Tôi theo chân một nhóm sinh viên vào thăm, tặng quà động viên các em nhỏ bị bệnh ung thư máu ở Bệnh viện Huyết học trung ương ở Hà Nội. Bệnh viện mới xây khá rộng rãi, khang trang hiện đại, khoa Nhi chiếm toàn bộ tầng 6 với hàng chục phòng bệnh.
Vì người bệnh đông nên mỗi giường vẫn phải nằm ghép 2-3 em. Bệnh nhân nhi nằm la liệt, có em nằm co ro trong khi tay đầy các dây nhợ truyền hóa chất, có em khóc ngất vì cơn đau hành hạ, có em rụng hết tóc… Hầu hết các em đều ở lứa tuổi rất nhỏ, cũng có những em nhỏ chỉ mới vài tháng tuổi mắc các bệnh như ung thư máu, huyết tán, hồng cầu…, những bệnh mà nghe đến đã thấy lạnh xương sống vì kể như là đã hết phương cứu chữa.
Hầu hết bệnh nhân nhí ở đây phải nằm viện nhiều tháng, nhiều năm, nhưng đến hiện giờ chưa có biện pháp hữu hiệu phòng chống ung thư máu và tỷ lệ chữa khỏi được chỉ là con số rất thấp.
Nhiều em mắc bệnh, bụng to hơn so với người, mắt bị lồi, môi nhợt nhạt, thâm tím, da xanh xao… Các em phải trải qua những đợt truyền hóa chất và xạ trị nên tóc trên đầu rụng hết hoặc chỉ còn vài ba cái lơ thơ… Người thân phải cùng con cháu vật lộn với bệnh tật hàng ngày nên mắt ai cũng trũng sâu, gương mặt hốc hác, thân hình tiều tụy…
Trao đổi với bố mẹ của các bệnh nhi tại đây thì hầu hết gia đình đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, việc chữa bệnh càng làm cho gia đình lâm vào cảnh kiệt quệ. Từ lúc phát hiện bệnh của con, nhiều nhà đã chạy vạy vay mượn khắp nơi hàng trăm triệu đồng nhưng hy vọng cứu sống con là rất mong manh. Còn có những gia đình không đủ khả năng đuổi theo thuốc thang tốn kém hàng năm trời nên đành buông xuôi phó thác cho số trời.
Các em nhỏ bị bệnh tại bệnh viện này chỉ là một phần nhỏ bệnh nhi ung thư máu trên toàn quốc. Đó là con chưa kể đến những loại ung thư khác nữa. Vì vậy bệnh viện dù mở rộng, xây thêm bao nhiêu cũng không đủ giường nằm.
Ở ranh giới mong manh giữa sự sống và cái chết mới thấy hết được sự ấm áp của tình người và lòng nhân ái. Từ bác sĩ, người chăm bệnh lẫn bệnh nhân đều thật sự coi nhau như người trong một gia đình. Nhà này giúp đỡ nhà kia, chăm lo, hỗ trợ lẫn nhau, coi nhau như những người thân thiết.
Nơi đây cũng nhận được nhiều tấm lòng vàng hảo tâm của các tổ chức, cá nhân, các bạn sinh viên hỗ trợ tinh thần, tiền và đặc biệt là hiến máu giúp bệnh nhân duy trì sự sống và có thêm hy vọng vào cuộc sống.
Đặc biệt các em nhỏ xem nhau như anh em ruột thịt, có chiếc bánh ngon cũng chia đều, có quả bóng bay cùng chơi chung, các em chăm sóc lẫn nhau, nhường nhịn nhau như thể ngày mai không còn có dịp để được gặp nhau nữa.
Thật xé lòng khi nhìn thấy cảnh các em ngước nhìn bầu trời bên ngoài với ánh mắt hình dấu hỏi: Khi nào mình hết bệnh? Khi nào mình lại được về đi học? Vì sao mình lại chịu đau đớn như thế?
Cảm ngộ về tình trạng ung thư bùng bát trong xã hội
Nguyên nhân dẫn đến bệnh tật của con người thì có rất nhiều, nhưng môi trường sống và thức ăn, nước uống là những nhân tố ảnh hưởng rất quan trọng. Có thể nói đây cũng chính là nguyên nhân khiến hàng loạt các căn bệnh ngày nay bùng phát một cách mạnh mẽ. Ung thư máu không phải là bệnh di truyền, không phải bệnh lây nhiễm, nhưng vì sao bây giờ lại có nhiều người mắc phải đến như vậy?
Nhiều nghiên cứu cho thấy khi ăn các hóa chất độc hại trong thực phẩm bẩn, liên tục tích tụ thời gian dài thì nguy cơ dẫn đến ung thư là rất cao. Người xưa thường nói “bệnh từ miệng mà vào”, trong khi thức ăn ngày nay tỷ lệ bẩn quá cao. Đây có phải là nguyên nhân dẫn đến tình trạng ung thư bùng phát tại Việt Nam hay không?
Người trồng rau, để bảo vệ mình và gia đình, họ sẽ ăn rau trồng trên một luống riêng không có thuốc, nhưng lại phải ăn thịt lợn có tiêm hóa chất do người khác nuôi. Người trồng chè có luống chè riêng nhưng vẫn phải ăn gà có chất vàng ô do người khác bán. Người trồng dưa chuột có luống dưa riêng, nhưng rồi cũng phải ăn rau muống tưới nhớt… Cứ thế, cả xã hội đang đầu độc lẫn nhau.
Nhiều đại biểu Quốc hội đã lên án gay gắt vấn nạn thực thẩm bẩn, cho đây là vấn đề đáng báo động, gây hậu quả trước mắt cũng như lâu dài, làm ảnh hưởng đến giống nòi Việt Nam. Bệnh tật gia tăng, tỷ lệ ung thư thuộc hàng cao nhất thế giới, suy giảm sức khỏe giống nòi, người tiêu dùng không còn niềm tin, hình ảnh quốc gia bị tổn hại nghiêm trọng…, có nguyên nhân không nhỏ là từ thực phẩm bẩn.
Chịu trách nhiệm cho tình trạng này dĩ nhiên là những nhà hoạch định chính sách của quốc gia, những cơ quan quản lý và thực hiện kiểm tra, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Nhưng đó là những việc không phải ai cũng có thể động chạm đến để thay đổi ngay được, nhất là những người dân thấp cổ bé miệng. Điều thiết thực nhất mà chúng ta có thể làm được hiện nay là mỗi người hãy tự đề cao tiêu chuẩn đạo đức của bản thân, làm ăn chân chính, chân thành đối đãi với mọi người và vận động những người khác xung quanh mình hiểu được tính nghiêm trọng của việc đạo đức bị tha hóa sẽ dẫn đến sự loạn lạc trong xã hội, nơi mà con người không còn quy phạm chuẩn mực để tự ước chế câu thúc hành vi của chính mình, chỉ chạy theo lợi mà việc gì cũng có thể làm, bao gồm cả việc đầu độc sinh mạng của người khác.
Chính sách, môi trường, hoàn cảnh có thể dễ dàng đưa đẩy bạn đến với điều xấu, tội ác, nhưng chính bạn mới là người đưa ra quyết định có làm điều đó hay không. Pháp luật có thể răn đe người khác nhưng không thể 24/24 canh chừng mỗi cá nhân, chỉ có đề cao đạo đức nhân loại mới là nhân tố cốt lõi để giải quyết tất cả những vấn nạn trong xã hội ngày nay.
Thành Tâm
Bài viết thể hiện quan điểm của chính tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Đại Kỷ Nguyên Thời báo.
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét