“Tướng tùy tâm sinh” là có ý nói rằng, tướng mạo của một người xinh đẹp hay không, hiền lành hay hung dữ là tùy theo tâm của người ấy mà biến đổi. Vậy, “Tướng tùy tâm sinh” là có nguồn gốc từ đâu?
“Tướng tùy tâm sinh” nguyên là câu nói bắt nguồn từ một câu chuyện lâu đời. Câu chuyện kể rằng:
Xưa kia, ở vùng Sơn Đông có một người làm nghề điêu khắc. Anh ta có vóc người cao lớn, khuôn mặt khôi ngô tuấn tú. Trong suốt những năm tháng làm nghề, anh ta rất yêu thích điêu khắc những đồ vật có hình dạng quỷ quái.
Những đồ vật có hình dạng quỷ quái này được khắc rất tinh tế và sống động. Mọi người ở khắp nơi đều đến mua chúng về trưng bày…Lâu dần, cửa hiệu điêu khắc và buôn bán của anh ta làm ăn vô cùng náo nhiệt và phát đạt.
Một ngày, khi anh ta tình cờ soi mặt mình vào một tấm gương và chợt phát hiện ra, khuôn mặt của mình đã trở nên xấu xí, cổ quái và hung ác vô cùng. Nghĩ rằng bản thân bị mắc căn bệnh gì đó, anh ta liền tìm đến các danh y nổi tiếng để khám bệnh nhưng đều ra về trong thất bại. Bởi vì không ai tìm ra được rằng anh ta đã mắc căn bệnh gì.
Hôm ấy, trong lúc đi đến ngôi chùa ở địa phương bên cạnh thắp hương, vô tình, anh ta gặp được vị sư trụ trì nhà chùa. Sau khi bái yết vị sư, anh ta liền kêu than khổ sở vì không hiểu sao tướng mạo của mình lại trở nên xấu xí kỳ dị.
Vị sư trụ trì nhìn anh ta và nói: “Ta có thể giúp được thí chủ. Nhưng với điều kiện, thí chủ phải giúp ta khắc mấy bức tượng Quan Thế Âm!”
Vì để thực hiện được ước nguyện của mình là có lại dung mạo khi xưa, giải tỏa được nỗi buồn rầu trong lòng, anh ta chấp nhận lời đề nghị của vị sư trụ trì.
Trở về nhà, anh ta không ngừng nghiên cứu tìm hiểu tâm thái và thần sắc của Quan Thế Âm. Anh ta cũng gặp gỡ những vị hòa thượng khác để hỏi về vẻ mặt, đức hạnh của Quan Thế Âm như thế nào. Có những lúc say mê đến mức anh ta tưởng rằng bức tượng mà mình đang khắc giống như là hình tượng Quan Thế Âm thực sự hiện ra vậy!
Nửa năm sau, những bức tượng Quan Thế Âm có thần thái khác nhau được hoàn thành. Vị thì có hình tượng hiền hòa, bao dung độ lượng. Vị thì có hình tượng cao lớn như đang che chở cho chúng sinh. Những bức tượng vừa sống động như thật lại vừa gần gũi khiến người dân, ai ai nhìn thấy cũng khen ngợi.
Lúc này anh ta phát hiện, tướng mạo của mình cũng có biến đổi, phong thái hiên ngang, đoan chính hơn. Vẻ mặt xấu xí mà anh ta nghĩ rằng mình mắc bệnh khi xưa đã không chữa trị mà tự nhiên biến mất.
Bấy giờ, anh thợ điêu khắc mới hiểu ra và vội vã trở lại ngôi chùa gặp vị sư trụ trì để tạ ơn. Sư trụ trì nhìn hình tượng hiện tại của anh ta, không nói gì và nở một nụ cười.
Từ câu chuyện này có thể thấy, sự biến hóa của nội tâm của một người là có liên quan chặt chẽ đến sự biến hóa của tướng mạo người đó.
Muốn tướng mạo của mình trở nên xinh đẹp thì trước tiên đối xử với mọi người phải chân thành, đối với chúng sinh phải lương thiện, đối với oán giận phải tha thứ. Ngược lại, một người luôn tham lam, ích kỷ, cay nghiệt, dâm đãng, sát sinh thì tướng mạo sẽ dần dần trở nên xấu xí, hung dữ, cổ quái và đáng sợ.
Nói chung, tướng mạo của một người là kết quả của một thói quen lâu dài. Thói quen tốt và xấu, thật và giả, thiện và ác đều sẽ kết nối đến chủ tâm, biểu hiện ra trên thân thể và lộ rõ ra ở diện mạo của người ấy.
Theo Soundofhope
Mai Trà biên dịch
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét