Trong mắt Trung Quốc cũng như các nước phương Tây, Việt Nam chỉ là một tiểu quốc. Ấy vậy mà quốc gia bé nhỏ ấy lại làm nên những điều không tầm thường. Điều ấy đã được minh chứng đầy thuyết phục trong suốt chiều dài lịch sử 4000 năm. Hôm nay, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về một trong những vị vua nổi tiếng nhất lịch sử: Hoàng đế Gia Long.
Gia Long xuất thế
Vua Gia Long, tên thật là Nguyễn Phúc Ánh, thường gọi là Nguyễn Ánh, sinh ngày 15 tháng giêng năm Nhâm Ngọ (tức 8/2/1762), cha là Nguyễn Phúc Luân, con thứ hai của của chúa Võ Vương Nguyễn Phúc Khoát, mẹ là Nguyễn Thị Hoàn. Sinh ra và lớn lên trong dòng dõi quý tộc, Nguyễn Ánh nuôi dưỡng khí chất của một bậc quân chủ. Tuy nhiên, cuộc đời trước khi làm vua có rất nhiều biến động.
Cuộc khởi nghĩa Tây Sơn của Nguyễn Huệ trong thời gian đó đã lật đổ chúa Nguyễn ở Đàng Trong, chấm dứt chính quyền cai tri họ Nguyễn sau 200 năm. Năm 1777, quân Tây Sơn bắt sống chúa Nguyễn đương thời là Nguyễn Phúc Dương đưa về Gia Định xử tử. Một nhân vật trong dòng dõi mang tên Nguyễn Phúc Ánh đã quyết tâm nuôi chí khôi phục quyền vị cơ đồ nhà Nguyễn.
Gia Long là người có phúc phận lớn, nhờ công Nguyễn Huệ lúc trước mà sau đó ông mới có thể nhanh chóng thống nhất Việt Nam. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Quá trình từ khi cơ đồ gia tộc bị chấm dứt đến khi ông lên ngôi cũng là một khoảng thời gian khá dài chứng minh cho sự kiên trì của ông. Sau nhiều lần thất bại và phải cầu viện Xiêm La và Pháp giúp đỡ, ông giữ được một vùng đất Nam Hà, làm cơ sở cho việc đánh bại quân Tây Sơn, lên ngôi hoàng đế, thống nhất Việt Nam sau nhiều thế kỷ nội chiến.
Nguyễn Phúc Ánh chính thức lên ngôi vua ngày mồng 2 tháng 5 năm Tân Dậu (1801), đặt niên hiệu Gia Long, lập nên vương triều cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông được biết tới là vị vua đầu tiên của họ Nguyễn bởi trước đó những người đứng đầu đều chỉ được gọi là chúa Nguyễn. Như vậy, xét theo lịch sử, ông là đời chúa thứ 10 và vị chúa duy nhất lên làm vua.
Cái tên Nguyễn Ánh gây ra nhiều so sánh với Nguyễn Huệ, người làm nên chiến thắng quân Thanh vang dội trước đó. Nhưng số phận không mỉm cười với ông khi ông phải nhận cái chết khi tuổi còn sung mãn. Và người tiếp tục trên sân khấu lịch sử đó chính là Nguyễn Ánh. Với sự thay đổi thế cuộc đó khá nhiều người phát biểu rằng Nguyễn Huệ trồng cây, Gia Long hái quả. Nhưng xét cho cùng, lịch sử thì vẫn là lịch sử, và sự đổi thay ấy, âu cũng là số trời.
Tranh vẽ Vua Gia Long triều Nguyễn. (Ảnh: internet)
Tính cách hiếm thấy của một vị vua
Gia Long được miêu tả bởi một vị phương Tây: “Dáng người cao trên trung bình, vóc người tầm thường, vẻ mặt đều đặn, nhẹ nhõm, rất dễ nhìn”, “màu da đỏ hồng, rám nắng vì dầu dãi”, “thân thể cường tráng, da trắng, mắt sáng, tướng đạo mạo đáng kính”, “nét mặt trang nghiêm có sắc diện… dáng điệu rất sang trọng và tính tình hòa nhã”.
Gia Long dưới con mắt một vị phương Tây. (Ảnh minh họa: internet)
Còn sử nhà Nguyễn thì đề cao Gia Long ở cái: “thông duệ túc thành”, “có lòng ham thích học hỏi… biết chia ngọt sẻ bùi với thuộc tướng, lúc mềm mỏng, lúc cương quyết”, “ứng phó lẹ làng”. Trong cuộc sống, ông “có cả tính cách của một chính trị gia – một võ tướng” lãnh đạo một đám quan – binh phức tạp, hỗn độn, nhiều thành phần từ tặc khấu mà ra với đủ sắc tộc từ Việt, Hoa, Xiêm, Chàm, Mã Lai, Tây Phương.
Một giáo sĩ người Pháp tên Lelabousse miêu tả Nguyễn Ánh khi còn trẻ thì mê rượu, nhưng từ khi lên làm chúa ông bỏ hẳn, không chạm một giọt rượu vì Nguyễn Ánh cho rằng: “Một kẻ không làm chủ được mình, thì làm sao có thể cai trị được người khác?“. Đây là một suy nghĩ cực hiếm thấy ở bất kể một vị vua nào trong lịch sử.
Người Tây nể phục
Trong bức thư đề ngày 1/5/1800 gửi cho giám đốc trường tu nghiệp của hội truyền giáo ngoại quốc ở Paris, ông Lelabousse đã viết về Gia Long như sau:
“Nhà vua có tính chăm chỉ hết sức. Ban đêm Ngài ít ngủ, đọc sách rất nhiều; việc gì cũng tò mò muốn biết và cần cù hiếu học đáo để. Trong điện Ngài ở, có nhiều bộ sách của người Pháp soạn, dạy về các khoa kiến trúc, xây thành đắp lũy .v.v… Ngài để luôn bên mình, năng mở ra xem những hình vẽ kiểu mẫu rồi cố bắt chước làm theo. Mỗi ngày thấy Ngài tấn tới lên mãi. Tóm lại, ông vua này là một bậc nhân quân vĩ đại nhất xứ Đàng Trong nước Nam từ trước đến giờ”.
Gia Long khiến người Tây nể phục. (Ảnh: internet)
Không chỉ người Pháp, những người châu Âu khác cũng rất nể phục vua Gia Long. Một nhà du hành người Anh tên là John Barrow xuất bản tại London vào năm 1806 cuốn sách “A voyage to Cochinchina in the year 1792 – 1793” (Một chuyến du hành đến xứ Nam Hà trong năm 1792 – 1793) đã ca ngợi vua là: “...con người phi thường, một trong số ít người sinh ra với tài năng bẩm sinh để thống trị thế giới”.
Và còn: “...câu chuyện về ông hoàng này, mà tôi đã phác họa sơ lược nêu lên một tấm gương sáng và một bài học bổ ích cho những ai có thể rơi vào những hoàn cảnh rủi ro tương tự, nó chỉ ra rằng nếu biết kết hợp tài năng, nghị lực và lòng dũng cảm theo một hướng chỉ đạo đúng đắn, người ta có thể làm được nhiều việc lớn lao đến như thế nào”.
Tự đóng tàu chiến làm người đời sửng sốt
Chính sự ham học hỏi đã giúp Nguyễn Ánh tự mình đúc rút và tích lũy được những kinh nghiệm thù thắng đầy bất ngờ mà tự đó ông đã sáng tạo ra những điều mà khiến ai cũng phải thán phục. Hơn nữa ông cũng biết cách tân dụng tối đa nguồn tài nguyên sẵn có của quốc gia như gỗ để có thể đóng tàu.
Đến năm 1789 ông đóng được 40 chiếc thuyền và 100 chiếc thuyền biển; hai năm sau đóng thêm được 100 chiếc với gỗ ván lấy từ rừng Thanh Hóa và Chân Lạp. Đến năm 1793, Nguyễn Ánh cho mua hẳn một chiến hạm cũ của châu Âu rồi sai người gỡ ra để sao chép lại. Nguyễn Ánh đích thân giám sát việc đóng những chiếc thuyền theo kiểu này. Nhờ tích cực vậy nên ngay cùng năm, quân Nguyễn đóng được những chiến hạm nổi tiếng là Long Ngư, Long Thượng, Long Hưng, Long Phi, Bằng Phi, Phụng Phi, Hồng Nhi, Loan Nhi, Ưng Nhi (trong này quan trọng nhất là 3 chiếc Long Phi được trang bị đến 32 khẩu đại bác, Phụng Phi và Bằng Phi có 26 khẩu) với sức chứa trên 300 người mỗi thuyền. Chỉ có 2 năm Nguyễn Ánh đóng thêm gần được 300 pháo hạm và 10 năm thì tổng số thuyền của Nguyễn Ánh lên được gần 1.200 chiếc.
Chiến thuyền Gia Long làm nên làm người người sửng sốt. ̣(Ảnh minh họa: internet)
Đó là những con số hết sức bất ngờ đối với bất kỳ những ai được nghe, không chỉ khiến nhiều người Tây phương – những con người họ đã tiếp xúc với nền khoa học hết sức tiên tiến và hiện đại từ xưa phải trầm trồ kính nể mà cả những người Việt ta cũng giật mình sửng sốt.
Lại một lần nữa cố đạo Lelabrousse phải dành một phần trong bức thư của ông để nhắc đến câu chuyện đáng nể này như sau:
“Các xưởng đóng chiến thuyền trong xứ và các quân cảng được Ngài xếp đặt chỉnh tề, đồ sộ; người ngoại quốc đến xem phải động lòng kính phục, nếu cả châu Âu được trông thấy thì cả châu Âu cũng phải khen ngợi.
Một bên bài trí la liệt những súng trường, súng thần công, đại bác đủ hạng, những dã pháo, những xe chở súng, những viên đạn lớn nhỏ đủ cỡ..v.v.. Phần nhiều so sánh với các kiểu súng đạn tốt nhất ở Tây phương, bất quá chỉ thua kém về vẻ đẹp mà thôi.
Một bên thì đỗ chi chít những chiến thuyền không biết cơ man nào mà đếm; to có nhỏ có, chiếc nào chế tạo trông cũng có vẻ hùng vĩ đáng sợ. Tất cả các thuyền binh khí ấy toàn là công trình của ông vua hiếu động và đa tài, đa nghệ…”
Ông khẳng định để làm được những chiến thuyền kiểu Châu Âu này thì chỉ có người dân bản xứ. Ấy vậy mà: “Ban đầu, ngài mua một chiếc tàu Tây đã cũ đem về tháo tung ra từng mảnh để xem cách thức chế tạo, sau đó tự tay ráp lại y nguyên hình thức cũ, ráp khéo đến nỗi xem chiếc tàu lại có vẻ đẹp hơn lúc trước.
Có thể nói, niềm đam mê lớn nhất của ông vua này chính là ‘được đóng tàu’. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Sự thành công ấy làm cho nhà vua nức lòng phấn chí, nhất định ra tay đóng hẳn một chiếc hoàn toàn mới. Mà ngài làm được mới thật lạ kỳ, sau đó lại đóng thêm hai chiếc nữa. Cả bốn chiếc tàu này đi đến đâu cũng làm lên oai danh hiển hách cho nhà vua.
Công cuộc chế tạo lại mau chóng không ngờ, chiếc nào cũng đóng không quá 3 tháng đã hoàn thành, có chiếc lại còn làm nhanh chóng hơn…
Các ông ở bên Tây nghe nói một ông vua ở nước Nam có thể chỉ huy được một chiếc tàu chiến đóng theo kiểu châu Âu, tất lấy làm lạ vô cùng; nhưng các ông còn kinh ngạc nhiều hơn nữa nếu như các ông được chứng kiến mọi sự kiến thiết ở xứ sở này”.
Có thể nói chính tài thao lược và những điều ông học hỏi từ phương Tây đã nên thắng lợi cho cuộc thủy chiến ở đầm Thị Nại năm Tân Dậu (1801), tiêu diệt hoàn toàn hạm đội chiến thuyền của quân Tây Sơn, để từ đó chấm dứt triều đại Tây Sơn, lập ra một triều đại mới do ông đứng đầu.
Làm vua gần 20 năm, để lại cho hậu thế sự kính nể, Gia Long ra đi vào ngày 19 tháng Chạp năm Kỷ Mão (tức ngày 3/2/1820), hưởng thọ 59 tuổi. Sử sách gọi ông là Nguyễn Thế Tổ, thụy hiệu triều đình đặt cho ông là “Khai thiên Hoằng đạo Lập kỷ Thùy thống Thần văn Thánh vũ Tuấn đức Long công Chí nhân Đại hiếu Cao Hoàng đế”.
Nguyệt Hà
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2he4z6C
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét