Các vận động viên điền kinh đều biết rằng lượng axít lactic tăng cao sẽ đầu độc hệ cơ khi họ thực hiện các cuộc chạy dài, nhưng trường hợp của anh Dean Karnazes lại là một ngoại lệ.
Người đàn ông 53 tuổi này sở hữu một loại gen hiếm giúp đào thải nhanh axít lactic trong cơ thể, cho phép anh chạy trong nhiều giờ đồng hồ mà không bị chuột rút hay căng cứng cơ. Khả năng phi thường này đã giúp anh đạt được nhiều thành tích, trong số đó có thể kể đến như: hoàn thành chặng đường 42 km trong điều kiện nhiệt độ -25 độ C ở Nam Cực; 50 ngày liên tiếp tham dự 50 cuộc chạy đua ở 50 bang của nước Mỹ; đáng kể nhất là thành tích chạy 563 km trong 80 giờ 44 phút mà không hề ngủ.
Trong khi vận động, đường Glu-cô-zơ liên tục được đốt cháy để cung cấp năng lượng cho cơ thể. Quá trình chuyển hóa này sản sinh ra một loại phụ phẩm là axít lactic. Hàm lượng chất này trong cơ tăng cao là nguyên nhân gây ra hiện tượng chuột rút và mỏi cơ ở các vận động viên điền kinh, khi tăng cao tới một ngưỡng nhất định, nó sẽ tạo ra tín hiệu thông báo cho não bộ dừng lại. Nhưng Dean không bao giờ nhận được những tín hiệu đó vì hàm lượng axít lactic trong cơ của anh không bao giờ tăng lên. Do vậy mà anh có khả năng chạy cả một quãng đường dài trong nhiều giờ đồng hồ để chinh phục những chặng đường đua gay go nhất trên thế giới.
Phát biểu trên báo The Guardian, anh cho biết: “Ở một cường độ hoạt động nhất định nào đó, tôi cảm thấy mình có thể chạy cả một quãng đường dài mà không hề mệt mỏi. Dù tôi có hoạt động mạnh đến đâu đi chăng nữa thì cơ bắp của tôi vẫn không bị cứng lại. Đó là điều kiện tuyệt vời để tôi có thể hoàn thành các cuộc chạy dài. Thật ra, thử thách cuối cùng đến với tôi là cảm giác buồn ngủ. Tôi đã chạy được 3 đêm mà không hề chợp mắt, do đó, vào đêm thứ ba, đầu óc tôi trở nên kiệt quệ. Khi ở trong trạng thái “vừa chạy vừa ngủ”, tôi giục giã bản thân mình phải tiếp tục, tiếp tục chạy.”
Ngay từ khi còn nhỏ, anh Dean đã sớm khám phá ra sức chạy bền bỉ phi thường của mình. Anh đã chạy đến 105 vòng quanh sân trường cấp 3 trong một cuộc vận động gây quỹ trong khi các bạn cùng lớp của anh đã từ bỏ khi tới vòng thứ 15. Nhưng sau khi ra trường, anh đã dừng chạy và chỉ bắt đầu chạy sau ngày sinh nhật thứ 30 của mình. Dù gặp phải trở ngại trong quá trình đào tạo, anh đã có thể chạy được quãng đường dài 48 km kể từ vạch xuất phát một cách dễ dàng trong lần chạy đầu tiên. Tất nhiên, có khá nhiều vết phồng rộp trên da nhưng cơ thể của anh tuyệt nhiên không hề có dấu hiệu mệt mỏi. Kể từ đó, anh đã liên tục lập được nhiều kỷ lục mới. Một trong số đó là kỷ lục 11 lần đạt giải trong cuộc đua “The Relay” khi hoàn thành chặng đường dài 328 km từ Calistoga tới Santa Cruz.
Vô cùng kinh ngạc trước khả năng thể chất của Dean, các bác sĩ đã tiến hành các bài kiểm tra lactate để xác định xem ngưỡng axit lactic của cơ thể anh là như thế nào. Ngưỡng này ở một vận động viên điền kinh bình thường là 15 phút, nhưng với trường hợp của anh Dean, các bác sĩ đã từ bỏ sau bài kiểm tra kéo dài 1 tiếng đồng hồ. Các vận động viên điền kinh khác tiết ra nhiều axit lactic hơn sau nhiều năm luyện tập nhưng trường hợp của Dean là anh dường như được sinh ra với cơ chế đào thải nó khỏi cơ thể của mình một cách tự nhiên.
Anh giải thích rằng: “Tôi đã được đưa tới trung tâm kiểm tra ở Colorado. Đầu tiên, họ thực hiện một bài kiểm tra khả năng dẻo dai và kết quả kiểm tra cho thấy tôi có khả năng tương đương với các huấn luyện viên điền kinh giỏi, không có điều gì bất thường hết. Sau đó, họ thực hiện bài kiểm tra về ngưỡng axit lactic. Họ nói rằng họ sẽ thực hiện bài kiểm tra trong 15 phút là nhiều nhất, nhưng sau 1 giờ đồng hồ, họ đã phải dừng bài kiểm tra và nói rằng bản thân chưa từng nhìn thấy một hiện tượng nào như vậy xảy ra trước đó”.
Anh Dean, cha của hai đứa trẻ, tin rằng các yếu tố khác của thân thể mình vẫn rất tốt: “Lượng mỡ thấp và lượng kiềm cao và chế độ ăn kiêng”. Anh ấy cũng luôn tập trung vào sức bền bỉ hơn là tốc độ. Anh nói: “Tôi không quan tâm mình chạy nhanh hay chậm, tôi quan tâm rằng mình đã chạy được bao xa.”
Ảnh: Dean Karnazes/Facebook
Theo Oddity Central
Hải Ly
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét