Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2016

‘Sản xuất’ tim nhân tạo trong phòng thí nghiệm: Tương lai không còn quá xa?

Một nhóm các nhà nghiên cứu đã nuôi cấy thành công một quả tim nhân tạo bằng cách sử dụng tế bào gốc.

Tại thời điểm hiện tại, khoảng 4.186 bệnh nhân tại Mỹ đang nằm trong danh sách chờ cấy ghép tim. Tuy nhiên, với thực trạng thiếu hụt người hiến tạng trầm trọng, không nhiều người trong số họ có hy vọng được sống tiếp. Bên cạnh đó, cộng đồng y tế thế giới luôn ấp ủ hoài bão một ngày nào đó họ sẽ có thể nuôi cấy những quả tim nhân tạo trong phòng thí nghiệm và giờ đây, ước mơ này dường như đang dần trở thành hiện thực.

nuoi cay trai tim nhan tao

(Ảnh: Ott lab/Massachusetts General Hospital)

Một số nghiên cứu khi phân tích quả tim người trong không gian ba chiều cho thấy tính khả thi của việc tạo ra các bộ phận của quả tim khi sử dụng công nghệ này kết hợp với chất liệu sinh học. Tuy nhiên vẫn thiếu sót các tế bào tim để có thể trở thành một quả tim thực thụ vì những cấu trúc trên chỉ đóng vai trò như một “nền móng” để các mô tim có thể được phát triển.

Từ ý tưởng trên, nhóm các nhà nghiên cứu đến từ Bệnh viên đa khoa Massachusetts và Đại học Y khoa Harvard đã hợp tác để kết hợp nó với công nghệ tế bào gốc. Kết quả là họ đã mang đến một thành tựu to lớn.

Dẫu vậy, một điểm đáng lo ngại với các ca cấy ghép tim là cơ thể người nhận tạng có khả năng cao sẽ đào thải bộ phận mới được cấy ghép.

Trong quá trình nghiên cứu, để giải quyết vấn đề này, các nhà khoa học đã sử dụng 73 quả tim được xác định là không phù hợp để cấy ghép và ngâm chúng trong dung dịch tẩy rửa để thanh lọc những tế bào kích hoạt phản ứng đào thải. Những gì còn sót lại là thành phần cấu tạo toàn vẹn của một quả tim với đầy đủ các chức năng và mạch máu. Đây là thời  điểm các nhà nghiên cứu sẵn sàng nuôi cấy những tế bào tim mới, là giai đoạn mà công nghệ tế bào gốc đóng vai trò thiết yếu.

Chỉ sau 2 tuần, mạng lưới các tế bào mới đã được hình thành trên quả tim nhân tạo non nớt. Với quả tim gần như hoàn hảo này, các nhà khoa học đã quyết định cho nó 1 luồng sốc điện và điều kỳ diệu đã xảy ra khi quả tim bắt đầu đập theo nhịp.

Ông Jacques Guyette – nhà nghiên cứu y sinh học đến từ Trung tâm dược phẩm MGH và cũng là người đứng đầu công trình nghiên cứu cho biết:

“Bước kế tiếp mà chúng tôi đang theo đuổi là cải tiến phương pháp hiện tại để có thể tạo ra nhiều tế bào tim hơn. Mặc dù nghiên cứu này đã đạt được những thành công nhất định khi sản xuất được 500 triệu tế bào gốc và chuyển hóa nó thành tế bào tim. Tuy nhiên, để phát triển một quả tim hoàn thiện chúng ta sẽ cần nâng con số này lên 10 tỷ”.

Vì thế, các nhà nghiên cứu vẫn cần phải tìm ra giải pháp nuôi cấy thêm 9 tỷ 500 triệu tế bào nữa để có một quả tim đáp ứng đủ tiêu chuẩn cho việc cấy ghép. Thực tế đây là một quá trình dài gian nan đã được vượt qua và quả là một dấu ấn lịch sử trong lĩnh vực y sinh học.

Cho đến nay, sự khan hiếm nội tạng, buôn bán nội tạng đen và đặc biệt là nạn mổ cướp tạng tại Trung Quốc đang là vấn đề khiến nhiều người đau đầu. Các nhà khoa học hy vọng rằng việc thành công trong nuôi cấy các nội tạng nhân tạo sẽ hạn chế được các vấn đề tội ác  nói trên.

Theo Sunny Skyz
Bình An

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét