Hai cậu bé ở làng Mian Kundi, cách thành phố Quetta, tỉnh Balochistan, Pakistan khoảng 15 km đã mắc phải căn bệnh kỳ lạ là hóa thành ‘tượng sống’ khi về đêm, nhưng vào ban ngày lại luôn vui vẻ và tràn trề năng lượng.
Vào ban ngày hai anh em Abdul Rasheed 9 tuổi và Shoaib Ahmed, 13 tuổi cũng bình thường và hiếu động như bao cậu bé khác, thế nhưng ngay sau khi mặt trời lặn, cả hai đều rơi vào tình trạng tê liệt hoàn toàn. Hai cậu bé này được mệnh danh là “những đứa con của mặt trời”, cha mẹ của 2 đứa trẻ này cho biết dường như chúng lấy năng lượng mặt trời để hoạt động.
Cứ vào khoảng 4 giờ sáng hàng ngày, khi những tia nắng mặt trời đầu tiên ló rạng, Shoaib và Abdul thức dậy tràn đầy năng lượng và sức sống như bao cậu bé cùng trang lứa. Hai anh em năng động, hoạt bát, cười nói và chơi đùa với nhau, làm cả việc nhà, đi học, đi chơi… tức là chẳng có điều gì đặc biệt.
Nhưng khi mặt trời lặn, năng lượng trong cơ thể của hai cậu bé tội nghiệp cũng giảm dần và khi màn đêm buông xuống, cả hai sẽ hoàn toàn bị tê liệt, không thể ăn cũng như không thể nói cho đến tận sáng hôm sau.
Cha mẹ của hai cậu bé kể rằng ngay từ lúc sinh ra, cuộc sống của chúng đã phụ thuộc hoàn toàn vào ánh sáng mặt trời. ‘Tôi nghĩ rằng con trai tôi nhận năng lượng từ mặt trời’, Mohammad Hashim, cha của hai cậu bé khẳng định. Giả thuyết của ông đã bị các bác sỹ loại bỏ dễ dàng khi họ đưa hai cậu bé vào một căn phòng hoàn toàn không có ánh mặt trời vào ban ngày mà không có điều gì khác lạ xảy ra. Giả thiết này cũng mâu thuẫn với thực tế là chúng vẫn hoạt động bình thường trong những ngày trời đầy mây hay thậm chí là trong những ngày mưa bão.
Những cậu bé kỳ lạ này, hiện đang được các chuyên gia y tế hàng đầu tại Thủ đô Islamabad nghiên cứu. Chính phủ Pakistan đã quyết định tài trợ hoàn toàn chi phí ăn ở và điều trị cho trường hợp này.
Các mẫu bệnh phẩm cũng đã được gửi đến nhiều tổ chức nghiên cứu quốc tế khác nhau với hi vọng tìm ra được nguyên nhân gây nên hiện tượng dị thường mà hai anh em đang phải chịu trong đó có một số bệnh viện ở Mỹ và Anh. Ngoài ra, các nhà khoa học cũng đang thu thập mẫu đất và không khí tại ngôi làng mà gia đình đang sinh sống để tìm hiểu xem chúng có liên quan gì đến căn bệnh lạ của hai cậu bé này hay không. Tổng cộng 27 chuyên gia Pakistan đã làm việc tích cực cùng 11 bác sĩ quốc tế đang cố gắng để vén bức màn về căn bệnh kỳ lạ, bí ẩn này.
Javed Akram, giáo sư y khoa tại Viện khoa học Y tế Pakistan (PIMS) nhận định: “Đây là trường hợp đầu tiên của một căn bệnh chưa được biết đến trên toàn thế giới”.
Ông nói với phóng viên hãng AP: “Chúng tôi coi trường hợp này là một thách thức. Chúng tôi đã làm nhiều xét nghiệm để xác định lý do tại sao những đứa trẻ này lại rơi vào tình trạng kỳ lạ như vậy khi mặt trời lặn, nhưng vẫn chưa thể tìm ra được câu trả lời”. Có một điều đáng chú ý, bố mẹ của Abdul Rasheed và Shoaib Ahmed là họ hàng đời thứ nhất với nhau. Trong tổng số 6 đứa con của họ, đã có 2 đứa qua đời từ khi còn nhỏ. Một số bác sỹ cho rằng đây có thể là một trong những nguyên nhân đối với bệnh tình này của con họ, đặc biệt là khi đứa con trai út của họ mới một tuổi, cũng bắt đầu xuất hiện những triệu chứng tương tự.
Thế nhưng tất cả cũng chỉ dừng lại ở mức giả thuyết, các bác sỹ chưa tìm thấy bất cứ tác nhân cụ thể nào kiểm chứng những phán đoán được đưa ra.
Tuy nhiên, điều đáng mừng là mặc dù chưa tìm được nguyên nhân, bệnh tình của các cậu bé vẫn có những cải thiện đáng kể kể từ khi được tiếp nhận vào điều trị và chăm sóc tại Viện y học Pakistan ở Islamabad.
Các bác sỹ ghi nhận được lần đầu tiên, hai cậu bé đã có thể cử động nhẹ nhàng vào ban đêm. Shoaib và Abdul đang hi vọng có thể phục hồi hoàn toàn để thực hiện những ước mơ của chúng.
‘Cháu sẽ trở thành một giáo viên’, Shoaib cho hay, trong khi em trai cậu, Abdul muốn trở thành một học giả Hồi giáo.
Mong sao một ngày nào đó, Shoaib và Abdul lại có thể là những cậu bé bình thường để được sống một cuộc đời bình thường, vui vẻ như mong muốn!
Thu Phương tổng hợp
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét