" Có bao giờ bạn thấy phiền lòng, khi trong túi mình chỉ có 1000 đồng hay ít hơn chỗ đó không? Nếu biết tôi, thì bạn có tin tôi từng trả giá 1000 đồng cho một người con gái không? Bạn có thể cười vì câu truyện tôi sắp kể, nhưng hãy tin rằng:
_ Nếu biết cách, bạn có thể nhấn chìm rất nhiều thứ bởi 1000 đồng, và kéo về đầy đủ những thứ bạn muốn từ nó. Hơn nữa, bạn sẽ không phải tiếc hận vì đã quá coi thường nó "
GIÁ CỦA 1000 ĐỒNG.
Thạch Tưởng Giới.
Về quê với đầy ắp những mỏi mệt và chán nản. Nhịp sống rối loạn làm tâm hồn tôi như muốn vẩn đục đòi chạy nhảy phá cách. Nhưng chỉ cần mấy ngày thời gian, mọi thứ lại trở về đúng với những gì vốn có của nó. Khổ nỗi đến lúc ấy thì tôi lại phải chuẩn bị lên trường.
Trưa hôm chuẩn bị đi, tôi ngồi buồn lòng trước sân nhà, trầm mặc nhìn từng chiếc xe qua lại. Những làn bụi bay lên theo sau mỗi chiếc xe chạy qua, làm tất cả mọi toan tính lên trường của tôi chảy nhanh hơn. Thoáng một chút bùi ngùi, theo thói quen tôi lại đưa tay nhẹ vuốt hàng ria của mình. Bất giác, tôi chợt nhận ra là ra là ria của mình đã khá dài.
Lắc đầu chán ghét, tôi bỗng nhớ ra là trên xóm trọ, tôi cũng không có cái kéo nào. Liếc nhìn đồng hồ, tôi kéo mình rời khỏi ghế tiến về phía cửa hàng gần đó. Đến nơi, bước vào bên trong, tôi mới biết là gia đình chú chủ quán đang ăn cơm. Hơi ái ngại nhưng tôi vẫn lên tiếng.
_ Chú Du ơi! Bán cho cháu cái kéo ạ!
Do gần nhà nhau nên mọi người đều quay ra xã giao qua loa với tôi vài câu. Rồi thằng Tú con chú đứng dậy đi ra quầy chỉ hướng để kéo cho tôi. Lát sau, khi đã tìm được một cái kéo ưng ý, tôi lên tiếng muốn thanh toán. Thằng em không biết giá dơ cái kéo lên gọi vào trong nhà hỏi:
_ Mẹ ơi! Bao nhiêu tiền cái kéo này đây?
Mẹ nó nghiêng người nhìn ra đáp lại.
_ Cái đấy năm nghìn!
Nghe vậy, tôi móc tiền trong túi ra đưa luôn cho thằng em. Nhưng vừa đưa xong thì con em gái nó nói vọng ra:
_ Sáu nghìn!
Nghe vậy, tôi mỉm cười coi như không có gì. Rồi chào mọi người, tôi đi nhanh về phía cửa ra vào, bỏ rơi sau lưng vẻ đắc ý hiếu thắng của cô bé.
Chớm chiều khi bóng đã khá ngả, lục đục hành trang, tôi kéo xe lên trường. Nắng vàng theo gió đã tan nóng, tôi vi vu nghiêng ngả đếm nhịp theo từng câu hát vu vơ. Cứ thế, chẳng mấy thời gian mà đã đến nơi.
Xóm trọ vẫn vậy, chẳng có gì khác ngoài dàn gấc đã tàn lụi hơn. Không khí cũng ảm đạm đi thật nhiều, sau khoảng thời gian đấu súng của bọn nhóc gần đây. Như mọi khi, tôi lại nhập cuộc bằng những câu hỏi vớ vẩn giống thường lệ.
Bất chợt trong một phút mạnh dạn, thằng em lên tiếng.
_ Sao đợt này anh để râu ria dài thế?
Tôi giật mình sờ cằm của mình. Rồi cười xòa, tôi trêu đùa.
_ Người của Đảng mà em! Công việc nó bận bịu nhiều quá! Không có thời gian mà nghĩ cho bản thân của mình nữa.
Mấy anh em lại rục rịch cười đùa một hồi. Khi đã hết chuyện, mọi người chia nhau tản mát hết. Chỉ còn một mình, nhìn trời đã xẩm tối, tôi chán nản ra chợ tìm quán mua kéo. Cũng tại hồi sớm khi đi, tôi quên không bỏ kéo vào cặp.
Đến chợ, nhìn cái cửa hàng bán khí cụ mà tôi cảm thấy chan chán trong lòng. Số cũng là tôi vẫn hay đi đá bóng cùng thằng con của cô chủ quán. Chỉ tiếc là em gái nó không mấy ưa tôi. Nhắc cũng tại tôi nói chuyện với mẹ nó thì đứng đắn, còn với nó thì ngược lại. Vậy nên bá đạo quá, nó gắn ngay cho tôi cái danh giả tạo cùng đạo đức giả. Thêm việc tôi nhận luôn cái danh hiệu này trước mặt nó làm nó càng thêm khinh bỉ tôi.
Nhưng thôi! Đến việc thì cũng chẳng ngán gì thời tiết! Quyết tâm đối mặt nên tôi đi luôn vào quán mà không cần ngó nghiêng. Chán đời là tôi lại vào đúng lúc cả nhà đang ăn cơm. Không mấy hay ho, tôi vẫn nhã nhặn lên tiếng.
_ Con chào cô! Cô đang ăn cơm ạ? Con lỡ không để ý mất rồi!
Mấy người quay ra mời tôi ăn cơm. Cô cười tủm nhìn tôi cười.
_ Không có gì đâu! Con đến chơi à? Thế đã ăn cơm chưa?
Tôi cau có nét mặt vì khó trả lời. Thế rồi tôi cúi đầu thành thật.
_ Dạ không ạ! Con định mua cây kéo!
Cô chỉ cười rồi quay sang nhìn thằng con bên cạnh. Nó hiểu ý đứng dậy tiến ra phía cửa tìm tòi. Phía sau lưng nó, cô em nó đang một tay cầm bát cơm, một tay nắm chặt hai cái đũa thành hình quả đấm dứ dứ về phía tôi. Quá thích chí, nó không để ý cái lườm của mẹ nó đang nóng rát.
Thấy bộ dáng ấy, tôi cất đi vẻ mặt hiền lành của mình, thay vào bộ mặt đểu cán. Tôi trợn mắt.
_ Ăn cơm đi! Chú bắt ộp vào bây giờ!
Con em quay ra nhìn tôi bĩu môi xì một tiếng rõ to.
_ Chú á? Tuổi gì!
Gãi đúng chỗ ngứa, tôi lên tiếng giảng đạo.
_Bé có biết đường đời không xem trọng tuổi tác không? Nhìn cái trán nhẵn bóng của bé kìa.
Nói rồi, tôi đưa ngón trỏ chỉ về phía trán mình gõ gõ mấy cái, rồi đưa nắm tay ra phía trước. Khoan thai bung ngón trỏ lên, tôi lắc lắc ngón tay với vẻ mặt khỉnh rẻ. Cô bé tức lắm nhưng không làm gì được. Thấy mẹ cùng anh trai nó đang cố nín cười làm nó càng thêm giận dữ hơn.
Thế rồi anh trai nó tiến về phía tôi vỗ vai vẻ thích trí lắm. Nhìn cái điệu bộ ấy, tôi nghĩ thường ngày thằng bạn chắc chịu nhiều đắng cay lắm. Rồi nó đưa kéo cho tôi bảo.
_ Cái này tốt đấy!
Đưa đầu về phía mẹ nó, nó hỏi:
_ Bao nhiêu đây mẹ ơi!
_ Năm nghìn con ạ!
Nghe vậy, tôi rút ví ra tìm tiền trả lòng thầm nghĩ: Giá sao giống ở quê vậy? Chưa kịp nghĩ xong thì cô bé lại hét lên.
_ Sáu nghìn!
Tôi quay lại nhìn! Thấy nó đang ngửa mặt cười đểu vẻ tâm đắc lắm. Một tay nó còn đang nắm vào thả ra vì đau, do vừa đập xuống bàn. Tôi quay mặt đi tìm tiền như không thèm quan tâm đến vẻ mặt của nó. Lúc đưa tiền, tôi đưa cho anh trai nó tờ năm nghìn, rồi giơ tờ một nghìn lên, tôi nói to.
_ Anh trả năm nghìn tiền kéo cho mẹ em! Còn một nghìn anh trả cho em nhá!
Cô bé nghe vậy tức giận buông bát đũa đứng lên, nó chỉ tay về phía tôi đay nghiến một hồi, rồi đi thẳng vào nhà trong. Tôi chột dạ vì nghĩ mình hơi quá! Nhưng dằn lòng, tôi cũng ghét loại con gái rớ rẩn như vậy. Tôi sút bay ngay đi sự áy náy trong lòng mình.
Đang khi suy nghĩ về vấn đề động chạm thì cô lên tiếng giảng hòa.
_ Thôi cháu ạ! Em nó còn trẻ con ý mà! Không cần để ý đâu, Một lúc lại hết thôi.
Tôi vui mừng vì thực sự được giải tỏa. Ông anh nó vỗ vai tôi, lôi kéo sang chuyện khác.
_ Kệ nó đi! Con ranh con. Mà mai mày có đi đá bóng không?
_ Có chứ! Nếu mày đi thì qua kêu tao một tiếng nhá!
Thế rồi tôi cúi đầu xuống nhét tờ một nghìn đồng còn trên tay vào ví. Thấy vậy, cô quay ra cười xấu xa nhìn tôi.
_ Thế không định trả tiền cho con gái cô à?
Tôi cười khổ trong lòng.
_ Nào có đâu cô! Sao con trả nổi cái giá đấy chứ! Thôi cô với bạn mời cơm, con về đây!
Nói xong, tôi quay sang phía thằng bạn khẽ gật đầu rồi ra về. Bước trên đường trong ánh chớp lập lòe cùng tiếng sấm gầm gừ, tôi thầm than cho cuộc đời. Có lẽ trời đang cáu vì biết rằng tôi đang chất vấn luân lý.
Ôi sao dòng đời cứ thích lặp lại những gì đã xảy ra thế? Để thử xem lần sau chúng ta có làm tốt hơn lần trước không ư? Nếu có thể, ngay từ lần trước tôi đã làm rất tốt rồi! Sai lầm ư? Có trách là trách hai lần trước đó tôi đã không có một nghìn đồng trong ví.
P/s: Bạn có bao giờ cố tiêu đi những đồng lẻ trong túi vì nghĩ rằng nó chẳng giải quyết được gì không? Hay bạn nghĩ rằng, bạn sẽ không bao giờ gặp phải hoàn cảnh giống hay tương tự như của tôi? Đừng sai lầm! Bởi tôi viết những dòng này là để nói cho bạn rằng: Hãy trân trọng những gì mình đang có, chứ đừng đẩy nó đi chỉ vì nó nhỏ bé. Đừng để phải tiếc hận như tôi vì đã đẩy những thứ nhỏ bé đi quá sớm.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét