Mỗi dịp giáp Tết, lòng tôi lại chộn rộn. Một cảm giác mong đợi khó tả thành lời.
Năm nay nghỉ Tết không dài như mọi năm. Để tranh thủ, có người đã bắt đầu dọn dẹp nhà cửa từ hôm nay, có người đã lên danh sách nhưng thứ cần mua sắm. Một vài người bắt đầu tính Tết này đi đâu.
Người ta bảo càng ngày Tết càng khác xưa. Tôi nghĩ chả phải. Tết vẫn là Tết. Chỉ là ta đối với Tết như thế nào thôi.
Với Bạn, Tết có ý nghĩa như thế nào?
Với tôi, đơn giản lắm.
Tết là sum họp. Gia đình đông con, ít con thì ngày Tết cũng luôn là ngày sum họp, gia đình mỗi người một nơi lại trở về nơi có ông bà, cha mẹ, sum vầy, đoàn tụ. Nhiều khi ta mong ngày Tết về, chẳng phải vì ăn uống mà chỉ mong đợi ngày đoàn viên sau 1 năm ít khi gặp mặt. Ai không về được Tết với cha mẹ, hẳn sẽ buồn lắm. Có lần, trong một cái Tết xa nhà, hát bài “Xuân này con không về”, Tôi vừa khóc vừa hát những lời da diết: Mẹ ơi, con hứa Xuân sau sẽ về….
Tết là sự hy vọng, ước nguyện về khởi đầu của một điều tốt đẹp mới. Ta hay nghĩ rằng biết đâu, sang năm, mọi thứ lại tốt đẹp hơn. Ta sẽ ước mong ta và gia đình sẽ mạnh khỏe hơn, công việc tốt hơn, gặp nhiều may mắn hơn. Với những ai ta trân trọng, ta cũng dành cho họ những lời chúc tốt đẹp nhân dịp tết đến xuân về. Bởi vậy, Tết đến, chúng ta, ai ai cũng mong cho ta, chúc cho người muôn vạn điều hay.
Tết là dịp ta tỏ lòng hiếu thuận. Bình thường, ta cứ cho ta cái quyền bận rộn cả năm, coi đấy là lý do để biện bạch với ông bà, cha mẹ rằng: con bận nên con không về được. Ừ, con bận, con cứ yên tâm làm việc đi, nhớ giữ sức khỏe. Người ta bảo nước chỉ chảy xuôi, không chảy ngươc. Lòng cha mẹ cũng vậy. Nhưng Tết thì ta phải về. Cha mẹ đã bao dung và đợi ta cả năm, chỉ mong đến Tết, con mình sẽ về với mình. Ta phải về để an ủi cha mẹ, để thấy cha mẹ khỏe yếu thế nào, để cho cha mẹ thấy rằng ta vẫn ổn, để được rót cho cha mẹ chén nước, xới cho cha mẹ bát cơm, chúc cho cha mẹ những điều tốt đẹp nhất. Còn nữa, một điều quan trọng. Tết ta về thắp nén nhang thơm, đứng trước bàn thờ gia tiên để nhớ về tổ tiên, nhắc nhở bản thân và các con mình nhớ về gốc gác, cội nguồn.
Tết là dịp ta nghỉ ngơi. Cả năm quần quật, chỉ Tết là dịp ta có thể an tâm gạt bỏ mọi việc sang bên cạnh để nghỉ ngơi. Ta có thể ở nhà, hay đi đâu đó với tâm thái thoải mái. Ba ngày Tết, năng lượng của ta sẽ được tái tạo, giúp ta đứng vững trước mọi thử thách của năm sắp tới.
Tết là dịp chúng ta gia tăng tình thân, giữ gìn hòa mục, củng cố vững chắc thiện tâm, vị tha. Gia đình, họ hàng cả năm không gặp, lời trách tiếng bấc, tiếng chì. Tết gặp nhau lại xí xóa, lại thương yêu nhau. Tết đến, ta sẽ bỏ qua hết thảy mọi khúc mắc với ai đó năm cũ. Ta sẽ gửi đến họ, đến những người quanh ta những lời chúc tụng tốt đẹp. Một lời chúc tết sẽ là một cầu nối, một giao thoại xóa hết hận, ghét mà ta ôm trong một năm qua. Bạn không tin? Bạn thử xem, dịp Tết này, hãy thử gửi đến ai đó bạn đang ghét, ai đó đang ghét bạn một lời chúc chân thành, Bạn sẽ thấy khác.
Tết là dịp ta tin rằng trên đời này có Thần Phật. Tin tin rằng Thần Phật đã minh chứng cho mọi cố gắng của ta trong năm qua, đã biết những lầm lỗi ta đã từng phạm, tin rằng có nhiều thứ mình ta làm, nhưng có Trời biết, đất biết, Thần Phật biết. Ta sẽ tăng thêm tín tâm để tu thân tốt hơn, một cách tự giác hơn để năm cũ qua đi, năm mới sẽ đến với mọi điều tốt đẹp mới.
Với Bạn, Tết có ý nghĩa gì?
Đăng An
Tiểu mục Văn thơ là bức ký họa thơ ca, tản văn, âm nhạc mà chuyên mục Văn hóa Thời báo Đại Kỷ Nguyên muốn dành tặng cho độc giả, để tìm về với nơi thuần khiết sâu thẳm nhất của chính mình, như một nốt lặng trầm quý giá trong bản nhạc cuộc sống thường nhật ồn ào, sôi động.
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2ksZXMM
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét