Vài năm trước đây, nhiều người dân sống tại thành phố São Paulo, Brazil, đã quen thuộc với hình ảnh một ông lão già nua, rách rưới, không nhà cửa, ngồi cả ngày bên một góc đường để viết, viết, và viết.
Ngày nào cũng vậy, người ta vẫn thấy, ở một góc phố xanh mướt của Sao Paulo, mặc cho bao nhiêu xe cộ và bao người qua lại, một ông lão vô gia cư vẫn ngồi yên lặng giữa một vòng những bịch ni lông cồng kềnh xếp cạnh nhau, cắm cúi viết. Dường như tiếng còi xe hay bất cứ tiếng ồn nào khác cũng không thể phá vỡ sự chăm chú của ông già. Không biết bao nhiêu người đã đi qua con phố này và tự đặt câu hỏi, ông lão vô gia cư này đang viết gì, ông ta có nhiều điều để viết như vậy sao? Nhưng trong suốt 35 năm ông lão ở đó, không một ai bước đến gần ông để tìm câu trả lời.
Giữa phố phường Sao Paulo tấp nập có một ông già ngày ngày cặm cụi viết
Cho đến mùa xuân năm 2011, đã có một người một người phụ nữ dừng lại. Shalla Monteiro đã đi qua đây rất nhiều lần, và hình ảnh một ông lão vô gia cư ngồi cặm cụi viết đã không để trí tò mò của cô được yên. Bao nhiêu câu hỏi cứ hiện ra mỗi lần cô nhớ tới ông. Đã rất nhiều lần Shalla muốn dừng lại để chuyện trò với người vô gia cư nọ. Nhưng có điều gì đó vẫn khiến cô chỉ đứng nhìn ông từ xa. Hôm đó, cô đã quyết định chiến thắng sự e sợ của mình để dừng lại bên ngoài “hòn đảo” ni lông của ông lão vô gia cư. Cô chăm chú quan sát ông: Mẩu giấy trắng được cắt một vuông vắn, đặt cẩn thận lên tấm bảng trên đùi, thước kẻ làm dòng, những nét chữ đen theo đó hiện ra thật ngay ngắn trên vuông giấy.
Ông lão ngước đôi mắt nhỏ bé lên nhìn Shalla khi cô đang chăm chú quan sát. Ông mỉm cười, chậm chạp lựa chọn trong tập giấy đã viết được cột ngay ngắn ngay sát bên ông, một tờ giấy. Ông từ tốn gấp tờ giấy lại một cách cẩn thận. Và bất ngờ ông đưa nó cho cô.
Ông bất ngờ đưa cho cô tờ giấy ông vừa chọn
Đôi mắt sáng tràn đầy sự thân thiện của ông lão khiến cô yên tâm, cô hiểu đó là một món quà. Shalla mở tờ giấy ra. Cô vô cùng xúc động khi đọc những gì được viết trong giấy: Đó là một bài thơ. Ngay lúc ấy, Shalla cảm thấy cô và ông có thể trở thành những người bạn. Ông mời cô vào chơi trong “nhà” của mình. Họ bắt đầu trò chuyện và chia sẻ với nhau nhiều hơn. Sau ngày hôm đó, họ đã trở thành hai người bạn.
Họ đã trở thành bạn của nhau, chia sẻ với nhau rất nhiều
Shalla thường xuyên tới thăm ông lão vô gia cư. Cô đã biết tên của ông cụ, Ruimundo. Cô còn biết rằng Ruimundo không phải là một người bình thường. Người vô gia cư chỉ là lớp vỏ bọc bên ngoài, bên trong ông là tâm hồn của một nghệ sĩ, tâm hồn của một nhà thơ.
Cô biết ông viết mỗi ngày. Viết là ý nghĩa của mỗi ngày ông sống. Và cô còn biết ước mơ lớn có lẽ không bao giờ có thể thực hiện của Ruimundo ví dụ xuất bản một cuốn sách với những bài thơ của ông. Shalla biết mình phải làm một điều gì đó. Và cô đã tạo một trang Facebook để chia sẻ những tác phẩm của ông lão với mọi người.
Shalla lập trang Facebook để chia sẻ những tác phẩm của ông lão vô gia cư
Ngay sau đó, những bài thơ và mẩu truyện do ông lão vô gia cư sáng tác đã thu hút sự chú ý của người dùng Facebook. Người dân địa phương đã tới thăm ông, trò chuyện, tặng ông những món quà. Cũng có những người thường ghé qua chỉ để hỏi thăm ông, chào ông một tiếng, đơn giản để biết rằng ông vẫn khỏe và vẫn viết.
Mọi người đến thăm ông nhiều hơn sau khi ghé thăm trang Facebook mà Shalla lập để chia sẻ thơ của ông
Nhưng một điều mà cả ông lão và Shalla đều không ngờ tới là qua Facebook người em trai hơn 50 năm thất lạc đã tìm được ông. Thì ra, đằng sau những bộ quần áo rách rưới và gương mặt già nua ấy chính là một tài năng. Ông chính là nhà văn Raimundo Arruda Sobrinho. Ông sinh năm 1938 tại một vùng quê của bang Goiás, nằm ở phía Tây Brazil.
Ở tuổi 23, ông chuyển đến sinh sống và làm việc tại São Paulo. Cho đến cuối thập niên 70 và đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, ông không còn nhà cửa và phải sống cảnh màn trời chiếu đất trong suốt 35 năm cho đến khi đoàn tụ cùng với em trai mình. Hiện tại, ông Sobrinho đang sống hạnh phúc cùng với gia đình em trai tại Brazil. Ông vẫn tiếp tục viết văn, làm thơ và gặp gỡ người bạn tri kỷ Shalla. Các tác phẩm của ông cũng hứa hẹn sẽ xuất bản thành sách vào một ngày không xa…
Ông Ruimundo và em trai
Hai con người kì lạ này, mỗi người đã mang tới cho chúng ta một thông điệp thật ý nghĩa.
Câu chuyện của Ruimundo là minh chứng không thể sinh động hơn cho câu nói quen thuộc: “Đừng bao giờ từ bỏ giấc mơ của bạn”. “Đừng từ bỏ” có nghĩa là khi rơi vào hoàn cảnh sống tồi tệ nhất, bạn vẫn lựa chọn tiếp tục xây dựng giấc mơ của mình. 35 năm không có cửa nhà, không công việc, 35 năm làm người vô gia cư, 35 năm ấy Ruimundo vẫn chọn làm một nhà thơ. “Đừng từ bỏ” chính là có thể kiên trì mỗi ngày, trong 35 năm liên tục, tạo nên một mảnh nhỏ để ghép thành giấc mơ.
Còn Shalla, cô ấy đã cho chúng ta hiểu rằng khi muốn bước ra khỏi những định kiến để đón nhận một người khác, có thể bạn sẽ cần rất nhiều dũng cảm để vượt qua mọi e sợ và cần thêm một chút phiêu lưu để mở rộng tâm hồn mình. Nhưng dẫu thế hãy cứ tin tưởng rằng, phần thưởng mà bạn nhận được cho sự dũng cảm và bao dung của mình sẽ luôn thật ngọt ngào. Như Shalla, cô không chỉ khám phá ra một tâm hồn lấp lánh, mà còn tìm thấy một tâm hồn đồng điệu, món quà quý giá mà không phải tất cả mọi người đều may mắn có được.
Tình bạn của Ruimundo và Shalla
Câu chuyện của ông lão Sobrinho đã được dựng thành phim và chia sẻ rộng rãi trên Youtube, Vimeo, Facebook Stories, và nhiều trang mạng xã hội khác. Cuộc đời kì lạ và cuộc gặp gỡ với người tri kỉ Shalla của ông đã đem tới cảm hứng cho rất nhiều người. Và dưới đây, xin tặng các bạn một tác phẩm đáng yêu lấy cảm hứng từ câu chuyện này.
Hồng Liên – Ly Ly
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2iCUFNM
via máy cửa nhôm