Thứ Hai, 20 tháng 6, 2016

Học ngoại ngữ sớm có làm trẻ nhầm lẫn? 5 lời khuyên cho cha mẹ dạy trẻ song ngữ

Tóm tắt bài viết

  • Trẻ nhỏ có thể học ngoại ngữ cùng lúc với tiếng mẹ đẻ
  • Có thể dạy ngoại ngữ sớm cho con cùng lúc với ngôn ngữ đầu tiên
  • Lời khuyên của chuyên gia về dạy ngoại ngữ sớm cho trẻ

Thời điểm tốt nhất để dạy ngoại ngữ cho con bạn chính là khi bé học ngôn ngữ đầu tiên!

Bà Naja Ferjan Ramirez, nhà khoa học tại Đại học Washington (Hoa Kỳ) nhận định rằng: “Nếu bạn muốn con mình biết nhiều hơn một ngôn ngữ, tốt nhất là bắt đầu từ rất sớm, thậm chí trước khi bé bắt đầu nói ngôn ngữ đầu tiên. Việc này sẽ không khiến con bạn nhầm lẫn, mà thậm chí nó sẽ cho bé một bước xúc tác đối với các hình thức khác của nhận thức”.

Dù vậy, nhiều bậc cha mẹ vẫn có thể nghi ngại rằng: Bé chưa thạo ngôn ngữ mẹ đẻ thì có học được ngoại ngữ không? Học hai thứ tiếng một lúc làm sao mà trẻ không nhầm lẫn cho được? Điều này có khiến trẻ chậm phát triển hơn so với các bạn hay không? Làm sao để giúp trẻ học hai ngôn ngữ cùng lúc?

Đại Kỷ Nguyên xin giới thiệu một phần bài viết dưới đây của tác giả Mark Antoniou, chuyên gia về song ngữ hiện làm việc tại Viện MARCS về Não bộ, Hành vi và Phát triển thuộc Trường đại học Western Sydney. Với tư cách là nhà nghiên cứu, đồng thời là người cha nuôi dạy con song ngữ, ông Antoniou đã giải mã những thắc mắc của nhiều phụ huynh xoay quanh vấn đề này, đồng thời đưa ra 5  lời khuyên cho các gia đình muốn dạy con hai ngôn ngữ cùng lúc:

Dạy con song ngữ có thể khiến trẻ chậm phát triển?

Trên thực tế điều này có rất nhiều lợi thế, chẳng hạn như cải thiện chức năng điều hành (vận hành các kỹ năng thần kinh), nhận thức siêu ngôn ngữ (khả năng mô tả ngôn ngữ bằng một ngôn ngữ khác), tính linh hoạt về thần kinh (xử lý thông tin một cách linh hoạt) và tư duy sáng tạo.

Trẻ em song ngữ nói chung sẽ đạt các cột mốc phát triển trong phạm vi phát triển ngôn ngữ bình thường, nhưng đối với một số trường hợp có thể vào cuối giai đoạn (mà chính xác là trường hợp của Alexander – con trai tác giả).

Trẻ em song ngữ bị tụt hậu và sẽ không bắt kịp các bạn cùng lứa?

Đây là một vấn đề gây tranh cãi, vì có sự khác biệt đáng kể trong số trẻ em song ngữ. Một số trẻ em sẽ không có  bị tụt hậu chút nào.

Có thể có sự chậm trễ tạm thời xuất phát từ việc trẻ phải dung nạp hai hệ thống ngôn ngữ vào cùng một não bộ, nhưng những đứa trẻ này sẽ bắt kịp trong vòng vài tháng (lưu ý rằng điều này không phải là chậm phát triển ngôn ngữ).

Tuy nhiên, cần có nghiên cứu thêm để hiểu về những cơ chế có liên quan.

Con tôi sẽ nhầm lẫn giữa hai ngôn ngữ?

Điều này là không chính xác. Mặc dù có một số tranh cãi liên quan đến việc khi nào trẻ biết tách biệt hai ngôn ngữ.

Từ lâu người ta đã nghĩ rằng lúc đầu trẻ thường lẫn lộn hai ngôn ngữ, sau đó bắt đầu tách biệt khi trẻ được khoảng 5 tuổi. Bằng chứng gần đây cho thấy rằng trẻ có thể phân tách hai ngôn ngữ từ trước đó rất lâu.

Ví dụ, trẻ em song ngữ ở giai đoạn 10-15 tháng tuổi có thể bi bô các âm khác nhau tùy thuộc trẻ đang tương tác với ai (ví dụ, trẻ bập bẹ âm tiếng Anh với người mẹ, và bi bô các âm tiếng Pháp với người cha).

Điều này cho thấy rằng ngay từ khi còn rất nhỏ, trẻ rất nhạy cảm với những người mà bé nói chuyện. Đây có lẽ là một dấu hiệu báo trước của hiện tượng hoán chuyển ngôn ngữ (trong đó người có khả năng song ngữ sử dụng hai loại ngôn ngữ trong cùng một lời nói).

5 lời khuyên cho cha mẹ dạy trẻ song ngữ

  1. Hãy khích lệ và kiên nhẫn như đối trẻ sơ sinh, và nhớ rằng một đứa trẻ song ngữ phải đối mặt với một nhiệm vụ khó khăn hơn so với một đứa trẻ chỉ học duy nhất một ngôn ngữ.
  2. Điều rất quan trọng là cả hai ngôn ngữ đều phục vụ một mục đích chức năng. Dù sao đi nữa, ngôn ngữ là một công cụ để giao tiếp. Nếu đứa trẻ không cần sử dụng một ngôn ngữ khác, bé có thể sẽ ngừng sử dụng nó. Vì vậy, điều quan trọng là phải luôn đặt trẻ vào các tình huống đòi hỏi phải sử dụng cả hai ngôn ngữ, và lý tưởng nhất là giữa nhiều người nói chuyện. Làm như vậy sẽ giúp trẻ phát triển mạnh mẽ các phạm trù trong mỗi loại ngôn ngữ và đảm bảo rằng trẻ học được cách xử lý ngôn ngữ một cách hiệu quả – mà điều này sẽ hỗ trợ cả kỹ năng nghe và nói.
  3. Không cần lo lắng về vấn đề cân bằng giữa hai ngôn ngữ, có nghĩa là liệu trẻ có biết cả hai ngôn ngữ như nhau hay không. Trong quá khứ, người ta nghĩ rằng để thật sự trở thành người nói song ngữ, bạn cần phải có hiểu biết như nhau về cả hai thứ tiếng. Tôi đã tiến hành một loạt các nghiên cứu đối với những người nói song ngữ rất thành thạo và thấy rằng kể cả những người song ngữ thông thạo cũng có một ngôn ngữ chính. Vì vậy, không cần lo lắng nếu đứa trẻ không có hiểu biết ngang bằng đối với hai ngôn ngữ, bởi vì sự thật là hầu như không ai làm được như vậy.
  4. Đừng lo khi trẻ em song ngữ pha trộn hai loại ngôn ngữ. Đây là một phần bình thường của sự phát triển song ngữ và không phải là một dấu hiệu của sự nhầm lẫn. Kể cả những người sử dụng song ngữ thành thạo cũng pha trộn ngôn ngữ của họ.
  5. Nếu bạn lo ngại về sự phát triển ngôn ngữ của con, bạn nên tham khảo ý kiến đánh giá từ 1 bác sĩ, và nếu cần thiết, từ một nhà nghiên cứu bệnh học về ngôn ngữ. Trẻ em song ngữ có thể có sự chậm trễ về phát triển ngôn ngữ, cũng giống như bất kỳ đứa trẻ nào khác. Nếu con của bạn có sự chậm trễ về ngôn ngữ, có thể cần phải can thiệp sớm để giúp trẻ học tốt hơn.

Trên đây là một phần bài viết được đăng trên http://ift.tt/19ufyUF của ông Mark Antoniou, Chuyên gia về song ngữ, Viện MARCS về Não bộ, Hành vi và Phát triển thuộc Trường đại học Western Sydney

Mai Lan biên dịch

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét