Thứ Hai, 27 tháng 2, 2017

Bị kết án oan, chàng trai dặn ‘vợ’… 3 năm sau lời thề ứng nghiệm khiến cả nước Mỹ chìm trong xúc động

Vào năm 1970, tại một thị trấn nhỏ vô danh trên đất Mỹ, có một chàng trai trẻ bị kết án 3 năm tù vì tội tiêu tiền giả. Cảnh sát đã tìm được chứng cứ chứng minh anh phạm tội và ba năm là khoảng thời gian vừa đủ để sửa chữa lại lỗi lầm.

Nhưng Mary, người vợ chưa cưới của chàng trai lại không thể chấp nhận được sự thật này, cô không tin chồng sắp cưới của mình lại là một người như vậy. Ngày mở phiên toà, mặc cho chàng trai không ngừng quay lại phía sau mong ngóng nhưng vẫn không thấy bóng dáng cô đâu.

Trước khi được cảnh sát áp tải lên chiếc xe dành riêng cho tù nhân, chàng trai nhờ người bạn chuyển cho Marry một lá thư rồi bước đi vội vã. Anh không kịp nhìn thấy cô đang đứng khuất ở phía sau, vừa khóc vừa nắm chặt tờ giấy với những dòng chữ ngắn ngủi:

“Anh biết anh không xứng đáng với tình yêu của em. Anh cũng không hi vọng em còn yêu anh sau những chuyện này. Nhưng nếu em tha thứ cho anh, hãy buộc một dải ruy băng màu vàng lên cây sồi già duy nhất ở quảng trường thị trấn vào ngày anh trở về. Và nếu không nhìn thấy dải ruy băng, anh sẽ ngồi nguyên trên xe khách, sẽ ra đi mãi mãi và không bao giờ quấy rầy em nữa”.

Và thế rồi, trong suốt ba năm ngồi tù, dù cho chàng trai mong mỏi Mary đến đâu thì cô vẫn bặt vô âm tín. Năm đầu tiên, anh tự nhủ có lẽ cô chưa quen được với ý nghĩ chồng sắp cưới của mình là một kẻ phạm tội. Năm thứ hai, chàng trai nhờ người hỏi han tin tức và chỉ nghe phong phanh là cô đã đi xa, xa lắm và chẳng biết bao giờ mới quay trở lại. Đến những ngày tháng cuối cùng trong tù, chàng trai đã không còn nghĩ đến dải ruy băng màu vàng nữa, nhớ về người con gái anh yêu lại càng không thể.

Đến ngày ra tù, anh quyết định sẽ lên xe buýt đi thẳng ra thành phố chứ không qua quảng trường thị trấn như đã hẹn. Nhưng rồi một chuyến, hai chuyến xe đã dừng lại rồi chạy tiếp mà chàng trai vẫn không bước lên. Mãi tới khi chuyến cuối cùng chạy qua, anh mới lầm lũi bước lên để đi tới Miami (một thành phố ở tiểu bang Florida, Hoa Kỳ). Lý trí bảo anh đi theo hướng ngược lại nhưng tình yêu vẫn bắt anh bước về phía trước…

Chuyến xe càng gần điểm đến, chàng trai càng cảm thấy bồn chồn, lo lắng và không đủ can đảm nhìn ra ngoài cửa sổ. Thế rồi, khi chiếc xe rẽ vào đường U.S.17 gần quê của mình – làng White Oak, tiểu bang Georgia, chàng trai đã xin người tài xế hãy lái xe chạy chậm lại để anh có thể nhìn thấy dải ruy băng được treo lên cây sồi già.

Và vào chiều hôm đó, hàng trăm người dân có mặt tại quảng trường đã ngạc nhiên khi thấy một chàng trai bật khóc nức nở dưới tán sồi vàng rực bởi hàng trăm dải ruy băng… Còn người lái xe đã nhanh chóng gọi điện cho đài phát thanh và kể cho họ điều này. Câu chuyện đã gây xúc động trên cả nước Mỹ lúc đó và cho đến tận bây giờ, bởi tình yêu đôi khi đâu cần diễn đạt bằng lời mà vẫn da diết và thủy chung như thế.

Lời bình Đại Kỷ Nguyên 

Cảm nhận được tình cảm của 2 nhân vật chính trong câu chuyện trên, vào năm 1973, bài hát “Tie an yellow ribbon round the old oak tree” đã được ra đời. Ca khúc được trình bày bởi nhóm Tony Orlando and Dawn và đã nhanh chóng trở nên nổi tiếng trên toàn thế giới. Ca từ rõ ràng và xúc động giai điệu vui tươi pha lẫn âm hưởng đồng quê của bài hát đã khiến nó đi vào trái tim của hàng triệu người và mọi thế hệ.

Em yêu ơi, hãy buộc một dải ruy băng vàng lên cây sồi già duy nhất
Cây sồi đã ở đó lâu rồi. Còn em có yêu anh nữa không?
Nếu không có dải ruy băng ấy, anh sẽ tiếp tục đi và sẽ cố quên những gì chúng ta đã có vì anh là người có lỗi
Em yêu ơi, anh sẽ đi nếu không nhìn thấy dải ruy băng vàng.
Bác tài ơi, làm ơn nhìn hộ tôi
Vì tôi không có can đảm nhìn cây sồi già duy nhất ấy
Tôi là một kẻ tội nhân, và chỉ có tình yêu của cô ấy mới đem đến tha thứ
Và cô ấy sẽ tha thứ nếu cô ấy buộc lên cây sồi già một dải ruy băng.

Kể từ đó, dải ruy băng vàng được nhiều người biết đến và trở thành một biểu tượng của sự yêu thương, bao dung và tha thứ, cũng là chi tiết phổ biến trong nhiều phóng tác về những câu chuyện tình yêu đầy thăng trầm, trắc trở nhưng vẫn có một kết thúc ngọt ngào.

Cũng từ đó, những cô gái có người yêu ra trận đã cột dây ruy băng vàng quanh các gốc cây trước sân để thể hiện sự mong nhớ người thương đang ở nơi xa và chờ chàng mang tin thắng trận trở về. Một vài quốc gia khác thì người vợ lính có chồng bị bắt làm tù binh chiến tranh cũng dùng dây nó để thể hiện lòng nhớ chồng và sự hy vọng. Dần dần, ruy băng vàng trở thành biểu tượng chung của cả thế giới cho HY VỌNG và cho CHIẾN THẮNG.


(Ảnh: Epochtimes)

Phong Vân

Xem thêm



from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2ltcPlT
via máy cửa nhôm

0 nhận xét:

Đăng nhận xét