Thứ Bảy, 18 tháng 6, 2016

6 điều người Mỹ nhận ra sau các vụ xả súng hàng loạt

Nước Mỹ lại trải qua một vụ xả súng hàng loạt khác. Lần này là tại hộp đêm Pulse ở thành phố Orlando, Florida. Đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử Mỹ.

Là một nhà tội phạm học, tôi đã xem xét lại nghiên cứu gần đây với hy vọng phơi bày một số quan niệm sai lầm xuất hiện mỗi khi một vụ xả súng hàng loạt xảy ra.

1. Nhiều súng hơn không làm bạn an toàn hơn

Một nghiên cứu mà tôi tiến hành về xả súng hàng loạt chỉ ra rằng hiện tượng này không chỉ hạn cuộc ở Mỹ.

Xả súng hàng loạt cũng diễn ra tại 25 quốc gia giàu có khác trong khoảng từ năm 1983 đến 2013, nhưng số lượng các vụ xả súng hàng loạt tại Mỹ vượt xa bất kỳ nước nào khác được đề cập trong nghiên cứu trong cùng một khoảng thời gian.

Mỹ có 78 vụ xả súng hàng loạt trong khoảng thời gian 30 năm.

Nơi có số vụ xả súng hoàng loạt lớn nhất ngoài Mỹ là Đức với 7 vụ xả súng.

Tính tổng cộng có 41 vụ xả súng hàng loạt đã xảy ra tại 24 nước công nghiệp hóa khác,.

Nói cách khác, Mỹ có gần gấp đôi số vụ xả súng hàng loạt so với tất cả 24 quốc gia khác cộng lại trong cùng một khoảng thời gian 30 năm.

Số vụ xả súng hàng loạt theo quốc giaSố vụ xả súng hàng loạt theo quốc gia

Một phát hiện quan trọng khác là có mối tương quan cao giữa số vụ xả súng hàng loạt và tỷ lệ sở hữu súng. Một quốc gia có tỷ lệ sở hữu súng càng cao, thì càng dễ xảy ra những vụ xả súng hàng loạt. Theo phân tích thì sự liên đới này vẫn duy trì ở mức cao ngay cả khi những sự cố xả súng ở Mỹ được lấy ra khỏi bản phân tích.

Kết quả tương tự đã được Văn phòng Liên Hiệp Quốc về phòng chống ma túy và tội phạm phát hiện, trong đó nói rằng những quốc gia có mức sở hữu súng cao hơn có tỷ lệ vụ giết người bằng súng cao hơn.

Nghiên cứu của tôi cũng cho thấy có một mối tương quan chặt chẽ giữa thương vong do xả súng hàng loạt và mức tử vong tổng thể do súng. Tuy nhiên, trong phân tích mới nhất này, mối tương quan này dường như bị thúc đẩy bởi số lượng lớn người chết do súng tại Mỹ. Nếu loại Mỹ ra khỏi bản phân tích thì mối tương quan này sẽ biến mất.

2. Xả súng xảy ra thường xuyên hơn

Một nghiên cứu gần đây được công bố bởi Trung tâm Nghiên cứu Kiểm soát Thương tích Harvard cho thấy rằng tần suất các vụ xả súng hàng loạt đang ngày càng tăng theo thời gian. Các nhà nghiên cứu đã đo đạc sự gia tăng này bằng cách tính khoảng thời gian giữa hai vụ xả súng hàng loạt. Theo nghiên cứu, các vụ xả súng xảy ra cách nhau trung bình 200 ngày trong khoảng từ năm 1983-2011 xuống 64 ngày kể từ năm 2011.

Điều đáng báo động đối với các vụ xả súng hàng loạt là xu hướng đang gia tăng này đang đi ngược lại với tỷ lệ tổng thể các vụ giết người có chủ ý ở Mỹ, vốn giảm gần 50% kể từ năm 1993 và ở châu Âu, nơi số vụ giết người có chủ ý giảm 40% từ năm 2003 đến 2013.

3. Hạn chế bán súng đạn là có tác dụng

Theo Tu chính án thứ hai, Mỹ có luật cấp phép sở hữu súng nới lỏng. Điều này trái ngược so với hầu hết các nước phát triển, vốn có luật cấp phép sở hữu súng hạn chế.

Theo một công trình có tầm ảnh hưởng của nhà tội phạm học George Newton và Franklin Zimring, luật cấp phép sở hữu súng nới lỏng là một hệ thống trong đó tất cả mọi người có thể mua súng chỉ trừ một nhóm người đặc biệt bị cấm. Trong một hệ thống như vậy, một cá nhân không cần phải biện minh cho việc mua vũ khí; đúng hơn là các cơ quan cấp phép phải có nghĩa vụ chứng minh lý do không cho phép ai đó mua súng.

Ngược lại, luật cấp phép sở hữu súng hạn chế đề cập đến một hệ thống mà trong đó các cá nhân muốn mua súng phải chứng minh với cơ quan cấp phép rằng họ có lý do chính đáng để mua một khẩu súng, ví dụ như sử dụng ở trường bắn hay đi săn, và họ phải chứng minh được mình có “tính cách tốt”.

Việc áp dụng luật kiểm soát súng nào trong hai loại luật nói trên có một tác động rất quan trọng. Các quốc gia có luật cấp phép súng hạn chế có tỷ lệ tử vong do súng và tỷ lệ sở hữu súng thấp hơn.

4. So sánh dữ liệu lịch sử có thể gặp thiếu sót

Vào đầu năm 2008, FBI từng sử dụng một định nghĩa hẹp về những vụ xả súng hàng loạt. Họ đã giới hạn những vụ xả súng hàng loạt là những vụ mà một cá nhân – hay trong những trường hợp hiếm hoi là có nhiều hơn một người – “giết chết bốn người trở lên trong một vụ xả súng duy nhất (không bao gồm kẻ xả súng), thường ở một địa điểm duy nhất”.

Vào năm 2013, FBI đã thay đổi cách định nghĩa của mình, họ không còn dùng định nghĩa “xả súng hàng loạt” cũ mà hướng đến việc xác định “một kẻ bắn súng có chủ ý” là “một cá nhân có chủ ý giết người hoặc cố gắng giết người trong một khu vực hạn chế và đông dân cư”. Sự thay đổi này có nghĩa là FBI hiện xem xả súng hàng loạt là bao gồm cả những vụ xả súng ít hơn 4 người chết, nhưng có một vài người bị thương, như vụ xả súng ở New Orleans vào năm 2014.

Sự thay đổi định nghĩa này đã tác động trực tiếp đến số lượng vụ án trong các nghiên cứu và ảnh hưởng đến khả năng so sánh của các nghiên cứu được tiến hành trước và sau năm 2013.

Thậm chí rắc rối hơn, một số nhà nghiên cứu về xả súng hàng loạt, ví dụ nhà tội phạm học James Alan Foxcuar của Đại học Northeastern đã đưa vào nghiên cứu của ông một số hình thức giết người mà không thể được định nghĩa là xả súng hàng loạt: ví dụ như giết người thân và giết người trong các băng đảng.

Trong trường hợp giết người thân, các nạn nhân là thành viên gia đình và không phải là những người qua đường ngẫu nhiên.

Giết người trong các băng đảng thường là tội ác được thực hiện vì lợi nhuận hay để trừng phạt các băng nhóm đối thủ hay một kẻ chỉ điểm trong băng nhóm. Những vụ giết người này không được xem là xả súng hàng loạt.

5. Không phải tất cả các vụ xả súng hàng loạt đều là khủng bố

Các nhà báo đôi khi mô tả xả súng hàng loạt như là một hình thức của chủ nghĩa khủng bố trong nước. Sự liên tưởng này có thể gây hiểu lầm.

Không có nghi ngờ về việc những vụ xả súng hàng loạt là “đáng sợ” và “làm khủng bố” cộng đồng dân cư nơi chúng diễn ra. Tuy nhiên, không phải tất cả các tay súng có chủ ý giết người đều có một thông điệp hay nguyên nhân chính trị đằng sau.

Ví dụ, vụ xả súng nhà thờ ở Charleston, South Carolina vào tháng 6/2015 là một tội ác gây ra bởi sự thù hận nhưng không được chính phủ liên bang xem là một hành động khủng bố.

Đa số các kẻ xả súng thường được liên đới đến các vấn đề sức khỏe tâm thần, bị bắt nạt hoặc bất mãn trong công việc. Các tay súng có chủ ý giết người có thể bị thúc đẩy bởi một động cơ cá nhân hay chính trị, nhưng thường không nhắm đến việc làm suy yếu tính hợp pháp của chính phủ. Những động cơ thông thường là trả thù hay tìm kiếm quyền lực.

6. Kiểm tra lý lịch

Trong biện pháp kiểm tra lý lịch khắt khe nhất tại các nước phát triển, người dân được yêu cầu phải qua huấn luyện sử dụng súng, có giấy phép săn bắn hay cung cấp bằng chứng chứng minh tư cách hội viên của một trường tập bắn.

Các cá nhân phải chứng minh rằng họ không thuộc bất cứ “nhóm bị cấm” nào, chẳng hạn như bệnh tâm thần, tội phạm, trẻ em hay những người có nguy cơ cao thực hiện các hành vi tội phạm mang tính bạo lực, chẳng hạn như những cá nhân bị cảnh sát lập hồ sơ về tội đe dọa tính mạng của người khác.

Đây là những điểm cốt yếu. Với những điều khoản luật này, hầu hết các tay súng có chủ ý của Mỹ sẽ bị khước từ khi mua súng.

Giáo sư Frederic Lemieux, The Conversation
Minh Đạo biên dịch

0 nhận xét:

Đăng nhận xét