Thứ Tư, 27 tháng 11, 2013

Mệnh.



Hôm nào cũng vậy, sáng nào mẹ nó cũng gọi nó dậy thật sớm để nó chuẩn bị đi học. Trường gần nhà nhưng vì lo lắng cho nó, mẹ nó cũng bỏ chút thời gian đưa nó tới trường. Tại sao không phải là bố nó mà luôn là mẹ nó? Dẫu rằng ông luôn sẵn sàng đưa nó đến trường mỗi ngày. Lý do? Vì nó sợ mình sẽ bị bạn bè trêu trọc. 

Gánh thật nhiều vất vả trong cuộc sống, lam lũ một mình nuôi con sau khi bị người vợ trước bỏ, bố nó trông thật già và khan khổ. Lúc lấy mẹ nó, ông trông cũng đã thật tiều tuỵ. Trong khi thời ấy, mẹ nó lại xinh đẹp, hiền lành có tiếng trong vùng, với bao bao đám ngấp nghé mong được chung thân. Cũng vì vậy, những người thừa hơi luôn mang đề tài này ra để bàn luận. Vốn hiền lành, bố nó cũng chỉ cười trừ trước những lời đàm luận như vậy.

Nhưng nó! Ít tuổi, lại chẳng mấy hiểu những gì đã xảy ra với ông. Trước những lời đàm luận, trêu trọc của bạn bè và những người xung quanh, nó ngại ngùng và không muốn đi cùng ông đến trường hay những nơi đông người.

Hôm nay cũng vậy, bận bán hàng nên mẹ nó không thể đưa nó đến trường được. Thoáng bắt được một chút ánh mắt mẹ quay sang nhìn qua bố nó, nó dậm chân cau mặt đòi bằng được mẹ nó đưa đi. Nó nào biết đâu, nét buồn rầu trên khuôn mặt bố nó khẽ lập lờ sau nụ cười chát đắng.

Nhì nhằng một hồi, mẹ nó như muốn phát cáu lên rồi, còn bố nó thì đã tránh đi từ lâu. Khó chịu nhìn qua dãy nhà trọ bên cạnh, bỗng mẹ nó nhìn về phía tôi mỉm cười như tìm được sự giải thoát. Biết mình không tránh khỏi lời nhờ vả, tôi chủ động lên tiếng vọng qua hàng rào:

- Thôi cô để cháu đưa nó đi học cho.

Rồi liếc qua phía nó, tôi hất cằm gọi:

- Nhóc con! Qua đây xem nào!

Cô chủ xóm trọ nhìn tôi xã giao, khách sao:

- Ừ! Cô bận quá! Giúp cô với nhá!

Mặt thằng nhóc phụng phịu, xưng xỉa như vẻ không phục. Nhưng nhìn thấy cái vẻ kiêu đời cười khẩy khinh thường của tôi, nó ngoan ngoãn xách cặp lách qua bờ rào tiến về phía tôi ngồi. Nó biết những lúc như vậy, tính khí của tôi chẳng hiền lành một chút nào. Và như biết trước còn sớm thời gian, tôi bắt nó ngồi ngắm cảnh sáng với mình.

Khi nắng đã lên khá đẹp, mặc chiếc xe đạp cuối hành lang mà cô chủ chỉ, tôi dẫn nó đi bộ tới trường. Quần đùi áo cụt cánh trong tiết trời xe lạnh, tôi ngông nghênh huýt sáo bước trên đường mặc sự khó chịu của nó. Khi đi ngang qua nhà chị hàng xóm, bắt gặp chị dắt xe chuẩn bị đưa con đi học, tôi bỏ đi phong thái cũ thay thế bằng nét mặt hiền hoà. Tôi lên tiếng:

- Em chào chị! Chị đưa nhóc đi học ạ?

Chị quay sang nhìn tôi, cười mỉm đáp lời:

- Ừ! Em đưa Hiếu đi học à?

Tôi nhẹ nhàng gật đầu trả lời chị:

- Dạ vâng! Hiếu ơi! Chào cô đi em!

Thằng em khó chịu như tôi vừa làm một việc thừa hơi. Nhưng rồi nó vẫn lên tiếng:

- Cháu chào cô ạ!

Chị lên tiếng trả lời nó, nói đoạn chị quay đầu sang bé Vân bên cạnh khẽ gật đầu nhắc nhở. Như hiểu ý mẹ nó, bé Vân khoanh cánh cất tiếng chào to:

- Con chào chú! Em chào anh Hiếu!

Khẽ gật đầu hài lòng, tôi quay sang nhìn chị xin phép:

- Thôi em dẫn Hiếu đi trước chị ạ! Chị đi sau nhé!

Trước khi đi, tôi nhìn qua phía bé Vân cười nhẹ rồi bước đi. Tôi biết bé đã mất cha từ hai năm trước do tai nạn. Tôi không biết bây giờ bé có mong muốn có một người cha không. Nếu bây giờ không có thì tương lai liệu có có không? Vẫn biết cuộc sống thật khắc nhưng sao nó nhẫn tâm với cả trẻ thơ vậy?

Nhìn thằng nhóc con đi bên cạnh mà lòng tôi thấy chán nản. Nó có hiểu những việc tôi làm không nhỉ? Làm sao nó hiểu được. Mình có ngu ngốc đi làm những việc thừa thãi không nhỉ? Nhưng nếu không làm thì biết bao giờ tôi mới thấy được kết quả.

Đưa nó tới trường xong, trên đường về, bắt gặp một thằng bé ăn xin lay lắt bên lề đường gần nghĩa trang. Trong lòng tôi thấy thật nặng. Làm việc mà mình chưa bao giờ làm, tôi mua một chiếc bánh bao đưa về phía nó. Tôi thầm hỏi trong lòng:

- Rồi nó sẽ ra sao?

- Nếu nó có một người cha tốt thì sẽ thế nào?

- Có độc ác quá nếu như mình đấu tranh trong lòng xem có nên mua cho nó một cái bánh không nhỉ?

Và rồi lại một câu nói như phủi đi tất cả. Tôi thì thào:

- Mệnh!

" Còn bạn! Bạn nghĩ sao? "

0 nhận xét:

Đăng nhận xét