Kết quả tranh cử mới đây vào ngày 11/5 cùng một loạt các cuộc thăm dò từ 3 bang quan trọng (Ohio, Pennsylvania và Florida) của Đại học Quinnipiac cho thấy bà Hillary Clinton đang gặp bất lợi và điều này nhắc nhở bà rằng còn xa mới đến chiến thắng.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đã lên tiếng chỉ trích số liệu từ cuộc thăm dò này và cho rằng, Đại học Quinnipiac đã lấy quá nhiều mẫu thử là những người ủng hộ Đảng Cộng hòa và phớt lờ những người da màu. Đặc biệt là, kết quả bỏ phiếu ở Quinnipiac dự đoán rằng cộng đồng thiểu số sẽ chiếm tỷ lệ ít hơn trong cử tri năm 2016 so với cuộc bầu cử 2012. Đây là một điều rất đáng tranh luận khi mà người được đề cử của đảng Cộng hòa lần này là một ứng viên tổng thống gây chia rẽ và phân hóa nhiều nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ.
Vào năm 2012, các cuộc thăm dò đã đánh giá thấp cử tri thiểu số, đồng thời đánh giá quá cao sức hấp dẫn của Mitt Romney. Ví dụ, 4 năm trước đây, các cuộc thăm dò tại Quinnipiac cho thấy Romney dẫn trước Barack Obama tại bang Florida, nhưng khi tất cả các cử tri đi bầu thì ông Obama lại thắng thế.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận sự thật rằng bà Clinton vẫn còn những hạn chế nhất định. Dưới đây là bốn điểm yếu lớn nhất của bà:
1. Hình ảnh không nổi bật trong mắt công chúng
Đời sống chính trị của bà Hillary không phải là một bữa tiệc. Bà Clinton thường xuất hiện cạnh chồng trong chiến dịch tranh cử năm 1992. (Ảnh: Getty Images)Một trong những điều trớ trêu trong sự nghiệp của Hillary Clinton là lần đầu tiên bà bước vào đời sống công chúng với vai trò là một luật sư của Ủy ban Tư pháp điều tra vụ Watergate. Nhưng trong sự nghiệp chính trị của mình, bà đã gặp rắc rối bởi những vụ bê bối khác: Whitewater, Travelgate, Quỹ Clinton và bây giờ là vụ bê bối sử dụng email cá nhân trong công việc của bà.
Các vụ bê bối không chỉ là vấn đề về hình ảnh của bà. Trong một thời đại khi ứng viên tổng thống được mong chờ có tính hài hước và không hình thức, thì bà Clinton lại luôn tỏ ra không thoải mái và không có được phong thái đơn giản trước công chúng, đặc biệt là trên truyền hình. Vấn đề hình ảnh của bà đã gây thiệt hại nghiêm trọng về mặt xếp hạng khi trên 50% người Mỹ hiện nay có cái nhìn không tích cực về bà.
Thậm chí các nghị sĩ đảng Dân chủ khác cũng lo lắng sự thể hiện có vẻ gượng gạo của bà. Cựu cố vấn của ông Obama, David Axelrod đã cảnh báo vào năm ngoái rằng bà Clinton “cần thể hiện mình khác với máy đọc chữ và nói chuyện, giao tiếp với mọi người cần thoải mái, tự nhiên hơn”.
Nói thì dễ hơn làm và người ta không thể thay đổi mọi thứ chỉ qua một đêm. Và ông Trump cũng xác định rõ rằng việc tấn công vào vấn đề cá nhân của bà Clinton sẽ là nội dung trọng tâm và không ngừng trong chiến dịch tranh cử của ông.
2. Cử tri da trắng ủng hộ ông Bern
Bernie Sanders (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)Khi ông Trump liên tục triển khai các cuộc tấn công đặc biệt của mình, thì bà Clinton cũng cần nhận được sự ủng hộ của các thành viên Đảng Dân chủ.
Nhưng để có được sự thống nhất trong đảng, chiến dịch tranh cử của bà Clinton cần phải vươn tới những cử tri da trắng hiệu quả hơn. Mặc dù bà Clinton đã giành được sự ủng hộ áp đảo và quan trọng từ các cử tri thiểu số, nhưng bà vẫn còn một chặng đường dài để có được sự ủng hộ của những người Mỹ da trắng vốn ủng hộ ông Bernie Sanders.
Không nghi ngại gì nữa, viễn cảnh Trump làm tổng thống chắc chắn thúc đẩy những cử tri ủng hộ ông Sanders bỏ phiếu cho bà Clinton vào mùa thu năm nay. Hơn nữa, gần đây bà đã đề xuất các chương trình trợ cấp chăm sóc trẻ em và một kế hoạch cho phép những người trung niên Mỹ được mua bảo hiểm Medicare, điều này sẽ thu hút những người ủng hộ ông Sanders.
Nhưng với việc ông Trump có lập trường dễ thay đổi và không nhất quán đối với mọi vấn đề: từ lương tối thiểu tới nợ quốc gia, những lằn ranh quan niệm bình thường sẽ vô cùng mờ nhạt trong cuộc tranh cử tổng thống 2016.
Cho đến khi bà Clinton có được một chiến lược chính sách rõ ràng mà có thể nhận được sự ủng hộ của tất cả các thành viên trong Đảng Dân chủ, thì cánh trái của bà sẽ vẫn là một lỗ hổng tiềm tàng.
3. Giới lao động da trắng
Bà Clinton không có cơ hội chiến thắng ở đa số cử tri da trắng thuộc tầng lớp lao động. Họ thường bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa trong nhiều năm qua, đặc biệt là những người đàn ông thuộc tầng lớp lao động. Ví dụ trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2014, người da trắng thuộc tầng lớp lao động đã bầu cho đảng Cộng hòa nhiều hơn 30 điểm phần trăm (tỷ lệ số người đi bầu trừ đi số người không đi bầu).
Nhưng bà Clinton cần phải giành được sự ủng hộ của một số cử tri da trắng. Năm 2012, tổng thống Barack Obama đã giành được sự ủng hộ của khoảng 35% người lao động da trắng, điều đó đủ giúp ông tái đắc cử.
Một trong những điều gây ngạc nhiên trong chiến dịch đầu tiên của bà là: bà đã thất bại trong việc tập trung vào tầng lớp lao động nữ. 70% cử tri nữ không ủng hộ ông Trump, kết hợp với chủ nghĩa dân túy mới về các vấn đề kinh tế của bà Clinton, đã mang lại cho bà một cơ hội thực sự để nhận được sự ủng hộ của các cử tri thuộc tầng lớp lao động.
Nhưng nếu bà để ông Trump giành được sự ủng hộ của nhóm cử tri này, thì điều đó có nghĩa bà đang tự đánh mất cơ hội của chính mình.
4. Định kiến của người Mỹ
Ứng cử viên tổng thống đảng Cộng hòa Donald Trump rời khỏi một điểm tranh cử tại Trường trung học Memorial ngày 2/4/2016 tại Eau Claire, Wisconsin. Cử tri Wisconsin bỏ phiếu cho bang vào ngày 5/4/2016. (Ảnh: Scott Olson / Getty Images)Ông Donald Trump đang triển khai chiến dịch nhằm chia tách người Mỹ theo chủng tộc, tôn giáo và giới tính.
Chiến thuật chia-và-trị cũng đã có hiệu quả trong quá khứ. Ví dụ, chiến lược miền Nam của đảng Cộng hòa đã làm dấy lên nỗi lo ngại và bất bình trong cộng đồng cử tri da trắng, là những người đóng góp chủ yếu vào chiến thắng của đảng Cộng hòa trong 5 trên tổng số 6 cuộc bầu cử tổng thống từ năm 1968 đến 1988.
Như kết quả bầu cử năm 2012, việc thay đổi nhân khẩu học đã khiến chiến lược miền nam của đảng Cộng hòa kém hiệu quả hơn so với trước đây. Khi ông Ronald Reagan thắng cử vào năm 1980, 80% người Mỹ là người da trắng. Hôm nay chỉ có 62% người Mỹ da trắng.
Để giành được sự ủng hộ của đa số cử tri trên toàn nước Mỹ, chiến dịch tranh cử của bà Clinton cần phải xây dựng được một chiến lược kết hợp cả cử tri da trắng và da màu như các chiến dịch của ông Obama trong các năm 2008 và 2012. Những chiến dịch này mang lại hiệu quả bởi ông Obama là một trong những nhà vận động chính trị hiệu quả nhất trong lịch sử nước Mỹ hiện đại.
Tuy nhiên, cho đến nay bà Clinton vẫn chưa phải là một nhà ngoại giao đặc biệt hiệu quả hay mang đầy cảm hứng. Bà có màn tranh luận vững chắc nhưng không thực sự ấn tượng trong chiến dịch tranh cử 2016. Trong một cuộc bầu cử thử thách tinh thần đoàn kết của người Mỹ lạ thường này, thì việc bà Clinton có xây dựng được một khối liên minh thống nhất hay không vẫn còn đang xem xét.
Chất lượng của chiến dịch tranh cử là quan trọng
Dù vậy, theo các cuộc thăm dò của Quinnipiac, bà Clinton vẫn dẫn trước đáng kể so với ông Trump trong các cuộc thăm dò ở cấp độ bang hoặc toàn quốc. Dù thế nào đi nữa, bà vẫn là một ứng cử viên nặng ký để giành chiến thắng trong mùa thu năm nay.
Nhưng chiến thắng của ông Sanders ở Tây Virginia đã để lộ những điểm yếu của bà Clinton. Cuộc bầu cử năm 2016 là cơ hội thắng lớn của bà Clinton nhưng việc bà có thể bước vào Nhà Trắng hay không vẫn còn để ngỏ.
Tác giả: Anthony J. Gaughan, phó giáo sư luật, ĐH Drake
Tâm Minh lược dịch
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét