Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2016

Xung quanh việc mua trực thăng chữa cháy 1.000 tỷ/chiếc

Báo chí trong nước vừa đưa tin Sài Gòn dự định sắm trực thăng chữa cháy, chi phí lên đến 1.000 tỷ/chiếc, thực hư xung quanh chuyện này ra sao?

Cảnh sát PCCC Sài Gòn nói về việc mua trực thăng chữa cháy

Báo Người Lao Động đưa tin vào ngày 8/4, Cảnh sát PCCC Sài Gòn tổ chức buổi họp báo định kỳ quý I/2016.

Qua đó, Đại tá Trần Thanh Châu – phó giám đốc Cảnh sát PCCC Sài Gòn cho biết đã có kế hoạch mua trực thăng chữa cháy, kế hoạch đã được trình lên Hội đồng nhân dân TP để xem xét. Ông Châu cũng cho báo Người Lao Động biết: “Giá của mỗi chiếc trực thăng chữa cháy lên đến 1.000 tỷ đồng. Việc trang bị trực thăng chữa cháy đáp ứng nhu cầu trong công tác dập lửa ở các nhà cao tầng, khu vực khó dập lửa”.

Theo báo cáo của Cảnh sát PCCC Sài Gòn thì trong 3 tháng quý 1/2016, thành phố đã có gần 1.000 vụ việc liên quan đến cháy nổ.

Tuy nhiên sau đó, khi trả lời báo Pháp Luật TP.HCM, Đại tá Lê Tấn Bửu – giám đốc Cảnh sát PCCC Sài Gòn cho rằng chưa trình mua trực thăng chữa cháy nhưng việc mua là cần thiết, ông nói: “Chúng tôi chưa trình nhưng chúng tôi thấy cần thiết mua máy bay trực thăng chữa cháy. Bởi vì TP.HCM là một đô thị đặc biệt, có rừng, có nhiều nhà cao tầng, nhiều khu dân cư với nguy cơ cháy cao. Máy bay trực thăng sẽ phát huy hiệu quả trong cứu nạn, cứu hộ nhà cao tầng, nhà trong hẻm sâu hoặc chữa cháy rừng”.

Trước việc người dân quan tâm tới chi phí mua trực thăng lên đến 1.000 tỷ/chiếc, ông Bửu cho rằng không phải thế, ông nói cụ thể trên báo Pháp Luật TP.HCM rằng: “Tôi xin khẳng định không ai nói 1.000 tỉ đồng/chiếc. Mỗi loại máy bay trực thăng tùy theo số lượng chỗ như thế nào sẽ có giá khác nhau. Người ta chào giá là một chuyện nhưng chúng tôi chưa báo cáo đầu tư, chưa có báo cáo đề xuất bằng văn bản nên cũng chưa biết giá trị mỗi chiếc máy bay như thế nào”.

Báo Đất Việt cũng dẫn lời ông Bửu cho rằng phát ngôn của đại tá Trần Thanh Châu – Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC với báo chí về việc trình lên Hội đồng nhân dân TP kế hoạch mua trực thăng chữa cháy là do một số phóng viên ngộ nhận, đưa tin chưa chính xác: “Tôi xin khẳng định lại, hiện nay chúng tôi chưa có đề xuất, nhưng quy định thông tư thì có. Trong việc của anh Châu phát biểu, đó là do một số phóng viên ngộ nhận. Khi đó anh Châu nói rằng, nếu bây giờ mà trang bị máy bay trực thăng thì phải có cả nghìn tỷ thì mới đạt hiệu quả, phải tính toán tới vấn đề đào tạo, bảo trì bảo dưỡng, hoạt động lái như thế nào… Anh Châu cũng phân tích những cái đó. Tất cả chỉ dừng lại ở nghiên cứu chủ trương thôi, chưa có gì cả”.

Tuy nhiên trả lời trên Báo Đất Việt, ông Trần Thanh Châu khẳng định: “Tôi đã trả lời hôm đó rồi. Đề xuất rồi nhưng mà chưa duyệt, chưa có dự án. Đấy là dự án quy hoạch ngành của lực lượng PCCC. Giải quyết việc cứu nạn, cứu hộ, chữa cháy nhà cao tầng thì ai chả muốn nhưng mà bây giờ còn vấn đề về kinh phí”.

Cảnh sát PCCC Hà Nội nói về kế hoạch mua trực thăng chữa cháy

Ở Hà Nội, trong cuộc họp với báo chí vào chiều ngày 12/4, Thiếu tướng Hoàng Quốc Định – Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội phát biểu rằng, hiện tại thành phố chưa xem xét đến việc mua trực thăng chữa cháy do kinh tế khó khăn và hạ tầng chưa đáp ứng được.

Số vụ việc liên quan đến cháy nổ ở Hà Nội cũng tương tự như Sài Gòn khi trong 3 tháng quý 1/2016, thành phố có khoảng 1.000 vụ việc liên qua đến cháy nổ.

Các chuyên gia đánh giá về kế hoạch mua trực thăng chữa cháy

Các chuyên gia trong nước đều cho rằng việc mua trựa thăng chữa cháy là không khả thi.

Thông tin trên Báo Đất Việt, đại tá Nguyễn Thế Từ  – Nguyên Trưởng phòng đào tạo trường ĐH PCCC cho biết: “Các nước trên thế giới chủ yếu dùng những loại máy bay trực thăng cho cứu hộ cứu nạn, chữa cháy rừng là chính. Vì làm gì có nước để máy bay phun vào trong nhà được. Cháy nhà cao tầng thường là dùng trực thăng để cứu người, đặc biệt là ở trên sân thượng thôi. Còn những khu vực lưng chừng khác cũng không thể vào được.

Ngay như ở Úc hay Indonesia họ có trực thăng chữa cháy loại cực lớn chở được 4 – 5 m3 nước nhưng chủ yếu là chữa cháy rừng và đám cháy ngoài trời, cháy nhà khu dân cư thấp tầng. Chứ mà để chữa cháy nhà cao tầng thì chả nước nào người ta dùng trực thăng cả. Như thế không có tác dụng”.

Trên thế giới trực thăng dùng để chữa cháy rừng là chính. Ảnh helicopterservice.com.auTrên thế giới, trực thăng dùng để chữa cháy rừng là chính. (Ảnh: helicopterservice.com.au)

Ông Từ cũng cho rằng ở Sài Gòn nên dùng phương tiện chữa cháy tại chỗ và xe chữa cháy mini sẽ hiệu quả hơn. Ông cũng cho biết nếu mua trực thăng chữa cháy thì cần xem xét cẩn thận xem có sử dụng hết hiệu quả tính năng của máy bay không, nếu không sẽ rất lãng phí.

Đại tá, PGS. TS. Ngô Văn Xiêm – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học PCCC nói trên báo Đất Việt rằng: Các nước khi dùng trực thăng chữa cháy là cần sử dụng đồng bộ với các phương tiện khác, có sự hỗ trợ của lực lượng PCCC có chuyên môn cao, cũng như khả năng khai thác và bảo quản. Ông Xiêm cho rằng chúng ta thiếu và yếu về mọi mặt nên khó sử dụng hiệu quả trực thăng chữa cháy.

Ông Xiêm bày tỏ rằng, bỏ 1.000 tỷ cho 1 trực thăng chữa cháy là quá lãng phí, trong khi đó nếu số tiền đó để nâng cấp và trang bị thêm các phương tiện khác sẽ tốt hơn. Ông chia sẻ ý kiến: Chúng ta bỏ ra một khoản tiền lớn 1.000 tỷ đồng để mua một chiếc trực thăng nhưng phải xét về hiệu quả kinh tế. Trước đây TP.HCM cũng mua xe thang cao 72m dùng để chữa cháy nhưng hơn 10 năm nay có khai thác, sử dụng được đâu. Như vậy rất lãng phí”.

Cũng thông tin trên Báo Đất Việt, trước ý kiến của các chuyên gia về vấn đề dùng trực thăng chữa cháy, ông Lê Tấn Bửu – giám đốc Cảnh sát PCCC Sài Gòn cũng đồng tình với các ý kiến này, ông nêu quan điểm: “Tôi rất đồng tình với ý kiến của một số nhà khoa học. Theo nghiên cứu mà tôi thấy, trong điều kiện hiện nay khi mà chữa cháy ở các nhà cao tầng thì khu vực cháy ở bên trong, cho nên việc tổ chức chữa cháy để dập lửa từ bên trong bằng các loại máy bay trực thăng, thì bằng mắt thường mình cũng thấy cái đó là cũng khó có hiệu quả rồi. Ví dụ tổ chức cứu hộ, cứu nạn các nhà cao tầng trên cao thì cái này rất là thích hợp”.

Ông Bửu cũng cho rằng cần phải sử dụng các phương tiện chữa cháy mini trong điều kiện thành phố có nhiều ngõ sâu và hẻm.

Vậy các nước tiên tiến trên thế giới dùng cách gì nhằm đạt hiệu quả cao trong chữa cháy?

Robot chữa cháy

Thực tiễn trên thế giới cho thấy việc sử dụng các robot chữa cháy đạt hiệu quả cao, robot có thể đến được bất kỳ nơi nguy hiểm nào mà con người không thể vào được.

Ngoài việc tận dụng các công cụ chữa cháy mini, Việt Nam có thể nhập khẩu robot chữa cháy, chi phí cho các robot này cũng không cao nhưng hiệu quả khá tốt.

Đầu năm 2015, Sài Gòn đã sử dụng 12 xe chữa cháy với công nghệ hiện đại mua từ Pháp, trong đó có 3 xe robot.

robot-chua-chay-1Xe chữa cháy robot đầu tiên tại Việt Nam. (Ảnh: An Nhơn/vnexpress.net)

Tuy nhiên, đây là các xe robot loại lớn, cần sử dụng thêm các robot loại nhỏ để dễ dàng tiếp cận nơi hỏa hoạn, đến những chỗ nguy hiểm mà con người không thể đến được.

robot-chua-chay-3Robot Octavia của Mỹ có thể đi xuyên qua các đám cháy, dập tắt lửa bằng nước hoặc khí. Robot này được trang bị camera hồng ngoại. (Ảnh: Wired.com) robot-chua-chay-2Robot chữa cháy Thermite của Mỹ có thể bơm 2.000 lít nước mỗi phút, người điều khiển có thể cách xa 400m. Thiết kế vành lăn kép cho phép robot đi vào khu vực có địa hình khó di chuyển và nguy hiểm, tiến gần ngọn lửa hơn, chi phí thấp hơn nhiều so với một xe chữa cháy thông thường. (Ảnh: technabob.com)

Ngọn Hải Đăng tổng hợp

TRÂN TRỌNG THÔNG BÁO: Thời báo Đại Kỷ Nguyên nay đã có ứng dụng đọc báo tiện lợi với tốc độ nhanh trên di động. Mời quý độc giả tải ứng dụng theo đường dẫn sau: Android | IOS

Xem thêm:

0 nhận xét:

Đăng nhận xét