Tỉnh Gia Lai vừa có Công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành xem xét về việc không cho phép đầu tư xây dựng Thủy Điện Vĩnh Sơn 2 trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng.
Nội dung công văn ghi: Dự án Thủy điện Vĩnh Sơn 2 có hồ chứa Suối Say (trên suối Say – nhánh cấp 1 của sông Côn, thuộc huyện Kbang, tỉnh Gia Lai) chuyển nước sang hồ Đak Kron Bung (trên sông Côn thuộc tỉnh Bình Định) để điều tiết phát điện, công suất lắp máy 80 MW, theo Báo Gia Lai.
Dự án này khi xây dựng sẽ gây ngập lòng hồ 265 ha rừng thuộc Khu Bảo tồn thiên nhiên Kon Chư Răng, thuộc rừng đặc dụng nguyên sinh cần phải bảo vệ nghiêm ngặt; đồng thời sẽ chuyển nước từ suối Say của tỉnh Gia Lai sang hồ Đak Kron Bung của tỉnh Bình Định làm cạn kiệt 10 km dòng suối Say trong mùa khô.
Việc xây dựng đường hầm chuyển nước suối Say sang hồ Đak Kron Bung sẽ ảnh hưởng xấu đến môi trường – sinh thái, động thực vật của Khu bảo tồn Thiên nhiên Kon Chư Răng nói riêng và cả khu vực đầu nguồn sông Côn thuộc tỉnh Gia Lai nói chung.
Nhiều tác động xấu về địa chất và môi trường tự nhiên do việc xây dựng nhiều công trình thủy điện. (Ảnh: T.N/baogialai.com.vn)Trao đổi với PV Báo Người Lao Động, ông Kpah Thuyên – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai cho biết, thời gian qua, thủy điện An Khê – Ka Nak đã chuyển nước từ sông Ba về sông Côn (tỉnh Bình Định) gây tác động tiêu cực tới môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân. Dự án thủy điện Vĩnh Sơn 2 cũng chuyển dòng nước sang sông Côn làm ảnh hưởng đến hạ lưu của sông Ba nên tỉnh Gia Lai không đồng ý.
Ông Phạm Xuân Trường – Phó Chủ tịch UBND huyện Kbang cũng bác bỏ dự án trên. Theo ông Trường: “Khu vực xây thủy điện là rừng nguyên sinh rất quý, cần bảo tồn nguồn gien. Thủy điện sẽ ảnh hưởng nặng đến hoạt động du lịch và hàng loạt vấn đề dân sinh khác. Chúng tôi không đồng tình xây dựng thủy điện này”.
Trong khi đó, Thủy điện An Khê – Ka Nak trên dòng sông Ba được ông Huỳnh Thành (Đại biểu QH tỉnh Gia Lai) gọi với tên riêng là “Công trình sai lầm thế kỷ” đã hủy hoại môi trường, gây hạn hán và ngập lụt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến đời sống của hàng triệu người dân ở 2 tỉnh Gia Lai và Phú Yên.
Báo VOV dẫn lời của ông Huỳnh Thành ngày 1/4: ““Việc xây dựng Thủy điện An Khê–Ka Nak đã chuyển hướng một dòng sông lớn đang nuôi sống hàng triệu dân như vậy trên thế giới không bao giờ có. Trong khi chỉ cần công trình có tác động đến trăm nghìn người dân đã phải chú ý, chưa nói đến hàng triệu dân. Từ đó mà tôi nói đó là sai lầm. Từ sai lầm này đã dẫn đến phải chạy theo giải quyết hậu quả”.
Sông Ba hiện nay được xem như một “dòng sông chết”, nhiều khúc sông đã khô cạn. Trong hình, đoạn sông Ba chạy qua thị xã An Khê, Gia Lai trơ đáy, bò có thể ra giữa sông gặm cỏ. (Ảnh: Trần Hiếu/baogialai.com.vn)Sau chuyến giám sát sông Ba và báo cáo Chính phủ, ông Trần Việt Hùng – Phó trưởng ban Thường trực Ban chỉ đạo Tây Nguyên cho hay, việc kiểm tra Thủy điện An Khê- Ka Nak cho thấy, toàn bộ dòng sông Ba đang chết dần. Đặc biệt, dân cư ở lưu vực và hạ lưu sông không có nước sinh hoạt và tưới tiêu. Đề nghị trong chừng mực nào đó, có thể dừng hoạt động của nhà máy thủy điện này để trả lại nước cho dòng sông Ba, trả lại sức sống cho người dân trong lưu vực sông này.
Thủy Nguyên tổng hợp
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét