Thứ Hai, 30 tháng 5, 2016

Lào đứng về phía Trung Quốc trong tranh chấp biển Đông?

Thủ tướng Lào kêu gọi giải quyết tranh chấp biển Đông bằng đàm phán song phương, một luận điệu mà Trung Quốc thường sử dụng.

Phải chăng người hàng xóm của Việt Nam đã công khai tán đồng lập trường Trung Quốc trên biển Đông? Câu hỏi này được giới quan sát đặt ra sau khi thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith trả lời báo Nikkei Asian Review tại Nhật Bản hôm 29/5. Ông này chia sẻ ý kiến rằng tranh chấp biển Đông phải được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các nước liên quan. Đây là một lập trường phản ánh quan điểm của Trung Quốc, báo Asian Review nhận định.

Với tư cách là chủ tịch ASEAN, Lào sẽ nỗ lực để tạo ra môi trường thuận lợi cho các cuộc đối thoại tích cực giữa các nước liên quan”. Ông Thongloun nói. Ông nhấn mạnh Lào cũng sẽ thúc giục các quốc gia kiềm chế trước bất kỳ động thái nào mà có thể làm gia tăng căng thẳng.

Ông Thongloun lên giữ vị trí Thủ tướng Lào vào tháng 4 năm nay, tới Nhật để tham gia hội nghị Thượng đỉnh G-7 mở rộng.

Nhận xét của ông Thongloun được chú ý vì Lào năm nay giữ chức chủ tịch luân phiên ASEAN, tổ chức các nước Đông Nam Á, gồm 10 thành viên trong đó có Việt Nam và Philippines. Hai nước này đang có tranh chấp với Trung Quốc về chủ quyền biển Đông và rất muốn cả khối ASEAN giúp đỡ trong việc phản đối lại các hành vi bồi đắp đảo nhân tạo và quân sự hóa biển Đông do Trung Quốc tiến hành.

Theo tờ báo Nhật, Philippines và Việt Nam nếu đứng một mình sẽ khó có thể đối chọi với lực lượng hải quân hùng hậu và chính sách hung hăng của Trung Quốc ở biển Đông. Họ đã yêu cầu ASEAN hình thành một mặt trận thống nhất để đối phó với Trung Quốc. Riêng Philippines đang trông đợi phán quyết của Tòa Án Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) về đơn kiện đòi hỏi chủ quyền quá đáng của Trung Quốc tại biển Đông đã ngỏ ý muốn ASEAN ra một thông cáo chung ủng hộ vụ kiện này.

Tuy nhiên thủ tướng Lào tỏ ý dè dặt về vụ kiện, cho rằng các nước ASEAN cần phải cẩn thận xem xét tình hình khi công bố một tài liệu như vậy. Theo ông Thongloun, ASEAN hoạt động bằng sự đồng thuận, và căn cứ vào tình hình hiện nay, tìm đồng thuận trên yêu cầu của Philippines rất khó khăn.

Theo Nikkei, 10 nước ASEAN hiện đang chia rẽ về việc có nên ra tuyên bố chung về phán quyết của Tòa án Trọng tài Thường trực hay không. Singapore nằm trong số quốc gia cho rằng nên làm, trong khi đó một số nước khác, ví dụ Campuchia, thì phản đối.

Một mặt kiên trì kêu gọi đàm phán trực tiếp song phương và tẩy chay phán quyết của tòa án Hà Lan, Bắc Kinh cũng đang ra sức tìm hậu thuẫn ngoại giao của các nước trên thế giới để có đối trọng trong trường hợp Tòa ra phán quyết bất lợi cho họ.

Gần đây Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói rằng Lào, Campuchia và Brunei nằm trong số các nước ASEAN đứng về phía lập trường của Bắc Kinh. Tuyên bố của Thủ tướng Lào có lẽ đã xác nhận điều này.

Trần Minh tổng hợp

0 nhận xét:

Đăng nhận xét