Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

3 sai lầm khiến Gia Cát Lượng hối hận một đời

Khổng Minh Gia Cát Lượng là một kỳ tài hiếm có, khó gặp trong lịch sử Trung Hoa. Tài kinh bang tế thế của ông luôn khiến hậu thế cảm thấy kinh ngạc. Nhưng không phải lúc nào bộ não ấy cũng đưa ra những quyết sách sáng suốt.

Nỗi ám ảnh “phạt Ngụy”

Cả cuộc đời Gia Cát Lượng là cúc cung tận tụy phò tá nhà Thục Hán chống lại kẻ thù không đội trời chung Tào Ngụy. Lần đầu ông cầm quân là trận chiến ở gò Bác Vọng, hỏa thiêu 10 vạn quân Tào. Lần cuối cùng Gia Cát Lượng ra trận cũng lại là đối đầu với Tư Mã Ý ở gò Ngũ Trượng.

Phạt Ngụy luôn là nỗi ám ảnh của Gia Cát Lượng. Ngay từ khi còn ở Long Trung, trong buổi tiếp kiến Lưu Bị, Gia Cát Lượng đã vạch sẵn chiến lược “Đông hòa Tôn Quyền, Bắc phạt Tào Ngụy”. Sau này, khi là Thừa tướng cầm thực quyền, việc đầu tiên mà ông nghĩ đến là chinh phạt Ngụy quốc, trung hưng Hán thất.

12-1fc32Bản đồ ba nước Ngụy, Thục, Ngô (năm 262). Ảnh: Internet

Từ năm 228 đến 234, Gia Cát Lượng đã 6 lần dốc binh phạt Ngụy. Sử sách gọi những cuộc chiến liên miên này là “Lục xuất Kỳ Sơn” (6 lần ra Kỳ Sơn). Mục đích của chiến dịch này là đánh chiếm cố đô Trường An của nhà Tây Hán cũ, làm bàn đạp tiến đánh Lạc Dương, kinh đô của Tào Ngụy.

Tuy vậy, dù đánh thắng nhiều trận, chiếm được một số thành trì nhưng quân Thục phải kết thúc chiến dịch mà không đạt được mục tiêu cuối cùng. Gia Cát Lượng hao tâm tổn trí suốt 6 năm ròng, cuối cùng ngã bệnh và mất ở gò Ngũ Trượng.

Những chiến dịch Bắc phạt đã khiến quân Thục tổn hao nguyên khí nặng nề. So với Tào Ngụy, Thục Hán thua thiệt hơn nhiều mặt. Theo thống kê, vào năm 265, dân số của Ngụy là hơn 4 triệu người, gấp 4 lần dân số nước Thục (chưa đầy 1 triệu người).

150712vltt10-070a2Tranh đời Thanh mô tả chiến tranh Thục – Ngụy. Ảnh: Internet

Đáng lý, với tài kinh bang tế thế của mình, Gia Cát Lượng đã có thể bồi dưỡng sức dân, tạo dựng nền tảng vững chắc cho nước Thục. Nhưng chính nỗi ám ảnh Bắc phạt đã khiến Gia Cát Lượng chấp nhận mạo hiểm “chống lại mệnh trời” như chính ông từng thừa nhận. Sau này, người học trò Khương Duy nối chí ông, 9 lần mang quân đánh Ngụy, hậu quả là càng mài mòn sức dân, tiêu hao nguyên khí quốc gia, khiến nhà Thục Hán mất về tay của chính nhà Ngụy.

Lỗ hổng trong bồi dưỡng nhân tài

Sau khi “Ngũ hổ tướng” (Quan Vũ, Trương Phi, Triệu Vân, Mã Siêu, Hoàng Trung) lần lượt qua đời, nước Thục rơi vào cảnh thiếu hụt nhân tài trầm trọng. Đáng kể nhất chỉ có Mã Tốc và Khương Duy là đủ sức gánh vác việc lớn. Thế nhưng trong trận chiến Nhai Đình, Mã Tốc đã bị xử trảm vì chủ quan làm mất vùng đất yết hầu này.

Chính Gia Cát Lượng là người chỉ định Mã Tốc trấn giữ Nhai Đình. Mà Mã Tốc là người thế nào chắc chắn Gia Cát Lượng tỏ tường hơn ai hết. Trước đây Lưu Bị có lần từng cảnh báo với Gia Cát Lượng rằng không nên trọng dụng Mã Tốc. Mã Tốc vốn là người thích bày mưu tính kế trong màn trướng nhưng lại chủ quan, khinh suất, không có kinh nghiệm thực chiến.

Tạo hình của Mã Tốc trên điện ảnh (phải). Ông không nghe lời Vương Bình (trái) làm mất Nhai Đình. Tạo hình của Mã Tốc trên điện ảnh (phải). Ông không nghe lời Vương Bình (trái) dẫn đến việc làm mất Nhai Đình và chịu tội chém đầu. Ảnh: Internet.

Dùng Mã Tốc là một điều khinh suất của Gia Cát Lượng. Chém Mã Tốc lại là một sai lầm khác của ông. Gia Cát Lượng nói chém Mã Tốc là để giữ nghiêm quân lệnh. Nước Thục vốn đã thiếu hụt nhân tài so với Ngô, Ngụy, Gia Cát Lượng đáng ra phải gìn giữ bồi dưỡng tuấn kiệt. Nhưng ông đã coi quân pháp trọng hơn nhân tài, không cho Mã Tốc một cơ hội làm lại.

Sau này, chém Mã Tốc là chuyện luôn khiến Gia Cát Lượng cảm thấy bị dày vò. Tưởng Uyển có lần hỏi ông vì sao không cho Mã Tốc sống thêm để lập công chuộc tội. Gia Cát Lượng nói rằng bản thân thấy rất thương xót, như chặt đi mất một cánh tay nhưng vì giữ nghiêm mệnh lệnh mà phải gạt lệ chém tướng yêu. Năm ấy, Mã Tốc mới vừa 39 tuổi, tràn trề sinh lực, khí chất ngời ngời.

Vấn đề Ngụy Diên

Ngụy Diên (177-234) là một đại tướng thiện chiến, tài năng của nhà Thục. Ông cũng là tướng tiên phong trong các chiến dịch Bắc phạt của Gia Cát Lượng. Khi còn sống, ông được phong là Chinh Tây đại tướng quân, tước Nam Trịnh hầu, nghĩa là chỉ đứng sau Gia Cát Lượng.

Dù là một đại tướng dũng mãnh, từng đánh hàng trăm trận lớn nhỏ, Ngụy Diên vẫn chưa bao giờ có được sự công nhận của Gia Cát Lượng. Rất nhiều kế sách táo bạo của Ngụy Diên thường bị Gia Cát Lượng gạt đi, ví dụ như kế đánh úp Trường An bằng đường qua hang Tý Ngọ.

Tranh vẽ Ngụy Diên chạy vào phá hỏng lễ tế sao của Gia Cát Lượng. Ảnh: InternetTranh vẽ Ngụy Diên chạy vào phá hỏng lễ tế sao của Gia Cát Lượng. Ảnh: Internet.

Gia Cát Lượng sinh thời nói Ngụy Diên có tướng làm phản nhưng vì tiếc sức của ông nên vẫn gắng dùng. Quả nhiên, trước khi Gia Cát Lượng mất, ông đã ra mật lệnh cho Dương Nghi định liệu kế sách rút quân và xử lý Ngụy Diên. Cái chết của Ngụy Diên thực ra là một tổn thất của nước Thục. Cùng một lúc nước Thục mất đi hai nhân vật hàng đầu cả về văn lẫn võ là Gia Cát Lượng và Ngụy Diên.

Chuyện Gia Cát Lượng dùng Ngụy Diên gây nên nhiều tranh cãi. Có câu: “Đã nghi thì không dùng, đã dùng thì không nghi” nhưng Gia Cát Lượng vẫn bán tín bán nghi Ngụy Diên dù trao cho ông quyền đại tướng. Có người cho rằng chính Gia Cát Lượng đã đẩy Ngụy Diên vào con đường làm phản.

Hữu Bằng

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét