Có lẽ đối với tất cả mọi người, ngày Tết là ngày đoàn viên, ngày vui nhất trong năm, vì ngày đó dù ai có bận đến mấy, dù xa cách ngàn dặm người ta vẫn tranh thủ về với gia đình. Nhưng đối với tôi nó là một điều xa xỉ. Nhiều khi tôi chỉ muốn chạy trốn hiện thực, chạy trốn cái ngày Tết đã để lại quá nhiều đau đớn, quá nhiều oán hận trong tôi.
Cách đây 7 năm, trong một đêm giao thừa tôi đã chứng kiến bố mẹ cãi nhau. Ngày đó nhà tôi rất nghèo, mẹ phải dành dụm, chắt bóp được chút tiền để gia đình có được một cái tết bằng người ta. Vất vả là vậy nhưng bố tôi lại đem hết số tiền đó đi ném vào cờ bạc, lấy cớ là ‘’để có một cái tết to hơn’’. Đêm giao thừa đó, mẹ đã ra đi vĩnh viễn vì bệnh tim bẩm sinh. Sau khi mẹ tôi mất, chắc bố tôi ân hận vì tội lỗi của mình, nên đã bỏ cái tính ham mê cờ bạc mà chăm chú làm ăn hơn. Bố quyết định ở vậy nuôi tôi khôn lớn. Dẫu thế, tôi vẫn luôn hận bố vì đã làm tôi không còn mẹ nữa. Tôi trở nên lì lợm hơn, ít nói hơn. Tôi tự thu mình lại một góc; ngoài chuyện học hành ra tôi chẳng muốn quan tâm đến chuyện nào khác. Nhiều lúc bố hỏi tôi cũng chẳng trả lời, chỉ lẳng lặng bước đi.
Mấy năm nay nhà tôi kinh tế khá giả hơn, năm nào bố cũng làm cái Tết to hơn để bù đắp cho tôi. Nhưng mỗi độ Tết đến, hình ảnh bố mẹ cãi nhau, hình ảnh mẹ trút hơi thở cuối cùng… cứ ùa về trong tôi. Cảm giác đau khổ tột cùng, tôi muốn bỏ đi tất cả, chạy trốn khỏi ký ức. Đã lâu rồi, đêm giao thừa tôi không muốn về nhà. Tôi rong ruổi trên các con phố, ngắm pháo hoa rơi cùng người xa lạ, trong lòng đầy cô quạnh để mặc bố ở nhà một mình lo lắng cho tôi. Từ lâu, Tết đã không còn ý nghĩa gì với tôi. Nó đã trở thành điều ám ảnh mà có lẽ không bao giờ gột rửa được. Nhiều lần nhìn bố uống rượu say rồi cầm ảnh mẹ khóc, tôi cũng không cầm được nước mắt, nhưng trong lòng lại không đủ bao dung, không đủ can đảm để tha thứ cho bố.
Giao thừa năm tôi học lớp mười hai, đêm đó tôi đã lang thang ngoài đường tới sáng, quần áo xộc xệch, toàn thân bốc lên một mùi rượu nồng nặc , vừa đi vào nhà tôi vừa nói “ chúc mừng năm mới, chúc mừng năm mới ,khà khà”. Nhìn cái bộ dạng say khướt của mình, bố cho tôi một cái tát như trời giáng “thằng mất dạy”. Ông toan giơ tay lên định đánh thêm cái nữa, tôi liền giơ mặt ra “cha đánh đi, cha đánh nữa đi, đánh cho con đi theo mẹ luôn đi, con chán cái nhà này lắm rồi, huhu”. Cánh tay cha rung rung từ từ hạ xuống, khuôn mặt méo mó, nước mắt không ngừng rơi, cha ngồi sụp xuống , tiếng khóc vang lên từng tiếng nấc “hừ bà nó ơi”. Bất giác tôi có phần ân hận, trong lòng đau nhói biết mình đã sai nhưng vẫn không thể cởi nút thắt trong lòng mình. Tôi trèo lên giường ngáy một giấc coi như không có chuyện gì xảy ra mặc cho cha ngồi đó khóc than.
Đêm nay, lại một đêm giao thừa nữa sắp trôi qua. Trên phố nhà nhà trang hoàng đèn, hoa rực rỡ. Đâu đó trên phố giữa trời xuân giá buốt các bà các cô vẫn đang tranh thủ bán nốt những bó hoa cuối cùng để kịp về đón giao thừa cùng gia đình. Tôi đi trên phố với lòng nặng trĩu, bởi năm nay cũng chẳng khác gì mọi năm. Vẫn là một giao thừa đầy ám ảnh, đầy tẻ nhạt. Vẫn đón giao thừa cùng người xa lạ, ngắm pháo hoa rơi cùng người không quen biết…
Đang lang thang trên đường, tôi thấy có một người phụ nữ ăn mặc bẩn thỉu lem luốc cứ quanh quẩn theo tôi như có ý định làm chuyện mờ ám. Tôi có phần cảnh giác vì nghi ngờ người phụ nữ có hành động xấu hoặc chắc là muốn xin tiền gì đây. Tết nhất, có không ít những người như vậy. Khi tiến gần hơn, tôi thấy chị này yếu ớt, mặt khắc khổ, không có vẻ gì là nguy hiểm.
– Sao chị lại quanh quẩn theo tôi vậy? Tôi cất tiếng hỏi chị.
– Tôi xin lỗi chú, nhưng chú ơi, xin chú hãy giúp tôi một việc được không? Con trai tôi bị sốt cao, bây giờ nó đang mê man, cứ luôn miệng gọi tên bố, mà bố nó chết từ lúc nó còn đỏ hỏn, tôi không biết phải làm sao cả. Lau nước mắt, chị lại nói tiếp:
– Tôi đã hỏi nhiều người đàn ông trên phố nhờ họ giả vờ làm cha thằng bé, nhưng không ai chịu giúp cả. Tôi sợ đêm nay nó không qua được giống bố nó mấy năm trước. Lúc này chị không cầm được nước mắt nên nức nở, liên tục lấy vạt áo mà chấm lên đôi mắt của mình.
– Thế nhà chị ở đâu? Chúng ta đi ngay thôi kẻo trễ bây giờ?
Không nghi ngờ gì, tôi đồng ý ngay rồi cùng chị đi về phía khu nhà xây tạm. Đến nơi tôi thấy một đứa trẻ nằm mê man không ngừng gọi tên bố. Rất nhanh chóng, tôi cầm lấy tay bé, ôm nó vào lòng rồi nói: “Con trai, bố về rồi đây”. Chợt hình ảnh người cha già đang tiều tụy đợi mình về ăn giao thừa mấy năm nay hiện lên. Tôi thấy khóe mắt mình có cái gì đó cay cay, hai hàng nước mắt cứ thế tuôn rơi. Tôi đề nghị người phụ nữ đưa cháu nhỏ về nhà mình, vì cháu đang sốt rất cao, ở đây lại lạnh lẽo không tốt cho tình trạng của cháu. Lúc đầu, chị có chút lưỡng lự vì sắp đến giao thừa sợ làm phiền gia đình tôi. Nhưng sau khi nghe tôi thuyết phục, chị cũng đồng ý. Trên đường về nhà, mắt tôi cứ nhạt nhòa, bởi mấy năm nay tôi có bố mà không biết trân quý, không biết làm tròn chữ hiếu, chỉ làm bố phải buồn vì tôi.
– Bố, bố ơi con về rồi!
– Ai, thằng Huy đó hả con?
Quá vui mừng, quá bất ngờ, không còn tin vào mắt mình, đôi mắt bố rưng rưng. Hai tay bố run run, bố lập cập: “Vào nhà đi con, con mang ai về đây?” Nhưng điều làm tôi ngạc nhiên hơn cả là vừa nhìn thấy người phụ nữ đó, bố bỗng đứng sững lại, miệng lắp bắp: “Hoa, Hoa…đó hả con?”. “Đúng con rồi Hoa ơi!” vừa nói vừa khóc đôi tay bố vịn lên vai người phụ nữ. Cả tôi và chị đều kinh ngạc không hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Vào trong nhà, tôi đặt đứa bé xuống giường, đắp chăn ấm cho nó, rồi từ từ câu chuyện cũng dần hé lộ. Bố kể trước tôi còn có một chị gái nữa, tên là Hoa, hơn tôi 3 tuổi. Trong một lần đi theo mẹ lên chợ huyện bán thảo dược, chị Hoa bị thất lạc, bố mẹ tôi lao tâm khổ tứ tìm kiếm mãi mà không có tung tích gì. Cũng chính vì nguyên nhân này mà bố tôi sinh ra rượu chè, cờ bạc. Bố hận mẹ đã làm mất con gái rượu của bố. Khi đi, trên người chị vẫn có đeo vòng một chiếc vòng bạc do chính tay bố tự làm. Hơn nữa, trên cổ của chị có một chiếc bớt rất to…
Cả tôi, chị và bố đều ôm nhau khóc. Những giọt nước mắt hạnh phúc vì đã tìm được người thân rơi mãi không ngừng…
Phụp, phụp, phụp….. Tiếng pháo hoa vang lên báo hiệu giao thừa đã đến!
Vũ Thành
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2jm5AKE
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét