Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hứa sẽ tiếp tục hỗ trợ Chính phủ Việt Nam thông qua các khoản cho vay Chính phủ trị giá khoảng 1 tỷ USD mỗi năm, xem xét cho vay doanh nghiệp tư nhân và xây dựng ‘Chiến lược Đối tác quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020’.
Chủ tịch ADB Takehiko Nakao, trong chuyến thăm hai ngày tới Việt Nam để thảo luận về việc tăng cường quan hệ giữa ADB với Việt Nam và các ưu tiên hợp tác trong tương lai đã gặp gỡ nhiều quan chức cấp cao của Chính phủ và một số bộ ngành.
Ông Nakao đã ca ngợi những cải cách kinh tế và thành công trong điều hành kinh tế vĩ mô gần đây của Việt Nam, ông khẳng định ADB sẽ tiếp tục hỗ trợ mạnh mẽ cho Chính phủ thông qua các khoản cho vay Chính phủ trị giá khoảng 1 tỷ USD hàng năm, đồng thời ADB đang xây dựng Chiến lược Đối tác quốc gia mới cho giai đoạn 2016-2020.
Chiến lược này nhằm giúp Việt Nam thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đồng đều và bền vững với môi trường hơn, phù hợp với Kế hoạch Phát triển kinh tế – xã hội 5 năm 2016-2020 của Việt Nam cũng như quan hệ hợp tác với các đối tác phát triển.
Trong buổi gặp gỡ báo chí chiều ngày 17/6 tại Hà Nội, ông Nakao đánh giá kinh tế Việt Nam đang ổn định hơn nhiều so với 1 năm trước vì lạm phát đã bình ổn và tốc độ tăng trưởng cũng rất tốt. Tuy nhiên, ông cho rằng Việt Nam cũng cần lưu ý đến những vấn đề có thể gây mất ổn định cho kinh tế Việt Nam.
Ông Nakao nói: “Việt Nam cần thực thi những chính sách kinh tế phù hợp và cải cách cơ cấu theo chiều sâu, chú trọng cải cách các doanh nghiệp nhà nước bằng giảm tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, nâng cao quản trị doanh nghiệp và tăng cường hiệu quả tài chính. Chính phủ cũng cần xử lý những khoản nợ xấu, gia tăng nguồn thu từ thuế và nâng cao hiệu quả chi tiêu công.”
ADB kỳ vọng Việt Nam sẽ đạt được mức tăng trưởng 6,7% trong năm 2016, bằng với mức của năm 2015, và lạm phát ở mức 3% dù có nguy cơ suy giảm do tình trạng hạn hán nghiêm trọng đang tiếp diễn. Tăng trưởng được dự báo ở mức 6,5% trong năm 2017.
ADB sẽ hỗ trợ Việt Nam trong các nỗ lực nhằm đạt được nhiều Mục tiêu Phát triển bền vững. Trong lĩnh vực y tế, ADB sẽ hỗ trợ để mở rộng các trung tâm y tế cộng đồng và tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế so với mức 76% hiện nay.
Trong lĩnh vực giáo dục, ADB sẽ tăng cường hỗ trợ theo chiều sâu để cải thiện chất lượng giáo dục trung học và mở rộng hỗ trợ cho lĩnh vực giáo dục và đào tạo kỹ thuật và dạy nghề.
ADB sẽ hỗ trợ phát triển cơ sở hạ tầng, gồm đường bộ và các hệ thống vận chuyển hành khách công cộng số lượng lớn, truyền tải và phân phối điện năng, năng lượng tái tạo, điện khí hóa nông thôn, cơ sở hạ tầng đô thị, thủy lợi và quản lý tài nguyên nước. ADB cũng sẽ tiếp tục tăng cường tính kết nối trong khuôn khổ Chương trình hợp tác Tiểu vùng sông Mê-kông, gồm cả Hành lang kinh tế Đông – Tây.
Đồng thời, giúp Việt Nam thích nghi và giảm thiểu tác hại của biến đổi khí hậu cũng là những lĩnh vực quan trọng mà ADB sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và các khoản vay.
ADB sẽ giúp Chính phủ xây dựng các chính sách rõ ràng và nhất quán về mức phân bổ năng lượng hợp lý để bảo đảm đáp ứng các cam kết của Việt Nam ở COP21, dựa trên phân tích kỹ lưỡng về lợi ích – chi phí của các nguồn năng lượng khác nhau, gồm cả giảm dần chi phí của năng lượng tái tạo theo thời gian.
ADB sẽ tăng cường cho vay và đầu tư cổ phần trong khu vực tư nhân, nhất là trong lĩnh vực tài chính, kinh doanh nông nghiệp và cơ sở hạ tầng. ADB cũng sẽ hỗ trợ chuẩn bị các dự án trọng điểm theo mô hình đối tác công tư (PPP), phù hợp với khung pháp lý thống nhất về PPP đã được ADB hỗ trợ.
Cũng trong buổi họp báo, trả lời câu hỏi về những nguy cơ gây bất ổn, ông Nakao cho biết một trong những rủi ro đối với Việt Nam là khả năng có thể xảy thâm hụt ngân sách ngoài dự kiến, vì bội chi ngân sách đã tăng lên so với dự kiến ban đầu, phải thận trọng với yếu tố này.
Về rủi ro mở rộng tín dụng, ông Nakao cho rằng Việt Nam phải lường trước khả năng bùng nổ tín dụng qua nhiều. Đồng thời thận trọng theo dõi và xem tỷ giá Việt Nam có giảm nhanh hay không, dự trữ ngoại hối có được cải thiện hay không. Đây là những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, nên lưu ý chuẩn bị giải pháp sớm, nếu không sẽ bị trả giá đắt.
Về tình hình cho vay với Việt Nam, ông Nakao cho biết ADB hiện cho Việt Nam vay gần 1 tỷ USD/năm. Vốn vay của ADB dành cho Việt Nam có kỳ hạn dài, các khoản cho vay có lãi suất mềm hơn.
Ngoài cam kết cho vay cho Chính phủ Việt Nam, ADB cũng đang cân nhắc cho vay đối với các doanh nghiệp tư nhân và khoản vay này không tính vào trần nợ của Việt Nam.
Thành Long
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét