Thứ Tư, 27 tháng 4, 2016

Một thợ lặn của Formosa Hà Tĩnh bị nhiễm độc đồng

Trong số 9 thợ lặn làm việc tại cảng Sơn Dương (Formosa, Hà Tĩnh) vào khám sức khỏe tại Bệnh viện Trung ương Huế thì có 1 người bị hiễm độc đồng.

Theo báo Tuổi Trẻ đưa tin, ngày 27/4, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết kết quả xét nghiệm của 1 thợ lặn tại cảng Sơn Dương cho thấy anh bị nhiễm độc đồng.

Bệnh nhân là anh T (SN1977, quê Khánh Hòa), có nồng độ đồng trong cơ thể cao gấp hơn 2 lần so với mức bình thường.

Theo một bác sĩ Bệnh viện Trung ương Huế, bệnh nhân bị nhiễm độc đồng có những triệu chứng như nôn mửa, tiêu chảy và quặn đau ở vùng bụng; nếu không theo dõi, điều trị kịp thời, bệnh nhân sẽ bị nhiễm độc ở nhiều cơ quan như gan, thần kinh, mắt, thận, tim, máu và có thể tử vong.

1 thợ lặn của dự án Formosa tử vong, 5 người khác nhập viện

Trước đó, Đại Kỷ Nguyên đã thông tin, ngày 24/4, thợ lặn Lê Văn Ngầy (SN 1970, quê ở Ninh Hòa, Khánh Hòa) là công nhân của Công ty Cổ phần xây dựng và cung ứng lao động quốc tế (Công ty Nibelc –một nhà thầu của Dự án Formosa có trụ sở ở xã Quảng Đông, Quảng Trạch, Quảng Bình), tử vong sau khi lặn xuống biển.

Vào chiều ngày 24/4, sau khi lặn xuống biển để thi công xây dựng đê chắn sóng ở cảng Sơn Dương thuộc Khu công nghiệp Formosa, Vũng Áng, anh Ngầy có dấu hiệu khó thở, mệt mỏi nên được đi bệnh viện khám, sau đó anh được đưa trở về để chờ ngày hôm sau đi khám lại. Tuy nhiên, đến khoảng 18h cùng ngày, anh đột ngột tử vong tại ký túc xá của công ty đóng trên địa bàn xã Quảng Đông.

Nhiều thợ lặn của công ty cho biết, sau khi lặn xuống biển xây dựng đê chắn sóng, khi trở lên bờ cũng cảm thấy tức ngực, khó thở và người ngứa ngáy bất thường.

Chiều ngày 26/4, ông Phan Thanh Sơn – Trưởng công an huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) cho biết, hiện có thêm 5 thợ lặn của Công ty Nibelc cũng có dấu hiệu tức ngực khó thở, người ngứa ngáy bất thường, phải vào viện để kiểm tra sức khỏe.

Mới đây, theo kết luận của Sở Tài nguyên & Môi trường (Sở TN&MT) tỉnh Thừa Thiên Huế, vào thời điểm xuất hiện cá biển và cá nuôi lồng chết hàng loạt trong khu vực của tỉnh, tại vùng cá chết, nước biển nhiễm kim loại nặng.

Thông tin trên báo VOV, sau khi tiến hành phân tích 9 mẫu nước và 7 mẫu trầm tích tại khu vực đầm Lập An, gần cửa biển Lăng Cô, huyện Phú Lộc; vùng ven bờ xã Quảng Công, huyện Quảng Điền và các xã Điền Hương, Điền Hải, huyện Phong Điền, Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế xác định các thông số về tổng hàm lượng Nitơ tính theo amoni, hàm lượng kim loại nặng Crôm vượt giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển và chất lượng nước mặt.

Sở TN&MT tỉnh Thừa Thiên Huế xác định: nguyên nhân cá biển, cá nuôi bị chết không phải do dịch bệnh mà do một tác nhân cực mạnh – chất độc trong môi trường nước dẫn đến việc cá chết hàng loạt trên địa bàn.

Trước đó, Đại Kỷ Nguyên đã thông tin, hiện tượng cá chết hàng loạt bắt đầu từ ngày 6/4 ở Hà Tĩnh, sau khi kiểm tra, Trung tâm quan trắc Môi trường và bệnh Thủy sản miền Bắc đã phối hợp với các cơ quan chức năng Hà Tĩnh kiểm tra và xác định nguyên nhân là “có độc trong nguồn nước”, do nước thải ra biển mà không được xử lý.

Đến ngày 10/4, vùng biển Quảng Bình xuất hiện cá chết hàng loạt trôi vào bờ. Tới ngày 19/4, Quảng Trị xuất hiện tình trạng tương tự, hàng tấn cá chết trắng trôi vào bờ.

Sở Nông nghiệp Quảng Bình cũng đã có báo cáo về tình trạng cá chết bất thường trên vùng biển tỉnh này. Bước đầu, kết quả phân tích mẫu nước, mẫu cá cho thấy hiện tượng cá chết hàng loạt không phải do tác nhân vi khuẩn, virut mà do nguồn nước bị ô nhiễm, “nguồn nước có yếu tố gây độc”.

ca vau chet troi dat vao bo nuoc bien nhiem kim loai nangCon cá vẩu có trọng lượng 35 kg chết dạt vào bờ biển xã Lộc Vĩnh, huyện Phú Lộc (Huế) ngày 18/4. Cá vẩu là loài cá sống ở vùng biển xa bờ. Việc cá vẩu trôi dạt vào bờ là điều rất kỳ lạ đối với người dân tại khu vực này. (Ảnh: Lê Minh/vnexpress.net)

Hơn 10 đơn vị tìm lý do cá chết

Thông tin trên báo Tuổi Trẻ, Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết đến ngày 26/4 đã có nhiều đơn vị nghiên cứu và quản lý của các bộ, ngành, địa phương triển khai các công việc khảo sát, phân tích, đánh giá và đưa ra nhiều nhận định khác nhau.

Gồm một số đơn vị như: Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 (Bộ NN&PTNT), Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ NN&PTNT), Viện Môi trường nông nghiệp (Bộ NN&PTNT), Tổng cục Môi trường (Bộ TN&MT), Viện Kiểm định an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia (Bộ Y tế), Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh, Sở TN&MT tỉnh Quảng Bình,…

nguyên nhân cá chết hàng loạtCá chết hàng loạt, trôi dạt vào bờ dọc bờ biển Nhật Lệ, Quảng Bình. (Ảnh: Lê Phi Long/laodong.com.vn)

Cuộc họp 10 phút của Bộ TN&MT: Công bố 2 nguyên nhân chính khiến cá chết hàng loạt

Sau hàng giờ nóng lòng chờ đợi của rất nhiều phóng viên các báo đài, cuộc họp diễn ra lúc khoảng 20h tối ngày 27/4, ông Võ Tuấn Nhân – Thứ trưởng Bộ TN&MT chủ trì cuộc họp.

Ông Nhân cho biết, cơ quan chuyên môn đã thống nhất nhận định có 2 nhóm nguyên nhân chính khiến cá chết:

  • Một là do tác động độc tố hoá học của con người trên đất liền và trên biển.
  • Hai là do tác động của hiện tượng tảo nở hoa (hay thủy triều đỏ).

Ông Nhân cũng khẳng định rằng, cho đến thời điểm hiện nay, qua kiểm tra và thu thập chứng cứ, chưa có bằng chứng để kết luận về mối liên quan của Formosa và các nhà máy với vấn đề cá chết hàng loạt, “Số liệu quan trắc cho thấy các thông số môi trường chưa vượt chuẩn quy định”.

Sau khoảng 10 phút, cuộc họp kết thúc, ông Nhân cùng các đại biểu rời khỏi hội trường trong sự ngỡ ngàng của các phóng viên báo đài. Nguyên nhân cá chết hàng loạt vẫn chưa được kết luận, mọi thông tin đều trở nên mù mờ. Hầu hết các phóng viên đều không hài lòng với công bố của Bộ TN&MT.

Trong cuộc họp, không một phóng viên nào có cơ hội đặt câu hỏi cho Thứ trưởng Bộ TN&MT.

Bạch Liên tổng hợp

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét