Chủ Nhật, 19 tháng 6, 2016

Brexit tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam?

Cả thế giới đang lo lắng về nguy cơ Anh rời khỏi EU, Brexit có thể ví như vụ sụp đổ của ngân hàng đầu tư Lehman Brothers ở châu Âu. Tại sao Brexit lại quan trọng và thu hút nhiều sự chú ý đến vậy? Nếu sự kiện này xảy ra thì tác động thế nào đến nền kinh tế Việt Nam? Đại Kỷ Nguyên sẽ đưa đến cho bạn đọc những thông tin toàn cảnh mới nhất.

Brexit là một từ ghép từ hai từ “Britain” (nước Anh) và exit (thoát ra), nói đến việc Vương quốc Anh có thể rời bỏ Liên minh châu Âu (EU). Theo kế hoạch, ngày 23/6 tới đây trong cuộc trưng cầu dân ý, những người dân Anh sẽ có hai lựa chọn: Nước Anh nên “rời khỏi Liên minh châu Âu” hay “vẫn là thành viên của liên minh này”.

Vì sao nước Anh muốn rời khỏi EU?

Brexit được ủng hộ bởi Bộ trưởng Tư pháp Anh Michael Gove và cựu Thị trưởng London Boris Johnson, cũng như gần một nửa các thành viên theo phe bảo thủ trong Quốc hội cũng như Đảng Độc lập (UKIP) chọn rời khỏi EU.

Ý kiến ủng hộ Brexit cho rằng Liên minh châu Âu đã thay đổi quá nhiều, khiến tầm ảnh hưởng và chủ quyền của Anh bị suy giảm đặc biệt họ lo ngại làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ lục địa đen đang xảy ra mạnh mẽ từ năm 2015.

Những ai muốn ở lại EU?

Người dẫn đầu phong trào “ở lại” là Thủ tướng Anh David Cameron, thậm chí ông có thể mất chức nếu như không đạt được mục tiêu thuyết phục người dân chọn con đường ở lại. Phong trào “ở lại” nhận được nhiều sự ủng hộ từ Công Đảng Anh (chính là Đảng mà Cameron đang lãnh đạo), Đảng Dân chủ Tự do và Đảng Quốc gia Scotland.

Ngoài ra hầu hết các chuyên gia kinh tế độc lập và các tập đoàn lớn cũng đứng về phía ở lại, những người muốn ở lại cho rằng một quốc đảo có diện tích “thường thường hạng trung” như Anh nên là một phần của khối gắn kết các quốc gia châu Âu hùng mạnh như EU, họ lo ngại ra đi sẽ khiến nước Anh phải trả giá đắt về mặt kinh tế.

Trên thế giới, Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Đức Merkel và rất nhiều lãnh đạo các quốc gia khác đều thể hiện quan điểm mong Anh sẽ không rời EU.

Tình hình trước ngày 23/6

Sau hai ngày tạm dừng vì vụ ám sát nữ nghị sỹ Công Đảng Jo Cox gây chấn động toàn nước Anh, ngày 18/6, các phong trào vận động cử tri Anh bỏ phiếu ở lại hoặc rời khỏi EU đã được nối lại. Nhưng dư luận Anh còn chưa hết bàng hoàng sau vụ sát hại nữ nghị sỹ Jo Cox – một người ủng hộ ở lại EU và là nhà vận động không mệt mỏi bảo vệ người nhập cư ở Anh – cả hai phe cho biết họ sẽ thay đổi hình thức vận động theo hướng điềm đạm hơn.

Kết quả cuộc thăm dò cuối cùng của tổ chức Opinium/Observer công bố ngày 18/6 tới cho thấy tỷ lệ ủng hộ rời khỏi EU và ở lại hiện ngang bằng nhau là 44% trong khi 10% chưa quyết định, cả hai phe đang tận dụng những ngày ít ỏi còn lại để lôi kéo những cử tri còn do dự cũng như thuyết phục các cử tri thay đổi lựa chọn của mình.

Đánh giá về tác động khôn lường của Brexit

Liên quan vấn đề này, các tổ chức kinh tế quốc tế như IMF, Ngân hàng Thế giới, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế và nhiều ngân hàng trung ương hàng đầu thế giới cùng các nhà hoạch định chính sách châu Âu đã đưa ra lời cảnh báo về những nguy cơ bất ổn và xáo trộn lớn nếu Brexit xảy ra.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa đưa ra lời cảnh báo rằng kịch bản “Brexit” sẽ làm giảm thu nhập của người dân Anh trong thời gian dài, đồng thời tác động tiêu cực mạnh mẽ đến không chỉ nền kinh tế Anh mà còn nhiều nền kinh tế châu Âu khác.

IMF cho rằng việc rời EU sẽ chẳng mang lại lợi ích kinh tế nào cho nước Anh. Trong ngắn hạn, nếu quá trình rời EU diễn ra một cách khó khăn, kinh tế Anh có thể rơi vào suy thoái trong năm tới. Thậm chí cho dù điều này có diễn ra một cách tương đối êm thấm, nó sẽ vẫn gây tác động không nhỏ.

IMF lưu ý rằng trong dài hạn, những tổn thất mà giai đoạn bất ổn kéo dài gây ra cùng với chi phí thương mại lớn hơn dự báo cũng đủ để xóa đi toàn bộ những gì mà Anh thu được từ việc không phải đóng góp vào ngân sách EU khi không còn là thành viên của liên minh này.

IMF cho rằng trong trường hợp hợp lạc quan nhất, tức là nước Anh vẫn bảo toàn việc tiếp cận thị trường chung và bất ổn nhanh chóng tiêu tan, GDP của nước này sẽ giảm 1,4% vào năm 2021.

Nhưng trong trường hợp xấu, tức là các cuộc đàm phán với EU hậu “Brexit” diễn ra không suôn sẻ và các giao dịch thương mại của Anh khi đó sẽ theo quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới, GDP của Anh có thể sẽ giảm 4,5% vào năm 2021.

Trả lời phỏng vấn tờ The Financial Times, Bộ trưởng Tài chính Phần Lan Alexander Stubb bày tỏ sự lo ngại rằng Brexit có thể ví như vụ sụp đổ của Ngân hàng Đầu tư Lehman Brothers ở châu Âu, đã châm ngòi cho cuộc khủng hoảng tài chính tại Mỹ và lan rộng ra toàn cầu hồi năm 2008.

Đồng thời các cựu Thủ tướng Anh John Major và Tony Blair, các cựu Phó Thủ tướng Michael Heseltine và Nick Clegg cùng nhiều nhân vật nổi tiếng với công chúng Anh đã gửi thư ngỏ tới báo The Observer và kêu gọi cử tri Anh khước từ “sự chia rẽ, cô lập và đổ lỗi” bằng việc bỏ phiếu lựa chọn ở lại EU.

Brexit ảnh hưởng gì tới nền kinh tế Việt Nam?

Theo một nghiên cứu của tờ The Financial Times công bố hôm 18/6, Brexit có thể sẽ tác động đến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế châu Á. Tuy nhiên, nhìn tổng thể, đây không phải là một nguy cơ lớn đe dọa đến triển vọng kinh tế khu vực, bởi thị trường Anh hiện chỉ chiếm khoảng 0,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả châu Á.

Nhưng điều này sẽ ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng của các nền kinh tế như Việt Nam, Campuchia, Hồng Kông. Nhưng Brexit có thể khiến đồng bảng Anh xuống giá, dẫn đến những bất ổn trên thị trường tài chính – tiền tệ thế giới, tác động gián tiếp đến châu Á. Tuy nhiên, có vẻ đà suy giảm của nền kinh tế Trung Quốc và chu kỳ tăng lãi suất cơ bản của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ tác động đến châu Á nhiều hơn là Brexit.

Đối với Việt Nam, do quan hệ kinh tế thương mại chiếm tỷ trọng không lớn, nên Brexit ít tác động trực tiếp, nhưng gián tiếp do ảnh hưởng đến các nền kinh tế châu Âu và tác động đến nền kinh tế toàn cầu cũng sẽ bị tác động ít nhiều.

Dù sao thì trong những ngày này cả thế giới đang hướng về nước Anh, chờ đợi xem cuộc trưng cầu dân ý được gọi với cái tên Brexit sẽ thế nào trong ngày 23/6.

Thành Long

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét