Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Hạn hán khốc liệt: Bỏ xứ mà đi

Tha hương cầu thực đang là ‘mẫu số chung’ cho cuộc sống của hàng chục ngàn người dân tại các tỉnh ở ĐBSCL và Tây Nguyên.

Khát khô họng, đói quắt quay. Nước chắt về không đủ uống. Người phải nhặt phân bò để có tiền mua thức ăn, trong khi bò cũng say nắng, chết hàng loạt. Lúa khô cháy vì thiếu nước còn hàng ngàn hec-ta, cà phê, hồ tiêu cũng chết đỏ vì hạn.

Người ta đang phải bỏ xứ mà đi.

Đói, nợ, tha hương

Hơn 1 sào ruộng là chỗ nhìn vào thùng gạo của cả gia đình 5 người, còn tiền chi phí sinh hoạt thì trông vào khoản làm thuê của cả hai vợ chồng anh Thành Kim Hing (ngụ thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, Ninh Thuận). Cuộc sống khốn khó như thế hàng mấy năm nay. Nhưng tới năm nay thì thậm chí còn lay lắt hơn.

Nắng hạn quá, ruộng phải bỏ hoang, tôi đi chăn dê thuê cho người quen ở Phú Quý, cách nhà hơn 5 cây số, vài ba ngày mới về một lần. Vợ tôi thì đi lượm phân bò, phơi khô bán, mỗi ngày được vài chục ngàn đồng. Khổ lắm nhưng không biết làm sao”,  anh Hing cho biết hồi tháng 3 trên báo Người Lao động.

Một cửa cống khô hạn trơ đáy trên địa bàn xã Ninh Hòa, tỉnh Ninh Thuận trong mùa khô 2015. . han han khoc lietMột cửa cống khô hạn trơ đáy trên địa bàn xã Ninh Hòa, tỉnh Ninh Thuận trong mùa khô 2015. (Ảnh: chinhphu.vn)

Thế nhưng cái đói cái khổ ấy, đáng buồn thay, lại không phải chỉ ở một hộ duy nhất. Giữa chảo lửa Thuận Nam, bà Thị Hoa (64 tuổi; ngụ thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh, huyện Thuận Nam) cùng hai đứa cháu nhỏ đang cùng héo hắt chờ mưa, lo gạo. “… sợ vay mượn hoài sẽ đổ nợ, 2 thằng con và đứa con dâu phải vào tận Đồng Nai làm thuê, giao 2 đứa nhỏ lại cho tôi. Mười bữa nửa tháng, tụi nó gửi chút ít tiền về, bà cháu lay lất qua ngày” – bà Hoa cho hay.

Còn nhà bà Bá Thị Cờ (61 tuổi, thôn Vụ Bổn, xã Phước Ninh) có 8 người thì 6 người đã khăn gói vào Bình Dương làm thuê, để lại mẹ già 61 tuổi và đứa trẻ 6 tuổi. 6 sào ruộng khô khốc với món nợ hơn 10 triệu đồng ở đại lý phân bón từ năm 2015 chưa trả nổi nay bỏ hoang. Nắng hạn cứ kéo dài, không bỏ xứ tha hương thì nợ còn tiếp tục chồng chất.

Báo Dân Việt cho hay, cùng xã Phước Nam, chị Thập Thị Phấn (thôn Văn Lâm 3) mỗi ngày nhặt được từ 2 – 3 bao phân bò, phơi khô bán với giá 20.000 đồng/bao. Hôm nào cố lắm, chị kiếm được 60.000 đồng, mua 2 – 3kg gạo để ăn, phần tích góp gửi cho con đang học ở Sài Gòn, phần nuôi mấy đứa nhỏ cũng đang tuổi học, phần nuôi chồng bị bệnh nhiều tháng nay.

Chị Phấn đang nhặt phân nơi chảo lửa Thuận Nam, tháng 3/2016. (Ảnh: danviet.vn)Chị Phấn đang nhặt phân bò để bán kiếm tiền nơi chảo lửa Thuận Nam, tháng 3/2016. (Ảnh: danviet.vn)

Chưa hết mùa khô 2015-2016, nhưng con số hộ nghèo và cận nghèo đã tăng lên nhanh chóng. Theo thống kê, trong năm 2015, số hộ nghèo toàn xã Phước Ninh (Thuận Nam) chiếm hơn 5,7% và hộ cận nghèo chiếm 4,2%. Đến nay, tỷ lệ này tăng lên hơn 15,7% đối với hộ nghèo (183 hộ) và  hơn 12,2% đối với hộ cận nghèo (143 hộ).

Tương tự tại Gia Lai, giữa cái nắng cháy da, xung quanh không bụi mù đất đỏ thì cũng sỏi đá và cành khô, chị Ksor Huynh (thôn Kte 1, xã H’Bông, Gia Lai) cũng đang lúi húi bên bì phân bò mới lượm được. Sinh năm 1997 nhưng chị Ksor Huynh đã có chồng và 2 con.

Nhà không có rẫy, 2 vợ chồng đi làm thuê kiếm sống. Mùa thu hoạch mì hay hồ tiêu, hai vợ chồng đi làm thuê được trả công 120 ngàn/ngày/người. Bữa nay hạn, cây gì cũng chết, không còn nghề nào làm thuê nữa”, chị Huynh chia sẻ với PV báo Một Thế Giới. Vậy là hằng ngày chồng ở nhà trông con, chị Huynh đi nhặt phân bò về bán cho thu mua là người Kinh.

Chị Huynh bên bì phân bò nhặt được trong một buổi sáng, đằng sau là hai con và căn nhà tôn thấp lè tè giữa thảo nguyên khô cháy. . han han khoc lietChị Huynh bên bì phân bò nhặt được trong một buổi sáng, đằng sau là 2 con và căn nhà tôn thấp lè tè giữa thảo nguyên khô cháy. (Ảnh: motthegioi.vn)

Toàn thôn có 143 hộ thì có 101 hộ nghèo, 29 hộ cận nghèo. Nắng quá không còn cách gì làm. Người còn rẫy thì tự lo cứu rẫy, người đã mất mùa thì vứt đó chờ trời mưa. Không ai thuê làm gì nên người dân không có kế mưu sinh phải đi nhặt phân thôi”, ông Siu Loan – trưởng thôn Kte 1 nói.

Tính toàn xã thì hộ nghèo và cận nghèo chiếm 58% trong tổng số 1.828 hộ (8.216 nhân khẩu). “Chưa năm nào hạn khốc liệt như năm nay, hiện có 1.027 hộ thiếu nước sạch và cũng là từng đó hộ đói ăn”, ông Đoàn Văn Tùng – Chủ tịch UBND xã H’Bông  (huyện Chư Sê) nói.

Người dân tộc (chủ yếu người J’rai) chiếm 65% trong tổng số hộ dân tại xã H’Bông (huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai).

Tại ấp Hội Trung, thị trấn Lịch Hội Thượng, huyện Trần Đề, tỉnh Sóc Trăng giờ chỉ còn người già và trẻ nhỏ. Trong tổng 900 hộ (hơn 3.800 nhân khẩu), hiện đã có hơn 100 hộ bỏ làng đi (50 hộ dẫn theo vợ con, số còn lại gửi lại con cái cho ông bà).

Xã Khánh Bình Tây Bắc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau có tới 1.000 hộ nghèo trong tổng số hơn 3.000 hộ. Từ tết đến nay, xã đã chứng nhận cho 306 người rời quê lên thành phố kiếm sống, theo thông tin trên báo Vnexpress.

Lần mò đi tìm nước

Tại Ninh Thuận, tính đến cuối tháng 3 năm nay, hàng trăm người đã kéo xuống lòng hồ Sông Sắt tìm đất, tìm nước mưu sinh.

Từ vài năm trước, chuyện di dân ngược vào lòng hồ thủy điện đã được đề cập đến tại khu vực thuỷ điện Bản Vẽ, huyện Tương Dương, Nghệ An hay tại đập thủy điện Tuyên Quang. Những khu tái định cư bị bỏ không với nhà bê tông, đất cằn cỗi, không điện, không nước. Người dân đói ăn, đói nước nên tìm đất di cư. Ở đâu có khe suối là ở đó có nhà sàn được dựng tạm.

Điều đáng lưu ý là việc di cư xuống lòng hồ Sông Sắt không chỉ mới diễn ra trong mùa khô năm nay. Theo báo Vnexpress, để có cái ăn trong mùa hạn, 2 năm nay, nhiều gia đình đã rời làng kéo xuống lòng hồ canh tác nông nghiệp. Mùa khô bà con làm nhà tạm, trồng rau màu trong lòng hồ thủy lợi để kiếm sống. Khi mùa mưa đến, bà con lại dời lên làng, trả lại lòng hồ thủy lợi Sông Sắt.

Từ hai năm nay, người dân ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận phải cất chòi tạm ở khu vực lòng hồ Sông Sắt để có nước mưu sinh. (Ảnh: nld.com.vn)Từ 2 năm nay, người dân ở huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận phải cất chòi tạm ở khu vực lòng hồ Sông Sắt để có nước mưu sinh. (Ảnh: nld.com.vn)

Sau 2 mùa hạn liên tiếp, mực nước trong hồ hiện chỉ còn 1/4. Nông dân tận dụng những khoảng đất ẩm ướt để trồng tỉa cây ngắn ngày chịu hạn như: bắp, đậu xanh, đậu ván.

Gia đình bà Pinăng Thị Thém, dân tộc Raglây (thôn Ma Nai, xã Phước Thành) đã xuống lòng hồ cất chòi tạm và trồng được 1 vụ bắp trên diện tích hơn 1 hecta. Vì không có tiền đầu tư phân thuốc, cuối vụ, mùa bắp vừa rồi gia đình bà chỉ thu hoạch được ít, bán được 6 triệu đồng.

May mà thu được ít bắp trồng dưới này, chứ không cả nhà đói rồi. Hạn hán, đất ở trên làng đâu có sản xuất được”, bà Thém chia sẻ với PV báo Vnexpress.

Trong hình, bà Thém đang chỉ về phía căn chòi dựng tạm trong lòng hồ. (Ảnh: vov.vn)“Trên Ma Nai, có đất có ruộng nhưng không có nước để làm. Mình xuống dưới đây làm. Nhờ có đất này, mình mới có ăn. Mình trồng bắp ở đây để đổi gạo ăn”. Trong hình, bà Thém đang chỉ về phía căn chòi dựng tạm trong lòng hồ. (Nguồn: vov.vn)

Cứ như thế, nước lòng hồ cạn đến đâu, người ta lại tận dụng trồng trọt đến đó. Ngoài trồng rau, nhiều người đi câu cá ở các khe nước còn lại để có thức ăn, tranh thủ có gì thì tận dụng nuôi thêm bò và dê. Vài ba ngày, bà hoặc con gái mới về làng một lần, chủ yếu để mua gạo và đồ dùng. Cuộc sống tạm bợ, luôn phải di cư lại không điện, nhưng rồi thấy “ai cũng như mình cả”, mọi người an phận khi không phải đi lưu lạc xứ người, cái đói, cái khát không bủa vây quay cuồng như ở nơi cũ.

Một phụ nữ người Raglai đang thu hoạch đậu ván trồng ở lòng hồ Sông Sắt, tháng 3/2016. . han han khoc lietMột phụ nữ người Raglai đang thu hoạch đậu ván trồng ở lòng hồ Sông Sắt, tháng 3/2016. (Ảnh: Tư Huynh/vnexpress.net)

Còn ở huyện Ninh Hải, người dân đang tận dụng những hồ cuối cùng còn sót lại để khoan nước dẫn về các rẫy nho, ớt. Nhưng khoan bao nhiêu lỗ cũng không thấy nước, người dân thôn Mỹ Tường 1, xã Nhơn Hải cho hay.

Vùng này bữa nay nó nằm phải cỡ bốn mấy mét mới có nước, bữa nay tầm hai mươi hai mấy mét là không có nước nữa, nước này bữa nay tụt sâu xuống rồi không còn nữa”, anh Đỗ Thành Luận, thợ khoan giếng xã Nhơn Hải, huyện Ninh Hải cho hay trên VOV.

han-han-bo-xu-ma-di-4, han han khoc lietHồ Ông Kinh đã cạn trơ đáy từ giữa 2014 đến nay. (Ảnh: laodong.com.vn) Hàng chục ống nước khoan mong kéo được chút nước dẫn về các rẫy nho, ớt, tháng 4/2016. (Ảnh: laodong.com.vn)Hàng chục ống nước khoan mong kéo được chút nước dẫn về các rẫy nho, ớt, tháng 4/2016. (Ảnh: laodong.com.vn)

Mỗi giếng khoan tốn từ 30-45 triệu đồng. Mức giá này đã tăng hơn 5-10 triệu đồng so với trước vì phải đào sâu hơn mới có nước. Thế nhưng ai cũng cắn răng vay mượn ngân hàng, thuê người khoan nước bằng được để cứu nho, hành, tỏi. Để trồng cây nho lên được thành giàn, người nông dân ở Ninh Thuận phải đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Nếu rẫy nho hỏng, thì không chỉ thất thu mà sẽ mất 3-4 năm sau mới có giàn nho mới.

Tháng 3/2015, người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận phải dùng nước từ những giếng nhiễm phèn. han han khoc lietTháng 3/2015, người dân xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận phải dùng nước từ những giếng nhiễm phèn. (Ảnh: nld.com.vn)

Tính đến thời điểm này, lượng nước của 20 hồ chứa trên địa bàn chỉ còn khoảng 48/192 triệu khối nước, 2 hồ cạn trơ đáy, 3 hồ chuẩn bị xuống dưới mực nước chết.

Việc khai thác tràn lan, thiếu quy hoạch sẽ làm sụt giảm mực nước ngầm, nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước ngầm đã được đưa ra từ năm 2009 tại vùng ĐBSCL. Trên báo Cà Mau tháng 4/2015, ông Ðặng Quốc Nam – Phó Trưởng Phòng Tài nguyên nước, Khoáng sản và Môi trường thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh, cảnh báo:

Những lỗ khoan giếng khai thác nước dưới lòng đất bị hỏng, bỏ hoang lâu ngày nếu không trám lấp trả lại hiện trạng ban đầu sẽ là những “đường dẫn” để đưa các nguồn nước bẩn từ trên mặt đất xuống làm ô nhiễm tầng nước ngầm. Có nhiều biện pháp khắc phục nhưng biện pháp trám lấp trả lại hiện trạng ban đầu là rất hữu hiệu, nhưng phải tuân thủ nguyên tắc chung là trả lại trạng thái như trước khi khoan, tức là lấp đầy khoảng trống bằng vật liệu tương tự như đất, đá ở chiều sâu tương ứng”.

Thế nhưng cho tới nay, khoan giếng lại là những nỗ lực duy nhất để tìm nước, do nông dân tự phát làm. Tại Gia Lai, nước sạch đã được cấp từ tỉnh, huyện về, nhưng chỉ để uống. Nơi nước cấp không về, người dân phải mua một bình 10.000đ để uống. Còn nước để sản xuất, ông Đoàn Văn Tùng – Chủ tịch UBND xã H’Bông cho hay, mọi thứ vẫn phải “chờ trời”.

Phan A tổng hợp

TRÂN TRỌNG THÔNG BÁO: Thời báo Đại Kỷ Nguyên nay đã có ứng dụng đọc báo tiện lợi với tốc độ nhanh trên di động. Mời quý độc giả tải ứng dụng theo đường dẫn sau: Android | IOS

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét