Nói đến dự ngôn, rất nhiều người sẽ nghĩ ngay đến Gia Cát Lượng, Viên Thiên Cang hay Lý Thuần Phong. Hầu như không có ai nghĩ rằng Khổng Tử cũng có những lời dự ngôn, hơn nữa những dự ngôn của ông lại chuẩn xác phi thường, khả năng tiên đoán của ông không hề kém so với Lưu Bá Ôn. Dưới đây là câu chuyện kể về dự ngôn của ông.
Trong cuốn: “Sưu thần ký” có ghi chép lại một câu chuyện về dự ngôn vô cùng chuẩn xác của Khổng Tử như sau:
Vào năm Vĩnh Bình thời nhà Hán, có một người tên là Chung Ly Ý tự là Tử A, người ở quận Hội Kê, làm chức thừa tướng của nước Lỗ.
Chung Ly Ý sau khi nhậm chức đã tự bỏ ra 13.000 quan tiền cho Khổng Tố, để sửa chữa chiếc xe của Khổng Tử. Ông cũng tự mình đi đến miếu Khổng Tử lau chùi bàn ghế, chiếu ngồi, đao, kiếm và giày của Khổng Tử.
Lúc bấy giờ, có một người đàn ông trẻ tuổi tên là Trương Bá, trong lúc làm cỏ ở miếu Khổng Tử đã đào được bảy khối ngọc bích. Trương Bá liền giấu riêng một khối vào ngực mình và cầm sáu khối còn lại giao nộp cho Chung Ly Ý.
Căn phòng mà Khổng Tử dùng để dạy học có một chiếc giường. Trên đầu giường có treo một cái vò gốm rất lớn.
Hôm ấy, Chung Ly Ý gọi Khổng Tố đến và hỏi: “Đây là cái vò gốm gì vậy?”
Khổng Tố trả lời: “Thưa ngài! Đây là cái vò gốm của Khổng Phu Tử, bên trong đựng sách, đến giờ vẫn chưa có ai dám mở ra xem ạ!”
Chung Ly Ý nói: “Khổng Phu Tử là bậc thánh nhân. Ngài sở dĩ lưu lại cái vò gốm này ở đây chắc là để cho người hiền lương đời sau đến xem”.
Sau đó, Chung Lý Ý đã mở cái vò gốm đó ra và thấy bên trong có một cuốn sách lụa, trên cuốn sách có viết: “Người đời sau nghiên cứu trước tác của ta, có Đổng Trọng Thư. Giữ gìn xe của ta, lau chùi giày của ta, mở cuốn sách này của ta là Chung Ly Ý, người đất Hội Kê. Ngọc bích có bảy khối, Trương Bá giấu riêng một khối cho mình.”
Chung Ly Ý lập tức gọi Trương Bá đến và trách mắng rằng: “Có bảy khối ngọc bích, tại sao ngươi dám giấu đi một khối?”
Trương Bá dập đầu cầu xin tha thứ và ngay lập tức lấy ra khối ngọc còn lại trao trả.
Khổng Tử từng bái Lão Tử làm thầy, lại từng dốc lòng chuyên tâm nghiên cứu Kinh Dịch. Cho nên, đối với Khổng Tử mà nói, ông không chỉ là một nhà tư tưởng, nhà triết học, nhà giáo dục, nhà chính trị, nhà biên khảo nổi tiếng mà còn là nhà dự ngôn của Trung Hoa cổ đại mà nhiều người chưa biết đến.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Mai Trà biên dịch
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét