Thứ Ba, 21 tháng 6, 2016

Khủng hoảng người tị nạn: Trẻ em là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất

Thế giới đang chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số lượng người tị nạn buộc phải chạy trốn khỏi các cuộc chiến tranh, xung đột và bức hại chẳng hạn như Syria, Iraq và Afghanistan. Người ta ước tính rằng khoảng một nửa trong số 19,5 triệu người tị nạn đã xác nhận trên toàn cầu là trẻ em và thanh thiếu niên. Đây là những nạn nhân dễ bị tổn thương nhất trong các cuộc xung đột.

Trường hợp điển hình là ở Syria. 5 năm xung đột đã biến Syria thành một trong những nơi nguy hiểm nhất cho trẻ em, theo UNICEF. Syria có dân số 21,9 triệu người, trong đó hơn 9 triệu là dưới 18 tuổi. Người ta ước tính có đến 5,5 triệu trẻ em bị ảnh hưởng bởi các cuộc xung đột, số lượng gần gấp đôi năm trước đó. Hơn 4,29 triệu trẻ em ở Syria ở trong tình trạng nghèo đói, nay đây mai đó hay bị mắc kẹt giữa làn đạn.

Các tổ chức cứu trợ quốc tế vẫn đang giúp đỡ người dân các nước bị ảnh hưởng bởi chiến tranh. Tuy nhiên, tại Syria, một triệu trẻ em vẫn đang sống tại các khu vực mà nhân viên cứu trợ không thể đến thường xuyên, do đó không có được những hỗ trợ thiết yếu. Hơn 1/3 số gia đình ở Syria không còn sống trong nhà riêng hay cộng đồng dân cư, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của họ.

Nhiều trẻ em tử vong do chết đuổi trên đường theo cha mẹ vượt biển tới châu Âu (Ảnh: Facebook), người tị nạnNhiều trẻ em tử vong do chết đuối trên đường theo cha mẹ vượt biển tới châu Âu. (Ảnh: Facebook)

Do hậu quả của việc giảm tỷ lệ tiêm chủng, từ 99% trước chiến tranh đến ít hơn 50% ở hiện tại – bệnh bại liệt đã xuất hiện trở lại ở Syria sau 14 năm vắng bóng. Đồng thời, các bác sĩ cũng cho biết số lượng và mức độ nghiêm trọng của các ca bệnh sởi, viêm phổi và tiêu chảy đang gia tăng. Để đối phó với dịch bệnh bại liệt, UNICEF, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và các bộ trưởng sức khỏe trong khu vực đã phát động chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử khu vực này, để đáp ứng cho 25 triệu trẻ em.

Khả năng hỗ trợ người dân của hệ thống y tế Syria bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều bác sĩ và nhân viên y tế người Syria đã bị giết hay quyết định chạy trốn khỏi đất nước. 60% các bệnh viện công đã bị hư hỏng hoặc đóng cửa.

Rất nhiều trường hợp các chiến binh đã đánh bom các cơ sở y tế, chờ đội phản ứng nhanh và cấp cứu đến rồi tấn công họ một lần nữa, để tối đa hóa tác động từ các cuộc tấn công khủng bố. Vào ngày 27/4/2016, bệnh viện Al Quds tại thành phố Aleppo phía bắc Syria đã bị không kích. Hậu quả làm 30 người chết, trong đó có 2 nhân viên y tế, làm bị thương 60 người, cơ sở này đã bị phá hủy hoàn toàn.

Tiến sĩ Abdo El Ezz, một bác sĩ ở thành phố Aleppo cho biết: “Cuộc chiến ở Syria đã vi phạm và phá hủy bất cứ thứ gì gọi là “thỏa thuận”, “ký kết” cùng “nhân quyền” và bất cứ điều gì có tính nhân đạo… Các bệnh viện đang tìm những cỗ quan tài vì người dân đổ đến rất nhanh, một số bị bỏng toàn bộ cơ thể và chết ngay sau đó. Chúng tôi cần chôn họ… Một số người ước được chết để có thể được an nghỉ, họ không muốn sống trong nỗi khiếp sợ và chứng kiến sự tàn phá liên miên”.

Ước tính có khoảng 37.000 trẻ em trở thành dân tị nạn ngay sau khi được sinh ra và hơn 83.000 phụ nữ Syria mang thai đang sống như những người tị nạn tại Lebanon và Jordan. Việc này đang tạo nên gánh nặng cho các hệ thống xã hội và sức khỏe của các quốc gia láng giềng Syria. Ví dụ, Lebanon sắp phải chuẩn bị nguồn lực để dạy cho 600.000 trẻ đang độ tuổi đi học trong năm nay – gấp hai lần số lượng học sinh đang học tập tại nước này.

Trẻ em tị nạn Syria có nguy cơ bị bệnh tâm thần cao cũng như khó có cơ hội tiếp cận với giáo dục. Ví dụ, trong trại tị nạn Za’atari ở Jordan, 1/3 trẻ em ở đây có hành vi hung hăng và tự làm hại bản thân mình. Theo Europol, cơ quan chính sách của châu Âu, hơn 10.000 người tị nạn và trẻ em nhập cư đã biến mất, làm dấy lên lo ngại rằng các em đang bị bóc lột và lạm dụng tình dục.

Tỷ lệ rối loạn stress sau sang chấn (PTSD) ở trẻ tị nạn người Syria có thể ngang bằng với những đứa trẻ khác từng trải qua chiến tranh. Một nghiên cứu của Viện Chính sách di cư cho thấy rằng trẻ em tị nạn không được giáo dục chính quy thường cảm thấy mình bị cô lập và vô dụng, làm chúng trở thành mục tiêu của các chủ nghĩa [khủng bố] cực đoan.

Trải nghiệm của những đứa trẻ Syria cũng tương tự như những đứa trẻ tị nạn đến từ những nước khác như Afghanistan và Iraq. Một số người đã bày bỏ sự chua xót cay đắng về số phận bi thảm của những đứa trẻ này như James Fenton đã viết trong bài thơ “Những đứa trẻ lang thang” của mình:

Tôi là gì không còn quan trọng, cho dù sống hay chết –

Sống chết cũng vậy, với tôi, với bạn.

Chúng ta làm gì mới là điều quan trọng. Đây là điều tôi học được.

Không quan trọng ta là gì, mà là ta làm gì.

Một đứa trẻ lang thang nói vậy, đứa con của một gia đình

Đã từng hạnh phúc. Giờ đây có bốn

Những đứa trẻ bị thiên tai, những đứa trẻ trong nạn đói

Những đứa trẻ lang thang trong vùng chiến sự…

Tác giả: César Chelala, Bác sĩ, Tiến sĩ, chuyên gia tư vấn sức khỏe cộng đồng toàn cầu của Liên Hiệp Quốc và nhiều cơ quan quốc tế khác. Ông đã thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến y tế tại 50 quốc gia trên toàn thế giới. Ông sống ở New York và viết rất nhiều bài viết về vấn đề nhân quyền và chính sách đối ngoại, và từng đạt giải thưởng từ tổ chức Overseas Press Club of America, ADEPA, và Chaski và gần đây đã nhận được huy chương Cedar of Lebanon Gold Medal. Ông cũng là tác giả của nhiều ấn phẩm chính thức của Liên Hợp Quốc về các vấn đề sức khỏe.

Bản gốc đăng tại Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Minh Đạo biên dịch

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét