Thứ Tư, 25 tháng 1, 2017

Những điều cần lưu ý về viết “sớ” và dâng “sớ” khi lễ chùa ngày Tết

Ngày nay, ở nhiều chùa thường thấy một người ngồi viết sớ thuê, và mọi người phải xếp hàng chờ đợi rất đông để đến lượt mình, ai cũng rất lo lắng rằng nếu không có lá sớ viết thuê đó, thì lời cầu xin không đến được tai Thần Phật…

Vậy nếu không viết sớ, liệu Phật có biết chúng ta là ai không và biết “mâm lễ” trong hằng bao nhiêu mâm lễ lớn nhỏ trên bàn là của ai không? Liệu Phật có biết chúng ta muốn “xin” gì không? Rất nhiều lo lắng xung quanh việc “viết sớ” và “dâng sớ”… Có lẽ bạn sẽ bớt lo lắng hơn khi đọc bài phân tích này…

Người viết sớ bằng tiếng Hán cũng cần nắn nót từng chữ... (Ảnh  minh họa: Internet)Người viết sớ bằng tiếng Hán cũng cần nắn nót từng chữ… (Ảnh  minh họa: Internet)

Thực ra, chỉ cần tĩnh tâm suy nghĩ một lúc, một người dù không tinh thông Phật Pháp cũng có khả năng đoán định được những điều dưới đây…

Một là, không cần viết ra thì Đức Phật có lẽ cũng sẽ biết trong tâm bạn nghĩ gì, bạn mong muốn điều gì…

Đức Phật là người đã khai công, khai ngộ, tu thành chính quả, có thể thi triển thần thông uy lực vô tỷ. Trong Phật giáo cũng có ghi nhận tôn giả Mục Kiền Liên, đệ tử của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là “đệ nhất thần thông.” Trong đó có thiên nhĩ thông, tha tâm thông, túc mệnh thông .v.v. Tha tâm thông là khả năng đọc được suy nghĩ của người khác. Như vậy thì, bạn có nói nhỏ đến đâu Phật cũng nghe thấy, thậm chí mới chỉ động niệm trong đầu Ngài đã biết rồi. Nên có lẽ nếu việc viết sớ khó khăn quá và bạn thiếu tờ sớ, bạn cũng không cần phải lo lắng quá. Phật có thể biết hết những điều bạn mong muốn trong tâm và sự thành kính của bạn khi đến cửa chùa rồi. Vậy nên, sự thành tâm thành kính của bạn có lẽ là quan trọng nhất…

Hai là, bạn chỉ biết đời này mình là ai, còn Phật biết cả quá khứ tương lai và từng đời chuyển sinh của bạn

Một người bình thường trong luân hồi thì mỗi lần chuyển sinh đều bị xóa sạch ký ức tiền kiếp (trừ một số ngoại lệ). Tuy nhiên, đạt đến quả vị của Phật thì trí tuệ hoàn toàn khai mở, có thể nhìn thấu suốt quá khứ vị lai. Ngài không cần phải mở sổ địa chỉ để tìm ra bạn là ai, đây có lẽ chỉ là năng lực tư duy bị giới hạn của con người mà thôi. Ngài có lẽ biết cả nhiều tiền kiếp của bạn, cả tương lai của bạn rồi… Nên bạn có thể không cần phải lo lắng quá là đông người thế này, liệu Phật có biết mình là ai không và mâm lễ của mình Phật có chứng cho không…

Ba là, Đức Phật trong suốt cuộc đời thuyết Pháp chưa bao giờ dạy con người cầu xin mình ban phước

Chữ Phật, hay Phật Đà vốn xuất phát từ “Buddha,” nghĩa là người đã giác ngộ. Ngài giác ngộ các nguyên lý của Pháp ở các tầng thứ khác nhau, trong đó có quy luật nhân quả: Thiện hữu thiện báo, ác hữu ác báo. Vậy nên, Đức Phật khuyên bảo con người tu tâm hành thiện. Chỉ có hành thiện mới mang lại phúc báo, chứ Ngài không phải là đấng ban phúc, giáng họa.

Ấy thế mà có người lại viết đủ thứ cầu xin: nào là tiêu tai giải nạn, nào là buôn bán phát tài, công thành danh toại, gia quyến an khang… và cho rằng sắm sanh lễ vật trọng hậu thì Phật sẽ “chứng cho.” Nếu chỉ vì một người dâng sớ cầu xin và bỏ nhiều tiền dâng lễ mà Phật thực sự ban cho người ấy, thì có khác gì nhiều ở chốn người thường nhận “quà biếu?” “Phật tại tâm,” câu này có ý rằng phải tu chính cái tâm này thì mới có thể thành Phật, chứ không phải có tâm cầu Phật ban cho điều này điều nọ thì Phật sẽ đáp ứng.

Đức Phật khuyên nhủ con người buông bỏ các chủng dục vọng để đạt tâm thanh tịnh, còn những người viết sớ đều là viết đủ những loại dục vọng dâng lên bàn thờ Phật. Phật mà nhìn thấy, hỏi Ngài sẽ nghĩ gì? Chẳng những người kia không có phước, có khi còn tổn phước.

Lễ chùa đầu năm là nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của người Việt ta. Đi chùa với tâm thanh tịnh, một lòng tu tâm hướng Phật, ắt sẽ kết Thiện quả.

Mã Lương- Hà Phương

Xem thêm:



from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2kuyrxl
via máy cửa nhôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét