tự mình đưa ra mọi quyết định mà không cần hỏi Ý. Về danh nghĩa, Tư Mã Ý vẫn là thủ lĩnh đứng đầu quân đội nhưng vai vế chính trị của ông trong triều đình thì chỉ là “hữu danh vô thực”. Tào Sảng đã nắm hết mọi quyền bính.
Năm 247, Tư Mã Ý cáo ốm, xin về quê dưỡng bệnh. Nhưng Tào Sảng vẫn luôn đề phòng ông. Tào Sảng cử tâm phúc của mình là Lý Thắng nhậm chức thứ sử Kinh Châu, trên đường đi ghé qua thăm dò thái độ của Tư Mã Ý. Khi Lý Thắng đến nơi, Tư Mã Ý run rẩy lấy tay với áo, thì áo rơi tuột xuống đất. Ông lại đưa tay ra hiệu với người hầu, tỏ ý muốn uống nước. Người hầu bưng lên một bát cháo, Tư Mã Ý húp từng tí một, nước cháo chảy theo khóe miệng tràn cả xuống ngực.
Trông thấy cảnh ấy, Lý Thắng mừng khấp khởi trong lòng, cho rằng Tư Mã Ý đã là đồ bỏ đi, không còn gì đáng sợ nữa. Trong cuộc nói chuyện sau đó, Tư Mã Ý còn giả ngây, giả điếc khi 3 lần cố tình đọc sai nơi mà Lý Thắng sắp đến nhậm chức: Kinh Châu lại đọc thành Tinh Châu. Tư Mã Ý cũng gọi 2 con là Tư Mã Sư và Tư Mã Chiêu ra để gửi gắm. Lý Thắng hoàn toàn tin rằng Tư Mã Ý bệnh nặng sắp lìa đời.
Sau khi ra về, Lý Thắng vội vã đến thẳng đến nhà Tào Sảng thuật lại mọi chuyện. Tào Sảng nghe xong cảm thấy rất khoan khoái, từ đó càng không coi Tư Mã Ý là gì, ra sức lộng quyền hơn trước. Nhưng đó cũng là lúc tai họa ập xuống đầu ông.
Năm 249, Tư Mã Ý quyết định ra tay. Lợi dụng lúc Tào Sảng đang hộ giá hoàng đế Tào Phương đi thăm mộ tiên đế Tào Duệ, Tư Mã Ý phát động một cuộc binh biến trong kinh thành. Ông cho đóng tất cả cổng thành Lạc Dương, gửi biểu tâu lên Tào Phương, sai người đưa thư vạch tội Tào Sảng, đề nghị trừng trị.
Tào Sảng được tin thì hoảng loạn vô cùng, không biết phải xoay sở ra sao. Mưu sĩ là Hoàn Phạm hiến kế khuyên Tào Sảng mang theo hoàng đế Tào Phương chạy sang Hứa Xương rồi phát hịch kêu gọi quân binh các nơi đánh Tư Mã Ý. Nhưng Tào Sảng cứ ngần ngừ không quyết, cả đêm chống kiếm nước mắt ngắn dài. Cuối cùng, Tào Sảng ngây thơ tin theo lời dụ hàng của Tư Mã Ý (hứa sẽ giữ nguyên mọi chức vụ cho Tào Sảng). Chẳng ngờ sau đó, Tư Mã Ý nuối lời, ra lệnh hành quyết Tào Sảng, tru di 9 họ vì tội khi quân.
“Liên hoàn kế” và thời thế tạo anh hùng
Vụ Tư Mã Ý cướp ngôi nhà Ngụy có điểm rất đáng chú ý là phần kỹ thuật rất tinh vi, và những lỗi lầm của Tào Sảng là những lỗi lầm muôn đời của các chính trị gia, thuộc bất cứ thế hệ nào, dù Đông hay Tây. Tào Sảng kể như thua ngay từ lúc Sảng nói: “Lão này chết thì ta không lo gì nữa”. Nhưng Sảng đã lầm to, vì ngay sau khi Lý Thắng về thì Tư Mã Ý “đóng cửa, bỗng nhiên vùng đứng dậy cầm quân” từ đó mới ra tay.
Ý dựng ngay một kế hoạch lật Tào Sảng rất táo bạo và khôn khéo. Kế hoạch đó có thể nhìn ra 5 bước chủ yếu như sau:
- Bước 1: Ý thực hiện kế “rồng ẩn mình”, thay vì cố tỏ ra mình là rồng thì ẩn mình đi, cho người ta tin mình chỉ là là một con rắn. Tư Mã Ý giả bệnh, giả già, phân tán lực lượng của mình ra để che mắt Tào Sảng. Tào Sảng mắc mưu cho rằng Ý không còn là mối lo ngại nữa khi uy quyền đều nằm hết trong tay mình, từ đó sinh kiêu, mất cảnh giác, lơi lỏng phòng bị.
- Bước 2: Ý chờ đến thời điểm thích hợp, ra đòn quyết định. Đánh vào chỗ địch không hề phòng bị mà mình thì dốc toàn bộ lực lượng, thì dù kẻ địch có mạnh đến mấy, cũng có thể vì “một cú đấm” mà gục ngã ngay lập tức. Chính khi Tào Sảng ra ngoại thành cùng Nguỵ đế, đó chính là “thời cơ”, mà Ý đã nhanh chóng thực hiện kế hoạch của mình một cách mau lẹ, dứt khoát, kín kẽ. Đây gọi là kế “biến chủ thành khách”, chuyển từ thế bị động thành thế chủ động, còn địch thì từ thế chủ động thành bị động.
- Bước 3: Sau khi nắm quyền bính trong tay, danh chính ngôn thuận (trừ gian thần giúp vua, chứ không phải cướp ngôi), Ý bắt đầu thu phục Tào Sảng bằng đòn “tâm lý”. Chỉ cho Sảng biết rằng mình chỉ muốn giảm bớt binh quyền trong tay ông thôi, chứ không phải là có ý giết ông. Và phải khiến cho Sảng tin đó là đúng, Ý đã thực hiện loạt kế hoạch rất khôn khéo.
- Bước 4: Sợ Ngụy Vương nghe Tào Sảng, Tư Mã Ý bèn dung kế ly gián, viết biểu dâng Ngụy Vương nhằm an lòng Ngụy Vương. Nội dung bài biểu là đổ hết tội cho Tào Sảng rắp tâm cướp ngôi Ngụy, còn Ý ông sở dĩ hành động ở kinh đô chỉ là để bảo vệ ngôi Ngụy mà thôi. Do đó lúc Hoàn Phạm thoát khỏi tay Tư Mã Ý, khuyên Sảng rước Thiên Tử ra đón Hứa Đô khởi binh ngoài đánh Tư Mã Ý đã không được Ngụy Chủ tán thành. Tào Sảng bị dồn vào thế dở dang mọi mặt.
- Bước 5: Gây được tình trạng dở dang cho anh em Tào Sảng rồi, nhưng Tư Mã Ý vẫn sợ anh em Tào Sảng nghe kế Hoàn Phạm, đem biến cố chính trị này khơi rộng thành nội chiến, sẽ rất bất lợi về sau. Vì nội chiến không những hao binh tổn tướng, mà tất sẽ không tránh khỏi sự dòm ngó của hai kẻ thù Ngô, Thục. Bởi vậy Ý mới phái Hứa Doãn, Trần Thái, rồi lại phái thêm cả Doãn Đại Mục đến phá kế của Hoàn Phạm, và Tào Sảng đã mắc mưu.
Cuộc đấu tranh giữa Tư Mã Ý và Tào Sảng nói tóm lại chỉ quyết định bởi khả năng nắm cơ hội của hai người. Tư Mã Ý lật Tào Sảng cướp ngôi Ngụy chỉ khả dĩ thành công với điều kiện nếu kế hoạch: “Vi đa ư thiếu, vi đại ư tế, đồ nan ưu dị” (làm ít thắng nhiều, làm nhỏ thắng lớn, làm dễ để khắc phục được việc cực nhọc, khó khăn). Lẽ ra Tào Sảng phải khoét rộng, tạo nhiều khó khăn cho Tư Mã Ý, trái lại Tào Sảng đầu hàng họ Tư Mã khiến cho Tư Mã Ý đã thắng lợi dễ dàng càng thêm dễ dàng. Cho đến lúc Hạ Hầu Bá liên lạc được với Khương Duy thì nội bộ Ngụy đã yên ổn hẳn rồi.
Tào Tháo dùng bao công lao để khắc phục những khó khăn chính trị, quân sự mới lập nên triều Ngụy. Tư Mã Ý chưa đầy một tuần đã đem cơ nghiệp Ngụy chuyển sang tay mình. Đó âu cũng là cái luật anh hùng tạo thời thế và thời thế tạo anh hùng. Tào Tháo tạo ra thời thế, thời thế tạo ra Tư Mã Ý.
Tài năng quân sự của Tư Mã Ý so ra thì kém xa Tào Tháo và Khổng Minh. Nhưng khi Tào Tháo và Khổng Minh đều đã qua đời, Tư Mã Ý lại là người vô địch về quân sự và chính trị. Tư Mã Ý có một đức tính chính trị rất tốt: lòng nhẫn nại và cơ mật. Sở dĩ Ý dựa được vào thế, phần lớn cũng là nhờ tính nhẫn nại, biết chờ thời cơ, khi thời điểm chưa tới thì tuyệt đối không thể hành động. Chỉ khi nắm chắc phần thắng, Tư Mã Ý mới tiến lên, mà tiến lên là phải dốc toàn lực vì việc quân quý ở chỗ thần tốc!
Tư Mã Ý rất sợ tài lược cùng tính nghi ngờ của Tào Tháo, nên suốt thời gian Tháo còn sống, Ý không tỏ lộ tham vọng của mình bao giờ. Tháo thường bảo mọi người thân cận, Ý có tướng “lang cố” nghĩa là quày cổ nhìn đằng sau mà thân thể không động, giống như con lang. Chuyện rằng, Tào Tháo một hôm gọi Tư Mã Ý đến, cho ông ta đi phía trước mình, rồi lệnh cho quay đầu lại. Quả nhiên Tư Mã Ý quay đầu lại, khuôn mặt đối diện với người đứng sau, nhưng thân thể không hề cử động. Tào Tháo nói với con là Tào Phi rằng: “Tư Mã Ý không phải là người cam chịu dưới trướng người khác”. Sau này, Tư Mã Ý dần dần mở rộng thế lực của mình, quả nhiên đã thay thế chính quyền Tào Ngụy thành lập triều Tấn.
Bị nghi ngại như thế nhưng nhờ biết ẩn nhẫn nên Tư Mã Ý vượt được hết cả, khiến cho Tào Phi từ chỗ không đề phòng đến chỗ trọng dụng Ý. Tóm lại, sự thành công của Tư mã Ý có hai yếu tố: thời thế và lực nhẫn nại. Nhờ thời thế nên mới tạo ra được anh hùng, không có thiên thời – địa lợi – nhân hoà thì không thể làm được việc lớn. Nhờ lực nhẫn nại, Tư Mã Ý đã tàng trữ được nguyên khí, trí lực, không bị kiệt quệ như Gia Cát Lượng. Ý kém Lượng về đủ mọi mặt nhưng hơn Lượng ở cả hai yếu tố: Thiên thời và ẩn nhẫn.
Ánh Trăng
Hữu Bằng hiệu đính
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2f8pb0u
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét