Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Anh nhường em đi học, làm thợ mỏ nuôi ăn học suốt 4 năm, ngày trở về nghe lời em nói anh nhòa lệ

Vào đầu thế kỷ thứ mười lăm, trong một ngôi làng nhỏ gần Nuremberg, nước Đức, có một gia đình nọ có 18 người con. Để có cái ăn hàng ngày cho chừng ấy con người, người cha làm nghề kim hoàn, cũng là người chủ gia đình, đã phải làm việc quần quật suốt 18 tiếng mỗi ngày, không nề hà bất kể việc gì được thuê, từ “thượng vàng” đến “hạ cám”. 

Tuy nhiên, cảnh nghèo đói, cơ hàn tưởng chừng như vô vọng ấy không cản trở hai người con trai lớn của ông, Albert và Albrecht nuôi dưỡng ấp ủ mơ ước được phát triển năng khiếu nghệ thuật của mình tại Học viện Hàn lâm, chuyên ngành nghệ thuật ở Nuremberg. Họ cũng rất biết rằng cha mình sẽ không bao giờ có tiền để lo cho bất cứ ai trong hai người, đi học.

Sau nhiều lần bàn luận thâu đêm trong ngôi nhà đông đúc của họ, hai chàng trai cuối cùng đã tìm ra được một giải pháp. Họ sẽ tung một đồng xu. Người thua cuộc sẽ đi làm ở hầm mỏ gần nhà, kiếm tiền chu cấp cho người kia đi học. Sau 4 năm, người thắng cuộc tốt nghiệp ra trường sẽ quay trở về hỗ trợ người còn lại đi học bằng cách bán tác phẩm nghệ thuật của mình hoặc, nếu cần thiết, cũng đi làm trong hầm mỏ.


Albrecht Durer, người em trai may mắn! (Ảnh: Internet)

Vào sáng Chủ Nhật sau buổi lễ nhà thờ, hai anh em đã tung đồng xu. Kết quả, Albrecht Durer, người em giành chiến thắng và khăn gói lên đường đi Nuremberg. Người anh Albert ở lại, bắt đầu những ngày tháng cực nhọc làm việc trong mỏ than đầy rẫy hiểm nguy. Trong suốt 4 năm anh đã dùng số tiền công ít ỏi của mình nuôi em học thành tài. Không phụ lòng mong mỏi của anh trai, Albrecht luôn cố gắng học hỏi và rất chăm chỉ. Ở học viện, những tác phẩm khắc gỗ, sơn dầu… của Albrecht đã trở thành một hiện tượng. Về mặt thẩm mỹ và giá trị, chúng vượt xa các tác phẩm của cả những người thầy dạy anh. Và cho đến thời điểm tốt nghiệp, anh đã bắt đầu kiếm được khá nhiều tiền từ các đơn đặt hàng.

Khi người hoạ sĩ trẻ trở về làng, cả gia đình Durer đã đón chào anh bằng một bữa tiệc thịnh soạn với đầy ắp âm nhạc và những tiếng cười hạnh phúc. Trong giây phút hân hoan của ngày vinh hoa bái tổ, Albrecht đứng lên từ vị trí danh dự ở đầu bàn, nâng cốc cảm tạ người anh yêu quý vì những năm tháng anh làm lụng vất vả, hy sinh cả tuổi trẻ của mình để giúp Albrecht hoàn thành khát vọng đời mình. Sau những lời tri ân, cuối cùng, anh nói: “Và bây giờ, Albert, anh trai thân yêu của em, giờ đến lượt anh. Anh hãy đến Nuremberg để hiện thực giấc mơ của mình… Giờ là lúc em sẽ lo cho anh.”

Mọi ánh mắt đều hướng về góc bàn phía xa nơi Albert ngồi. Nhưng, trái với sự mong đợi của mọi người, Abert không cười hạnh phúc rạng ngời mà khuôn mặt xanh xao, hốc hác của anh đẫm những giọt nước mắt. Anh cúi gằm mặt xuống, lắc đầu, nức nở, nhắc đi nhắc lại: “Không…không …không”.


Bức tranh “Đôi bàn tay cầu nguyện” nổi tiếng

Sau đó, Albert đứng dậy, quệt nước mắt trên má. Anh nhìn những khuôn mặt thân yêu ngồi bên chiếc bàn dài, đôi bàn tay nắm lại đưa gần lên má phải, anh nói khẽ: “Không đâu, em ơi. Anh không thể tới Nuremberg được nữa. Đã quá muộn rồi. Hãy nhìn này… bốn năm trong hầm mỏ đã khiến đôi bàn tay anh ra nông nỗi này! Xương của mỗi ngón tay đều bị dập nát ít nhất một lần, gần đây tay phải của anh còn bị viêm khớp nặng đến nỗi anh thậm chí không thể nâng nổi cái cốc lên để chúc mừng em, làm sao anh có thể cầm bút hay cọ để vẽ trên giấy da hay toan được nữa… Không, em ơi… với anh việc này quá muộn mất rồi.”

Một không gian yên lặng bao trùm cả căn phòng…

Một ngày, để tỏ lòng tôn kính vì tất cả những hy sinh của người anh Albert, ông Albrecht Durer, rất tỉ mỉ, đã vẽ đôi bàn tay trầy xước của anh mình, với hai lòng bàn tay hướng vào nhau và những ngón tay gầy yếu hướng lên cao. Ông đặt tên cho tác phẩm đầy cảm xúc của mình là “Đôi bàn tay”. Tuy nhiên, tác phẩm vĩ đại ấy, ngay lập tức, đã chiếm được trái tim của toàn thế giới, người ta thậm trí đã đặt lại tên cho kiệt tác này là “Bàn tay cầu nguyện”.


Nếu bạn có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm vĩ đại này thì hãy nhớ tới cả câu chuyện xúc động đằng sau những nét họa tinh xảo đó. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Hơn 450 năm đã trôi qua. Ngày nay, người ta tìm thấy hàng trăm các tác phẩm bậc thầy của Albrecht Durer được treo ở tất cả các bảo tàng lớn trên thế giới. Chúng là các bức chân dung, chì, ký hoạ, màu nước, than chì, khắc gỗ và mạ đồng. Nhưng có một điều hết sức kỳ lạ, rất nhiều người trong chúng ta dường như chỉ quen với đúng một tác phẩm nghệ thuật của ông. Không chỉ thấy quen, chúng ta còn sẵn lòng mua cho mình một bản tranh chép để treo trong nhà hay trong văn phòng làm việc. Và đó chính là bức tranh mộc mạc giản dị đầy cảm xúc ấy: “Bàn tay cầu nguyện”.  

Nếu bạn có cơ hội chiêm ngưỡng tác phẩm vĩ đại này thì hãy nhớ tới cả câu chuyện xúc động đằng sau những nét họa tinh xảo đó. Hãy xem bức tranh như một lời nhắc nhở rằng, không một ai trên trái đất này có thể thành công mà thiếu đi sự hy sinh thầm lặng của những người khác. Bởi vì chỉ có tình yêu thương chân thành mới là điểm tựa, là sức mạnh làm nên những điều kì diệu. 

Theo Moralstories

Xuân Dung (biên dịch)

Xem thêm:



from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2l6QWg6
via máy cửa nhôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét