Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Tài trí ngang Kỷ Hiểu Lam, ai là vị tể tướng số 1 trong lịch sử Ấn Độ?

Nếu như dưới thời  Hoàng đế Càn Long có Kỷ Hiểu Lam thì dưới thời Hoàng đế Akbar, người được nhắc đến nhiều nhất về tài năng và sự thông tuệ chính là tể tướng Birbal. Có rất nhiều giai thoại về Birbal và đây là một trong số đó.

Akbar Đại đế là vị vua thứ ba của nhà Mogul trong lịch sử Ấn Độ. Ông giữ ngôi vua từ năm 1556 đến năm 1605 – khoảng thời gian dài tương đương với triều đại Elizabeth I của Anh. Ông được xem là nhân vật đại biểu cho thời kì hoàng kim của triều đại Mogul, và cũng là của toàn bộ lịch sử Ấn Độ thời kỳ cận đại.

Cánh tay phải của Akbar Đại đế – tể tướng Birbal, dù có uy tín rất lớn, được nhiều người nể phục, nhưng bên cạnh đó số người ganh ghét, đố kị với tài năng của ông cũng không phải là nhỏ. Một trong số đó chính là anh rể của vua Akbar. Người này luôn tỏ ra ganh tị, ghen ghét và tìm cách chơi xấu Birbal.

Tể tướng Birbal, người được nhắc đến nhiều nhất về tài năng và sự thông tuệ. (Ảnh: Internet)

Dựa vào quan hệ gia tộc trong hoàng cung, một ngày, ông ta đề xuất với Đức vua hãy chuyển giao các công việc mà Birbal đang đảm nhận cho ông ta và đảm bảo rằng ông ta sẽ thực hiện hiệu quả và tốt đẹp hơn nhiều những gì Birbal từng thể hiện. Trong khi vua Akbar đang cân nhắc về lời đề đạt này, tin tức đã nhanh chóng đến tai Birbal.

Không chần chừ, Birbal lập tức yết kiến Đức vua, xin từ chức và trao lại toàn bộ quyền lực cho người anh rể của Đức vua.

Tuy chấp nhận lời đề nghị của Birbal, nhưng vua Akbar không tin tưởng lắm vào tài năng của tân tể tướng và đã quyết định kiểm tra năng lực của ông này. Người giao cho ông ta ba trăm đồng tiền vàng và đưa ra một yêu cầu khiến triều thần phải choáng váng: “Hãy giúp ta sử dụng những đồng tiền vàng này theo những cách nào đó mà khiến ta có thể nhận lại được một trăm đồng tiền vàng ngay tại thế gian này khi ta còn tại vị; một trăm đồng tiền vàng trong thế giới khác và số còn lại không phải ở một trong hai nơi trên”.


Vua Akbar không tin tưởng lắm vào tài năng của tân tể tướng và đã quyết định kiểm tra năng lực của ông này. (Ảnh minh hoạ: Internet)

Một bài toán quá nan giải đối với vị tân tể tướng, khiến cho ông rơi vào tình trạng hoang mang, lo lắng và căng thẳng đến mức nhiều đêm không ngủ, trong lòng luôn nghĩ cách tìm ra lời giải đáp. Nhưng càng vắt óc suy nghĩ ông lại càng cảm thấy bế tắc, đầu óc ông trở nên mụ mị, quay cuồng. Cuối cùng, không còn cách nào khác, theo lời khuyên của vợ, ông buộc phải tìm đến Birbal nhờ giúp đỡ. Birbal, không cần đến một giây, liền đồng ý và nói: “Chỉ cần đưa cho tôi những đồng tiền vàng đó. Tôi sẽ giải quyết vấn đề còn lại.”

Birbal khoan thai cầm túi tiền đi ra phố. Đầu tiên, ông nhìn thấy một thương gia giàu có đang tổ chức đám cưới linh đình cho cậu con trai. Birbal ngay lập tức lấy ra một trăm đồng tiền vàng tặng cho vị thương nhân, cúi chào lịch sự và nói: “Đức vua Akbar gửi lời chúc mừng và phước lành tới đám cưới của con trai ông.” Người thương gia cảm thấy vô cùng vinh dự vì Đức vua đã gửi một sứ giả đặc biệt mang một món quà quý giá như vậy tặng gia đình ông. Để đáp lại, ông trao cho Birbal rất nhiều các món quà đắt tiền và nhờ Birbal dâng tặng vua Akbar.

Tiếp theo, Birbal đi đến các khu vực trong thành phố nơi có những người dân nghèo sinh sống. Tại đó, ông đã dùng 100 đồng tiền vàng tiếp theo để mua lương thực, quần áo và  phân phát chúng cho họ dưới danh nghĩa Đức vua Akbar.

Cuối cùng, ông đã dành toàn bộ số tiền còn lại để tổ chức một buổi trình diễn âm nhạc và khiêu vũ hoành tráng tại khu trung tâm thành phố.

Ngày hôm sau Birbal vào cung và tuyên bố rằng ông đã hoàn thành tất cả các yêu cầu của Đức vua đặt ra cho người anh rể. Đức vua muốn biết làm thế nào ông đã thực hiện nó. Birbal thuật lại các việc đã làm và không quên giải thích: “Số tiền thần mừng tặng đám cưới con trai của vị thương gia – nó đã quay trở lại với bệ hạ ngay khi người vẫn còn tại vị trên thế gian này thông qua những món quà đắt tiền mà ông ta gửi tặng bệ hạ. Số tiền thần dùng để mua thực phẩm và quần áo cho người nghèo – nó sẽ chuyển thành phước lành và phúc phận của Người và bệ hạ sẽ có được nó trong thế giới khác. Số tiền thần dành chi cho buổi biểu diễn âm nhạc – bệ hạ sẽ chẳng bao giờ nhận lại được, không ở đây và cũng chẳng ở một nơi nào khác.


Vua Akbar rất hài lòng và khâm phục trí thông minh của Birbal. (Ảnh minh hoạ Internet)

Thời điểm Birbal vừa dứt lời cũng là lúc khắp điện chầu, tiếng vỗ tay vang dội. Vua Akbar rất hài lòng và khâm phục trí thông minh của Birbal. Và tất nhiên, người anh rể của vua cảm thấy xấu hổ, từ chức và tâm phục giao lại quyền bính cho Birbal.

Lời bàn:

Câu chuyện tuy đơn giản nhưng cho ta thấy một triết lý minh bạch rằng: Trong cuộc sống, bạn không nên lúc nào cũng quá coi trọng việc cân nhắc thiệt hơn hay thiên lý phân minh. Bằng cách này hay cách khác, bạn cho đi bao nhiêu sẽ nhận lại được bấy nhiêu. Số tiền bạn chi cho bè bạn sẽ quay trở lại với bạn hoặc được đáp trả dưới hình thức khác. Số tiền bạn làm từ thiện sẽ được chuyển đổi thành phước lành và phúc phận, nó gắn liền với sinh mệnh và theo bạn không chỉ trong thế giới phàm tục này. Và cuối cùng, số tiền bạn chi cho những thú vui không trở lại với bạn trong kiếp này cũng như theo bạn ở kiếp sau, nó chỉ thỏa mãn những mong muốn nhất thời. Vì vậy, khi bạn tiêu những đồng tiền mà mình rất vất vả mới kiếm được, hãy suy nghĩ và cân nhắc để luôn đưa ra được những quyết định tốt đẹp và ý nghĩa nhất!

Theo Moralstories

Hoài Anh

Xem thêm:



from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2lqkSQl
via máy cửa nhôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét