Thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn ở khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long tính đến ngày 14/4 ước tính gần 5.600 tỷ đồng, theo Ban chỉ đạo trung ương về phòng chống thiên tai.
Từ cuối năm 2014, El Nino hoạt động mạnh, kéo dài nhất trong lịch sử với nền nhiệt độ tăng cao, lượng mưa và dòng chảy thiếu hụt khiến tình hình hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra gay gắt, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và cuộc sống của người dân, đặc biệt là ở các khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long.
Tại khu vực Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, lượng mưa từ cuối năm 2015 đến nay rất thấp, các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đạt dung tích thấp so với thiết kế và cùng kỳ nhiều năm, nhiều hồ nhỏ đã cạn nước, các đập dâng phần lớn không còn khả năng cung cấp nước… Đặc biệt, một số tỉnh bị bị hạn hán nghiêm trọng như: Đắk Lắk, Gia Lai, Kon Tum, Ninh Thuận, Bình Thuận,…
Ao của một nhà dân ở huyện Chư Sê, Gia Lai đã cạn khô. (Ảnh: Lê Hòa/baogialai.com.vn)Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, phạm vi xâm nhập mặn vào đất liền sâu nhất lên đến hơn 90 km (chưa từng xuất hiện trong lịch sử quan trắc xâm nhập mặn), độ mặn lớn nhất tại các khu vực lớn hơn và vào sâu trung bình nhiều năm từ 10-25 km.
Lúa chết trên đồng do xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long. (Ảnh: Lê Khánh/nld.com.vn)Hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 338.849 hộ dân tại khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và đồng bằng sông Cửu Long bị thiếu nước sinh hoạt; 240.215 ha lúa, 18.335 ha hoa màu, 104.106 ha cây công nghiệp; 4.641 ha thủy sản bị thiệt hại.
Những người nông dân thôn 4, xã Ea H’leo, Đắk Lắk đào giếng tìm nước cứu vườn tiêu. (Ảnh: baodaklak.vn)Cà Mau là tỉnh có diện tích lúa bị thiệt hại nặng nhất với 50.770 ha, Kiên Giang (56.506 ha), Trà Vinh (28.352 ha),… Trong hơn 18.000 ha hoa màu bị thiệt hại, Gia Lai có diện tích bị thiệt hại lớn nhất với 8.793 ha. Ninh Thuận có 793 con gia súc (trâu, bò, ngựa, nai, cừu, dê) bị chết vì hạn hán.
Tại Bến Tre có 83.387 hộ bị thiếu nước sinh hoạt, Vĩnh Long: 71.526 hộ, Tiền Giang: 35.544 hộ,…
Đập Cô Kiều không còn nước cấp thô cho nhà máy Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận. (Ảnh: vov.vn)Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn trung ương, trong các tháng tiếp theo của mùa khô năm 2016 (từ cuối tháng 4 – tháng 8/2016), dòng chảy trên các sông ở Trung Bộ và khu vực Tây Nguyên tiếp tục giảm dần; các sông từ Thanh Hóa đến Hà Tĩnh có khả năng thấp hơn trung bình nhiều năm từ 30-60%; các sông từ Quảng Bình đến Bình Thuận và khu vực Tây Nguyên thấp hơn từ 40-65%; riêng các sông ở Khánh Hòa và Ninh Thuận thấp hơn 80-90%,…
Tại đồng bằng sông Cửu Long, trong tháng 4, lưu lượng thượng nguồn sông Mekong đổ về đây có khả năng được duy trì và tương đương tháng 3 vừa qua, riêng vùng bán đảo Cà Mau – Kiên Giang được dự đoán có độ mặn cao nhất năm xuất hiện vào cuối tháng 4 – đầu tháng 5/2016.
Hòa An
Xem thêm:
0 nhận xét:
Đăng nhận xét