Nói dối, đương nhiên, không phải là chuyện tốt. Dù vậy, vẫn có những lời nói dối có thể cứu rỗi người khác, những lời nói dối xuất phát từ thiện tâm. Rốt cuộc nói dối là tốt hay xấu? Đọc xong câu chuyện này, chắc chắn bạn sẽ có những dư vị riêng…
Hôm ấy như mọi lần, tôi đến dùng bữa trưa ở tiệm mì quen thuộc. Bàn đối diện có 2 mẹ con khiến tôi chú ý. Cậu con trai mới khoảng 8 tuổi, dáng vẻ béo lùn và chắc nịch. Còn người mẹ là một phụ nữ có làn da rất đẹp nhưng trông có vẻ gầy gò và ốm yếu. Họ gọi một bát mì sợi.
“Mẹ ơi, mẹ ăn chưa?” Cậu bé hỏi.
“Mẹ ăn rồi, con tranh thủ lúc mì còn nóng hãy ăn đi!”. Người mẹ mỉm cười xoa đầu con trai mình.
Chỉ một thoáng, cậu con trai đã ăn hết cả tô mì. Người mẹ nhìn chăm chú vào bát mì của con, khẽ mím môi rồi nói: “Mẹ hơi khát nước con à”.
Cậu bé trả lời mẹ: “Mẹ, vậy mẹ uống tạm nước canh mì nhé!”. Người mẹ đem bát mì còn lại của con húp sạch nước, trông bà giống như vừa mới thưởng thức cả một bữa ăn thịnh soạn. Chỉ cần nhìn qua cũng có thể đoán rằng người mẹ chưa được ăn gì từ sáng.
Khi người mẹ gọi thanh toán tiền, ông chủ tiệm vội chạy ra và nói: “Cô ơi, cô chờ một lát nhé!”. Sau đó, ông bưng ra một bát mì còn nóng hổi, vui vẻ nói rằng: “Hôm nay là ngày rút thăm trúng thưởng, hai mẹ con chị đã trở thành khách hàng may mắn, được miễn phí thêm một bát mì!”. Người mẹ vô cùng cảm kích, luôn miệng nói “Cảm ơn!” và nhận lấy bát mì từ tay chủ quán.
Tôi vốn là khách quen của tiệm mì này. Cả quán hàng chỉ có 5 chiếc bàn lớn, hơn nữa, từ trước tới nay cũng chưa từng nghe có chuyện rút thăm trúng thưởng bao giờ.
Khoảng một tuần sau đó, tôi lại đến ăn tại tiệm mì này.
Một lát sau, tôi nghe thấy giọng một đứa trẻ hỏi: “Ông ơi, hôm nay ông có làm rút thăm may mắn không ạ?”. Tôi ngước lên nhìn, đây chẳng phải là đứa trẻ hôm trước sao? Ông chủ suy nghĩ một lát rồi trả lời: “Làm, hôm nay có làm!”. Đôi mắt cậu bé sáng bừng: “Cảm ơn ông, như vậy thật tốt quá! Mẹ cháu muốn uống một ngụm nước súp, nhưng cháu lại không có tiền ăn mì. Vậy cháu có được rút thưởng không ạ?”. Ông chủ đáp: “Cứ yên chí, cháu lại đây và ngồi xuống đi nào”.
Sau đó, ông chủ đến bên cạnh tôi và nói nhỏ: “Phiền anh đi theo tôi một chút”. Rồi ông cầm tay tôi, ân cần nói: “Anh là khách quen của chúng tôi, có lẽ anh cũng hiểu… Anh có thể giúp tôi giả bộ làm một người trúng thưởng, sau đó đem phần thưởng tặng cho cậu nhỏ ấy được không? Tôi không muốn cậu bé biết việc tôi nói dối này!”. Nghe lời ông nói, tôi thấy như có gì nghẹn ứ ở cổ, chỉ biết gật đầu, gật đầu, hứa sẽ làm theo.
Tôi quay trở lại và ngồi ở bàn ăn của mình. Ông chủ tiệm đi tới rồi nói to: “Hôm nay bàn số 4 đã may mắn trúng thưởng!”. Ánh mắt cậu bé thể hiện rõ nỗi thất vọng. Cậu đứng dậy và định rời đi. Tôi gọi cậu nhỏ lại và nói: “Cậu bé, ta vừa ăn xong một tô mì, bát mì trúng thưởng này ta tặng cho cháu đấy! Bụng của ta chứa không nổi 2 bát mì đâu!”.
Gương mặt đau khổ của cậu bé bỗng bừng sáng. Cậu vô cùng vui vẻ, không ngớt nói cảm ơn.
“Mẹ của cháu hôm nay không tới đây cùng cháu sao?”. Ông chủ tiệm hỏi.
“Dạ thưa, mẹ cháu mắc bệnh, không thể ra khỏi giường được nữa”. Cậu bé không giấu nổi nỗi ưu thương.
“Vậy trong nhà cháu không còn ai khác sao?”. Ông chủ tiệm lại hỏi.
“Dạ, ông bà cháu đều đã qua đời, còn cha cháu thì vẫn chưa về…”
“Mẹ cháu có đi làm không?”.
“Dạ không, mẹ cháu lâm bệnh, rất dễ ngất xỉu… Cháu lớn rồi, cháu sẽ cố kiếm tiền và nuôi mẹ!”.
“Vậy cháu làm gì để kiếm tiền nuôi mẹ?”.
“Dạ thưa, lúc trời tối, cháu bày hàng bán ở vỉa hè ạ!”.
Tôi cảm thấy thật xót xa. Một niềm thương cảm dâng trào trong tâm can của mình. Phải kiềm chế lắm, tôi mới ngăn nổi những giọt nước mắt. Nhưng nỗi niềm thì cứ ầng ậng trong lồng ngực. Thật khó mà tin nổi một đứa bé chỉ mới 7, 8 tuổi như vậy đã phải lăn lộn giữa dòng đời kiếm kế sinh nhau nuôi mẹ. Trong khi đó đứa con của tôi ở nhà vẫn nũng nịu đòi cha mẹ đút cơm.
Ông chủ tiệm nói: “Vậy thì, từ giờ cháu hãy qua đây giúp ta lau bàn, quét nhà. Như vậy cả cháu và mẹ có thể cùng ăn cơm miễn phí ở đây!”. Nghe xong, cậu bé vô cùng hạnh phúc, nở một nụ cười rạng rỡ như thiên thần. Ánh mắt ngây thơ của cậu như có hai ngôi sao đang lấp lánh bên trong. Một ngày khác, khi đang tản bộ, tôi vô tình vòng qua khu bán đồ. Ở một góc vỉa hè, tôi bất chợt nhìn thấy cậu bé hôm trước, khuôn mặt đỏ bừng, trán nhễ nhại mồ hôi đang tất bật giúp mẹ bán bánh bao và đủ loại đồ ăn khác. Kể từ lúc đó, tôi đã trở thành khách quen của cậu…
Có những lời nói dối khiến người khác thống khổ, đau đớn. Nhưng cũng có những lời nói dối có thể cứu sống một cuộc đời, nhất là khi nó xuất phát từ thiện tâm, từ lòng từ bi. Sở dĩ, ông chủ tiệm mì nói dối là không muốn cậu bé cảm thấy mặc cảm về thân phận của mình. Ông đã đối xử với cậu không phải bằng tư cách của kẻ bố thí và người ăn xin, mà bằng tình đồng loại, sự cảm thông giữa người với người. Hơn nữa, bằng bát mì trúng thưởng, ông cũng đã nuôi dưỡng cho cậu bé một niềm tin vào sự kỳ diệu, điều may mắn và niềm hạnh phúc. Bát mì chỉ giải quyết được cái đói lòng tức thì. Còn tình yêu thương, sự bao dung kia mới thay đổi cuộc đời của cậu mãi mãi.
Trong cuộc đời bề bộn, ngược xuôi, tấp nập này, tình yêu thương, sự cảm thông có vẻ là một món đồ xa xỉ. Nhưng ở đâu đó vẫn có những người đang gieo hạt mầm yêu thương. Khi con người có thể đối đãi với nhau bằng thiện tâm, lòng từ bi và sự khoan dung, thế giới này có lẽ sẽ đẹp hơn rất nhiều.
San San – Hữu Bằng
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2iv9VPH
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét