Vào thế kỷ 15, ở một ngôi làng nhỏ gần thành phố Nuremberg của Đức có một gia đình nghèo với 18 đứa con, mười tám đứa trẻ ấy sống chen chúc trong một căn nhà chật hẹp.
Để có đủ súp loãng bày trên bàn mỗi ngày, người cha là thợ kim hoàn phải làm việc cật lực, tận dụng từng cơ hội để kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Mặc dù gia cảnh khốn khó là thế, nhưng hai người con lớn vẫn ấp ủ một giấc mơ cháy bỏng. Chúng ao ước sẽ trở thành những tài năng hội họa, nhưng chúng hiểu rằng cha sẽ không bao giờ có đủ tiền cho chúng lên Nuremberg học nghệ thuật.
Vì thế, sau rất nhiều cuộc thảo luận hằng đêm trên chiếc giường chật hẹp, cuối cùng hai cậu bé nghèo cũng tìm ra giải pháp. Chúng sẽ tung đồng xu để quyết định: ai thua cuộc sẽ phải làm việc trong các hầm mỏ, và bằng đồng thu nhập ít ỏi, sẽ dành cho người anh em của mình ăn học. Còn người thắng cuộc sau khi hoàn thành giấc mơ của mình, thì trong vòng bốn năm, với khoản tiền kiếm được từ các tác phẩm hội họa, sẽ quay lại giúp người kia vào học viện nghệ thuật.
“Mặc dù gia cảnh khốn khó là thế, nhưng hai người con lớn vẫn ấp ủ một giấc mơ cháy bỏng…” Trong ảnh là cậu bé Albrecht Durer – tranh tự họa. (Ảnh: Wikipedia)Thế là vào một buổi sáng chủ nhật, sau giờ cầu nguyện tại nhà thờ, hai anh em đã gieo đồng xu. Người anh Albrecht Durer thắng cuộc và đã lên Nurenberg học hội họa. Còn người em Albert chấp nhận vào làm trong những hầm mỏ nguy hiểm, suốt 4 năm ròng rã đã kiếm đủ tiền chu cấp cho anh trai.
Vốn là một họa sĩ có tài năng thiên bẩm, Albrecht Durer đã nhanh chóng thể hiện con mắt nghệ thuật của mình. Các tác phẩm khắc gỗ, tranh vẽ, và tranh màu nước của anh đều khiến nhiều chuyên gia phải ngả mũ thán phục. Cho đến khi Albrecht tốt nghiệp và ra trường, anh đã là một họa sĩ nổi tiếng khắp gần xa.
Sau nhiều năm xa cách, chàng họa sĩ trẻ Albrecht trở về quê hương, cả gia đình đã chào đón anh bằng một bữa tiệc thịnh soạn. Cuộc đoàn tụ đông vui làm ấm lòng người trong cuộc, tiếng nhạc hòa lẫn tiếng nói cười rộn rã. Bất chợt Albrecht đứng dậy, rời khỏi vị trí danh dự để đến bên chiếc bàn nhỏ nơi người em trai thầm lặng của anh đang ngồi. Anh kể lại những năm tháng gian khổ với tấm lòng thành kính và ca ngợi em trai đã hy sinh tuổi xuân của mình để anh có thể thực hiện ước mơ. Cuối cùng, anh kết thúc bằng những lời tự đáy lòng mình:
“Và bây giờ, Albert, khoảnh khắc này là để dành cho em. Em hãy đến Nuremberg và theo đuổi giấc mơ của mình, anh sẽ là người lo liệu mọi thứ em cần.”
“Sau nhiều năm xa cách, chàng họa sĩ trẻ Albrecht trở về quê hương” – Trong ảnh là tranh tự họa của Albrecht Durer. (Ảnh: Wikipedia)Tất cả mọi ánh mắt đều đổ dồn về phía Albert với niềm háo hức mong chờ. Ai cũng cảm kích sự hy sinh thầm lặng và tình anh em vĩ đại của hai người. Nhưng điều bất ngờ là Albert lại lắc đầu, nước mắt giàn giụa nghẹn ngào: “Không… không… không…”
Mãi một lúc sau Albert mới lấy lại bình tĩnh và đứng dậy. Anh dừng lại trên mỗi gương mặt quen thuộc của những người thân mà anh yêu mến. Rồi anh nhìn Albrecht và từ tốn nói: “Không được, anh trai yêu quý, giờ thì em không thể đến Nuremberg được nữa, đã quá muộn rồi. Hãy nhìn xem… 4 năm trong hầm mỏ đã làm đôi tay của em thay đổi thế nào”.
Albrecht nắm lấy đôi bàn tay gầy guộc và bật khóc. Mãi đến bây giờ anh mới hiểu ra tất cả. Từng ngón tay của Albert đã biến dạng do lao động quá sức, đến nỗi Albert run rẩy không thể nâng nổi ly rượu để đáp lại lời chúc tụng của mọi người. Vì vậy giấc mơ được cầm cây cọ vẽ những đường nét tinh tế trên khung vải sẽ mãi mãi chỉ là giấc mộng xa vời. Với Albert, đúng vậy, tất cả đã quá muộn rồi…
Gần 500 năm sau đó, danh họa Albrecht Durer vẫn là cái tên được người đời truyền tụng. Những kiệt tác của ông, từ các bức chân dung cho đến bức phác thảo, từ tranh màu nước, tranh than, cho đến tranh trên gỗ và tranh khắc đồng, đều được trưng bày trong các vị trí danh dự ở nhiều bảo tàng trên thế giới. Nhưng có một bức vẽ đơn sơ vượt trên tất cả mọi kiệt tác mà rất có thể bạn đã từng nghe nói đến.
Đó là tác phẩm được vẽ từ trái tim, từ tấm lòng thành kính dành cho người em trai vĩ đại Albert vì những hy sinh và cống hiến quên mình. Albrecht Durer đặt tên cho bức tranh là “Hands” (Đôi bàn tay), nhưng cả thế giới đều xúc động trước câu chuyện của ông, và gọi đó là “The Praying Hands”, nghĩa là đôi bàn tay nguyện cầu.
Bản sao của bức tranh “Đôi bàn tay nguyện cầu” của Albrecht Durer, hiện được treo tại Albertina, Vienna (Ảnh: Wikipedia)Mặc dù vẫn còn rất nhiều tranh cãi về tính xác thực của câu chuyện nói trên, gần 500 năm đã qua, danh họa Albrecht cũng không còn tại thế để trả lời, nhưng dẫu sao, hãy đón nhận câu chuyện kể trên như một bài học cho tất cả chúng ta: Không phải ai ai cũng là vĩ nhân, nhưng đằng sau mỗi tài năng vĩ đại đều có sự hy sinh lặng thầm của những con người bình dị. Và chúng ta sẽ không thể một mình làm nên tất cả nếu thiếu vắng tình yêu thương.
Hồng Liên
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2inHUH7
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét