Từ những dự báo không chính xác của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Phố Wall, đến những chính sách sai lầm của Cục dự trữ Liên bang và Chính phủ Liên Bang Mỹ, học thuyết kinh tế sai lầm gây tác động đến mỗi chúng ta.
Năm 2016 là một năm đặc biệt tồi tệ đối với giới học giả, vì không có một dự báo nào về các sự kiện lớn là đúng, từ Brexit đến việc ông Donald Trump trúng cử Tổng thống Mỹ, cũng như tác động của những sự kiện đó đến thị trường và nền kinh tế.
Trên thực tế, kinh tế học chủ lưu (mainstream economics) liên tục dự đoán sai lầm kể từ cuộc Đại Khủng hoảng Tài chính năm 2008.
Vậy tại sao phe chủ lưu lại không nhận ra sai lầm bằng những học thuyết và mô hình mà họ sử dụng? Tại sao họ không chú trọng đến những học thuyết và các nhà lý luận khác? Tại sao những người dự báo sai lầm vẫn còn đương nhiệm?
Nếu bạn từng làm việc cho các công ty như General Motors hay IBM và hiện bị mất việc làm vì họ cho gia công ở Mexico, bạn có thể đổ lỗi là do học thuyết kinh tế sai lầm gây ra.
Mô hình thương mại tự do được chủ trương bởi giới ưu tú từ IMF cho đến Havard hứa hẹn sẽ tạo việc làm ở các nước đang phát triển, trong khi bảo hộ việc làm ở các nước phát triển. Mô hình này đã không hiệu quả bởi vì học thuyết đằng sau thương mại tự do, vốn được xây dựng bởi nhà kinh tế David Ricardo từ thế kỉ 19, đến nay đã 200 năm và lỗi thời rồi.
“Học thuyết của Ricardo không thành công trong một thế giới với nhiều yếu tố biến động [về vốn và lao động]. Nó chỉ hoạt động được khi mọi người đều tuân theo quy tắc. Thương mại tự do … không tạo ra được kết quả tối ưu vì nó chẳng bao giờ tự do cả. Nó như một ngôi nhà được xây dựng bằng những hạt cát của những giả thiết thiếu thực tế và sẽ chẳng bao giờ thực tế cả”, theo nhà phân tích James Rickards viết trong cuốn sách của ông “Con đường dẫn đến thất bại: Kế hoạch bí mật của giới tinh hoa toàn cầu cho Khủng hoảng tài chính tiếp theo”.
Các nhà kinh tế hàng đầu tại IMF và Fed đã dự báo nhầm lẫn về sự tăng trưởng của hầu hết các nền kinh tế lớn ngay trước và sau khủng hoảng tài chính. Các chính phủ và các công ty vốn xây dựng kế hoạch của họ dựa trên những dự báo khả quan (những mô hình này không bao giờ dự báo về khủng hoảng) đã thức tỉnh khi chúng không trở thành hiện thực.
Ông Woody Brock, Giám đốc công ty tư vấn Strategic Economic Decisions, nói rằng: “Họ có những mô hình mà có thể ngoại suy những gì đang diễn ra, họ phải có sự nhất trí với nhau và họ cố gắng không để bị chỉ trích trong nghề của họ. Đó là tại sao họ luôn luôn sai.”
Các nhà quản lý rủi ro Phố Wall vẫn sử dụng những mô hình rủi ro mà dẫn đến khủng hoảng dưới chuẩn. Khi một kế hoạch bấp bênh sụp đổ, nó cuốn sạch những khoản tiền tiết kiệm của hàng triệu người và đẩy đất nước vào cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ cuộc Đại suy thoái. Vì những mô hình như vậy vẫn đang sử dụng, nên một cuộc khủng hoảng khác vẫn đang rình rập”.
Ông Steve Keen, Giáo sư trường Đại học Kingston, Luân Đôn và là tác giả cuốn “Phơi bày kinh tế học” (Debunking Economics) nói: “Họ đang xem lĩnh vực tài chính như là một kết quả của hoạt động kinh tế chứ không phải nguyên nhân. Nhưng chúng ta biết rằng lĩnh vực tài chính là một nguyên nhân nếu có điều gì không ổn”.
Sau cuộc khủng hoảng tài chính, các gói kích cầu tài chính và việc in tiền chưa từng có của các ngân hàng trung ương ở Mỹ, Châu Âu, và Nhật bản hứa hẹn cho chúng ta một sự phục hồi bền vững nhưng đã không trở thành hiện thực.
Ông Rickards viết: “Quan điểm của giới tinh hoa là nếu một nhà kinh tế học phù hợp với học vị Tiến sỹ được ngồi vào cái ghế (của) Fed, với quyết tâm chắc nịch, và nguồn cung tiền như là đòn bẩy kích thích thế giới, nền kinh tế thế giới có thể được đưa đến trạng thái cân bằng và làm nó chạy trơn tru như một chiếc đồng hồ Thụy Sĩ”.
Những mô hình sai lầm
Các nhà kinh tế học muốn gói gọn thế giới với những đặc tính của nó vào một mô hình toán học nhỏ gọn được cho là có thể dự đoán tương lai, một công việc xưa nay vốn dành riêng cho các nhà tiên tri và thầy phù thủy, ít nhất là trong khoa học nhân văn. Khoa học thực sự như vật lý lại bị bỏ qua.
Tuy nhiên, những mô hình này, cho dù tinh vi đến mức nào thì nó vẫn theo những quy tắc cũ kỹ của khoa học máy tính được khám phá lần đầu trong những năm thập niên 1950: “ rác vào, rác ra”
Mô hình quan trọng nhất trong bộ công cụ của các nhà kinh tế học tân cổ điển là mô hình Cân Bằng Động Ngẫu Nhiên Tổng Quát (DSGE). Nó nói rõ rằng cung cân đối với cầu, và nền kinh tế vận hành như chiếc đồng hồ, cho tới khi có một vài cú sốc ngoại sinh không thể dự báo trước xảy ra phá vỡ mô hình này.
Những mô hình này từng bị bác bỏ cả trên lý thuyết cũng như thực tiễn, nó dựa trên những giả định mà không thể áp dụng trong thực tế. Ví dụ, có mô hình cho rằng các cá nhân đưa ra quyết định dựa trên các mô hình kinh tế và toán học, mà không dựa trên việc liệu chúng ta có buồn chán với công việc và muốn mua sắm online một chút (hay không).
Tuy nhiên, chúng vẫn được các ngân hàng trung ương trên thế giới cũng như các tổ chức như IMF và các chính phủ trên thế giới sử dụng để xây dựng các chính sách tiền tệ và tài khóa.
Ông Rickards viết “Nhóm những người giỏi nhất về tiền tệ cho rằng thị trường vẫn hiệu quả, mặc dù có những thiếu sót. Họ nhất trí rằng cung và cầu tạo nên sự cân bằng cục bộ, và tổng những cân bằng đó là cân bằng tổng quát. Khi sự cân bằng bị phá vỡ, thì nó có thể được phục hồi thông qua chính sách”; ông cũng lưu ý rằng cân bằng là “cái vỏ che đậy những vận động phức tạp bất ổn định”.
Tuy nhiên, khuyết điểm của những mô hình đó là quá rõ ràng, mà nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng thế giới, Paul Romer, đã bước ra khỏi đội ngũ giới tinh hoa đó [để chỉ ra sai lầm], năm ngoái ông đã công bố một bài phê bình gay gắt về các nhà kinh tế vĩ mô nói chung và các mô hình cân bằng nói riêng với tựa đề “Rắc rối với Kinh tế học vĩ mô.”
Theo ông Romer nhận định: “Hiện nay các mô hình kinh tế vĩ mô sử dụng những gỉa thiết lạ thường để dẫn đến những kết luận lúng túng….. Các nhà kinh tế học vĩ mô cảm thấy hài lòng với ý nghĩ rằng những dao động thất thường trong các đại lượng vĩ mô được gây ra bởi các cú sốc tưởng tượng, thay vì do hành động của con người…. Một khi các nhà kinh tế vĩ mô kết luận rằng viện dẫn các biến số bắt buộc ảo là điều hợp lý, thì họ sẽ bổ sung thêm”.
Chính mô hình DSGE này đã dẫn đến việc nguyên chủ tịch Fed Ben Bernanke bày tỏ ý kiến về lãi suất cân bằng trên blog của ông cho Viện Brookings trong năm 2015:
“ Nếu Fed muốn chứng kiến sự toàn dụng lao động cả về nguồn vốn và nhân lực (tất nhiên là muốn), thì rốt cuộc nhiệm vụ của Fed là sử dụng tầm ảnh hưởng của mình đến tỉ lệ lãi suất trên thị trường nhằm đẩy những tỉ lệ đó đến mức phù hợp với tỉ lệ cân bằng hay thực tế hơn là ước tính về tỉ lệ cân bằng tốt nhất của họ, điều mà không trực tiếp quan sát được.
Vậy thì tỉ lệ mà Fed muốn đạt được, giả sử sẽ mang lại sự sử dụng hiệu quả nhất về vốn và lao động (ở đây nhớ giả định rằng là sau trạng thái cân bằng) thì cũng không trực tiếp quan sát được, nên Fed vẫn chỉ đang phỏng đoán mà thôi.
Sự ngạc nhiên nho nhỏ là nó không bao giờ có thể dự đoán một cuộc khủng hoảng và thay vào đó là gây ra khủng hoảng vì để lãi suất quá thấp trong thời gian quá dài và sau đó tăng lên trong thời điểm không thích hợp nhất. Và không ngạc nhiên khi nền kinh tế vẫn không khởi sắc lên được, mặc dù mức lãi suất 0% đã kéo dài gần một thập kỷ, điều mà dẫn chúng ta đến một vấn đề khác.
Những cuộc khủng hoảng không phù hợp
Ông Keen nói: “Họ phớt lờ tiền và tín dụng, mà đó có thể là những nhân tố quyết định bậc nhất đến tương lai của nền kinh tế”.
Ví dụ, Bernanke nói trước Quốc Hội vào hồi tháng 3 năm 2007 rằng “Tác động của các vấn đề trong thị trường dưới chuẩn đến nền kinh tế rộng lớn và các thị trường tài chính có vẻ đã được hạn chế”. Không phải vậy.
Ông Keen nói: “Họ chỉ ngoại suy những xu hướng hiện nay và không có vấn đề gì nếu những điều họ phớt lờ không thay đổi. Vì vậy nếu có sự thay đổi về tiền, tín dụng và nợ, thì họ hoàn toàn sai lầm, và đó là những gì đã xảy ra vào năm 2008”
Ông Romer viết: “Vấn đề quan trọng trong mô hình không phải là tiền, mà là những lực lượng giả tưởng”.
Những nhà kinh tế chủ lưu thường sử dụng lí do là “không một ai” biết cụ thể sự kiện gì sẽ diễn ra, giống như cuộc khủng hoảng năm 2008, điều này chỉ đúng nếu ai đó là nhà kinh tế chủ lưu và tất cả mọi người khác không là ai cả.
Ông Keen đã dự đoán cuộc khủng hoảng năm 2008 bằng cách sử dụng các mô hình hậu Keynes, bao gồm nợ tư nhân, và huyền thoại quỹ đầu tư Ray Dalio của Bridgewater Associates, người cũng đã xây dựng các mô hình về nợ tư nhân, cũng làm điều tương tự. Có rất nhiều người khác cũng làm như vậy và hưởng lợi từ nó. Không ai trong số họ đi theo (kinh tế học) chủ lưu cả.
Rickard dự đoán khủng hoảng năm 2008 sử dụng học thuyết phức tạp từ vật lý, thứ mà chẳng liên quan gì đến các Mô hình cân bằng động ngẫu nhiên tổng quát và cái gọi là phân bố chuẩn của rủi ro.
Rickards viết: “Khủng hoảng xảy ra vì các nhà điều tiết không hiểu được tính chất thống kê của những hệ thống mà họ điều tiết”
Ông viết: “Có nhiều mô hình mà làm tốt việc xác định sự xuất hiện của cuộc khủng hoảng thông qua học thuyết phức tạp, suy luận nhân quả và kinh tế học hành vi, mặc dù thời gian chính xác của khủng hoảng vẫn khó để dự đoán”
Thường là các nhà vật lí sử dụng học thuyết phức tạp, nhưng nó cũng có thể áp dụng cho các thị trường vốn. Không giống như những mô hình cân bằng, những hệ thống phức tạp cho phép những sự kiện cực đoan xảy ra thường xuyên hơn. Ngoài ra họ có những vòng phản hồi động vì vậy các cá nhân hay tổ chức (tham gia vào một mô hình) có thể học hỏi từ những hoạt động của họ trong quá khứ và từ các cơ quan khác.
Ông Brock cũng tin rằng các nhà kinh tế ở Fed và nơi khác dựa dẫm quá nhiều vào dữ liệu lịch sử để dự đoán tương lai.
Ông Brock nói: “Họ được đào tạo rằng lịch sử là mọi thứ,”. Đủ dữ liệu sẽ xác định được các mối quan hệ kinh tế.
Ông nói: “Điều đó ổn cho đến khi sự thay đổi cơ cấu xảy ra và các mối quan hệ trước đó bị phá vỡ. Những thay đổi cơ cấu, như là quá nhiều nợ trong hệ thống, khiến nền kinh tế suy thoái vào năm 2008 và hiện nay ngăn trở chúng ta đạt được tiềm năng tăng trưởng tối đa. Ông nói thêm: “Sự thay đổi cơ cấu có nghĩa rằng các mẫu số lịch sử sẽ không tốt. Bạn cẩn sử dụng sự phán đoán chủ quan của bạn vì bạn biết điều gì khác biệt”
Tóm lại, Rickards: “Các thị trường vốn phải hứng chịu hàng loạt tai họa, trong khi những người cầm cân nảy mực xuất thân hàn lâm ở ngân hàng trung ương chờ đợi hàng thập kỷ để có thêm số liệu thuyết phục họ rằng họ đã thất bại.”
Tuy vậy, ngoài Romer ra, các nhà kinh tế chủ lưu tin rằng cách làm của họ không có gì sai cả.
Sống ở nơi ẩn dật
Có vài lí do tại sao các nhà kinh tế không thể hoặc không muốn thấy những sai lầm hiển nhiên trong những mô hình và tư duy của họ.
Theo ông Brock, thực tế là sự phân tích chủ quan về sự thay đổi cơ cấu sẽ phơi bày sai lầm của các nhà kinh tế, một rủi ro mà họ không thể chấp nhận được.
Ông nói: “Hầu hết những người làm công việc này đều cực kì không thích rủi ro. Không thể chứng minh xác suất chủ quan được. Họ làm những điều mà họ luôn có thể bảo vệ bằng số liệu. Việc số liệu không có liên quan gì chẳng hề quan trọng.”
Ông Keen nghĩ rằng việc lo ngại rủi ro kết hợp với mong muốn duy trì quyền lực. Ông nói: “nếu các nhà kinh tế chủ lưu thừa nhận rằng họ sai và học thuyết kinh tế hậu Keynes là đúng, họ sẽ bỏ việc, từ chức, và nhường chỗ cho chúng ta. Đó là lựa chọn cuối cùng của bất kỳ ai.”
Nhưng tại sao những người này có thể tại vị lâu đến vậy bất chấp thành tích ảm đạm của mình? Keen nói rằng vấn đề bắt đầu trong giới hàn lâm và sau đó liên tục tràn đến các trung tâm quyền lực.
Ông nói: “Trong kinh tế, những người không chính thống không thể có việc làm trong các trường đại học lớn vì chúng ta không xô đẩy trường phái chủ lưu.” Ông nói thêm: “Chúng ta không vạch trần, thậm chí chúng ta không là một phần của cuộc tranh luận này”.
Việc thiếu tranh luận sáng tạo đã lấy đi những công cụ tốt nhất để các học giả và các nhà hoạch định chính sách giải thích và giải quyết các vấn đề kinh tế. Các nhà khoa học chủ lưu sống trong sự ảo tưởng của họ và từ bỏ việc phụng sự khoa học.
Ông viết: “Vì sự chỉ đạo từ chính quyền có thể định hướng nỗ lực của nhiều nhà nghiên cứu, người ta không còn cần phải phù hợp với thực tế nữa. Hệ quả là, nếu các sự thật khách quan phủ định lý thuyết đã được thừa nhận một cách chính thức, chúng [sự thật khách quan] sẽ trở thành thứ yếu.”
“Cuối cùng, bằng chứng chẳng còn liên quan gì nữa. Tiến bộ trong lĩnh vực được đánh giá qua sự thuần khiết của các lí thuyết toán học, theo quyết định của chính quyền.”
Ông Romer cũng tuyên bố rằng trong khi một số nhà kinh tế dòng chính giận dữ vì sự phê bình của ông, những người khác và phần lớn đồng ý nhưng không dám nói công khai.
Cái mà Romer miêu tả như là “lối thất bại chung của khoa học” không phải là mới mẻ. Vào thế ký 16, khi Nicola Copernicus nói các đồng sự của ông rằng trái đất xoay quanh mặt trời chứ không phải mặt trời quay quanh trái dất, ông gặp một vài rắc rối.
Cả Keen và Romer nghĩ rằng khoa học là một hệ thống niềm tin. Con người rất khó từ bỏ niềm tin của mình, thậm chí khi chúng được chứng minh là sai.
Ông Keen nói: “Loài người lan truyền những hệ thống niềm tin. Nếu bạn có một hệ thống niềm tin, bạn sống trong một thế giới mà chấp nhận niềm tin đó, thì bạn sẽ phê bình hệ thống niềm tin đối lập. Phản hồi đầu tiên của bất kì bộ môn nào là củng cố hệ thống niềm tin hiện tại của nó”
Ông Romer viết: “Nó bắt đầu bởi việc phân biệt giữa lĩnh vực nghiên cứu và lĩnh vực tín ngưỡng. Trong lĩnh vực nghiên cứu như Toán, khoa học và công nghệ, đi tìm chân lí là mục đích phối hợp. Trong lĩnh vực tín ngưỡng như tôn giáo và hoạt động chính trị, người có quyền sẽ phối hợp nỗ lực của các thành viên trong nhóm. Ông nghĩ rằng kinh tế vĩ mô bị biến thành lĩnh vực tín ngưỡng.
Có thể làm gì?
Kinh tế học được gọi là khoa học ảm đạm, nhưng nó không vô dụng. Có nhiều nhà kinh tế và mô hình mà có thể giải thích hành vi phức tap của con người, dẫn đến những quyết định chính sách tốt nhất. Các học giả chủ lưu chỉ cần thừa nhận rằng quan điểm tập trung vào điểm cân bằng của hệ thống kinh tế của họ là sai mà thôi.
Ông Keen nói: “Trong thế kỷ 20 chúng ta đã phát triển công nghệ đưa con người lên mặt trăng, nó liên quan đến những hệ thống không cân bằng. Nếu bạn giả định một điểm cân bằng trong quá trình đó, thì [tại điểm này] bạn có các phi hành gia đã quá cố.”
Ông nói các nhà kinh tế học cần học hỏi từ những nhánh khoa học này cách mô hình hóa nền kinh tế như một hệ thống bất cân bằng, và dĩ nhiên bao gồm tiền và nợ.
Ông Brock nói các nhà kinh tế phải cho phép chính mình sai lầm để hiểu thấu những thay đổi cơ cấu.
Ông nó: “Bạn phải được đào tạo về Lý thuyết trò chơi và Lý thuyết chính trị để hiểu được những sự thay đổi này. Không phải đưa ra một kết quả rõ ràng, chắc chắn 100%, mà là với các khả năng đúng khác nhau. Điều này có vẻ hơi mỉa mai, khi các nhà kinh tế chủ lưu giờ đây đang cho rằng các mô hình của mình luôn đúng, nhưng đến những thời điểm then chốt thì chúng [té ra] lại sai.”
Ông Rickards nghĩ thị trường vốn cần được phân tích như một hệ thống phức tạp với phân phối rủi ro phi chuẩn.
Tuy nhiên, tất cả những thay đổi đó sẽ chỉtrở thành hiện thực nếu các nhà kinh tế bắt đầu trung thành trở lại với các phương pháp khoa học.
Ông Romer viết: “Bằng cách loại bỏ đi bất kì sự dựa dẫm nào vào chính quyền trung ương, các thành viên trong lĩnh vực nghiên cứu có thể phối hợp những nỗ lực độc lập của họ chỉ bằng cách duy trì một cam kết vững chắc để đi tìm sự thật [thông qua sự đồng lòng] đúc kết từ nhiều đánh giá độc lập…những đánh giá mà được làm bởi những người …chấp nhận sự sai lầm của họ và hứng thú với cơ hội để phá vỡ bất kì yêu sách nào của chính quyền”
Những cá cược an toàn
Bây giờ và ở đây, có vài chính sách mà hầu hết các nhà kinh tế phi chủ lưu xem là những cá cược an toàn. Một trong số đó là sự phục hồi của Đạo luật Glass-Steagal 1933 trong giai đoạn suy thoái. Đạo luật tách biệt hoạt động ngân hàng nhỏ lẻ khỏi các công ty chứng khoán và đưa đất nước trở nên tốt đẹp cho đến khi tổng thống Bill Clinton bãi bỏ nó vào năm 1999.
Ông Rickards viết: “Đạo luật Glass-Steagall phát huy tác dụng theo chính cái cách mà lý thuyết phức tạp đề xuất. Bằng cách tách hệ thống ngân hàng thành hai phần, đạo luật này khiến mỗi phần trở nên mạnh hơn qua việc thu hẹp quy mô hệ thống, và cắt xén những kênh lan truyền mà thông qua chúng thất bại của một cơ quan gây nguy hại cho tổng thể.
Thực tế, sự bãi bỏ (đạo luật Glass-Steagall) là một trường hợp điển hình cho nỗ lực khiến thực tiễn phải phù hợp với các mô hình kinh tế hơn là ngược lại (mô hình kinh tế phải phù hợp với thực tiễn). Ông Keen nói: “Các nhà kinh tế học ủng hộ việc bãi bỏ này bởi vì nó ăn khớp với mô hình vận hành nền kinh tế của họ”.
Một tín hiệu nguy hiểm được thiết lập một cách an toàn là nợ tư nhân. Ông Keen nói một khi nợ tư nhân vượt quá 150% của GDP, gần như khủng hoảng kinh tế chắc chắn xảy ra. Ông nói: “Có những khu vực nguy hiểm bạn không muốn bước vào”
Cả Ông Keen và Rickard đều tán đồng việc tăng cường vai trò của lao động trong nền kinh tế, bao gồm việc ban hành một số biện pháp bảo hộ thương mại và tăng thêm tầm ảnh hưởng của công nhân trong công ty của họ.
Ông Brock nói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, thuế thấp hơn, và bãi bỏ những quy định là những đòn bẩy tài khóa đúng đắn. Ông nói: “Nhân tố quan trọng nhất quyết định tăng trưởng chính là các động cơ khuyến khích”.
Tuy nhiên, không ai trong số những nhà kinh tế và nhà phân tích trên cho rằng con người có thể đạt được sự hoàn hảo với các mô hình hay dự báo. Quan trọng hơn là vứt bỏ lòng kiêu hãnh giả tạo và học hỏi từ những sai lầm trong quá khứ.
Ông Romer viết: “Khoa học và tinh thần giác ngộ là những thành tựu quan trọng nhất của loài người. Chúng quan trọng hơn cảm xúc của bất kì ai trong chúng ta”.
Valentin Schmid, Đại Kỷ Nguyên tiếng Anh
Xem thêm:
from Đại Kỷ Nguyên http://ift.tt/2jDFpUU
via máy cửa nhôm
0 nhận xét:
Đăng nhận xét