Một ngày, sau khi hết tiết giảng và trở về văn phòng, người bảo vệ đưa cho tôi một số tiền cùng hóa đơn thanh toán. Cả chục triệu đồng tiền nợ… Tôi thấy rất kỳ lạ, không nhớ nổi là đã cho ai mượn số tiền này. Nhìn lại hóa đơn, tôi chỉ thấy thấy dòng chữ ngay ngắn ghi: “Cậu bé ăn xin của 20 năm trước“… Tôi lặng người, dòng ký ức năm nào chợt ùa về miên man. Chẳng lẽ là cậu bé đó sao?
20 năm trước, mẹ tôi bán hàng cơm cho học sinh ở cổng trường. Tính vốn hay thương người, bà thường làm những hộp cơm ngon và bán với giá rẻ hơn cho những đứa trẻ nghèo khổ. Vì thế học sinh đến mua cơm rất đông. Ai ai cũng quý mến bà.
Hồi đó mẹ tôi còn làm nghề bán hàng cơm cho học sinh (Ảnh minh họa: Bedandchai Blog)
Ngày ấy, tôi vừa tốt nghiệp đại học. Trong lúc chờ việc, tôi thường ra quán phụ mẹ bán cơm. Một hôm, khi đang bận bịu bưng cơm phục vụ, đột nhiên tôi thấy như có ai đó đi qua quệt phải lưng mình. Đó là một cậu bé khoảng chừng 10 tuổi, mặc một bộ quần áo mỏng đã rách tả tơi. Trong khi ấy, trời đã bắt đầu trở vào đông.
Tôi thấy mẹ khẽ mỉm cười rồi đưa cho cậu bé một hộp cơm cứ như thể chuyện ấy đã quá quen thuộc. Nhưng không đợi tôi trao tay hộ, cậu bé vội giật lấy cơm, ném tiền vào hộp rồi vùng chạy mất. Một người tỏ vẻ tức giận nói: “Thằng ăn mày này toàn lừa tiền cơm, rất nhiều lần đều như vậy. Nếu lần sau còn thế thì phải dạy cho nó một trận!”. Tôi ngạc nhiên kiểm tra lại hộp tiền thì thấy quả thực là cậu bé chỉ đưa có 1 tờ 200 đồng.
Khi tôi trách mẹ quá sơ ý, bà nói: “Mẹ biết mỗi lần thằng bé chỉ bỏ vào đó 1 tờ 200 đồng. Chỉ có điều ta cũng nên giữ đạo nghĩa. Đứa trẻ này đã mất cả cha lẫn mẹ, rất đáng thương. Mẹ cũng chỉ có thể giúp nó đến như vậy.”
Mẹ tôi luôn làm những hộp cơm ngon hơn mà chỉ bán cho những đứa trẻ với giá rẻ bèo (Ảnh: Extraordinary Amazonaws)
Tôi vẫn không đồng ý nói: “Mẹ thật quá hồ đồ, đây mà là giúp cậu ta sao?“. Nhưng tôi chưa kịp nói xong thì mẹ đã gạt đi và không nghe nữa, cứ nhất mực làm theo ý mình như vậy. Tôi biết rõ là dù có nói gì cũng vô dụng. Mẹ suốt ngày niệm Phật, chỉ một lòng muốn giúp người khác nhưng lại không nghĩ sâu hơn. Thế là tôi muốn tự tay xử lý chuyện này.
Ngày hôm sau, cậu bé ăn xin lại tới quán. Cậu ta vẫn giành lấy cơm như những lần trước, ra vẻ rất vội vàng và chuẩn bị ném tiền vào hộp. Lúc đó tôi thình lình nắm lấy tay cậu… Tờ tiền ít ỏi rơi ra ngoài. Mọi người đều quay lại nhìn. Cậu bé rất bối rối, xấu hổ, rồi chực khóc. Lúc đó tôi cười nói: “Mua như vậy thì không đủ ăn đâu! Em cứ lấy cơm đi, phần còn thiếu sau này hãy trả“. Nói xong tôi thả tay cậu ra.
Cậu bé sợ hãi cầm hộp cơm, ánh mắt tràn đầy nghi hoặc. Tôi lại bảo: “Đi đi, anh biết rõ em nhất định sẽ trả! Nhớ nhé! Sau này phải trả cả vốn lẫn lãi!“. Cậu bé suy nghĩ mất một lúc, rồi sau đó im lặng quay người, đi thẳng từng bước một, chứ không còn chạy như trước kia nữa. Kể từ đó, cậu vẫn thường đến ăn, và trả 200 đồng…
Đang chìm trong dòng suy nghĩ miên man thì anh Trương, người bảo vệ lại vội vã quay lại tìm tôi nói: “Tôi quên! Còn một phong thư nữa!“. Nhận lấy phong thư, tôi vội vàng mở ra đọc. Trong thư viết những dòng thế này:
“Tôi cuối cùng đã tìm được địa chỉ của anh. Suốt bao năm tìm kiếm, tôi mới có thể đem tiền trả lại, mới có thể hoàn lại ân tình 20 năm về trước. Lúc đó tôi đã lang thang khắp nơi, thường xuyên chịu đói rét. Một lần tôi tới cổng trường học giả vờ mua một hộp cơm. Tôi ném thử tờ 200 đồng vào hộp rồi nói xin mua cơm. Lúc đó tôi nghĩ, dù có bị phát hiện đi nữa thì dì bán cơm cũng rất hiền lành, sẽ không trừng phạt tôi. Nhưng dì cũng không phát hiện ra, tủm tỉm cười rồi đưa tôi một hộp.
Sau đó tôi bắt đầu dựa vào thủ đoạn và mánh khóe để có được bữa ăn. Tôi cảm thấy người tốt trong xã hội rất dễ bị lừa. Tôi thường xuyên nói dối, và trộm đồ trong hành lang, còn định trộm cả trong cửa hàng nữa. Lần đó khi bị anh tóm lấy, tôi đã nghĩ mình vậy là xong rồi, bị đánh rồi. Nhưng tôi đã không phải chịu trận đòn nào, mà lại còn được anh thả đi. Những lời nói của anh đã bảo vệ danh dự cho tôi, khơi dậy trong tôi mong muốn làm người tốt thực sự. Trong những năm sau này, mỗi khi nhớ đến ánh mắt của anh, tôi lại có thể tránh xa những điều xấu. Và dù phải tìm kiếm khắp nơi, dù phải đi bao xa, mất bao nhiêu thời gian, tôi vẫn muốn hoàn thành lời hẹn ước cũ”.
Mỗi khi nhớ đến ánh mắt của anh, tôi lại có thể tránh xa những điều xấu ở những đứa trẻ ăn xin khác… (Ảnh minh họa: Sociology WordPress)
“Một ngày nọ, khi nhìn thấy tôi ngồi co ro vì giá rét, một phụ nữ đã trở về nhà mang cho tôi mấy chiếc áo. Sau đó tôi phát hiện trong túi áo có rất nhiều tiền. Lúc đó tôi rất đói, rất muốn giữ lại số tiền này, nhưng ánh mắt của anh lại hiện lên làm tôi thay đổi ý nghĩ. Tôi phải mất cả ngày mới tìm được nhà người phụ nữ nọ. Hai vợ chồng họ đã rất ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi tới trả lại tiền. Họ khóc nức nở ôm tôi vào lòng, rồi liên tục nói tôi là đứa trẻ tốt. Khi đó con gái hai vợ chồng vừa bị bệnh mà qua đời, tôi may mắn trở thành con nuôi của họ. Cuộc sống từ đó trở nên tốt hơn, tôi được cha mẹ nuôi thương yêu hết mực, được đi học. Giờ tôi đã trở thành giáo viên…”
Giờ đây đứng trên bục giảng, chắc chắn cậu bé ăn xin năm xưa sẽ nói với học sinh của mình rằng: Chỉ có thành thật mới mang lại hạnh phúc! (Ảnh: Nature World News)
Quả thực đúng là cậu bé đói khổ năm ấy. Đúng là Trái Đất tròn. Tôi thầm cảm thấy may mắn vì đã không vô tình hủy hoại một con người. Giờ đây đứng trên bục giảng, chắc chắn cậu bé ăn xin năm xưa hoàn toàn có thể dõng dạc giảng cho học sinh của mình rằng: “Hạnh phúc chỉ đến với những người thành thật!”.
Một câu nói, đôi khi có thể thay đổi cả số phận một con người. Hủy hoại hay cứu vớt một người cũng chỉ vì một câu nói, một thái độ. Chủ quán cơm và con trai mình trong câu chuyện trên đã hành xử thật đẹp, đầy đạo nghĩa. Cậu bé ăn mày không có tiền ăn nhưng cậu không hề ăn cắp, vẫn cố gắng trả tiền dù số đó chẳng có thể chẳng thấm thoát gì. Chủ quán đối đãi với cậu bằng thiện tâm của một người tu Phật thì cậu cũng đối đãi với bà bằng sự trung thực, chân thành.
Hơn 20 năm sau, chẳng ai ngờ một câu nói của con trai chủ quán cơm đã khiến cuộc đời cậu bé ăn xin năm nào thay đổi. Từ một đứa trẻ quỵt tiền cơm, cậu đường đường trở thành người thầy, người dạy cho những đứa trẻ đạo lý làm người. Đó chẳng phải là một câu chuyện cổ tích giữa thời hiện đại hay sao? Đó chẳng phải để người ta nhận ra rằng sự chân thật, thẳng thắn mới mang lại hạnh phúc đích thực hay sao?
San San – Hữu Bằng
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2iMB4xL
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét