Không ai rõ Tết cổ truyền của dân tộc xuất hiện từ bao giờ, nhưng những phong tục Tết Nguyên Đán đã trở nên thiêng liêng, gắn bó trong tâm hồn, tình cảm của mỗi người dân Việt Nam.
Những tục lệ trò vui trong dịp Tết, chiếc bánh chưng xanh, mâm ngũ quả trên bàn thờ gia tiên, cành đào, chậu quất khoe sắc trong mỗi gia đình đã trở thành một phần hình ảnh của quê hương để mỗi người Việt Nam dù sống ở nơi đâu mỗi độ xuân về lại bồi hồi nhớ về đất nước với bao tình cảm nhớ nhung tha thiết. Và hôm nay, nhân dịp Tết đến, xuân về, chúng ta hãy cùng nhau đi tìm hiểu ý nghĩa của ngày lễ trọng đại này.
Nền văn hóa Việt Nam thuộc văn minh nông nghiệp lúa nước. Do nhu cầu canh tác nông nghiệp mà thời gian trong năm được phân chia thành 24 tiết khác nhau. Ứng với mỗi tiết có một thời khắc “giao thời”, trong đó tiết quan trọng nhất là tiết khởi đầu của một chu kỳ canh tác, gieo trồng. Nguyên nghĩa của từ Tết là từ “Tiết” (tức tiết khí), còn Nguyên là bắt đầu và Đán có nghĩa là buổi sớm mai. Như vậy, Tết Nguyên Đán chính là buổi sớm ngày đầu năm, kết thúc một vòng thời gian 4 mùa chu chuyển, chào đón một chu kỳ mới. Ngoài ra từ Đán còn có nghĩa là trọn vẹn. Vì thế, Nguyên Đán còn mang một hàm nghĩa rất nhân văn, đó là sự “khởi đầu trọn vẹn”.
Theo tín ngưỡng dân gian bắt nguồn từ quan niệm “Ơn trời mưa nắng phải thì”, người nông dân coi đây là dịp để tưởng nhớ đến các vị thần linh có liên quan đến sự được, mất của mùa màng như: thần Đất, thần Mưa, thần Sấm, thần Nước, thần Mặt trời… Họ cũng không quên ơn những loài vật, cây cối đã giúp đỡ, nuôi sống họ, từ hạt lúa đến trâu bò, gia súc, gia cầm trong những ngày này.
Bên cạnh đó, Tết cũng là dịp để gia đình, họ hàng, làng xóm, người thân xa gần sum họp, đoàn tụ thăm hỏi, cầu chúc nhau và tưởng nhớ, tri ân ông bà tổ tiên. Dù làm bất cứ nghề gì, ở đâu, người ta đều mong được trở về sum họp dưới mái ấm gia đình trong ba ngày Tết, được khấn vái trước bàn thờ tổ tiên, thăm lại ngôi nhà thờ, ngôi mộ, giếng nước, mảnh sân nhà,… được sống lại với những kỷ niệm đầy ắp yêu thương của tuổi thơ yêu dấu. “Về quê ăn Tết”, đó không phải là một khái niệm thông thường đi hay về, mà là một cuộc hành hương về với cội nguồn, nơi chôn rau cắt rốn.
Tết cũng là cơ hội để mỗi người ngồi ôn lại việc cũ và “làm mới” mọi việc. Việc làm mới có thể được bắt đầu về hình thức như dọn dẹp, quét vôi, sơn sửa trang trí lại nhà cửa. Sàn nhà được chùi rửa, chân nến và lư hương được đánh bóng. Bàn ghế tủ giường được lau chùi sạch sẽ. Đối với trẻ con, đây là dịp để chúng được xúng xính quần áo mới, được ăn bánh mứt và nhất là được nhận lì xì. Còn đối với người lớn thì đây lại là dịp để làm mới lại về phần tình cảm và tinh thần để mối liên hệ với người thân được gắn bó hơn, tinh thần thoải mái, tươi vui hơn… Ai cũng muốn rũ bỏ những gì không tốt đẹp của năm qua để đón nhận một luồng sinh khí mới. Thế nên, mọi người đều cố gắng vui vẻ độ lượng với nhau, bỏ qua hiềm khích cũ. Sống hòa ái trong những ngày Tết.
Tết cũng là ngày người Việt thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng đối với tổ tiên, người thân đã khuất. Từ bữa cơm tối đêm 30, trước giao thừa, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên và những người thân đã qua đời về ăn cơm, vui Tết với con cháu, từ đó sẽ phù hộ cho con cháu được khỏe mạnh, làm ăn ổn định và sống hạnh phúc trong tình yêu thương giữa ông bà, cha mẹ, con cháu, vợ chồng.
Từ đây cho đến hết Tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết. Để sau Tết Nguyên Đán, cuộc sống lại bắt đầu một chu trình mới của một năm. Mọi người trở về với công việc thường nhật của mình, mang theo những tình cảm gia đình đầm ấm có được trong những ngày Tết để hướng đến những niềm vui trong cuộc sống và những thành công mới trong tương lai.
Tết là thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa quá khứ và hiện tại, thế nên, trong những ngày này, con cháu chúc mừng ông bà mạnh khoẻ sống lâu. Ông bà cha mẹ mừng tuổi lại con cháu chăm ngoan, học giỏi, thảo hiếu, vâng lời. … Người lớn thường không quên lì xì cho con cháu với một ý nghĩa tượng trưng, mong sang một năm mới con cháu sẽ gặt hái được nhiều điều tốt đẹp. Người Việt tin rằng những ngày Tết vui vẻ đầu năm báo hiệu một năm mới tốt đẹp sẽ tới. Năm cũ đi qua mang theo những điều không may mắn và năm mới bắt đầu mang đến cho mọi người niềm tin lạc quan vào cuộc sống .Với ý nghĩa này, Tết còn là ngày của lạc quan và hy vọng.
Phong Vân
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2k1S01g
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét