Vài năm sau khi được Phó Thủ tướng Trung Quốc ghé thăm, người Anh ngã ngửa khi phát hiện Bắc Kinh chế tạo một sản phẩm giống thiết bị của họ một cách đáng kinh ngạc.
Năm 2011, ông Lý Khắc Cường, khi đó là Phó Thủ tướng Trung Quốc, dẫn đầu một phái đoàn 60 người đến thăm Anh Quốc. Trong chuyến đi, họ đã đến tham quan công ty năng lượng sóng thuỷ triều Pelamis tại Scotland.
Theo Guardian, ông Max Carcas, giám đốc phát triển kinh doanh của Pelamis tới năm 2012 kể lại: “Lúc đó chúng tôi thấy tự hào vì là nơi duy nhất ở Vương quốc Anh trừ London mà Phó Thủ tướng [Trung Quốc] đến thăm”.
Ông cho biết: “Khoảng 10 tuần sau, chúng tôi đã bị đột nhập, một số máy tính xách tay bị đánh cắp. Điều kỳ lạ là kẻ đột nhập xông thẳng vào văn phòng của chúng tôi trên tầng hai chứ không phải là các công ty khác ở tầng một hay tầng trệt.”
Khi thiết bị sóng điện Hải Long 1 của Trung Quốc được công bố và giống sản phẩm của Pelamis một cách đáng ngờ, những người từng làm tại Pelamis đã liên hệ sự việc này với các sự kiện năm 2011 và lo ngại rằng khả năng công nghệ của họ đã bị Trung Quốc lấy cắp.
Thiết bị sóng điện của hãng Pelamis, Scotland (trên) và bản nhái của Trung Quốc (dưới). (Ảnh: Handout / qua Guardian)Hải Long 1 dường như được chế tạo tại Viện Nghiên cứu số 710, thuộc Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Trung Quốc, theo Guardian. Không có thông tin rằng Thủ tướng Trung Quốc có liên hệ với công ty này hay biết gì về vụ đột nhập tại Pelamis năm 2011.
Tuy nhiên, mối nghi ngờ của người Anh không phải là vô cớ khi Trung Quốc vốn nhiều lần bị chỉ trích về việc lấy cắp các sản phẩm và bí quyết công nghệ. Hơn nữa, người Anh còn đang thấp thỏm lo ngại họ bị Bắc Kinh theo dõi thông qua các sản phẩm camera Hikvision của Trung Quốc có bán phổ biến trên thế giới và cả ở Việt Nam.
Thiết bị của Pelamis hoạt động trên biển (Ảnh: E.ON/PA)Hãng tin Guardian đã gửi một loạt câu hỏi tới chính phủ Trung Quốc để đề nghị giải thích chi tiết về nguồn gốc của dự án Hải Long 1 nhưng đã không nhận được phản hồi.
Dù có những điểm tương đồng, cả chính phủ Anh lẫn chính quyền Scotland không có kế hoạch chất vấn Trung Quốc về sản phẩm này, theo Guardian. Ông Calum Macfarlane, một phát ngôn viên của Wave Energy Scotland nói rằng: “Sở hữu trí tuệ không được bảo vệ ở Trung Quốc”.
Điều trớ trêu là, doanh nghiệp Pelamis hiện không còn tồn tại, còn sản phẩm Hải Long 1 của Trung Quốc vẫn đang trên đường phát triển.
Chuyên gia khuyến cáo
Trung Quốc từng nổi tiếng là nơi xuất sinh của bốn phát minh vĩ đại: giấy, thuốc súng, công nghệ in ấn và la bàn. Giờ đây, quốc gia này trở thành mối đe dọa về tình trạng vi phạm sở hữu trí tuệ và bản quyền.
Các doanh nghiệp đến làm việc ở Trung Quốc luôn được khuyến cáo phải đem các máy tính xách tay mới thay vì mang các thiết bị mà họ thường sử dụng để tránh nguy cơ bị lấy cắp sở hữu trí tuệ, đồng thời phải cẩn thận về thông tin họ giao cho các đối tác hoặc các nhà sản xuất tiềm năng.
Dù vậy, các doanh nghiệp nước ngoài vẫn luôn đối mặt với nguy cơ bị đánh mất công nghệ trong thời đại Internet khi mà Trung Quốc nổi tiếng với các tin tặc chuyên tấn công các chính phủ và doanh nghiệp.
Theo Guardian, Trung Quốc luôn bác bỏ cáo buộc về hoạt động gián điệp công nghiệp do chính phủ phê chuẩn.
“Chính phủ Trung Quốc không tham dự vào việc trộm cắp các bí mật thương mại dưới bất kỳ hình thức nào, cũng như không có bất cứ hình thức khuyến khích hay hỗ trợ các doanh nghiệp Trung Quốc tham gia và các hoạt động như vậy”, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình phát biểu năm ngoái.
Thành Tâm
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2fqmrzf
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét