Thứ Năm, 28 tháng 4, 2016

Vụ ‘Xin Chào’ ảnh hưởng “ghê gớm” đến môi trường đầu tư

Rất may là vụ “Cà phê Xin chào” đã được tháo ngòi, nhưng dư luận xã hội vẫn còn ngỡ ngàng về quan niệm, cách hành xử với người kinh doanh của cơ quan chức năng địa phương, thực sự đây là những rào cản xấu, tạo ảnh hưởng rất xấu đến môi trường đầu tư mà Việt Nam đang cố gắng “rải thảm đỏ”.

Sáng 21/4, Thiếu tướng Phan Anh Minh, Phó giám đốc Công an TP HCM lại một lần nữa “gây bão” khi hùng hồn tuyên bố: Việc Công an huyện Bình Chánh khởi tố chủ quán cà phê Xin chào chỉ bé như cái móng tay, không đáng để báo chí ầm ĩ…

Ngày 22/4, trong buổi họp báo đưa tin về Hội nghị Thủ tướng với DN năm 2016, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã nói việc Thủ tướng yêu cầu dừng hình sự hóa vụ chủ quán cafe Xin chào đã phát đi thông điệp rất rõ: Bảo vệ sự an toàn của môi trường kinh doanh, DN và người dân. Theo ông Lộc, hiện môi trường kinh doanh với DN không chỉ có nhiều trở ngại, chưa thuận lợi mà còn kém an toàn.

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Mạnh Hà cũng nói nếu ông chủ quán này thua sẽ đưa ra thông điệp rất xấu là mọi DN kinh doanh đều có thể bị đi tù!

Ngày 28/4, tại cuộc họp về tình hình Kinh tế – Xã hội tháng 4 của TP.HCM, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP.HCM, đánh giá vụ việc ở quán cà phê Xin chào ảnh hưởng rất lớn đến môi trường kinh doanh TP.

Ông Phong nói Vụ xin chào làm ảnh hưởng môi trường đầu tư của TP.HCM ghê gớm, trong khi cả thành phố tập trung xây dựng môi trường thông thoáng hơn cho nhà đầu tư, tạo điều kiện cho hộ làm ăn kinh doanh chính đáng phát triển thì vụ việc này tác động rất lớn đến sự nỗ lực của cả thành phố.

Ông Phong cũng rất băn khoăn việc TP.HCM xếp hạng 6 về chỉ số Đánh giá năng lực cạnh tranh cấp tỉnh. Trong khi đó, Đà Nẵng giữ vững vị trí số 1 trong vòng 3 năm liền. Nhiều địa phương vươn lên rất tốt như Đồng Tháp…

Vì thế, ông Phong đề nghị từng ngành của thành phố phải nghiên cứu để đưa ra giải pháp cụ thể để nâng điểm từng chỉ tiêu lên. Cần phải có quyết tâm để làm điều này. Vì đây là những chỉ số cảnh báo về môi trường đầu tư của thành phố.

Chúng ta thấy TP HCM muốn phấn đấu quay trở lại với vị trí Hòn ngọc Viễn Đông, mong muốn này là chính đáng và rất có cơ sở để hiện thực hóa ý tưởng ấy. Đã có nhiều cải cách, tìm tòi, nhiều cố gắng.

Câu hỏi là vì sao qua 30 năm Đổi mới kể từ 1986, nhưng cho đến nay chúng ta vẫn cách quá xa với các nước trong ASEAN?

Vì sao năm 2014, gần 16 lao động Việt mới có năng suất làm bằng một người Singapore. Nếu giữ tốc độ này, phải mất hơn 60 năm, Việt Nam mới đuổi kịp được Singapore?

Vì sao năm 2014, tương tự một người Hàn Quốc cũng có năng suất lao động bằng 7 người Việt cộng lại. Năng suất lao động của nước ta cũng bị Thái Lan, Philippines, Trung Quốc… bỏ xa?

Vì sao, năm 2015 có 80.000 DN giải thể? Quí 1/2016 số doanh nghiệp xin tạm ngừng hoạt động và hoàn tất thủ tục giải thể đã lên tới 22.963, tăng 23,9% so với cùng kỳ, là số kỷ lục từ trước đến nay?

Cũng có nhà phân tích cho rằng chừng nào sinh mệnh của người dân còn “bé như cái móng tay” và còn có kiểu đố kỵ “bé như cái móng tay”, chừng nào những khó khăn của người dân không được hỗ trợ tháo gỡ để họ tự kinh doanh góp phần cho kinh tế phát triển, chừng nào còn tồn tại 7.000 giấy phép con cản trở sản xuất kinh doanh… thì kinh tế còn khó phát triển.

Thành Long

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét