Ai trong cuộc đời cũng đã từng cho rằng sở hữu những giá trị vật chất sẽ khiến cuộc sống của chúng ta dễ dàng và hạnh phúc hơn. Nhưng khi trưởng thành, chúng ta nhận ra điều này không còn đúng nữa. Câu chuyện về một cậu bé và phụ nữ trực tổng đài dưới đây như một lời nhắc nhở rằng không phải là những đặc quyền, sự nổi tiếng hay giàu có, mà chỉ có tình yêu và lòng tốt mới đủ sức sưởi ấm trái tim mỗi người.
Khi tôi còn rất nhỏ, lúc chỉ chừng 5 tuổi, nhà tôi là nhà đầu tiên trong khu phố có máy điện thoại. Tôi nhớ rất rõ cái hộp bằng gỗ sồi bóng loáng treo trên tường ở đầu cầu thang. Bên cạnh đó có một cái ống nghe rất sáng, in con số: 105.
Khi ấy, tôi còn quá bé để có thể với tới chiếc điện thoại, nhưng tôi rất thích nghe mẹ nói chuyện trên cái máy kì lạ này. Một lần, mẹ đã nhấc tôi lên để nói chuyện với cha khi ông đang đi công tác xa nhà. “Cái máy này dường như có phép thuật vậy!” Đó là cảm nhận sau lần nói chuyện điện thoại đầu tiên của tôi. Không lâu sau đó, tôi phát hiện rằng đâu đó bên trong cái thiết bị kỳ diệu ấy có một người rất thú vị – tên cô ấy là “Tổng đài” và không có gì mà cô ấy không biết. Mẹ tôi có thể hỏi cô ấy số điện thoại của bất cứ ai, và khi cái đồng hồ của chúng tôi bị chậm, cô “Tổng đài” sẽ ngay lập tức cho chúng tôi biết thời gian chuẩn xác.
Tên cô ấy là “Tổng đài” và… không có gì mà cô ấy không biết! (Ảnh minh hoạ: Internet)
Trải nghiệm đầu tiên về cuộc ‘gọi điện thoại thực sự’ của bản thân tôi đến vào một ngày mẹ tôi vắng nhà. Tôi chơi tha thẩn cạnh chiếc ghế dài ở tầng hầm, nơi bố tôi thường hay sửa chữa những đồ dùng bằng gỗ của gia đình, và bắt chước ông, đóng một chiếc đinh lên mặt ghế. Cảm giác cầm búa như một người lớn thực thụ rất tuyệt. Nhưng, do cái búa quá nặng, tôi chẳng may đập búa vào tay mình ngay nhát đầu tiên. Tôi cảm thấy đau khủng khiếp, nước mắt chỉ trực trào ra. Nhưng bản năng của một đứa bé hay ở nhà một mình cho tôi biết khóc lóc không có ích gì, sẽ không có ai ở nhà để vỗ về tôi. Thế nên, tôi bước quanh nhà, mút ngón tay bị đau, cuối cùng đến gần chỗ bậc thang. Tôi reo lên khi nhìn thấy chiếc điện thoại, có thể cô “Tổng đài” trong đó sẽ giúp tôi.
Tôi chạy rất nhanh đến chỗ cái ghế đẩu trong phòng khách, kéo nó đến đầu cầu thang, và trèo lên ghế để có thể với tới cái điện thoại. Nhấc ống nghe ra và áp vào tai, tôi hét vào ống nói ở phía trên đầu: “Cô Tổng đài”. Một hai tiếng lách cách, và một giọng nói nhẹ nhàng nhưng rõ ràng vang đến tai tôi. “Cô Tổng đài, cháu bị đau ngón tay!”, tôi rền rĩ kể lể, những giọt nước mắt trào ra khi có người lắng nghe mình tâm sự.
“Đấy là nhà cháu phải không?”, một giọng nói vang lên. “Không có ai ở nhà, chỉ có mình cháu thôi” – Tôi thổn thức. “Cháu có bị chảy máu không?”. “Không ạ”, tôi trả lời. “Cháu bị búa đập vào tay và nó đau lắm”. “Cháu có thể mở hộp đựng đá ở nhà cháu không”, cô hỏi. Tôi nói tôi có thể làm được. “Vậy cháu hãy lấy một viên đá nhỏ, chườm vào ngón tay, nó sẽ làm cháu hết đau. Hãy cẩn thận khi dùng cái cậy đá nhé”, cô nhắc nhở. “Đừng khóc nữa. Cháu sẽ ổn thôi”, cô không quên dịu dàng an ủi tôi.
Nhờ sự chỉ dẫn tận tình của cô, mà ngón tay bé nhỏ đã nhanh chóng lành lặn trở lại. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Kể từ đó tôi gọi cho cô “Tổng đài” để hỏi mọi thứ. Tôi yêu cầu cô giúp tôi làm bài địa lý, cô ấy nói cho tôi biết Philadelphia ở đâu và kể về Orinoco – con sông huyền ảo mà tôi sẽ khám phá khi lớn lên. Cô cũng hỗ trợ tôi tôi học số học, và dạy tôi cách nuôi loài sóc chuột. Tôi đã bắt gặp một chú ở công viên hôm trước, chú ăn hoa quả và các loại hạt.
Khi con chim bạch yến của chúng tôi bị chết, tôi gọi cho cô và tâm sự với cô câu chuyện đau buồn của mình. Cô lắng nghe, rồi nói những điều thông thường mà người lớn hay dùng để an ủi một đứa trẻ. Nhưng tôi vẫn không nguôi ngoai, bởi trong sâu thẳm lòng tôi vẫn luôn có một câu hỏi: Vì sao những con chim hót hay như vậy, mang đến biết bao niềm vui cho cả nhà mà kết cục lại thành một đống lông tơ vụn dưới đáy lồng? Cô “Tổng đài” bằng cách nào đó đã cảm nhận được nỗi niềm sâu thẳm của tôi, cô an ủi tôi bằng chất giọng trầm tĩnh: “Paul, cháu hãy luôn nhớ rằng còn có nhiều thế giới khác để hót ca đón chào”. Không biết vì sao, khi nghe lời này của cô, tôi cảm thấy nhẹ nhõm hơn rất nhiều.
Và như một thói quen, tôi chỉ trực đứng cạnh chiếc điện thoại. “Tổng đài” bây giờ đã là một giọng nói rất quen thuộc và là điều không thể thiếu trong cuộc sống của tôi. “Cô ơi đánh vần từ ‘sửa chữa’ như thế nào ạ?”, “F-I-X”, cô đáp. Ngay lúc đó, chị tôi, người vốn có niềm vui kì quặc là doạ ma tôi, vừa nhảy bổ từ cầu thang vừa thét lên: “Oàaaaa”. Tiếng thét quá to của chị khiến tôi giật mình và ngã nhào xuống ghế, kéo bật chiếc tai nghe cùng mớ dây dợ ra khỏi cái hộp.
Cả hai chúng tôi đều kinh hoàng khi phát hiện ra điều đó. Cô “Tổng đài” đã không còn ở đấy nữa, và tôi không biết liệu tôi có làm cô bị đau không khi kéo tuột chiếc tai nghe ra như vậy. Một cảm giác lo âu bất chợt kéo đến trong tôi. Một lúc sau, một giọng đàn ông vang lên ở hành lang: “Tôi là người sửa điện thoại. Tôi đang làm việc ngoài phố, và người trực tổng đài nói rằng có lẽ có vài trục trặc tại số máy này”. Ông tiến tới cầm chiếc ống nghe trong tay tôi, lo lắng hỏi: “Điều gì đã xảy ra thế cậu bé?”. Tôi kể cho ông nghe tất cả câu chuyện. “Được rồi, chúng ta có thể sửa nó trong một hay hai phút thôi”. Ông mở hộp điện thoại, mò mẫm trong một đống dây điện và những cuộn dây xoắn, sau đó kéo kéo gì đó ở sợi dây gần tai nghe một lúc, rồi buộc chặt các thứ lại bằng một cái vít. Ông đẩy nhẹ cái móc lên lên xuống xuống vài lần, rồi nói vào điện thoại: “Xin chào, đây là Pete. Mọi việc đã ổn ở số nhà 105. Chị thằng bé doạ nó và cậu bé kéo đống dây ra khỏi hộp điện thoại”. Xong xuôi, ông treo chiếc điện thoại lên, mỉm cười, vỗ nhẹ vào đầu tôi: “Mọi thứ trở lại bình thường rồi đó, cậu bé”, rồi bước ra.
“Xin chào, đây là Pete. Mọi việc đã ổn ở số nhà 105.” (Ảnh minh hoạ: Internet)
Khi tôi lên 9, chúng tôi chuyển đến Boston. Tôi luôn nhớ tới người bạn thông thái “Tổng đài” bên trong cái hộp gỗ cũ kỹ đó. Không biết vì sao tôi không bao giờ nghĩ đến việc dùng cái điện thoại mới cao lênh khênh được đặt trên cái bàn nhỏ ở phòng khách. Khi đến tuổi thiếu niên, ký ức về những cuộc nói chuyện thời thơ ấy lúc nào cũng trong tâm trí tôi; mỗi khi tôi thấy mất phương hướng và bối rối, tôi đều nhớ lại cái cảm giác thanh bình yên ả mà cô “Tổng đài” mang lại. Tôi cảm thấy rất biết ơn cô vì cô không ngại ngần dành biết bao thời gian cho một cậu bé không quen biết, và trả lời tất cả những câu hỏi “ngốc xít” của tôi một cách kiên nhẫn, ân cần và thấu hiểu.
Nhiều năm sau, trên đường nhập học đại học, máy bay của tôi phải hạ cánh xuống Seatle. Tôi có khoảng nửa giờ nghỉ ngơi giữa hai chuyến bay, và tôi loay hoay mất đến mười lăm phút để gọi cho chị tôi, hiện đang sống hạnh phúc ở đó. Sau đó, không hề ý thức việc mình đang làm, tôi quay số tổng đài thành phố và khi có người nhấc máy, bất giác, tôi gọi: “Cô Tổng đài ơi!”. Và một điều kỳ diệu đã xảy ra, tôi lại nghe thấy giọng nói rõ ràng nhỏ nhẹ mà tôi đã quá quen thuộc: “Tổng đài đây!”. Rồi như một phản xạ tự nhiên, tôi nói: “Cô có thể cho cháu biết, đánh vần từ ‘sửa chữa’ như thế nào ạ?”. Một khoảng lặng dài diễn ra và sau đó một giọng nói nhẹ nhàng vang lên: “Cô đoán là bây giờ ngón tay của cháu đã lành rồi”. Tôi cười lớn: “Ôi đúng là cô rồi. Cô không biết là cô có ý nghĩa đến thế nào với cháu hồi đó đâu…”, tôi vui mừng thú nhận với cô.
Ở đầu dây bên kia, cô Tổng đài lặng đi một chút, rồi đáp lại tôi bằng giọng dịu dàng quen thuộc: “Cô đoán là cháu cũng không biết cháu có ý nghĩa đến thế nào với cô đâu! Cô không có con… Vậy nên, những ngày đó, sau một vài cuộc gọi của cháu, cô bắt đầu có thói quen trông đợi cháu gọi đến. Thật là ngốc nghếch phải không?”. Tôi không nghĩ điều đó là ngốc nghếch nhưng tôi không nói điều đó với cô. Thay vào đó, tôi kể cho cô nghe việc tôi thường nghĩ đến cô trong suốt nhiều năm, và tôi hỏi liệu tôi có thể gọi cô một lần nữa khi tôi quay lại thăm chị gái khi hết học kỳ. “Cháu hãy đến nhé. Và chỉ cần hỏi gặp Sally”. Tôi đã quá quen với việc gọi cô là “Tổng đài”, nên giờ biết cô có tên, tôi thấy là lạ. “Nếu cháu bắt gặp con sóc chuột nào, cháu sẽ bảo chúng ăn hoa quả và các loại hạt”, “hãy làm thế, cô đoán đó là ngày cháu đi Oricono. Chào cháu nhé”, cô đáp.
“Cháu hãy đến nhé. Và chỉ cần hỏi gặp Sally”. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Khoảng ba tháng sau tôi trở lại sân bay Seatle. Tôi háo hức thực hiện cuộc hẹn qua điện thoại với cô Tổng đài Sally. Nhưng lần này, một giọng nói khác đã trả lời. “Tôi xin gặp Sally” – Tội vội vã. “Anh là bạn cô ấy à?”, người trực mới hỏi tôi. “Vâng, một người bạn cũ”, tôi đáp, trong lòng có môt chút bất an. “Vậy thì tôi rất buồn phải thông báo cho anh là vài năm gần đây Sally chỉ làm việc bán thời gian vì bà bị ốm. Bà đã mất năm tuần trước đây rồi!”.
Cô Tổng đài của tôi đã mất ư? Cái cảm giác ám ảnh ngày con chim hoàng yến bé nhỏ của tôi ra đi dường như đang trở lại… Nhưng trước khi tôi gác máy, cô gái ở đầu dây bên kia nói: “Hãy đợi một phút. Anh nói tên anh là Villard?”, “Vâng”.
“Vậy Sally có gửi tin nhắn cho anh. Bà ấy đã viết ra ở đây”. “Bà viết gì vậy?”, tôi hỏi nhưng trong sâu thẳm, tôi gần như đoán trước được đó là điều gì. “Đây, tôi sẽ đọc nó cho cậu” – cô trực tổng đài mới chậm rãi đọc tin nhắn: “Hãy nhắn lại với cậu ấy rằng vẫn còn có nhiều thế giới khác để hát ca đón chào… Cậu ấy sẽ hiểu tôi muốn nói về điều gì”.
Tôi cám ơn cô và gác máy. Trái tim tôi lại có một cảm giác nhẹ nhàng như lần đầu tiên nghe thấy câu nói ấy. Đúng vậy. Tôi thực sự hiểu điều Sally muốn nói là gì…
Suy ngẫm:
Có thể vì một lý do nào đó, bạn không có được cuộc đời trọn vẹn như những người khác, nhưng cuộc sống luôn rất công bằng. Người phụ nữ trực tổng đài trong câu chuyện này, cô đã không có may mắn được làm mẹ, được chăm sóc một đứa trẻ. Nhưng cuộc sống lại ban cho cô một cơ hội khác, khi có một cậu bé xa lạ, vô tư gọi đến nơi cô làm việc, coi cô như một người bạn thông thái để chia sẻ rất nhiều điều trong cuộc sống thơ ngây nhiều niềm vui, nhưng cũng nhiều trăn trở trong sáng của cậu. Với trái tim yêu thương, và sự nhẫn nại bản năng của người phụ nữ, những cuộc trò chuyện mà cô dành cho cậu bé thật giống với sự nâng đỡ tinh thần mà một người mẹ có thể dành cho con mình.
Những cuộc trò chuyện mà cô dành cho cậu bé thật giống với sự nâng đỡ tinh thần mà một người mẹ có thể dành cho con mình. (Ảnh minh hoạ: Internet)
Cậu bé giống như đứa “con trai nuôi” của cô vậy. Cô đã giúp cậu bé có thêm cảm hứng để khám phá thế giới rộng lớn, giúp cậu khơi dậy bản năng biết quan tâm và chăm sóc cho những cuộc sống nhỏ bé và yếu ớt hơn mình. Đặc biệt, cô đã gieo vào lòng cậu bé những cảm nhận thật bình yên về ý nghĩa của cuộc sống, qua câu chuyện về sự ra đi của chú chim hoàng yến: Mỗi sinh mệnh đến với thế giới này đều có một sứ mệnh riêng, như chú chim hoàng yến miệt mài góp tiếng ca cho đời. Tuy cuộc sống ở thế giới hiện tại này là hữu hạn, nhưng những điều tốt đẹp mà mỗi sinh mệnh mang theo sẽ không kết thúc như hình hài trong thế giới thực tại này. Bản chất tốt đẹp ấy của sinh mệnh sẽ tiếp tục sứ mệnh làm đẹp cho cuộc sống của nó ở những cuộc đời khác. Vậy nên, nhiệm vụ quan trọng nhất của con người khi còn hiện hữu trên thế giới này, đó là bảo vệ cho bằng được sự tốt đẹp mà bản thân mình vốn chứa đựng.
Có lẽ chính thông điệp chứa đựng đầy hi vọng này đã xoa dịu nỗi đau “mất mát” trong trái tim nhỏ bé của cậu bé năm xưa và của chàng thanh niên Villard của hiện tại.
Xuân Dung
Tham khảo Brightside
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2lRjYgM
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét