Trong thời gian chưa đến nửa năm, ông Tập Cận Bình đã tạo được thế “thập diện mai phục” tấn công liên tiếp vào phe cánh của ông Giang Trạch Dân.
Năm nay, lãnh đạo đương nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình đã thực hiện cải cách quân đội và thâu tóm quyền lực, đồng thời tăng cường áp lực về phía phe cánh của ông Giang Trạch Dân. Có phân tích cho rằng, hai bên hiện đang chạy đua và sẽ phân thắng bại trước Đại hội 19.
Tín hiệu 1: Thuyên chuyển nhân vật quan trọng phái Giang tại Thượng Hải
Cuối tháng 2 năm nay có thông tin hai vị trí quan trọng ở Thượng Hải là chức Bí thư của ông Hàn Chính và chức Thị trưởng của ông Dương Hùng (thuộc phái Giang) sẽ bị thay thế. Gần đây, Tạp chí Động Hướng (Hồng Kông) số tháng Năm tiết lộ ông Hàn Chính đã đề nghị với Bộ Chính trị sẽ rút lui vào Đại hội 19 sang năm.
Theo tiết lộ, hai vị trí quan trọng ở Thượng Hải này sẽ do ông Lý Hy (Bí thư tỉnh Liêu Ninh) và ông Lý Cường (Tỉnh trưởng Chiết Giang) đảm nhận. Một nguồn tin khác cho rằng, người thay thế ông Hàn Chính là ông Tôn Chính Tài, Bí thư thành phố Trùng Khánh.
Vào ngày 7/1 năm nay, tại Hội nghị Công tác cán bộ Ủy ban Kỷ luật, ông Vương Kỳ Sơn đã nhấn mạnh năm 2016 sẽ tập trung vào địa bàn Thượng Hải, phải xử lý được “bang Thượng Hải”.
Tháng 11/2013, ông Tập Cận Bình đã bố trí ông Hầu Khải (Ủy viên Thường vụ Ủy ban Kỷ luật Trung ương) “nhảy dù” làm Bí thư Ủy ban Kỷ luật Thượng Hải. Tháng 9/2015 lại bổ nhiệm ông Ưng Dũng (cán bộ cũ của ông Tập Cận Bình ở Chiết Giang) làm Phó Bí thư Thượng Hải, chuyển ông Phó Bí thư Bành Chấn Lôi làm Phó Bí thư Ủy ban Kỷ luật Thượng Hải, phối hợp với ông Hầu Khải.
Chuyên gia Lý Thiên Tiếu thuộc khoa Chính trị Đại học Columbia cho biết, việc thay thế những nhân vật quan trọng thuộc phái Giang ở Thượng Hải có nghĩa là gia tộc ông Giang Trạch Dân đã không còn những người bảo vệ lợi ích ở địa bàn Thượng Hải, hiện chỉ có thể khoanh tay chịu trận.
Tín hiệu 2: Trình báo quốc tịch và gia sản người thân, hai người con của ông Giang bị đưa vào tầm ngắm
Theo báo chí Hồng Kông đưa tin, ngày 25/4, Ủy ban Kỷ luật Trung ương cùng Ban Tổ chức và Ban Chính pháp Trung Quốc ra văn bản thông báo danh sách khoảng 1.500 người thân của quan chức cấp cao không được xuất cảnh và phải báo cáo thông tin về tài sản, hộ chiếu, quốc tịch. Danh sách này bao gồm cả những quan chức cấp lãnh đạo quốc gia đã nghỉ hưu, trong đó đứng đầu là ông Giang Trạch Dân.
Ngày 23/5, Ban Tổ chức Thượng Hải đã cử Tổ Kiểm tra Kỷ luật kiểm tra Ủy ban Giao thông Thượng Hải, địa bàn của ông Giang Miên Khang, người con thứ hai của ông Giang Trạch Dân.
Cuối tháng 2 năm nay, ông Giang Miên Khang trở thành lãnh đạo Ủy ban Quản lý xây dựng nhà ở và hương trấn thành phố Thượng Hải và Chủ nhiệm Văn phòng Hội đồng liên tịch phụ trách quản lý chung về nhà ở thành phố Thượng Hải.
Tháng 5/2015, thành phố Thượng Hải đã có văn bản quy định về phạm vi không được phép tham gia kinh doanh của vợ/chồng và con cái quan chức lãnh đạo cấp đặc biệt của thành phố Thượng Hải, đồng thời những quan chức này phải có báo cáo cụ thể với Ban Tổ chức và Ủy ban Kỷ luật thành phố. Theo quy định này, hai người con của ông Giang Trạch Dân đều nằm trong danh sách “cán bộ lãnh đạo” phải báo cáo.
Ngày 24/3, luật sư Trịnh Ân Sùng ở Thượng Hải đã chia sẻ với báo Đại Kỷ Nguyên rằng, hiện nay nhiều người dân Thượng Hải đều cho rằng 2 người con của ông Giang Trạch Dân đã hoàn toàn bị khống chế, và khẳng định đây là nguồn tin đáng tin cậy.
Về vấn đề này, ông Tân Tử Lăng, cựu Tổng biên tập Nhà xuất bản Học viện Quân sự Trung Quốc khi trả lời phỏng vấn của Đài phát thanh Hy Vọng (Sound of Hope) đã cho biết, ông Tập Cận Bình và Vương Kỳ Sơn đã hoàn thành xong điều tra về 2 người con ông Giang Trạch Dân và con ông Tăng Khánh Hồng.
Tín hiệu 3: Tội chính biến của ông Từ Tài Hậu và Quách Bá Hùng liên quan đến ông Giang Trạch Dân
Ngày 25/5, báo Quân đội Trung Quốc nhận định: “Vấn đề tham ô của ông Quách Bá Hùng và Từ Tài Hậu thì ai cũng biết, nhưng đây không phải vấn đề cốt yếu, vấn đề cốt yếu là họ đã phạm vào sai lầm chí tử về mặt chính trị”.
Nhà bình luận chính sự Hạ Tiểu Cường cho biết, trước đây khi ông Tập Cận Bình tuyên bố có người có “dã tâm chính trị” thực chất là ám chỉ âm mưu chính biến của phái Giang.
Năm ngoái, trong cuốn sách “Hổ mẹ Tống Tổ Anh” xuất bản ở Hồng Kông có thông tin cho rằng, ông cựu Giám đốc Công an Trùng Khánh Vương Lập Quân từng khai ông Bạc Hy Lai đã chuyển 2 tỷ Nhân dân tệ cho ông Từ Tài Hậu làm kinh phí hoạt động. Số tiền này có thể được dùng trong hoạt động chính biến khi cần thiết.
Tín hiệu 4: Ông Tập Cận Bình thúc đẩy tự do tôn giáo
Từ ngày 22 – 23/4 năm nay (trước ngày Pháp Luân Công kỷ niệm sự kiện kháng nghị ôn hòa của hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công tại Trung Nam Hải ngày 25/4/1999), ông Tập Cận Bình đã triệu tập Hội nghị Công tác Tôn giáo cấp Tối cao trên phạm vi toàn quốc. Hội nghị do ông Thủ tướng Lý Khắc Cường chủ trì và ông Chủ tịch Chính hiệp Du Chính Thanh phát biểu tổng kết.
Tại hội nghị, ông Tập Cận Bình đã đưa ra những tín hiệu muốn sửa chữa sai lầm trong chính sách bức hại tôn giáo của ông Giang Trạch Dân.
Xem thêm: Ông Tập Cận Bình đang xử lý các đối tượng đàn áp Pháp Luân Công?
Từ ngày 22 – 24/5, ông Du Chính Thanh đi điều tra nghiên cứu ở Hà Nam và chỉ đạo “phải quán triệt tinh thần do lãnh đạo Tập Cận Bình đưa ra tại Hội nghị Công tác Tôn giáo, nâng cao trình độ công tác tôn giáo dân tộc để thực hiện tốt nhiệm vụ đoàn kết dân tộc.”
Tiến sĩ Chính trị học Đại học Columbia Lý Thiên Tiếu cho rằng, tại hội nghị ông Tập Cận Bình có nhắc đến Điều 36 Hiến pháp liên quan đến vấn đề “tự do tôn giáo”, yêu cầu “phải bảo vệ lợi ích hợp pháp của đồng bào tôn giáo”. Có thể thấy ông Tập đang điều chỉnh sai lầm trong chính sách tôn giáo của ông Giang Trạch Dân.
Tín hiệu 5: Các thủ lĩnh Phòng 610 đều lần lượt bị bắt
Kể từ khi ông Tập Cận Bình nắm quyền lực đến nay, những người đứng đầu Phòng 610 bức hại Pháp Luân Công (Chu Vĩnh Khang, Lý Đông Sinh, Trương Việt) đều lần lượt bị xử lý.
Ngày 27/5 vừa qua, truyền thông ngoài Trung Quốc đưa tin, ông Chủ nhiệm “610” Lý Kế Nại, người được ông Giang Trạch Dân cài cắm trong quân đội cũng đã bị Ủy ban Kỷ luật Trung ương bắt đi điều tra.
Tín hiệu 6: Chấm dứt “phục vụ thu phí” trong quân đội
Đầu tháng Năm năm nay, cái chết của sinh viên Ngụy Tắc Tây đã khiến hoạt động kinh doanh của các Bệnh viện quân đội trở thành tâm điểm chú ý, trong đó có vấn đề liên quan đến tội ác mổ cướp nội tạng học viên Pháp Luân Công.
Vào tháng Ba năm nay, Quân ủy Trung ương đã đưa ra “Thông báo ngừng toàn bộ hoạt động phục vụ thu phí trong quân đội và bộ đội cảnh sát”, theo đó sự kiện Ngụy Tắc Tây càng góp phần đẩy mạnh hơn trong việc thực thi thông báo này.
Trong tội ác mổ cướp nội tạng, hệ thống Hậu cần của quân đội Trung Quốc được cho là đóng vai trò trung tâm, và mổ cướp nội tạng là một trong những lĩnh vực chủ yếu giúp các bệnh viện quân đội phát triển nhanh chóng. Năm 2002, ông Liêu Tích Long được bổ nhiệm làm Ủy viên Quân ủy Trung ương, Tổng cục trưởng Tổng cục Hậu cần, trở thành người đứng đầu trong tội ác mổ cướp nội tạng tại hệ thống này.
Chiều 25/5 năm nay, ông Thái Tiểu Tâm, con Thiếu tướng Thái Trường Viễn đã chia sẻ trên Weibo rằng, “có một con rồng trong quân đội đã trong tầm ngắm, vấn đề chỉ là thời gian sớm hay muộn”. Thông tin này đưa ra gần thời điểm người em ruột của ông Liêu Tích Long là Liêu Dương Tuấn, cựu Phó Tư lệnh Quân khu Quý Châu bị bắt khiến nhiều người cho rằng đối tượng mà ông Thái Tiểu Tâm ám chỉ là ông Liêu Tích Long.
Tín hiệu 7: Ông Tập Cận Bình đến đảo Bolshoy Ussuriysky gợi lại tội bán nước của ông Giang Trạch Dân
Ngày 24/5, ông Tập Cận Bình đi khảo sát ở Hắc Long Giang. Chiều hôm đó, ông Tập đã lên đảo Bolshoy Ussuriysky vùng biên giới Nga – Trung để khảo sát thực địa. Thông tin này làm dư luận chú ý đến tội bán một nửa khu đảo này của ông Giang Trạch Dân cho người Nga. Đảo này từng bị người Nga chiếm đóng hơn 80 năm trước, đến năm 2008 mới được trả về Trung Quốc.
Tín hiệu 8: Ông Tập Cận Bình chỉnh đốn ngành công an
Xưa nay bộ máy công an Trung Quốc là hệ thống chủ yếu được ông Giang Trạch Dân dùng để bức hại Pháp Luân Công, thời ông Chu Vĩnh Khang phụ trách Ban Chính pháp đã bổ nhiệm nhiều lãnh đạo công an phụ trách Ban Chính pháp dẫn đến cả hệ thống tòa án và viện kiểm sát cũng bị công an chỉ đạo. Ông Bộ trưởng Bộ Công an Quách Thanh Côn hiện nay chính là cháu trai của ông Tăng Khánh Hồng (nhân vật số 2 thuộc phái Giang). Tương tự như ông Chu Vĩnh Khang trước đây, trước khi được bổ nhiệm làm Bộ trưởng, ông này chưa từng làm qua bất cứ chức vụ nào trong ngành công an.
Gần đây xảy ra nhiều sự cố công an hành hung người dân gây chú ý (Lôi Dương bị đánh chết, sinh viên Đại học Tây An bị tra tấn…), không chỉ gây phản kháng mạnh mẽ trong dân chúng mà ngay cả truyền thông chính thống Trung Quốc cũng lên tiếng đồng cảm với người dân, trong đó có Tân Hoa Xã và Nhân dân Nhật báo, cho thấy “có sự thay đổi lớn so với trước đây”.
Ngày 20/5, ông Tập Cận Bình đã phụ trách Tổ Cải cách Trung ương và thông qua “Kiến nghị Quy phạm hóa hoạt động chấp pháp ngành công an”. Ngày 21/5, Bộ Công an Trung Quốc tổ chức Hội nghị (mở rộng) lần thứ 33 Ban lãnh đạo cải cách, tại hội nghị ông Quách Thanh Côn đã truyền đạt tinh thần chỉ đạo của ông Tập Cận Bình.
Tín hiệu 9: Truy cứu trách nhiệm suốt đời thành viên Tổ đảng Viện Kiểm sát Tối cao (tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kiện Giang)
Ngày 18/5, Viện Kiểm sát Tối cao đã ban hành “Nội quy Công tác tổ Đảng” (thử nghiệm). Theo đó, nội quy quy định rõ, thành viên Tổ đảng Viện Kiểm sát Tối cao bị truy cứu trách nhiệm suốt đời đối với những sai phạm nghiêm trọng do bản thân gây ra, nội quy còn nhấn mạnh những tập thể vi phạm nội quy này hoặc những thành viên tổ Đảng khác có biểu hiện vi phạm kỷ luật nghiêm trọng theo nội quy này thì Bí thư tổ Đảng phải bị liên đới trách nhiệm; những quyết sách sai lầm nghiêm trọng của tổ Đảng thì những thành viên tham gia trong quyết sách bị truy cứu trách nhiệm cả đời…
Từ tháng 5/2015 đến nay đã có hơn 200.000 học viên Pháp Luân Công và người thân gửi đơn kiện ông Giang Trạch Dân lên Viện Kiểm sát và Tòa án Tối cao Trung Quốc, nhưng cho đến nay chưa có đơn kiện nào được thụ lý.
Nhà bình luận chính sự Lý Lâm cho rằng, trong những vụ án oan ở Trung Quốc, số án oan nhiều nhất là rơi vào các học viên Pháp Luân Công. Trước đó, hệ thống công an, tòa án và chính pháp Trung Quốc cũng đã yêu cầu thực hiện quy định truy cứu trách nhiệm suốt đời đối với những vụ án oan nghiêm trọng, sự kiện nội quy mới của Viện Kiểm sát Tối cao lần này cho thấy có thêm bước tiến mới góp phần tháo gỡ những trở ngại trong hoạt động kiện Giang sau này.
Tín hiệu 10: Tấn công Trương Đức Giang và Lưu Vân Sơn, hai cánh tay trong Đảng của ông Giang Trạch Dân
Ông Trương Đức Giang và Lưu Vân Sơn đều là Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị phái Giang. Ông Trương Đức Giang là Ủy viên trưởng Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, Trưởng Ban chỉ đạo Hồng Kông và Ma Cao; còn ông Lưu Vân Sơn là Chủ nhiệm Ban Chỉ đạo Xây dựng Văn minh tinh thần Trung ương.
Với vai trò này, trước đây ông Trương Đức Giang đã cùng ông Trưởng Đặc khu Hồng Kông Lương Chấn Anh có nhiều hành động làm rối loạn xã hội Hồng Kông. Nhưng vào ngày 17 – 19/5 vừa qua, trong chuyến thăm Hồng Kông, ông Trương Đức Giang đã thay đổi thái độ cứng rắn trước đây.
Theo truyền thông Hồng Kông, Hội nghị mở rộng về Công tác Hồng Kông và Ma Cao tổ chức trong tháng tới sẽ do ông Tập Cận Bình chủ trì, cho thấy quyền chỉ đạo tại hai khu vực này đã nằm trong tay ông Tập Cận Bình.
Để trả đũa lại những hành động trêu ngươi của ông Lưu Vân Sơn gần đây (tiêu biểu là sự kiện “Đêm hội ca hồng” kỷ niệm 50 năm Cách mạng Văn hóa…), ngày 26/5, trang mạng “Diễn đàn Nhân dân” của báo Nhân dân đã tổ chức điều tra trực tuyến nhằm giễu cợt lại phe phái ông Lưu Vân Sơn…
Nhà bình luận chính sự Hạ Tiểu Cường cho biết, ông Lưu Vân Sơn đã dùng hệ thống tuyên truyền để liên tục “đục khoét” ông Tập Cận Bình, nhưng trong tình hình thế lực của ông Tập Cận Bình không ngừng lớn mạnh, hành động của ông Lưu Vân Sơn chẳng khác nào tự đào hố chôn mình.
Vào đầu tháng Năm vừa qua, có thông tin rằng, người con của ông Lưu Vân Sơn là Lưu Lạc Phi bị giám sát tại gia và cấm xuất cảnh. Vợ của Lưu Lạc Phi bị tiết lộ có công ty ở nước ngoài, bản thân Lưu Lạc Phi cũng bị cáo buộc tội lũng đoạn thị trường chứng khoán Trung Quốc vào năm ngoái để trục lợi…
Có thể thấy, thế lực phái Giang hiện đang nằm trong thế bị bao vây, vì muốn lật lại thế cờ nên có lẽ từ nay đến trước Đại hội 19, phái Giang sẽ không ngừng gây khó khăn cho ông Tập Cận Bình. Đây là thời điểm hai bên đang cùng chạy nước rút.
Giới quan sát bình luận cho rằng, ông Tập Cận Bình muốn không bị thế lực phái Giang lật đổ thì phải hạ được ông Giang Trạch Dân và Tăng Khánh Hồng trước Đại hội 19.
Theo Đại Kỷ Nguyên tiếng Trung
Tinh Vệ biên dịch
Xem thêm: