Thứ Bảy, 30 tháng 4, 2016

Vòng luẩn quẩn: Nghèo hóa do chi phí y tế

Việt Nam đang ngày càng nghèo hơn vì tình trạng bệnh tật gia tăng và “chi phí y tế thảm họa”.

Trong gần 20 năm qua, tổng chi cho y tế tại Việt Nam tăng từ 5,2% GDP lên 6,9% GDP (tương đương 190.000 tỷ đồng), theo Báo cáo “Gánh nặng chi phí cho y tế từ tiền túi và bảo vệ tài chính tại Việt Nam 1992-2014” của Trường Đại học Y tế Công cộng đưa ra tại Hội nghị Khoa học Y tế Công cộng toàn quốc tổ chức tại Hà Nội ngày 25/4.

Theo BHXHVN, năm 2013, tổng chi y tế theo đầu người (chi thường xuyên và chi đầu tư) tại Việt Nam trung bình 116 USD/người/năm.

Tại Singapore, tổng chi tiêu của chính phủ đối với y tế công cộng chỉ chiếm 1,6% GDP, nhưng mức trung bình ở con số 1.104 USD/người/năm.

Điều này cho thấy, Việt Nam làm ra ít của cải hơn, nhưng phải chi tiêu nhiều hơn cho y tế. Điều này tiếp tục kéo chi phí an sinh y tế trên đầu người xuống mức thấp.

Trong tổng chi trên, tỷ lệ chi từ tiền túi của hộ gia đình chiếm tới 54,8% – gấp 3 lần mức trung bình thế giới (gần 18%) và cao hơn mức trung bình của các nước có thu nhập trung bình thấp (trên 52%), theo Báo cáo tổng quan ngành y tế năm 2013.

Trong khi hệ thống tài chính y tế Việt Nam là sự hỗn hợp giữa tài chính y tế từ thuế, BHYT xã hội, và chi phí trực tiếp từ tiền túi của hộ gia đình, thì các khoản chi từ tiền túi người bệnh chiếm hơn 50% tổng chi là một trong những nguyên nhân chính gây ra chi phí ‘thảm họa’ và gánh nặng tài chính, chưa kể khoản chi gián tiếp qua thuế và quỹ BHYT.

Tại Nhật Bản, bệnh nhân chi trả 30% các chi phí trong khi chính phủ trả 70% còn lại; tại Mỹ, theo Chương trình chăm sóc sức khỏe Obamacare có 4 mức bảo hiểm với mức chi trả thấp nhất là chính phủ 60%, người mua BH 40%.

GS-TS Phạm Mạnh Hùng – Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam cho biết, mức chi trả từ tiền túi người bệnh chiếm khoảng 20% – 30% tổng chi y tế là mức hợp lý và sẽ giảm nguy cơ rơi vào “bẫy nghèo” do viện phí, theo báo Người Lao Động tháng 11/2012.

Lưu ý rằng tổng chi trên là các khoản tiền mà hộ gia đình phải trả vào thời điểm họ sử dụng dịch vụ y tế, bao gồm: tiền khám, tiền thuốc, tiên giường, tiền xét nghiệm…, không bao gồm tiền đi lại, bồi dưỡng, chi cho mua bảo hiểm và các khoản được BHYT chi trả.

Không lạ khi tại Hội nghị Khoa học Y tế Công cộng toàn quốc 2016, PGS.TS Hoàng Văn Minh – Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Y tế Công cộng đưa ra con số khoảng 550.000 hộ gia đình Việt Nam đang gặp phải tình trạng “chi phí y tế thảm họa”, theo báo Thanh Tra đưa tin.

Con số trên tương đương 2,3% hộ gia đình Việt. Mức chi phí y tế chiếm ≥ 40% khả năng chi trả.

Dù đã giảm gần 40% so với năm 2010 (hơn 860.000 hộ gia đình), con số này vẫn ở mức cao so với nhiều nước trong khu vực.

Điều này khiến khoảng 400.000 hộ gia đình bị nghèo hóa sau khi chi trả chi phí y tế, tập trung phần lớn vào những gia đình có người già, những gia đình sống ở nông thôn, những hộ nghèo và cận nghèo.

Theo TS Minh, kết quả nghiên cứu với gần 2.000 bệnh nhân tại 3 trung tâm điều trị ung thư lớn nhất cả nước là Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Trung ương và BV Ung bướu TP HCM cho thấy sau 1 năm phát hiện bệnh, có 22,36% bệnh nhân bị khó khăn về kinh tế. Trong đó:

  • Gần 34% bệnh nhân không thể mua thuốc;
  • 24% bệnh nhân không thể thanh toán tiền gas, điện, nước;
  • 21% không thể thanh toán chi phí đi lại;
  • 15,2% không có tiền mua đồ ăn uống.

Trong tổng số 2.000 bệnh nhân tham gia khảo sát, 66,7% bệnh nhân phải vay mượn; 22% bệnh nhân phải bán tài sản để chi trả cho các chi phí y tế.

Một điều tra năm 2010 cho thấy có tới gần 60% số hộ gia đình nghèo mắc nợ do chi phí khám chữa bệnh và 67% phải vay mượn tiền để chi trả điều trị nội trú, theo trang SGGP.

Người nghèo đang càng nghèo hơn vì tình trạng bệnh tật và “chi phí y tế thảm họa”.

BHYT và giá thuốc

Tháng 7/2015, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết cả nước có 64,6 triệu người tham gia BHYT, tăng 2,7 triệu người so với cùng kỳ năm 2014, đạt tỷ lệ bao phủ 71,4% dân số.

Tuy nhiên, đến tháng 11/2015, Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội cũng cho biết, thuốc do quỹ BHYT chi trả chỉ chiếm khoảng trên 50% tổng số thuốc, do cơ quan BHXH giám sát. Trong khi đó, giá thuốc biệt dược, thuốc độc quyền không do quỹ BHYT chi trả hiện rất cao.

Năm 2014, bình quân mỗi người Việt Nam tiêu tốn 31 USD cho tiền thuốc; 50% số tiền này dùng để mua thuốc ngoại nhập có giá bán cao, theo Báo cáo của Ủy ban về các vấn đề xã hội.

Do ngành dược nội địa hầu như không phát triển, mặc dù 70% dân số sống ở nông thôn, nhưng thuốc ngoại nhiều hơn thuốc nội.

Trong khi đó, thị trường phân phối dược phẩm bị thao túng, nâng giá nghiêm trọng. Theo báo Tuổi Trẻ tháng 11/2015, bà Phạm Khánh Phong Lan – Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM, phụ trách lĩnh vực dược cho biết những bất cập từ luật và sự quản lý là nguyên nhân dẫn đến người dân phải è cổ gánh chịu giá thuốc đắt vô lý.

Hiện nay luật chưa cho phép công ty nước ngoài phân phối dược phẩm, nhưng thực tế họ đã phân phối trực tiếp dưới các hình thức “núp bóng” những công ty dược trong nước. Các công ty Việt Nam chỉ đăng ký hoạt động trên hình thức và nhận chi phí trung gian”, bà Lan nói.

Độc quyền và câu kết nâng giá của một số thuốc nhập khẩu; mua bán lòng vòng, tầng nấc trung gian đẩy giá lên; mua chuộc bác sĩ kê đơn: hoa hồng, chiết khấu là 3 vấn nạn làm giá thuốc cao ngất ngưởng, theo bà Lan.

Từ ngày 1/1/2015, luật Bảo hiểm y tế sửa đổi đã cắt giảm mức chi trả cho 28 loại thuốc đặc trị bệnh ung thư từ mức 50-100% xuống còn 30-50%. Điều này gây ảnh hưởng trực tiếp đến những gia đình có người thân bị bệnh hiểm nghèo.

Phan A tổng hợp

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét